Tuesday, September 16, 2014

Hết nạc vạc đến xương


Thạch Đạt Lang (Danlambao) - "... Trước đây CS cứ ra rả tuyên truyền chế độ Mỹ-Ngụy bóc lột người dân đến tận xương tủy, Mỹ là con đỉa 2 vòi, một vòi hút máu dân bản xứ, một vòi thò qua hút máu dân các nước thuộc địa. Mỹ-Ngụy hút như thế mà khi dân miền Bắc vào Nam choáng váng, há hốc mồm ra (không ngậm lại được) trước sự phồn vinh của miền Nam khi bị con đỉa 2 vòi hút máu.

Giờ đây đảng và nhà nước ta chẳng có vòi nào mà người dân vẫn khô kiệt máu, kêu trời không thấu, bởi đảng đã xơi hết nạc, vạc hết xương của người dân..."

*

Suốt chiều dài lịch sử dân tộc Việt Nam hơn 4.000 năm, có lẽ chưa có chế độ nào "siêu việt" như chế độ cộng sản hiện nay.

Chế độ nào, con người đó. Chế độ do con người thành lập, nhưng cũng chính chế độ sản xuất ra con người. Hồ Chí Minh đã nói rằng "Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải có con người xã hội chủ nghĩa" là như rứa.

Nhưng con người xã hội chủ nghĩa là con người như thế nào? Xin thưa: Đó là con người làm tùy sức, hưởng tùy chức vụ, cấp bậc, tuổi đảng...

Con người xã hội chủ nghĩa càng làm lớn càng có đầu óc siêu việt, siêu việt theo chiều ngược. Sự siêu việt không thể đem áp dụng vào kinh tế, đối ngoại hay quốc phòng...

Sự "siêu việt" này chỉ có thể đem áp dụng cho những mánh khóe tham nhũng, hối lộ, đục khoét công trình... với những độc chiêu quái đản tột cùng mà những đầu óc thông minh nhất thế giới cũng không thể nào nghĩ ra.

Chẳng thế mà cách đây ít lâu, chị Phó Doan đã tuyên bố một câu xanh rờn:

- Người ta ăn của dân không từ một thứ gì.

Mèng ơi! Chị là phó chủ tịch nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, lại đi tuyên bố, tuyên mẹ thế không sợ quốc tế cười cho thúi óc sao?

Rủi có phóng viên nào cắc cớ hỏi: Người ta là ai? Chị Phó phải trả lời sao hè, có dám nói tên chúng lên không? Hoặc có kẻ độc hơn, bỏ nhỏ: Không từ thứ gì? Thế có ăn... cứ... t của dân không? Chắc chị Phó độn thổ mà chết.

Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại. Chị Phó Doan chắc cũng "bức xúc" lắm nên mới phát biểu linh tinh thế, bởi chị thấy nạn tham nhũng ở VN vô phương cứu chữa rồi, phải lên tiếng báo động cho dù trước đây Trọng Lú cũng như Ba Dũng đều đã có nói (sơ) qua.

Chị Phó Doan lên tiếng báo động không phải vì thương cảm, xót xa cho hoàn cảnh cơ cực của người dân, chị báo động vì sợ cái guồng máy đang vận hành đất nước VN hiện nay sẽ tiêu tán đường bởi chị cũng là một thành viên đóng góp tích cực vào sự chuyển động của nó. Nó mà tiêu tán đường thì chị chắc cũng khó sống thêm được một mùa trăng.

Không tiêu tán đường sao được khi mà một vụ tham nhũng lên đến cả chục tỉ đô la như Vianshin ở một đất nước còn nghèo như Việt Nam lại lặng lẽ chìm xuống, không còn ai nhắc đến với cái chết của một thượng tướng công an?

Vụ Vinashin nhắc người dân nhớ đến vụ PMU18 năm 2006. Đây là một vụ án lớn, rúng động đất nước vì liên quan đến Nhật Bản, quốc gia chính tài trợ vốn ODA cho VN.

Đây là vụ tham nhũng gộc, lớn đến độ một thiếu tướng công an, ông Phạm Xuân Quắc, cục trưởng cục điều tra tội phạm về trật tự xã hội bộ công an đã nói như sau:

Trích:

"Có thể nói vụ PMU 18 là trận đánh lớn nhất trong đời tôi. Tôi có nói với các nhà báo là tôi sắp đến tuổi nghỉ hưu rồi nên tôi dám đánh vụ này. Nếu tôi còn trẻ thì tôi chưa chắc đã dám vì còn phải trông trên trông dưới. Thật ra vụ án này, tôi đánh "lấn sân", vì mảng án tham nhũng không thuộc chức trách C14 làm, nhưng do các "sân" khác chưa làm được thì tôi làm.

Tôi dám làm vì tôi không có động cơ cá nhân, tôi đã có tuổi nên không phải lấy lòng ai, không sợ mất lòng ai. Trận đánh tham nhũng này rất khó khăn vì cũng có những người không ủng hộ và có lẽ ngoài tôi, chắc ít người dám đánh. Cho đến thời điểm tôi về hưu (tháng 12/2006), chuyên án PMU 18 vẫn chưa đi vào giai đoạn cuối, vụ PMU 18 vẫn chưa khép lại."

Lời nói của ông Quắc chứng tỏ, tầm mức vụ tham nhũng không ngừng lại ở đó, nó còn dính đến những tai to, mặt lớn ở thượng tầng lãnh đạo chế độ Hà Nội.

Tuy nhiên vụ PMU 18 chưa thấm vào đâu so với Vinashin. Vinashin mới là vụ tham nhũng lớn nhất ở VN và cũng đụng phải bức tường kiên cố nhất, kết thúc với cái chết của Phạm Quý Ngọ, thượng tướng công an, người đỡ đầu cho tổng giám đốc tập đoàn Vinashin Dương Chí Dũng, đang sống khỏe mạnh, đột ngột chuyển sang từ trần. Mọi đầu mối điều tra dẫn đến Phạm Quý Ngọ, cái đích nhắm cuối cùng bị cắt ngang, rơi lả tả theo cái chết cấp kỳ của Ngọ.

Chết là hết. Ai còn thắc mắc gì về Vinashin, xin (hoặc được) mời (xuống dưới) gặp Phạm Quý Ngọ. OK?

Không hiểu sao mà từ ngày anh y tá Ba Dũng lên nắm vận mệnh đất nước, đầu têu các vụ tham nhũng (cực lớn) đều có tên Dũng. Vụ PMU 18 là Bùi Tiến Dũng, Vinashin là Dương Chí Dũng.

Phải chăng đây là cái huông cho các lãnh đạo nhà nước VN? Hễ tên Dũng mà chữ lót là Tiến, Chí, Tấn... thì phải coi chừng?

PMU 18, Vinashin... những cục thịt nạc của dân tộc VN do quốc tế viện trợ, cho vay... đã được các quan chức, lãnh đạo đảng CSVN ở trung ương, bộ chính trị chia chác tá lả... Khi người dân biết đến, chỉ còn trơ mắt ếch nhìn.

Trên ăn các công trình viện trợ béo ngậy, thơm phức, nơi ăn được thì ăn ngập mặt làm xốn mắt chỗ không ăn được. Dưới nhìn thấy thèm, không biết làm cách nào để có chỗ chấm mút. Thế là phải... tìm cách (động não) kiếm chác.

Cách kiếm chác hay nhất là đặt ra luật lệ mới, bắt dân phải theo, không có công trình thì vẽ ra công trình, xin mượn vốn, bắt dân đóng góp... Cái đó gọi là Hết nạc thì vạc đến xương.

Xin kể ra vài vụ vạc xương rất ư hoành tráng trong thời gian gần đây. Có vụ đang "thi công", có vụ mới lên kế hoạch, dự tính, nhưng chuyện nào người dân cũng đã thấy rõ cái máu tham ăn không từ thứ gì của đám cán bộ, đảng viên cộng sản VN từ trên xuống dưới.

Trích:

"Cũng theo báo chí Việt Nam, do Bộ Giao thông Vận tải than rằng, năm nay, vẫn còn thiếu 13,000 tỉ để sửa chữa, duy tu các công trình giao thông nên chuyện tận tâm, tận lực thu phí sẽ "quyết liệt" hơn.

Bộ này đã trình cho ông Thủ tướng của chế độ dự thảo một đề án gọi là "phát triển hợp lý các phương tiện giao thông". Theo đó, các phương tiện giao thông sẽ phải đóng thêm hai loại phí là "phí lưu hành nội đô" và "phí trông giữ xe".

Người ta ước đoán, nếu ông Thủ tướng gật đầu với đề án này, mỗi năm, mỗi xe hơi tại Việt Nam phải trả khoảng 70 triệu đồng và mỗi xe hai bánh gắn máy phải trả 31 triệu đồng/năm. Chẳng riêng lĩnh vực giao thông, thuế, phí trong các lĩnh vực khác cũng đang là dân chúng khánh kiệt. Một thống kê cho thấy, tại Việt Nam, dân chúng phải đóng 375 loại phí và 75 loại lệ phí." Hết trích.(1)

Mèng ơi! Xe gắn máy phải trả 31 triệu đồng/năm, tức vào khoảng hơn 1.500 USD. Mỹ là xứ giầu ú hụ, thu nhập bình quân người dân mấy chục ngàn đô la một năm mà xe hơi, không kể loại luxury, cũng chưa phải đóng thuế đến mức đó, nói gì xe gắn máy. Chắc mấy ông (nội) trong bộ giao thông vận tải ở VN cho rằng dân Việt giàu hơn dân Mỹ chăng? Hay mấy chả nghĩ người dân VN nào cũng giầu có, cũng đại gia như mấy chả? Xin đọc tiếp!

Trích:

"Ông Ngô Trí Long than rằng, chuyện lạm thu phí và lệ phí đang diễn ra tràn lan trong mọi lĩnh vực và trên diện rộng từ thành thị tới nông thôn và tỏ ra đặc biệt lo ngại về tình trạng lạm thu tràn lan ở nông thôn. Dù bị nghiêm cấm nhưng tình trạng lạm thu vẫn rất phổ biến tại nông thôn. Nông dân vẫn bị buộc phải đóng những khoản phí, qũy hết sức quái đản.

Hồi tháng 7 năm ngoái, báo chí Việt Nam cho biết, dân chúng xã Nam Thanh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An đang bị buộc phải đóng mỗi người 100 ngàn đồng một năm cho khoản gọi là "phí đường nhựa".

Theo Ủy ban nhân dân xã Nam Thanh, đối tượng phải nộp "phí đường nhựa" là trẻ em tròn một tuổi cho tới người 60 tuổi. Tuy nhiên, tờ Đất Việt kể là, có những xóm, trẻ con chỉ mới 10 tháng tuổi đã phải đóng "phí đường nhựa". Điểm đáng chú ý là chính quyền xã Nam Thanh thu tiền nhưng không hề xuất biên nhận." Hết trích.(2)

Chuyện này không gọi là vạc xương người dân thì gọi là gì? Nó làm người ta liên tưởng đến "Thuế thân"; dưới thời thực dân Pháp, nhưng thuế thân của thực dân Pháp chỉ đánh lên người đã trưởng thành, từ 18 tuổi trở lên đến 60, không đánh vào trẻ em như chế độ CS, thu thuế đường nhựa cả con nít dưới 1 tuổi.

Một chuyện mới, gần đây nhất là dự án bắt học sinh tiểu học lớp 1-3 phải dùng máy tính bảng của Sở Giáo dục-Đào tạo tại T.P Hồ Chí Minh.

Trích:

"(GDVN) - Một đề án được đánh giá "sặc mùi tiền" và thiếu tình người này đang dần hé lộ người đứng sau xúi giục.

Tóm tắt Đề án "Thí điểm mô hình đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục tiểu học từ lớp 1 đến lớp 3 tại TP.HCM năm học 2014-2015" như sau: Toàn bộ sách giáo khoa (SGK) truyền thống được đưa vào sách điện tử dưới dạng 3D kết hợp với âm thanh, hình ảnh được cài đặt vào máy tính bảng.

Cũng theo đề án, kinh phí thực hiện là khoảng 4.000 tỉ đồng cho 327.127 học sinh từ lớp 1 đến lớp 3, trong đó có 5.334 học sinh thuộc diện chính sách sẽ do ngân sách nhà nước chi.

SGK điện tử và máy tính bảng cho học sinh tiểu học các lớp 1, 2, 3 trong phòng học được giới thiệu tại Sở GD-ĐT TP.HCM chiều 19-8 - Ảnh: Như Hùng (Tuổi Trẻ)

Đề án này vừa đưa ra đã tạo nên làn sóng phản đối dữ dội từ phía dư luận. Lí do là Việt Nam và các nước trên thế giới đang cố hạn chế trẻ nhỏ sử dụng nhiều màn hình điện tử vì nó gây hại đến sức khỏe tâm thần của trẻ.

Hơn nữa, đề xuất này được cho là thiếu tình người vì nếu triển khai, biết đâu sẽ xuất hiện vài bà mẹ phải tự tử để lấy tiền phúng viếng mua máy tính bảng cho con." Hết trích.(3)

Cũng trong tháng 09.2014, một vụ vạc xương người nông dân VN đã xảy ra khiến nhiều người đã phải thốt lên:

Nông dân Việt bị thu thuế 'hơn thời thực dân Pháp' . Trích:

"THANH HÓA (NV) - Chỉ một vụ lúa nhưng người dân huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa, phải đóng đến hàng chục khoản thu cho xã, thôn... mặc cho nguồn thu từ trồng lúa của dân nghèo nơi đây không đủ để đóng.

Theo báo Dân Trí, nhiều hộ dân xã Thiệu Công, Thiệu Hóa phản ánh, trong vụ 5 vừa qua, người dân ở nhiều thôn trong xã phải đóng rất nhiều khoản thu cho xã, hợp tác xã và thôn. Trong đó, có nhiều khoản thu dân thấy rất vô lý nhưng vẫn phải đóng cho các tổ chức từ xã xuống thôn....

"Việc thu phí vụ 5 năm 2014, xã Thiệu Công tiến hành thu 4 khoản phí: phí kích cầu xây dựng nông thôn mới: 20kg lúa/sào/năm; quỹ người cao tuổi 5,000đ/khẩu/năm; quỹ đền ơn đáp nghĩa; quỹ an ninh-quốc phòng.”

Bên cạnh đó, hợp tác xã nông nghiệp Thiệu Công thu phí quản lý và các khoản thu dịch vụ nông nghiệp khác.

Ngoài các loại thuế trên thì tại 9 thôn trên địa bàn xã Thiệu Công cũng tiến hành thu nhiều khoản thu khác nhau như: phí xây dựng nông thôn, quỹ khuyến học, quỹ xây dựng bãi rác, thu quỹ tu sửa sân nhà văn hóa, thu quỹ làng văn hóa, quỹ vệ sinh môi trường, quỹ thiết chế nhà văn hóa..." Hết trích.(4)


Đọc mà tưởng như chuyện hoang đường. Làm ruộng mà phải đóng cả chục thứ thuế không liên quan gì đến việc thu nhập vậy?

Trước đây CS cứ ra rả tuyên truyền chế độ Mỹ-Ngụy bóc lột người dân đến tận xương tủy, Mỹ là con đỉa 2 vòi, một vòi hút máu dân bản xứ, một vòi thò qua hút máu dân các nước thuộc địa. Mỹ - Ngụy hút như thế mà khi dân miền Bắc vào Nam choáng váng, há hốc mồm ra (không ngậm lại được) trước sự phồn vinh của miền Nam khi bị con đỉa 2 vòi hút máu.

Giờ đây đảng và nhà nước ta chẳng có vòi nào mà người dân vẫn khô kiệt máu, kêu trời không thấu, bởi đảng đã xơi hết nạc, vạc hết xương của người dân.

Đó chính là sự siêu việt của đảng CSVN, đỉnh cao trí tuệ loài khỉ.


No comments:

Post a Comment