Monday, September 15, 2014

Điểm danh Thái thú và Hải Ngoại muốn biết

Giáo Già (Danlambao) - Ông Hồ Xuân Hoa, người lãnh đạo tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc đã gửi cho Bộ Ngoại giao Việt Nam một bản danh mục ‘Các việc cần làm’, sau chuyến thăm Việt Nam hồi tháng Tư. Đáng lẽ đây là các công việc mà Bí thư tỉnh ủy Hồ Xuân Hoa dùng chỉ thị cho công chức thuộc quyền của mình; nhưng nó lại được gởi cho Bộ Ngoại giao CSVN để nơi này chuyển tiếp cho các nơi có trách nhiệm ở VN thi hành, nói là: “Để triển khai tốt các chương trình hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương ở VN với tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc”.


Nhưng, Bộ Ngoại giao CSVN lại “xin chuyển nó đến các cơ quan ở VN để tham khảo, đưa vào chương trình hợp tác của các cơ quan này với tỉnh Quảng Đông,”như công văn số 1832/BNG đề ngày 3/6 năm 2014, được Thứ trưởng Ngoại giao CSVN Hồ Xuân Sơn ký gởi đi các nơi, trong đó có 16 'việc cần làm' như “xúc tiến các chuyến công du Quảng Đông của Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị và Bí thư Thành ủy Sài gòn Lê Thanh Hải”, là 2 người mà Hồ Xuân Hoa đã gặp trong chuyến đi này.

Trong 16 'việc cần làm' còn có kế hoạch đề ra là “Quảng Đông sẽ giúp đào tạo 300 cán bộ cho phía Việt Nam trong 5 năm”, trong đó Hà Nội và Sài Gòn mỗi nơi có 100 cán bộ, còn 100 người còn lại đến từ các tỉnh thành có quan hệ chặt chẽ với Quảng Đông như Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Ninh và Quảng Nam. Như vậy là “Quảng Đông có kế hoạch huấn luyện cán bộ CSVN thành những cán bộ CS Trung Quốc góp phần cai trị đất nước VN, khi VN chánh thức biến thành thuộc địa của Trung quốc.

Được biết vài ngày sau khi Trung Quốc đưa giàn khoan 981 hoạt động ở biển Viêt Nam, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã ngỏ lời mời Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao CSVN Phạm Bình Minh đến thăm Hoa Kỳ; và chuyến đi sẽ diễn ra vào cuối tháng Chín. Nhưng, Bộ Chánh trị CSVN đã không cho Minh đi vì sợ Bắc Kinh nổi giận; cho dầu Phạm Bình Minh là người đã từng làm ngoại giao ở Anh, Mỹ và Liên Hiệp Quốc. Thay vào đó chúng lén lút chỉ thị cho Ủy viên Bộ Chánh trị Phạm Quang Nghị đi thế; vì Nghị đã từng là Phó Trưởng ban của Ban Văn hóa Tư tưởng Trung ương (Ban Tuyên giáo Trung ương hiện thời), nơi tập hợp những cái đầu thủ cựu, hẹp hòi, thân Tàu nhất trong Đảng.

Do vậy, các quan sát viên đều thấy chuyến đi của Phạm Quang Nghị tới Mỹ rất lạ. Nó càng lạ hơn khi thấy mặc dầu Nghị đã có mặt và làm việc ở Mỹ từ hôm 21/7, nhưng mãi hơn 2 ngày sau, báo chí trong nước mới đưa tin; và cho tới 1h sáng ngày 24/7, không có một bài báo nào ở Mỹ loan tin.

Mặt khác, nhìn qua danh sách những nhân vật tiếp đón Phạm Quang Nghị ở Mỹ, người có vị thế cao nhứt là Thượng Nghị sĩ McCain. Có điều cũng đáng quan tâm là trong khi gặp ông McCain Nghị phải cầm tờ giấy viết sẵn các lời Bộ Chánh trị dặn Nghị phải nói; để Nghị đừng có những phát biểu ngả nghiêng chao đảo, đi ra ngoài lập trường của những thái thú gia nô Tàu cộng. 

Trước đó, Dương Khiết Trì, ủy viên Quốc vụ viện Trung cộng, đã được phái đến Hà Nội, ngày 18-6-2014, để khuyến cáo các ông Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Tấn Dũng và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trường Ngọai giao Phạm Bình Minh [xem hình từ trái: Dương Khiết Trì, Phạm Bình Minh] về hoạt động của giàn khoan HD 981 mà họ Dương nói “hòan tòan nằm trong vùng biển thuộc chủ quyền của Trung Quốc”. Dịp này, Tân Hoa Xã [hãng tin chính thức của Trung Cộng] đã đưa ra “lịnh 4 không” buộc CSVN phải làm, coi như một “cơ hội cho Việt Nam tự chế trước khi quá muộn.” Đó là:

1. Không được đánh giá thấp quyết tâm và năng lực bảo vệ chủ quyền của Trung quốc với các đảo trên Nam Hải (Biển Đông);

2. Không được sử dụng các tư liệu mà Việt Nam tự nhận là “tư liệu lịch sử” để gây hiểu lầm cho cộng đồng quốc tế và dư luận Việt Nam về chủ quyền ở Tây Sa, Nam Sa (Hoàng Sa, Trường Sa);

3. Không được lôi kéo các nước khác can thiệp vào Nam Hải (Biển Đông);

4. Không được phá bỏ mối quan hệ Việt-Trung sau 20 năm bình thường hóa quan hệ.

Đã vậy, tại cuộc họp với Phạm Bình Minh, Dương Trì còn trâng tráo nói: 

“Đối với vấn đề trên biển hiện nay, hai bên cần phải xuất phát từ đại cục gìn giữ quan hệ giữa hai Đảng và hai nước, tránh mở rộng, làm phức tạp và quốc tế hoá vấn đề liên quan. Điều bức xúc nhất hiện nay là Việt Nam cần phải đình chỉ quấy nhiễu đối với sự tác nghiệp của Trung quốc, đình chỉ thổi phồng bất đồng, gây ra tranh chấp mới, xử lý và khắc phục tốt hậu quả vụ bạo lực đánh đập, cướp bóc và thiêu đốt xảy ra tại Việt Nam cách đây không lâu, đồng thời bảo đảm an toàn cho các cơ quan, doanh nghiệp và nhân viên Trung quốc tại Việt Nam. Mong Việt Nam xuất phát từ đại cục, cùng với Trung quốc hành động theo một hướng, thúc đẩy quan hệ Trung-Việt khắc phục khó khăn, tiếp tục phát triển lên phía trước theo quỹ đạo đúng đắn.”

Không được Bộ Chánh trị cho đi Mỹ, nhưng Phạm Bình Minh lại được cử đi tham dự hai sự kiện ở Quảng Tây nhằm thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và Trung quốc. Đó là Hội chợ triển lãm ASEAN-Trung Quốc (CAEXPO) và Hội nghị thượng đỉnh đầu tư-thương mại ASEAN-Trung Quốc (CABIS) tại thành phố Nam Ninh, từ 14 đến 16/9; nhằm thể hiện “chính sách nhất quán của Việt Nam là coi trọng quan hệ láng giềng với Trung quốc, thúc đẩy hợp tác, duy trì tiếp xúc giữa lãnh đạo hai nước, khôi phục các mặt hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại”.

Còn nhớ, sau nhiều lần Tổng bí thư Việt cộng Nguyễn Phú Trọng cầu xin nhưng không được Tổng bí thư Trung cộng Tập Cận Bình tiếp, nên cuối tháng Tám, Bộ Chánh trị CSVN đã chỉ đạo cho Đại tướng công an Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban bí thư, làm Đặc phái viên cho Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, lên đường đi Bắc Kinh, nhằm “duy trì quan hệ Việt Nam-Trung quốc, hòa bình và ổn định ở Biển Đông”. Từ đó, chuyến đi của Lê Hồng Anh là sự“khẳng định sự thuần phục của triều đình Hà Nội trước Bắc Kinh”, như nhận xét của nhà báo Roger Mitton viết trên Times Myamar. Do vậy, nó cũng là hành động được coi là để Tập Cận Bình điểm danh các Thái thú, xem những ai còn là gia nô của Trung cộng, giữa lúc Biển Đông dậy song, và có quá nhiều tin đồn về sự chao đảo của một số không nhỏ trong hàng ngũ lãnh đạo Bộ Chánh trị và Trung ương Đảng CSVN.

Đúng vậy, một bài viết của David Brown [người đã trở lại làm việc ở Việt Nam trong những dự án giáo dục, bảo tồn môi trường trong những năm 2005-2010 và hiện vẫn thường xuyên đi lại giữa Việt Nam và Mỹ...] đăng trên http://dcvonline.net, ngày 12-9-2014, bản dịch của Trà Mi, cho biết:

“…Vào cuối tháng Bẩy, 2014, tin đồn đã tràn ngập Việt Nam rằng Bộ Chính trị của đảng CSVN đã bỏ phiếu 9-5 ủng hộ việc “đứng lên chống lại Trung quốc”. Cũng có tin cho rằng một phiên họp bất thường của 200 thành viên Ban chấp hành Trung ương Đảng sẽ họp để xem xét và xác nhận thái độ mới của Bộ Chính trị. Những tin đồn trên có thể chỉ đơn giản là phản ảnh những mơ tưởng của quần chúng đến nay đã sẵn sàng đối đầu với Trung quốc hơn so với giới lãnh đạo của đảng CSVN. Bắc Kinh và Hà Nội vẫn là bạn bè theo quy ước; Lê Hồng Anh, Bộ trưởng Bộ Công An của Việt Nam và là người tích cực thuộc phe thân Trung quốc, đã được đón tiếp một cách tương xứng ở Bắc Kinh hồi giữa tháng Tám, và không còn nghi ngờ gì, cũng đã bị Trung quốc cảnh cáo về những khuynh hướng nhằm chống lại Trung quốc trong đảng CSVN. Mặc dù vậy, rất có thể Việt Nam sẽ sớm đi hai bước có thể thay đổi cục diện.

Thứ nhất, Việt Nam sẽ có thể thách thức Trung quốc ở tòa án quốc tế, đi đến một phán quyết cho rằng tuyên bố khẳng định về “chủ quyền lịch sử” của Bắc Kinh trên gần như toàn bộ Biển Đông là bất hợp pháp và chiến thuật của Trung quốc là bất khả chấp thuận. Hà Nội đã cứu xét một chiến thuật như vậy từ năm ngoái, khi Philippines mời Việt Nam tham gia cùng đi kiện Trung quốc tại Tòa án Luật Biển của Liên Hiệp Quốc. Hà Nội lại quyết định không tham gia với Philippines lúc đó. Nhưng vào ngày 14 tháng Năm, hai tuần sau khi Bắc Kinh đưa giàn khoan 981 vào vùng EEZ của Việt Nam, Thủ tướng CHXHCN Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng nói với newswires rằng chính phủ của ông đang dự tính có hành động pháp lý. Vào cuối tháng Bẩy 2014, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh đã triệu tập một cuộc hội thảo cao cấp theo yêu cầu của Chính phủ để đưa ra những đề nghị những chiến lược pháp lý.

Thứ hai, Việt Nam có thể tiến tới một mối quan hệ thân mật hơn về ngoại giao và quân sự với Hoa Kỳ – không phải là một liên minh chính thức nhưng một quan hệ đối tác dựa trên lợi ích chung trong việc ngăn chặn quyền bá chủ của Trung quốc ở Biển Đông. Phạm Bình Minh, Bộ trưởng ngoại giao của Việt Nam và là một trong bốn phó thủ tướng chính phủ, sẽ là nhân vật trung tâm trong các nỗ lực nêu trên. Vài ngày sau khi Trung quốc đưa giàn khoan 981 hoạt động ở biển Viêt Nam, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry mời Bộ trưởng Minh đến thăm Washington. Chuyến đi sẽ diễn ra vào cuối tháng Chín.

Trước chuyến đi của Minh, Evan Medeiros, Giám đốc cấp cao về các vấn đề châu Á của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, đã yên lặng đến thăm Hà Nội vào cuối tháng Bảy. Ngay sau Medeiros, Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain và Sheldon Whitehouse đã đến Việt Nam, và hai tuần sau đó Đại tướng Martin Dempsey Tổng tham mưu Liên quân Hoa Kỳ đã có chuyến thăm bốn ngày ở Hà Nội được giới truyền thông Việt Nam đưa tin rộng rãi. Cả hai ông McCain và Dempsey đều đã ngỏ ý rõ ràng rằng đã sẵn sàng để bỏ việc cấm vận về mặt chuyển giao vũ khí gây chết người cho quân đội Việt Nam. Cả hai cũng đề cập đến sự cần thiết phải tăng cường “nhận thức về lĩnh vực hàng hải” của Việt Nam…”

Nhưng, trọng lượng của những tin đồn được David Brown nói tới đó đâu có bằng sức nặng của thực tế những lời Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng “kêu gọi sự ủng hộ của các nước ASEAN tại hội nghị thượng đỉnh ở Miến Ðiện”, tuyên bố hùng hồn tại Phillipines rằng “không đánh đổi chủ quyền lấy hữu nghị viển vông”và “hoan nghênh chính phủ Mỹ phê phán Trung quốc cố tình làm căng thẳng tình hình trên Biển Ðông”…; đặc biệt là câu nói tại phiên họp của Chính phủ ngày 16-07-2014 rằng: “Việt Nam luôn kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc bằng sức mạnh tổng hợp và các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế”… Nhưng, lại thêm một chữ nhưng, tất cả chỉ là những con số không, chỉ là chuyện giễu dở của tên “hề chánh trị” tham danh, ham quyền, hám bạc… chuyên nói dóc, kể từ khi hắn nhận chức Thủ tướng ngày 27-06-2006 và mạnh miệng nói “sẽ từ chức nếu không dẹp được tham nhũng”; để rồi chẳng những không dẹp lại còn dùng tham nhũng làm phương tiện ban phát quyền danh cho “đàn em”, củng cố thế lực “mafia”, lũng đoạn cả trung ương đảng, vượt qua mọi chướng ngại trên đường “tiến thân” của cả gia đình…

Hệ quả là Phạm Bình Minh chẳng những không được đi Mỹ lại còn bị đưa đi Quảng Tây để trắc nghiệm lòng trung thành với Bắc Kinh; Lê Hồng Anh bị đưa đi gặp Tập Cận Bình để làm cuộc điểm danh thái thú gia nô; và Chủ tịch Nhà nước Trương Tấn Sang [xem hình] thì, gần đây, trong một buổi gặp mặt cử tri Sài Gòn, đã hớn hở đi bằng đầu gối tiết lộ rằng: “ta khỏi lo gì về kinh tế khó khăn, nợ công chồng chất, các đồng chí Trung quốc vừa mới hứa khi cần sẽ cho ta một khoản cho vay ưu đãi ODA lên đến 20 tỷ đô la, và còn có thể giúp một gói đầu tư cực lớn FDI lên đến 100 tỷ đô la” [theo lời kể của Phó Đô đốc Lê Kế Lâm, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu của Hải quân CSVN, hiện về hưu sống tại Sài Gòn và có mặt trong buổi gặp đó]. 

Cho tới nay, chưa có ai biết rõ có bao nhiêu người lãnh đạo CSVN chao đảo bước ra ngoài vòng tròn đỏ kiên cố của Trung cộng; nhưng, qua những sự kiện ghi nhận được bên trên, chắc Tập Cận Bình đã điểm danh được những thái thú trung thành với Bắc Kinh để tiếp tục có những gì chúng muốn: một chế độ ngoan ngoản hơn cả tay sai, gồm những lãnh đạo lo giữ ghế hơn lo giữ nước trong tổng số 16 Ủy viên Bộ Chính trị, tiếp tục có một lãnh thổ cho chúng tha hồ tung hoành, và đang từng bước trở thành thuộc quốc; tức tiếp tục tiến hành dã tâm đô hộ VN. 

Điều bất hạnh cho dân tộc VN, trong đại họa mất nước, là nếu bài học của Putin ở Ucraina có khiến Tập Cận Bình chùng tay, xúc tiến đô hộ VN bằng bạo lực quân sự, thì nó cũng khiến họ Tập đẩy mạnh hơn nữa cuộc xâm lăng mềm, không tốn một viên đạn nào, mà Bắc Kinh đã được quá nhiều trên lãnh thổ Việt Nam. Chúng đang nắm trong tay những lĩnh vực quan trọng nhất của kinh tế Việt Nam, từ điện lực, khai thác khoáng sản, đến sản xuất hóa chất…

Chúng đang được tận dụng dễ dãi một thị trường gần 100 triệu dân để xuất khẩu hàng hóa rẻ tiền, độc hại... Chúng đang thuê 50 năm hàng trăm ngàn héc ta rừng đầu nguồn, mặc sức tự tung tự tác trong đó. Chính Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa mới tiếp tục đồng ý để Trung quốc làm tổng thầu xây dựng sân bay quốc tế Quảng Ninh và thi công đường cao tốc Ðà Nẵng-Quảng Ngãi!… Về số người được coi như quân số chưa cần cầm súng thì sau vụ bạo động ở Bình Dương, Hà Tỉnh... chỉ có 4 ngàn người được chở về nước để tránh “bài học Suharto” thì một đội quân gần 10,000 người được chuẩn bị xâm nhập với 10-15% chuyên gia và số còn lại núp dưới dạng lao động phổ thông. Đó là chưa kể vài chục ngàn người khác từ Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa đến Cao nguyên Trung phần…, nơi tiến sỹ Tô Văn Trường đã lên tiếng báo động: “Sau những vật nài xin ưu đãi nhiều thứ kể cả vốn đầu tư, thuế tài nguyên, môi trường… hai dự án bôxit Tây Nguyên (Tân Rai và Nhân Cơ) đã phải công khai thừa nhận từ nay đến năm 2020, Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) sẽ lỗ hàng nghìn tỉ đồng. Riêng Tân Rai năm 2013 lỗ hơn 258 tỉ đồng, Nhân Cơ còn nặng nề hơn, dự kiến 2015 sẽ lỗ hơn 671 tỷ đồng vv…; bên cạnh những tai họa hồ chứa “bùn đỏ” có thể bị vỡ gây nguy hiểm cho tính mạng và tài sản người dân ở hạ nguồn sông Đồng Nai…

Đúng là đại họa. Bất hạnh đã được chính người cán bộ VC Vũ Ngọc Hoàng [một cán bộ cao cấp của Ban Tuyên giáo trung ương] nhận diện: “Cách đây bốn, năm mươi năm, VN và Hàn Quốc có trình độ phát triển tương đương. Sau mấy mươi năm, tôi rà lại tư liệu thì thấy Hàn Quốc hiện có khoảng 90.000 người sống tại VN và VN cũng có 90.000 người sống ở Hàn Quốc. Chỉ khác nhau ở chỗ hầu hết người Hàn Quốc tại VN làm ông chủ, làm quản lý, còn người VN ở Hàn Quốc thì chủ yếu làm ôsin. Nghe mà xót lòng…”, nên CSVN chẳng còn chạy chối vào đâu được nữa. Nhưng dân tộc VN đâu đã bó tay. Việc “Chống Tàu Diệt Việt Cộng” đang từng bước tiến hành, từ quốc nội đến hải ngoại, với nhịp độ ngày càng mau hơn. Chỉ xin kể một chuyện nhỏ là tin vừa được truyền đi trên đài VOA ngày 5-9-2014 vừa qua cho biết: 

“Trong lúc tình cảm bài Trung dâng cao vì những vụ xích mích giữa Trung quốc với Việt Nam trong cuộc tranh chấp chủ quyền Biển Đông, mùa Trung Thu năm nay có ít nhà bán lẻ trữ đèn lồng và các sản phẩm khác của Trung quốc hơn so với mọi năm. Theo báo Asahi Shimbun của Nhật Bản, các sản phẩm Trung quốc đã được thay thế bằng các sản phẩm làm ở Việt Nam. Dân Việt Nam thường ăn Tết Trung Thu với những món như bánh Trung Thu và các loại đèn lồng Trung quốc. Nhưng năm nay, ít chủ tiệm nào bán các sản phẩm Trung quốc. Tết Trung Thu năm nay rơi vào ngày 8 tháng 9. Tờ Asahi Shimbun dẫn lời một người bán hàng, nói rằng chủ tiệm không tin là có thể bán các sản phẩm của Trung quốc, nên đã loại bỏ các loại sản phẩm này càng nhiều càng tốt…”

Song song với việc tẩy chay hàng Tàu, mà ai cũng biết là nhiều chuyện nhỏ sẽ chuyển thành chuyện lớn. Đồng thời, tiếp theo sau những tổ chức xã hội dân sự được thành hình, khiến CSVN lo sợ từng ngày, tìm các truy diệt, nhưng càng truy diệt càng có thêm những tổ chức trình làng. Từ đó, nỗi lo sợ từ trước của người dân coi như được chuyển mau sang cán bộ, công an… Việt cộng; đặc biệt là mới đây, sau một thời gian dài bị bưng bít thông tin, người dân Việt Nam hoàn toàn không biết hay không được biết nhiều về những quyết định liên quan đến sự sống còn của cả dân tộc, khiến mọi ý chí tranh đấu cho vận mạng tương lai của chính mình và của đất nước coi như bị tê liệt, nên chiến dịch "Chúng Tôi Muốn Biết" được Mạng lưới Blogger khởi động, thúc đẩy mỗi người dân bước ra khỏi bóng đen sợ hãi, giúp mỗi cá nhân đơn lẻ có thể đóng góp bằng những hành động nhỏ bé nhất, dễ dàng nhất, tương đối an toàn nhất, là bắt đầu đòi hỏi “Tôi Muốn Biết”, khởi sự từ ngày 2 tháng 9 năm 2014.

Tới nay, chiến dịch "Chúng Tôi Muốn Biết" đã có nhiều bước tiến khích lệ. Từ khắp mọi miền đất nước, mọi người đều thấy tiếp nối nhau xuất hiện hình ảnh những công dân Việt Nam với hàng chữ "Tôi muốn biết", "I want to know", "Chúng tôi muốn biết", "We want to know", "Được biết là quyền của công dân", "It's our right to know", cũng như nối tiếp nhau xuất hiện nhiều bài viết cổ vũ hay làm sáng tỏ chiến dịch, khiến nó trở thành một phong trào chung của tất cả mọi người.

Ngay từ bước đầu, Mạng Lưới Blogger Việt Nam đã tự xem mình là một phần tử nhỏ bé của tập hợp lên tiếng khẩn thiết mời gọi:

1. Các đoàn thể xã hội dân sự, các tổ chức tranh đấu cho nhân quyền hãy cùng nhau trực tiếp tham gia, lên tiếng, vận động nhiều đồng bào phổ biến thông điệp về Quyền Được Biết là một trong những quyền căn bản của con người và của công dân.

2. Các đảng viên đảng CSVN, các vị tướng lãnh, quân nhân quan tâm và đã gửi kiến nghị đến đảng Cộng sản yêu cầu công bố nội dung Hiệp ước Thành Đô và những hiệp ước khác liên quan đến chủ quyền quốc gia, hãy cùng chung sức đẩy mạnh mối quan tâm này thành hành động chung của mọi công dân Việt Nam.

3. Cùng nhau phát huy các sáng kiến độc đáo và đem ra thực hiện, để phong trào lan tỏa, ngày càng nhiều người tham gia; đồng thời chuẩn bị cho những kế hoạch loan truyền thông điệp Chúng Tôi Muốn Biết về những vấn nạn của đất nước đến với người dân trên đường phố.

…Để đến ngày 28 tháng 9 năm 2014 tới đây, đúng “Ngày Quốc Tế Quyền Được Biết”, cao điểm của chiến dịch, sẽ có hàng hàng lớp lớp người công khai, đường đường chính chính, đứng lên với dòng chữ "Tôi muốn biết", “Chúng tôi muốn biết”… sẽ là một thách đố đối với những thế lực đang cướp đi các quyền tự do của con người… “Ngoài chống giặc ngoại xâm, trong chống bọn bán nước”, giải quyết toàn vẹn “Đại Họa Mất Nước” của dân tộc Việt Nam.

Ngày 14 tháng 9 năm 2014



No comments:

Post a Comment