Lê Nguyên Hồng Gửi cho BBC từ Sydney
10:51 GMT - thứ hai, 15 tháng 9, 2014
"Có vẻ như nhà cầm quyền hiện nay ở Việt Nam đang dùng truyền thông báo chí cố vẽ ra bộ mặt xấu xí của các hội đoàn trong xã hội dân sự tự do"
Chỉ riêng trong khoảng từ cuối năm 2013 đến nay, tại Việt Nam đã có hàng loạt các tổ chức dân sự tự do được hình thành.
Hiện tượng này đã thu hút được sự chú ý đặc biệt của dư luận trong và ngoài nước.
Đã có nhiều lời biểu dương tán tụng sự góp mặt của các tổ chức đó trong các sinh hoạt chính trị xã hội tại Việt Nam, nhưng cũng có cả những chê trách, thị phi, ví dụ điển hình nhất là sau những chuyện “cơm không lành, canh chẳng ngọt” trong Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam.
Vai trò của các tổ chức dân sự
Thông thường, các tổ chức dân sự vốn hoạt động trong lĩnh vực công. Nhưng nằm bên ngoài các hoạt động của nhà nước, nó đóng vai trò cốt tủy của xã hội dân sự.
Xã hội dân sự là nơi các công dân cùng nhau theo đuổi sự phát triển chung của một lĩnh vực nào đó trong cộng đồng.
Họ sinh hoạt bình đẳng với nhau, cùng nhau thảo luận và bàn bạc để tìm ra cách thức tổ chức và phát triển cộng đồng, họ bày tỏ các mối quan tâm về tư tưởng tôn giáo, chính trị, kinh tế, trao đổi thông tin, thực hiện các mục tiêu nhằm bảo vệ các lợi ích chung…
Hoạt động của các tổ chức dân sự phi chính phủ góp phần thúc đẩy xã hội phát triển cân bằng về chính trị, văn hóa, tư tưởng, thắt chặt quan hệ giữa người với người…
Đặc biệt, vì là những tổ chức có nhiều người tham gia (số lượng thường không hạn chế) cho nên tiếng nói của các tổ chức, hội đoàn trong xã hội dân sự có sức mạnh tác động đến chính sách vận hành đất nước của nhà cầm quyền trong một quốc gia.
Vậy xã hội dân sự góp phần quan trọng (không thể thiếu) bổ khuyết cho dân chủ, và thực thi công lý.
Tuy nhiên, biết được tầm quan trọng của các tổ chức, hội đoàn dân sự, nhà cầm quyền độc tài bao giờ cũng tìm cách khuynh loát, bí mật hoặc công khai điều khiển các tổ chức dân sự tự do.
"Ở VN hiện nay hàng trăm hội đoàn đều nằm trong sự quản lý của cái gọi là Mặt trận Tổ quốc"
Ở Việt Nam hiện nay đang có hàng trăm các hội đoàn, nhưng tất cả đều nằm trong sự quản lý của cái gọi là Mặt trận Tổ quốc, và bị giam lỏng trong "Nghị Định về tổ chức hoạt động và quản lý hội" (Sắc lệnh102/SL/L004 ngày 20/5/1957, văn bản mới nhất số TT-BNV 03/2013 NĐ-CP).
Các tổ chức như Công đoàn, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Bảo vệ Bà mẹ Trẻ em, Hội Nghề cá vv.., vị trí chủ tịch hội đều là do các đảng viên cốt cán của Đảng Cộng sản nắm giữ.
Các hội đoàn vì vậy đều hoạt động theo sự chỉ đạo và sự kiểm soát gắt gao của nhà cầm quyền.
Vì tình trạng trên, việc ra đời của các tổ chức dân sự tự do nằm ngoài vòng kiểm soát của chế độ, đã là một bước đột phá quan trọng, nhằm cân bằng sự phát triển của xã hội nói chung và tạo nền móng cho một xã hội dân sự đúng nghĩa.
Tuy nhiên, giống như một em bé tập đi, các tổ chức dân sự mới hình thành tại Việt Nam sẽ có những chuệch choạc, xáo trộn, thiếu thống nhất, thiếu kinh nghiệm tổ chức là điều dễ hiểu, mà câu chuyện khá ồn ào của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam vừa qua giữa một số thành viên chủ chốt với nhau là ví dụ điển hình.
Thách thức
Bên cạnh đó, người ta không thể bỏ qua một yếu tố hết sức quan trọng, đó là sự phá hoại của chế độ độc tài, mặc dù trước áp lực quốc tế, nhà nước cộng sản không thể cấm việc thành lập các hội đoàn tự do.
Vì vậy, để ngăn chặn sự lớn mạnh của các tổ chức xã hội dân sự họ chỉ còn cách ngầm thao túng, lũng đoạn, gây bè phái chia rẽ, và làm suy yếu các tổ chức đó ngay từ lúc nó còn đang non yếu.
Những ngày còn hoạt động tại Sài Gòn, Việt Nam, người viết bài này còn nhớ rõ vào khoảng tháng 04/2008, trong một cuộc thẩm vấn của công an an ninh (TP HCM) Sài Gòn, một viên trung tá có nói: “Các anh cứ thành lập đảng đi, chúng tôi sẽ cho nhiều người của chúng tôi tham gia, sau đó chúng tôi sẽ bầu cử công khai để hạ bệ các anh xuống”.
"Trong một tổ chức dân sự cụ thể, việc ai đó tham gia các hội đoàn này là tự do, do đó sẽ vô cùng đơn giản nếu nhà cầm quyền muốn đưa người của họ vào để gây rối. Vì vậy, một thực tế mà các nhà tổ chức lập hội phải đối mặt đó là, có thể có sự hiện diện của công an an ninh trong chính các tổ chức dân sự đó"
Trong một tổ chức dân sự cụ thể, việc ai đó tham gia các hội đoàn này là tự do, do đó sẽ vô cùng đơn giản nếu nhà cầm quyền muốn đưa người của họ vào để gây rối. Vì vậy, một thực tế mà các nhà tổ chức lập hội phải đối mặt đó là, có thể có sự hiện diện của công an an ninh trong chính các tổ chức dân sự đó, nhất là đối với các tổ chức có khả năng (đúng hơn là tiềm năng) định hướng dư luận như Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam.
Tuy không chính thức công nhận các hội đoàn dân sự tự do hiện nay ở Việt Nam bằng văn bản, nhưng chế độ cầm quyền đang buộc phải làm lơ trước sự ra đời của hàng loạt các hội đoàn.
Đây chính mối nguy hiểm tiềm tàng với họ ngay cả khi họ đã cài cắm được người vào các tổ chức dân sự đó, một khi chính những nhân sự đó nhận thức được ra là mình đang làm một công việc không trong sáng!
Cách nay chỉ khoảng dăm năm, người ta e ngại, thậm chí sợ hãi khi nhắc đến các cụm từ “tự do”, “dân chủ”, “cộng sản”, “độc tài”.., thì ngày nay việc chấp nhận cho ra đời các hội đoàn độc lập đã là một bước lùi đáng kể của nhà cầm quyền. Và tất nhiên, đó hiển nhiên là một bước tiến của dân chủ.
Có vẻ như nhà cầm quyền hiện nay ở Việt Nam đang dùng truyền thông báo chí cố vẽ ra bộ mặt xấu xí của các hội đoàn trong xã hội dân sự tự do, nhằm ngăn cản người dân tham gia: Nào là hoạt động vì tiền hải ngoại, nào là hải ngoại giật dây, nào là tranh đua quyền lực, thậm chí ghen ăn tức ở.., nhưng chắc chắn công luận luôn biết gạn đục khơi trong và sẽ nhìn ra ngọn ngành tất cả!
Ở khía cạnh tinh thần, nếu người ta sớm thỏa mãn với việc ra đời của những hội đoàn dân sự tự do ví dụ như Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam thì quả thật là họ đã tự tin quá mức. Con đường trước mặt của xã hội dân sự Việt Nam sẽ còn nhiều khó khăn vất vả…
Mặt khác, các tổ chức dân sự tự do cũng buộc phải chấp nhận quy luật đào thải, giống như việc hình thành các công ty.
Hàng năm mỗi quốc gia có thể xuất hiện hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn công ty mới đủ loại…., nhưng cũng có thể có con số tương đương các công ty khác phải tuyên bố phá sản.
Dẫu vậy, người ta vẫn hoàn toàn có thể tin rằng: Không một thế lực nào có thể cưỡng lại sự phát triển đi lên của xã hội dân sự!
Bài viết thể hiện quan điểm và cách hành văn của tác giả, hiện đang sống tại Sydney, Australia.
No comments:
Post a Comment