Trong 496 công trình cấp nước sinh hoạt cho các vùng nông thôn ở tỉnh Quảng Ngãi, qua thanh tra đã có 107 công trình sai phạm
UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa công bố kết luận thanh tra về các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn.
Yêu cầu kiểm điểm nhiều cá nhân
Theo kết quả thanh tra, tổng cộng 496 công trình cấp nước sinh hoạt trên địa bàn 106 xã, thuộc 13 huyện, TP Quảng Ngãi với tổng số vốn đầu tư 278,1 tỉ đồng được xây dựng từ năm 1994 đến nay. Trong đó, 204 công trình hoạt động bình thường, phát huy hiệu quả sử dụng; 135 công trình hoạt động một phần, không cung cấp đủ nước cho nhu cầu của người dân; 148 công trình ngừng hoạt động do hư hỏng… Ngoài ra, còn rất nhiều công trình nước sạch khác chưa được đưa vào sử dụng.
Công trình nước sạch bị hư hỏng, người dân phải sử dụng nước suối dù không bảo đảm vệ sinh
Trong quá trình đầu tư, 107 công trình có sai phạm về khối lượng đầu tư với tổng số tiền là 1,6 tỉ đồng. Các địa phương có nhiều công trình sai phạm nhất là huyện Ba Tơ, Đức Phổ, Minh Long, Tây Trà, Trà Bồng... Sai phạm chủ yếu thuộc về các khâu thiết kế, thi công do chủ đầu tư thiếu trách nhiệm, xem nhẹ công tác khảo sát, lập dự toán khối lượng, diện tích lớn hơn thiết kế… Hầu hết các công trình nêu trên đều do UBND các xã làm chủ đầu tư (340 công trình), ngoài ra thuộc UBND các huyện và Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Quảng Ngãi.
Ông Lê Viết Chữ, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho biết qua công tác thanh tra đã thu hồi toàn bộ số tiền sai phạm; yêu cầu kiểm điểm giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi, giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, chủ tịch UBND các xã, chủ đầu tư thuộc UBND từng huyện... Xác định sai phạm ở từng khâu, từng công trình để có hình thức kỷ luật, xử lý trách nhiệm cụ thể.
Người dân khốn đốn
Trong khi chờ khắc phục những sai phạm, hàng vạn người dân ở các vùng nông thôn có dự án cấp nước sinh hoạt hiện nay vẫn mòn mỏi chờ nước sạch.
Công trình nước sạch Đức Trung (xã Hành Đức, huyện Nghĩa Hành) xây dựng từ năm 2003 với số vốn đầu tư 2,2 tỉ đồng (do Sở NN-PTNT làm chủ đầu tư). Sau khi hoàn thành, nước không đến được nhà người dân vì dự án chỉ mới xong hệ thống bồn chứa, lắp đặt các thiết bị máy móc, đường ống dẫn nước vào các hộ dân không có... Hơn 1 năm sau, dự án mới được phân bổ thêm 1 tỉ đồng để lắp đặt đường ống dẫn nước. Thế nhưng, khi lắp đặt xong đường ống cũng là lúc các hạng mục đã thi công trước đó bắt đầu hư hỏng nặng, không thể hoạt động. Vì vậy, người dân tự đóng giếng khoan hoặc tận dụng các nguồn nước từ sông, suối để sinh hoạt.
Tương tự, công trình nước sạch tại xã Ba Xa, huyện Ba Tơ (cũng do Sở NN-PTNT làm chủ đầu tư) có kinh phí xây dựng hơn 600 triệu đồng và đưa vào sử dụng từ năm 2003, dự tính cấp nước cho 1.700 hộ dân nhưng khi sau khi hoàn thành chưa đầy 1 năm đã hư hỏng nặng và đến nay vẫn chưa khắc phục.
Ông Phạm Văn Lé - Trưởng thôn Cà Rá, xã Ba Xa - cho biết: “Khi thấy công trình nước sạch được xây dựng, ai cũng vui mừng nhưng chỉ được vài tháng, chúng tôi phải trở về cảnh khốn khổ vì thiếu nước như lúc đầu. Kiến nghị mãi nhưng chẳng thấy cán bộ nào đến sửa. Nản lòng, không kiến nghị nữa” - ông Lé nói.
Hàng loạt công trình nước sạch khác như ở xã Ba Chùa (huyện Ba Tơ), 2 công trình nước sạch ở Gò Lã và xóm Ông Trường, xã Sơn Dung (huyện Sơn Tây)... hư hỏng nặng trong nhiều năm qua nhưng đến nay vẫn chưa được sửa chữa...
Thứ Ba, 22:15 16/09/2014
Bài và ảnh: Tử Trực
No comments:
Post a Comment