Tuesday, September 16, 2014
HRW công bố báo cáo về tra tấn ở Việt Nam
BANGKOK (NV) .- Ngày 16 tháng 9-2014, Tổ chức Giám sát Nhân quyền (Human Rights Watch – HRW) sẽ họp báo tại Bangkok – Thái Lan, công bố báo cáo riêng về vấn nạn tra tấn ở Việt Nam.
Thân nhân ông Nguyễn Hữu Thâu, ngụ tại huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk, trước linh cữu của ông. Ông Thâu bị công an đánh chết hồi đầu tháng 7 năm 2014. (Hình: Người Lao Động)
Trả lời VOA, ông Phil Robertson, Phó Giám đốc phụ trách khu vực Á Châu của HRW, cho biết, ông sẽ thay mặt HRW trình bày nội dung chính của báo cáo mà HRW đã bỏ ra hai năm để thu thập dữ liệu. Đó là tình trạng công an Việt Nam tra tấn con người.
Đây là dịp để HRW cảnh báo cộng đồng quốc về tình trạng thường dân Việt Nam, bao gồm cả trẻ em, liên tục bị đánh cho đến chết khi bị công an CSVN tạm giữ, tạm giam và tố cáo sự tàn bạo của Công an CSVN.
Ông Robertson nhận định, đó không chỉ là vi phạm nhân quyền mà còn là “khủng hoảng nhân quyền” còn bị che dấu, vốn gây tác hại nghiêm trọng đến đời sống thường nhật của người dân Việt Nam.
Mãi đến tháng 11 năm ngoái, dưới áp lực liên tục của cộng đồng quốc tế, Việt Nam mới ký “Công ước Chống tra tấn và trừng phạt hoặc đối xử tàn nhẫn, vô nhân đạo làm mất phẩm giá khác”, thường được gọi tắt là Công ước Chống tra tấn hay UNCAT.
UNCAT nằm trong nhóm những công ước được soạn thảo nhằm bảo vệ nhân quyền. Tuy được Liên Hiệp Quốc thông qua từ năm 1984, có hiệu lực từ năm 1987 nhưng Việt Nam vẫn thuộc một nhóm rất nhỏ không tham gia công ước này. Không tham gia đồng nghĩa với không phải thực hiện, không bị giám sát, chế tài, dẫu cho mục tiêu của UNCAT chỉ là phòng chống tra tấn, đối xử tàn bạo làm mất phẩm giá con người.
Việt Nam không tham gia UNCAT vì UNCAT cấm tuyệt đối việc tra tấn, đối xử tàn bạo, vô nhân đạo, xúc phạm phẩm giá con người. UNCAT đòi các quốc gia cam kết thực thi phải có những biện pháp hữu hiệu để phòng ngừa, chống tra tấn. Phải xem tra tấn là tội hình sự.
Kẻ tra tấn, đối xử tàn bạo, vô nhân đạo, xúc phạm phẩm giá con người sẽ bị dẫn độ để xét xử tại một quốc gia khác nếu quốc gia kẻ đó cư trú không làm việc này. Đồng thời nghiêm cấm các quốc gia trả ai đó về nguyên quán nếu có lý do để tin rằng, ở đó, họ sẽ bị tra tấn, ngược đãi.
Bên cạnh UNCAT còn có một Nghị định thư tùy chọn về "Công ước chống Tra tấn và Trừng phạt hoặc Đối xử tàn nhẫn, vô nhân đạo làm mất phẩm giá khác”, được gọi là OPCAT. Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua nghị định thư này hồi năm 2002, có hiệu lực từ tháng 6 năm 2006.
Văn bản quy định về việc thành lập “một hệ thống các chuyến viếng thăm thường xuyên do các cơ quan độc lập quốc tế và quốc gia thực hiện tại những nơi có người đang bị tước quyền tự do, để ngăn chặn việc tra tấn, trừng phạt hoặc đối xử tàn nhẫn vô nhân đạo làm mất phẩm giá khác”.
OPCAT được giám sát bởi một “Tiểu ban Phòng chống tra tấn và trừng phạt hoặc đối xử tàn nhẫn, vô nhân đạo làm mất phẩm giá khác”. Trong tuyên bố về việc tham gia UNCAT, không thấy Việt Nam đề cập đến OPCAT.
Cộng đồng quốc tế tin rằng, việc tham gia UNCAT sẽ đặt Việt Nam dưới sự giám sát của Uỷ ban chống Tra tấn (CAT). CAT là một cơ quan gồm các chuyên gia về nhân quyền, theo dõi việc thi hành UNCAT. CAT là một trong tám cơ quan liên kết qua Công ước nhân quyền của Liên Hiệp Quốc.
Vào thời điểm Việt Nam ký kết UNCAT, ông Lê Hoài Trung, Đại sứ - Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực của Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc, tuyên bố, việc ký UNCAT thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam về việc chống mọi hành vi tra tấn và đối xử tàn bạo, bảo đảm thực hiện ngày càng tốt hơn tất cả các quyền cơ bản của con người
Tuy nhiên đến nay, sau mười tháng kể từ ngày ký UNCAT, Quốc hội Việt Nam vẫn chưa phê chuẩn UNCAT. Điều đó đồng nghĩa với việc, Việt Nam chưa phải nộp báo cáo cho CAT để tường trình việc bảo vệ nhân quyền đã được thi hành thế nào và sau mỗi bốn năm, phải báo cáo định kỳ để CAT kiểm tra, đưa ra các khuyến nghị, hoặc sẽ xem xét các khiếu nại, tố cáo của những cá nhân về việc vi phạm UNCAT. Điều đó còn đồng nghĩa với việc Việt Nam phải điều tra ngay lập tức mọi cáo buộc vi phạm UNCAT.
Kể từ khi CSVN ký vào công ước UNCAT, gần 20 người dân đã bị Công an CSVN tra tấn, nhục hình đến chết không kể những người may mắn thoát chết nhưng cũng thương tích đầy người. Rất nhiều trường hợp công an tra tấn chết người rồi vu cho người ta “tự tử”, cách giản dị nhất để thoát cái tiếng tra tấn, bức cung chết người.(G.Đ)
09-15- 2014 2:21:22 PM
Theo Người Việt
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment