Ngày 22 tháng năm 2013 cảnh sát Trung Quốc đã tịch thu 213 bàn chân gấu cất dấu trong các vỏ bánh xe hơi trên xe của 2 công dân Nga ở Manzhuoli, khu vực Nội Mông của Trung Quốc. AFP
Gia Minh, biên tập viên RFA, Bangkok 2014-09-16
Nhu cầu của con người dùng các bộ phận động vật pha chế làm thuốc chữa bệnh, nấu nướng thành món ăn bổ dưỡng hay chế tác ra các sản phẩm mỹ nghệ … là nguyên nhân dẫn đến hoạt động săn bắt trái phép khiến nhiều loài động vật hoang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
Nhiều tổ chức bảo vệ động vật hoang dã cũng như cơ quan chức năng của các chính phủ trên thế giới lên tiếng kêu gọi và có những biện pháp ngăn chặn tình trạng săn bắt, buôn bán trái phép như thế. Tuy nhiên trong thực tế, những biện pháp như vậy chưa đạt được hiệu quả như mục tiêu đề ra.
Không chỉ động vật hoang dã mà cả động vật nuôi như chó mèo cũng đang bị săn lùng để đáp ứng nhu cầu của giới tìm món lạ ở Việt Nam.
Tập quán - thói quen
Chuyện ăn thịt mèo tại Việt Nam, dù không phải phổ biến khắp mọi vùng miền trên cả nước, nhưng hồi cuối tháng 7 vừa qua hãng thông tấn AFP của Pháp có bản tin loan rằng sở thích ăn thịt loài vật nuôi này khiến cho chúng đang gặp nguy.
Tương tự như chuyện chó nuôi bị trộm, khi nhu cầu ăn mèo tăng thì chủ nhân của những con miu cũng phải lo lắng vì không biết khi nào thì đến lượt họ phải chịu cảnh mất mèo. Nay người ta hiếm thấy mèo đi lang thang ngoài đường. Hầu hết chủ nuôi mèo đều giữ trong nhà hay có dây cột lại đế khỏi bị trộm mất.
AFP trích dẫn phát biểu của người tên Tô Văn Dũng, 35 tuổi, quản lý một nhà hàng ăn nằm cạnh một tiệm rửa xe ở trung tâm Hà Nội nói rằng nhiều người nay ăn thịt mèo và đây là một sở thích mới. Số người ăn này muốn thử cho biết.
Theo bản tin của AFP thì Việt Nam cấm ăn thịt mèo như là nổ lực khuyến khích dân chúng nuôi nhằm có thể đối phó với nạn chuột tại thủ đô. Tuy thế vẫn có hằng chục nhà hàng bán các món ăn thịt mèo ở Hà Nội.
Ông Dũng cũng cho AFP biết nguồn mèo mà nhà hàng của ông mua là từ những người buôn và cũng không cần biết xuất xứ của chúng từ đâu. Còn về chuyện luật pháp thì ông chưa hề gặp rắc rối nào cả.
Ngoài nguồn mèo từ trong nước, mèo còn được dân buôn nhập từ Thái Lan và Lào về bán lại cho các nhà hàng. Theo ông Dũng thì vào những ngày đắt, nhà hàng của ông phục vụ chừng 100 khách hàng.
Thực khách không nói họ ăn thịt mèo mà đặt tên văn hoa là ‘tiểu hổ’. Thường thịt mèo được ăn vào đầu tháng, trong khi đó thịt chó lại kiêng ăn vào những ngày mùng đầu tháng mà sau mùng 5 đến cuối tháng mới dùng.
Phóng viên AFP phỏng vấn một người có tên Nguyễn Đình Tuệ khi đang ăn miếng thịt mèo xào và người này nói rằng ở Mỹ ở Anh người ta không ăn thịt mèo nhưng ở Việt Nam thì ăn tuốt, thứ gì cũng ăn.
Việc làm thịt và chế biến mèo được AFP mô tả là mèo bị dìm nước cho chết, rồi đốt và cạo cho hết lông, sau đó được chặt ra rồi xào với tỏi.
AFP hỏi một người chuyên huấn luyện thú nuôi có tên Hoàng Ngọc Báu nói rằng xu hướng ăn thịt mèo xuất phát chủ yếu do hoàn cảnh. Người này cho rằng Việt Nam từng một thời rất nghèo khổ trong chiến tranh, và người ta ăn bất cứ con vật nào: côn trùng, chó, mèo, và cả chuột… Rồi từ đó thành thói quen.
Ông Báu cũng cho biết không ai nuôi chó, mèo để giết thịt cả, cho nên hầu như số đưa đến bán cho nhà hàng đều là bị bắt trộm.
Tuy vậy, một người khác cũng được AFP phỏng vấn có tên Lê Ngọc Thiện, đầu bếp chính tại một cửa hàng thịt mèo ở Hà Nội lại nói rằng ông ta có nuôi một con mèo và khi nó đủ lớn thì làm thịt và lại kiếm một con mèo con khác để nuôi.
Ông Thiện cho rằng số thực khách ngày càng tăng và theo ông thì thịt mèo ngọt và mềm hơn thịt chó.
Giá một con mèo từ 50 đến 70 đô la tùy theo trọng lượng và cách chế biến.
Ngoài chó, mèo bị thịt để ăn như vừa nêu, nhiều người dân tại Châu Á còn ăn tê tê. Đây là một loại động vật có vảy và ăn kiến. Tê tê được buôn nhiều vào Trung Quốc, Việt Nam. Thịt tê tê được cho là một món ăn sang trọng, trong khi đó vảy tê tê còn được cho là có thể chữa bệnh vảy nến và giúp lưu thông khí huyết.
Cũng theo hãng thông tấn AFP thì giới bảo tồn động vật hoang dã cho biết trong một thập niên qua có hơn 1 triệu con tê tê bị săn bắt tại Châu Á và Châu Phi.
Tổ chức quốc tế bảo vệ thiên nhiên IUCN hồi cuối tháng 7 cũng ra thông cáo cho biết tất cả 8 loài tê tê nay được liệt vào danh sách động vật có nguy cơ tuyệt chủng.
Nhiều chuyên gia bảo vệ động vật hoang dã cho rằng cuộc sống sung túc lên của một số thành phần tại Trung Quốc, Việt Nam cũng như một số quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á khiến nảy sinh nhu cầu tiêu thụ những động vật ngoại lai. Có một số động vật được nhập về để nuôi như vật cưng; nhưng số còn lại được tiêu thụ vì được cho là có công dụng làm thuốc trị bệnh hay bổ dương, cường lực; dù rằng những công dụng này không được chứng minh một cách khoa học.
Như vảy tê tê chủ yếu gồm chất keratin là chất tạo tóc và móng tay, móng chân; thế nhưng người dùng cho là có thể trị bịnh vảy nến và lưu thông khí huyết.
Dân săn bất trị
Hãng thông tấn AP của Hoa Kỳ cho biết trước đây ở Ấn Độ việc săn bắt tê tê dường như rất hiếm; nhưng từ năm 2009 đến năm 2013 mỗi năm có hơn 300 con tê tê bị sát hại tại nước này.
Thống kê cho thấy Trung Quốc và Nga chiếm đến gần 70% lượng gấu bị săn bắt và buôn bán trong thời gian vừa nêu là hơn 1900 con. Việt Nam và Kampuchia được nêu là là hai nguồn cung cấp đáng kể gấu sống
Tuy nhiên theo các chuyên gia bảo vệ động vật hoang dã cũng như hải quan thì con số bắt được chỉ chừng khoảng 10% mà thôi.
Mạng lưới giám sát hoạt động buôn lậu động vật hoang dã trên thế giới TRAFFIC, hôm ngày 10 tháng 9 vừa qua cho biết một loại thằn lằn trên đảo Borneo đang trở thành nạn nhân mới nhất của nạn buôn bán động vật hoang dã quốc tế. Trước đây chúng không mấy được biết đến nhưng trong hai năm vừa qua lại là món hàng mới của giới buôn bán động vật hoang dã.
Trước đó vào ngày 21 tháng 8, TRAFFIC công bố phúc trình nói rằng trong vòng 12 năm từ năm 2000 đến năm 2011, phần nhiều trong số gấu bị bắt là ở Châu Á. Cụ thể ở Cambodia có 190 con bị bắt trong khoảng thời gian đó, Trung Quốc 145, Việt Nam 102, Malaysia 39, Thái Lan 29, Lào 29, Ấn Độ 23 và Nga 59 con.
Hoạt động buôn bán, vận chuyển các cơ phận của gấu qua biên giới là vi phạm luật của các nước cũng như Công ước Quốc tế về Buôn bán Các loài động và thực vật quí hiếm, gọi tắt theo tiếng Anh là CITES.
Thống kê cho thấy Trung Quốc và Nga chiếm đến gần 70% lượng gấu bị săn bắt và buôn bán trong thời gian vừa nêu là hơn 1900 con. Việt Nam và Kampuchia được nêu là là hai nguồn cung cấp đáng kể gấu sống.
Theo TRAFFIC thì số lượng gấu sống bắt được tại các tỉnh biên giới của Kampuchia, Lào và Thái Lan là chờ để được chuyển đến các trại nuôi gấu lấy mật.
Ngà voi cũng là mặt hàng được săn lùng tại các quốc gia như Trung Quộc, Nhật bản, Việt Nam và Thái Lan. Ở Trung Quốc, ngà voi được mệnh danh là ‘vàng trắng’.
Thống kê của Sáng hội Bảo tồn Phi Châu cho thấy chỉ riêng trong năm 2011 có hơn 25 ngàn con voi bị giết tại châu lục này để lấy ngà. Số ngà này được cho biết buôn lậu sang các nước châu Á như vừa nêu. Mỗi kilogram ngà voi giá chừng 750 đến 7 ngàn đô la.
Thống kê của Sáng hội Bảo tồn Phi Châu cho thấy chỉ riêng trong năm 2011 có hơn 25 ngàn con voi bị giết tại châu lục này để lấy ngà. Số ngà này được cho biết buôn lậu sang các nước châu Á như vừa nêu. Mỗi kilogram ngà voi giá chừng 750 đến 7 ngàn đô la
Biện pháp
Hồi đầu năm nay, chính quyền Trung Quốc tiến hành một đợt tiêu hủy ngà voi công khai tại thành phố Đông Quản, tỉnh Quảng Đông. Lúc đó có 6 tấn ngà voi buôn bán lậu thu được bị mang ra tiêu hủy.
Theo luật quốc tế hoạt động buôn bán ngà voi bị cấm từ năm 1990. Tuy nhiên, việc mua bán các sản phẩm ngà voi trong nội địa như ở Trung Quốc và Hoa Kỳ vẫn không bị cấm. Điều này bị các nhà bảo vệ môi trường lên án cho rằng đó là nguyên nhân vẫn khiến cho hoạt động săn bắt và vận chuyển lậu tiếp tục còn đất sống.
Thái Lan hiện đang có yêu cầu các cửa hàng buôn bán sản phẩm ngà voi phải tiến hành kê khai nguồn hiện có của họ cho đến cuối năm nay. Sau thời gian đó mọi phát hiện ngoài số kê khai sẽ phải đối diện với biện pháp xử lý theo luật. Tối hậu thư này được nói là một phần trong kế hoạch hành động của cơ quan chức năng Thái Lan đối với nạn buôn bán ngà voi. Trong tháng 9 này, Thái Lan sẽ trình kế hoạch hành động của họ cho CITES.
Tình hình buôn bán động vật hoang dã tại Việt Nam được chuyên gia Vũ Văn Triệu, nguyên trưởng đại diện của IUCN tại Việt Nam cho biết như sau:
Việt Nam đã thông qua luật đa dạng sinh học của Việt Nam rồi. Việt Nam cũng tham gia Công ước Toàn cầu về Bảo vệ Đa Dạng Sinh học. Chính phủ vừa qua cũng đã thông qua chiến lược hành động quốc gia, kế hoạch quốc gia để bảo tồn đa dạng sinh học. Cho nên có thể nói về hệ thống luật pháp hiện nay tương đối hoàn chỉnh rồi; chỉ có vấn đề thực thi mà thôi. Nhiều tổ chức hiện đang tập trung vào mảng tuyên truyền trong giới quan chức và giới doanh nhân. Vì thực ra mà nói thì những người sử dụng các loại động, thực vật hoang dã, nhất là các loại thịt thú rừng quí hiếm thì phần lớn là những người có tiền hoặc có chức. Chứ phần lớn dân thường cũng không đủ tiền để ăn những loại đó.
Thành ra các tổ chức liên quan đến bảo tồn đang tập trung vào hoạt động gọi là nâng cao nhận thức cho khối doanh nghiệp. Người ta nói đùa với nhau trước đây thì nâng cao dân trí còn bây giờ nói đùa là nâng cao quan trí. Vì đó là những người có thể tiếp cận với thịt thú rừng nhất.
Nhìn chung đến nay công tác tuyên truyền đó, các cơ quan vẫn đang làm nhưng đây đó trên báo chí người ta cũng phản ánh một số cán bộ bên kiểm lâm chẳng hạn chưa thật gương mẫu. Có trường hợp kiểm lâm còn bắt tay với bọn đi săn thú rừng, làm chân rết chỉ điểm cho người mua, người bán. Những việc này ở những nước đang phát triển thì có nhiều vấn đề không phải một sớm một chiều mà giải quyết ngay được.
Có điều phải hết sức cố gắng, mỗi người làm một chút thôi!
No comments:
Post a Comment