Mì ăn liền đủ loại trong một siêu thị ở Trung Quốc. AFP photo
Việt Hà, phóng viên RFA 2014-09-15
Mì ăn liền, món ăn tiện lợi, dễ ăn, dễ nấu và phổ biến ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là ở châu Á, mới đây bị coi là một món ăn nguy hiểm đến sức khỏe con người, theo một nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ.
Những thành phần nào trong mì ăn liền có thể gây hại cho sức khỏe và hại đến mức độ nào?
Mì ăn liền và hội chứng chuyển hóa
Mì ăn liền Ramen, tên của một loại mì ăn liền phổ biến ở các nước châu Á và có mặt khá nhiều ở các siêu thị tại Mỹ, mới đây được các nhà khoa học Mỹ xác định là có thể liên quan đến hội chứng rối loạn chuyển hóa ở người.
Một nghiên cứu được các nhà khoa học thuộc trường đại học Y tế cộng đồng Harvard, Mỹ tiến hành dựa vào các số liệu thống kê của hơn 10,000 người từ năm 2007 đến 2009 ở Nam Hàn đã cho thấy, việc ăn thường xuyên mì ăn liền Ramen có thể dẫn đến nguy cơ tăng cao hội chứng rối loạn chuyển hóa. Bác sĩ Hyun Joon Shin thuộc trường đại học y tế cộng đồng Harvard, người tham gia nghiên cứu cho biết:
Lý do mà chúng tôi làm nghiên cứu này là vì mì ăn liền rất phổ biến ở châu Á nhưng trước đó đã không có nhiều những nghiên cứu về ảnh hưởng đối với sức khỏe của mì ăn liền. Chúng tôi điều tra trên 10,000 người ở độ tuổi từ 19 đến 64. Nghiên cứu được thực hiện ở Nam Hàn. Nghiên cứu tập trung vào các loại mì ăn liên có tên Ramen. Nghiên cứu không cho thấy mối liên quan trực tiệp giữa mì ăn liền và sức khỏe nhưng tôi có thể nói là việc tiêu dùng mì ăn liền có liên quan đến tỷ lệ tăng lên những người bị rối loạn chuyển hóa.
Tôi không thể nói chắc chắn là mì ăn liền có liên quan trực tiếp đến các bệnh về tim và tai biến mạch máu não nhưng tôi có thể nói nó có liên quan đến hội chứng rối loạn chuyển hóa.
- Bác sĩ Hyun Joon Shin
Mì ăn liền là món ăn rất phổ biến trong xã hội hiện đại vì nó giúp người ta có thể có một bữa ăn gọn nhẹ, nhanh mà lại rẻ tiền. Tại Nam Hàn, mì ăn liền là thực phẩm được bán nhiều nhất của các nhà sản xuất. Chỉ riêng trong năm 2012, doanh thu của mì ăn liền tại Nam Hàn là khoảng 1 tỷ 800 triệu đô la. Tại Mỹ, chỉ với khoảng 12 cent, người ta có thể mua được một gói mì ăn liền Ramen cho một bữa ăn nhanh. theo Hiệp hội mì ăn liền Thế giới, Hoa Kỳ là nước tiêu thụ mì ăn liền nhiều thứ 6 thế giới, sau các nước Trung Quốc, Indonesia, Nhật Bản, Việt Nam, Ấn Độ và Nam Hàn.
Nói về hội chứng rối loạn chuyển hóa và mối liên quan giữa hội chứng này và mì ăn liền, bác sĩ Shin giải thích:
Hội chứng rối loạn chuyển hóa là một nhóm các yếu tố nguy cơ với các bệnh như bệnh tim, tai biến mạch máu não, và tiểu đường. Tôi không thể nói chắc chắn là mì ăn liền có liên quan trực tiếp đến các bệnh về tim và tai biến mạch máu não nhưng tôi có thể nói nó có liên quan đến hội chứng rối loạn chuyển hóa.
Theo kết quả của nghiên cứu mới, việc ăn thường xuyên mì ăn liền mỗi tuần sẽ dẫn đến nguy cơ bị rối loạn chuyển hóa cao hơn so với những người không thường xuyên ăn mỗi tuần.
Những nguy cơ của hội chứng chuyển hóa từ mì
Theo hội tim mạch học Việt Nam, hội chứng chuyển hóa là thuật ngữ dùng để chỉ những người có nguy cơ mắc bệnh về tim mạch và tiểu đường. Hội chứng chuyển hóa bao gồm một nhóm các yếu tố nguy cơ như tình trạng béo phì bụng, rối loạn lipid máu như rối loạn các chất béo trong máu như triglyceride máu cao, cholesterol xấu cao, cholesterol tốt thấp, tăng huyết áp, kháng insulin tức là cơ thể không thể sử dụng insulin và đường một cách hiệu quả.
Có khoảng 20 đến 30% dân số ở các nước phát triển mắc hội chứng này. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), người được chẩn đoán mắc hội chứng rối loạn chuyển hóa phải có từ 3 yếu tố trong các yếu tố bao gồm: nam có vòng bụng lớn hơn hoặc bằng 90 cm, nữ có vòng bụng lớn hơn hoặc bằng 80cm, triglyceride máu lớn hơn hoặc bằng 150 mg/dl, cholesterol tốt ở nam thấp hơn 40 mg/dl và ở nữ là thấp hơn 50 mg/dl, huyết áp lớn hơn hoặc bằng 130/85 mmHg, mức đường trong máu khi đói lớn hơn hoặc bằng 100 mg/dl.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến làm tăng nguy cơ bị rối loạn chuyển hóa. Đáng chú ý là việc sử dụng các loại đồ ăn chế biến sẵn, đồ rán có lượng chất béo cao, uống nước ngọt và ăn thức ăn có lượng muối cao. Việc ăn thường xuyên những loại đồ ăn này được chứng minh làm tăng nguy cơ bị tai biến mạch máu não. Bác sĩ Suzanne Judd, chuyên gia dịch tễ dinh dưỡng thuộc đại học Alabama, Hoa Kỳ, giải thích:
Có 3 yếu tố chính trong chế độ ăn này dẫn đến nguy cơ tái biến mạch máu não tăng. Thứ nhất là muối. Các đồ rán và chế biến sẵn thường có rất nhiều muối. Chúng ta biết là người Mỹ giờ đây ăn khoảng 3500 mg muối mỗi ngày, tức là cao hơn rất nhiều so với mức khuyến cáo. Chế độ ăn nhiều đồ rán có lượng muối từ 3,000 đến 4,000 mg muối. Ăn nhiều muối sẽ khiến bạn phải uống nhiều nước, làm cho huyết áp tăng. Khi tim và não phải chịu huyết áp cao quá lâu, nó sẽ dẫn đến nhồi máu cơ tim và tia biến mạch máu não. Yếu tố thứ hai là chất béo bão hòa. Chúng ta biết từ nhiều nghiên cứu trước đây là chế độ ăn có nhiều chất béo bão hòa sẽ gây nghẽn mạch máu, từ đó dẫn đến tai biến mạch máu não và nhồi máu cơ tim. Yếu tố cuối là nước ngọt. Đã có những nghiên cứu gần đây từ Bắc Carolina và Harvard cho thấy uống nước ngọt tức là làm tăng thêm năng lượng không cần thiết cho cơ thể. Khi mọi người uống nước ngọt họ không biết là họ đang có thêm năng lượng cho cơ thể. Chế độ ăn có nước ngọt làm cho bạn ăn quá nhiều, làm tăng cân, dẫn đến béo phì, từ đó có thể bị tai biến mạch máu não.
Một nghiên cứu được công bố hồi năm ngoái của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ cho thấy có khoảng 2,3 tiệu người trên thế giới bị chết trong năm 2010 vì các bệnh tim mạch do ăn quá nhiều muối. Hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến cáo mỗi người chỉ nên ăn không quá 1,500 mg muối mỗi ngày.
Mì ăn liền Ramen trong nghiên cứu mới được cho là có chứa những yếu tố nguy hiểm cho sức khỏe, bao gồm hàm lượng muối cao, và chất béo bão hòa. Bác sĩ Shin giải thích về mối liên quan giữa các thành phần trong mì ăn liền và ảnh hưởng của chúng tới sức khỏe như sau:
Ăn nhiều muối sẽ khiến bạn phải uống nhiều nước, làm cho huyết áp tăng. Khi tim và não phải chịu huyết áp cao quá lâu, nó sẽ dẫn đến nhồi máu cơ tim và tai biến mạch máu não.
- Bác sĩ Suzanne Judd
Có nhiều thành phần trong mì ăn liền có liên quan đến các vấn đề sức khỏe. Phần ít được mọi người chú ý là mì ăn liền có hàm lượng muối và calorie (năng lượng) rất cao. Ngoài ra mì ăn liền cũng sử dụng loại tinh bột qua tinh chế rất nhiều. Tất cả các yếu tố này đều có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Ngoài ra bao bì của mì ăn liền cũng sử dụng vật liệu gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Nếu nhìn vào thành phần được in trên bao bì của một gói mì gà Ramen thông thường được bán rộng rãi ở các cửa hàng, người ta có thể dễ dàng nhìn thấy hàm lượng muối trong một bát mì là 830 mg, tức hơn một nửa mức muối một ngày một người được phép ăn vào. Chất béo bão hòa trong gói mì là 3,5 gram, trong khi phần tinh bột tinh chế là 26 gram.
Ngoài ra theo bác sĩ Shin, phần lớn các gói mì ăn liền thường sử dụng chất liệu Styrofoam là loại có chứa BPA, một loại nguyên liệu tổng hợp được chứng minh là có thể gây ức chế hormone. Đó là chưa kể trong mì ăn liền, các nhà sản xuất cũng sử dụng bột ngọt MSG và các chất bảo quản là những chất nếu dùng nhiều sẽ có tác hại lên tim mạch, và thận.
Đây không phải là lần đầu tiên mì ăn liền bị mang tiếng xấu trên thế giới. Hồi năm 2012, Hàn Quốc đã phải cho thu hồi một loạt mì nổi tiếng Nongshim vì có chứa chất benzopyrene là chất gây ung thư. Một số nước châu Á như Thái Lan và Đài Loan sau đó cũng phải cho thu hồi một số loại mì Nongshim vì lo ngại tương tự.
Dù nghiên cứu mới chưa cho bằng chứng trực tiếp về tác hại của mì ăn liền đối với sức khỏe, bác sĩ Shin cho rằng những người thích ăn mì ăn liền nên tránh ăn quá nhiều mì ăn liền vì đây cũng là một đồ ăn chế biến sẵn vốn có chứa các chất không có lợi cho cơ thể nếu được hấp thụ quá nhiều.
No comments:
Post a Comment