Monday, August 25, 2014

Những vụ kiện tiền tỷ về bản quyền

BBC-10:35 GMT - thứ hai, 25 tháng 8, 2014

Những bất đồng lớn về vấn đề bản quyền ở Việt Nam đã bộc lộ qua tọa đàm trực tuyến thứ Năm hàng tuần của BBC Tiếng Việt với khác biệt quan điểm rõ ràng của nhạc sỹ Phó Đức Phương và nhạc sỹ Quốc Trung.


Trong tọa được tổ chức ít lâu sau khi Trung tâm bản quyền cho người tới tận nơi ca sỹ Khánh Ly biểu diễn ở Đà Nẵng để đòi công ty Đồng Dao, đơn vị tổ chức sự kiện, phải hoàn thành nghĩa vụ về bản quyền.
Khi được hỏi về chuyện các nhạc sỹ có sống được bằng tiền bản quyền không, nhạc sỹ Quốc Trung, người cũng tham gia sản xuất các chương trình âm nhạc nói:
"Quý vừa rồi tôi nhận được của Trung tâm bản quyền 1,2 triệu.
"Doanh thu của biểu diễn ít khi có lãi vì chúng tôi gặp khó khăn trong vấn đề bán vé.
"Nhất là những chương trình chất lượng chúng tôi phải đầu tư rất nhiều và thường bị lỗ.
"Ở công ty của tôi, chúng tôi thường làm việc với Trung tâm bản quyền trước và thanh toán trước.
Ông Quốc Trung nói việc trả tiền bản quyền như vậy đối với ông là sự "tự trọng của người làm nghề và cách đối xử văn hóa đối với các đồng nghiệp của mình" nhưng nói thêm:
"Tuy nhiên khi nộp tiền bản quyền tôi thấy có những vấn đề sau.
"Thứ nhất là mỗi lần lại phải thương thảo giá tùy thuộc vào doanh thu, tùy thuộc vào số lượng, tùy thuộc vào giá vé... nó rất mất thời gian.
"Khi tôi đi diễn ở nhiều thành phố ở Đan Mạch, Đức hay châu Âu thì chúng tôi thường chỉ đóng phí như nhau dù tùy thuộc chương trình chúng tôi đưa ra các giá bán khác nhau.
"...Việc xây dựng văn hóa bản quyền thì không thể cứ chờ 10 năm nó sẽ khác đi mà chúng ta cần xây dựng trên sự nghiêm minh và quyền năng của luật pháp.
"99% chương trình ở Việt Nam sẽ không thực hiện được" khi đòi hỏi phải giải quyết vấn đề bản quyền trước khi sự kiện diễn ra."

'Hành vi xâm phạm luật pháp'

Nhạc sỹ Phó Đức Phương, người đã sáng tác âm nhạc trong hàng chục năm và hiện là Giám đốc Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam cũng thừa nhận về thu nhập thấp của các nhạc sỹ từ bản quyền.
"Nếu như tiền bản quyền như hiện nay ở Việt Nam, như tôi thì không đủ sống được.
"Chắc cũng phải gấp năm lần như thế, 10 lần như thế mới đủ sống."
Nhưng ông Phương không đồng ý với việc đưa ra biểu giá cố định về phí bản quyền:
Ông Phương nói có chuyện đòi tiền bản quyền tận nơi vì công ty tổ chức không chịu trả
"Tiền tác phẩm không thể có một giá cố định được vì nó tùy thuộc vào quy mô và hiệu quả của doanh thu."
Nói về chuyện trung tâm của ông phải tới tận nơi biểu diễn của ca sỹ Khánh Ly nhằm đòi công ty tổ chức biểu diễn làm nghĩa vụ về bản quyền, ông Phương cho biết chuyện xảy ra sau khi trung tâm "liên tục gửi công văn, thư" cho bên tổ chức và gặp sự "trì hoãn" thực hiện.
"Cho đến tận trước ngày biểu diễn ở Hà Nội, 2/8, sáng hôm đó bên tổ chức biểu diễn mới cử một người đến mà tôi cũng biết đó là do sức ép của các cơ quan quản lý nhà nước.
"Khi đến nơi thì cán bộ đó chỉ đưa ra một ý kiến đơn phương là chỉ trả cho mỗi bài hát 1,5 triệu đồng.
"Sau đó khi chúng tôi đưa ra biểu giá ... đã niêm yết trên mạng ... thì cán bộ đó bảo là sẽ về xin ý kiến ban giám đốc và trả lời ngay nhưng lại không quay lại và không trả lời gì."
Ông Phương nói trung tâm đã phải hành động để "ngăn chặn hành vi xâm phạm luật pháp" không xin phép tác giả.
Nhạc sỹ nói thêm các cơ quan khác nhau của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch dưới sự chủ tọa của Thứ trưởng Phan Duy Biên đã họp với thành phần bao gồm Cục Bản quyền, Cục Biểu diễn, Thanh tra Bộ Văn hóa, Vụ Pháp chế... hôm 21/8.
Cuôc họp đi tới kết luận sẽ "yêu cầu ban tổ chức chương trình biểu diễn của ca sỹ Khánh Ly gặp Cục Bản quyền để giải quyết vấn đề."

'Phiền phức cho cả hai bên'

Nhạc sỹ Quốc Trung không đồng tình với cách làm của Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam.
"Ở đây tôi thấy thủ tục ấy nó đơn giản hơn, không phải phức tạp cho những người đi thu tiền bản quyền như là anh Phương vừa rồi rất là vất vả, cứ phải đến tận nơi mặc cả với người làm việc như vây nó sẽ rất là phiền phức cho cả hai bên.
"Đó không phải là phương thức văn minh và tiện lợi.
"Nếu như vậy thì khi chúng ta đóng tiền bản quyền cho những nhạc sỹ nước ngoài thì chúng ta cũng phải đi liên lạc với những nhạc sỹ nước ngoài để xin phép hay thỏa thuận hay sao."
Luật sư Phan Vũ Tuấn trong khi đó nói pháp luật Việt Nam khá giống với pháp lật nước ngoài nhưng cũng nói thu tiền bản quyền ở nước ngoài dễ dàng hơn.
"Họ có hệ thống đi thu dễ hơn, các chân rết của họ nằm ở nhiều tỉnh.
"Thêm vào đó ý thức sử dụng của người ta cũng cao hơn, người ta coi việc đóng tiền đó là đương nhiên.
"Cái thứ ba là họ có sự minh bạch rất rõ ràng về biểu giá.
"Biểu giá thì Trung tâm của phía Việt Nam cũng rất minh bạch, tuy nhiên điều đó không được phổ biến rộng rãi đến tất cả mọi người và ý thức sử dụng của mọi người cũng không dễ dàng như những quốc gia khác."
Ông Phó Đức Phương thì cho rằng sẽ cần 5 hay 10 năm nữa để người dân được phổ cập về pháp luật và có ý thức tốt hơn về bản quyền.
Ông cũng nói trung tâm của ông, vốn hoạt động từ 12 năm qua, đã ký hợp đồng với 55 tổ chức về bản quyền âm nhạc trên thế giới và có hiệu lực điều chỉnh trên 150 quốc gia.

'Kinh nghiệm quý giá'

Trong tọa đàm trực tuyến, đạo diễn Việt Tú có vẻ ủng hộ cách làm của Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc:
"Tôi cho rằng việc xảy ra giữa Trung tâm bản quyền và chương trình biểu diễn của cô Khánh Ly mà đại diện là công ty Đồng Dao đứng ra tổ chức là một việc đáng tiếc.
Đạo diễn Việt Tú cho rằng nên làm chặt chẽ về vấn đề bản quyền
"Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến..rằng một trong những điều quan trọng là ý thức về sở hữu trí tuệ.
"Thứ hai là hệ tư tưởng của người dân của từng vùng miền cũng như là từng quốc gia và cái đấy tôi nghĩ không thể ngày một ngày hai mà giải quyết được.
"Những va vấp như thế này tôi nghĩ cũng là kinh nghiệm quý giá.

"Có những đơn vị họ kiện Zing đòi hơn 100 triệu đô la, hoặc là bạn thân của Linh là [ca sỹ] Đăng Khôi kiện Zing [đòi bồi thường] bốn tỷ vì họ sử dụng nhạc Hàn [mà công ty của Đăng Khôi được ủy quyền sử dụng] và có hơn một tỷ lượt nghe và Zing không chịu trả một đồng nào cho những nghệ sỹ Hàn Quốc. Và Zing cũng làm lơ thôi."
Nhạc sỹ Dương Khắc Linh

"...Thực ra một điều đơn giản mà chúng ta có thể làm được là bất kể chương trình nào vì bất kỳ lý do gì mà trước khi biểu diễn không hoàn thành nghĩa vụ bản quyền với tác giả, ở đây có thể là Trung tâm bản quyền do nhạc sỹ Phó Đức Phương đứng ra... thì chương trình đó không được phép diễn ra."
"Bởi vì rõ ràng là anh không tuân thủ luật, anh không thực hiện nghĩa vụ với pháp luật thì cái việc đấy không được diễn ra."
Luật sư Phan Vũ Tuấn từ Văn phòng luật sư Phan lại cho rằng "chỉ trong những điều kiện rất đặc biệt" mới yêu cầu phải xin phép trước khi biểu diễn" vì cách làm này không phù hợp với hướng phát triển chung của bản quyền quốc tế.
Ông cũng nói nó chỉ xảy ra khi "hệ thống thực thi bảo vệ quá kém" quyền lợi của tác giả.
Nhạc sỹ Dương Khắc Linh, người cũng là giám khảo chương trình Nhân tố bí ẩn, nói rõ hơn:
"Làm ở Việt Nam thì ai cũng gặp vấn đề về bản quyền rồi. Vì sao? Vì ví dụ mình nói về nhạc chuông, nhạc chờ.
"Hiện nay có nhiều nhà cung cấp [nhạc như vậy] và ai cũng biết đa số những công ty này không khai con số thật khi kinh doanh nhạc.
"Công ty lớn nhất mà không khai thật là Zing. Họ có thu nhập rất cao từ những gì liên quan tới nhạc mà nghệ sỹ hoặc là không nhận được gì, hoặc là nhận được rất ít.
"Nó đã thành thói quen rồi, tất cả nghệ sỹ ai cũng biết chuyện này và không ai đi kiện vì kiện cũng như không.
"Có những đơn vị họ kiện Zing đòi hơn 100 triệu đôla, hoặc là bạn thân của Linh là [ca sỹ] Đăng Khôi kiện Zing [đòi bồi thường] bốn tỷ vì họ sử dụng nhạc Hàn [mà công ty của Đăng Khôi được ủy quyền sử dụng] và có hơn một tỷ lượt nghe và Zing không chịu trả một đồng nào cho những nghệ sỹ Hàn Quốc.

Tôi rất ủng hộ chuyện cần có quy chế rõ ràng, luật pháp, giá cả, lộ trình để tất cả mọi người cùng đi trên con đường đấy, giống như luật giao thông thôi, đi mà không đúng luật thì tất cả có sẽ lộn xộn, xảy ra tai nạn và chẳng có ai chịu trách nhiệm."
Đạo diễn Việt Tú

"Và Zing cũng làm lơ thôi."
Đạo diễn Việt Tú cũng đồng ý với ý kiến cho rằng kiện về bản quyền cũng như "kiến kiện củ khoai" nên phải chấp nhận những "kinh nghiệm đau thương" khi buổi diễn bị hủy vì chưa làm nghĩa vụ về bản quyền.
Ông nói thêm:
"Tôi ủng hộ một mức phí được niêm yết giống như ở nước ngoài để tất cả mọi người đều biết là trong trường hợp nào thì chúng ta sẽ phải hành xử như thế nào...
"Tôi hận hạnh khi được thực hiện nghĩa vụ bản quyền vì tôi có nhiều bạn bè trong giới nhạc sỹ và nhà sản xuất và tôi nghĩ chuyện đấy sẽ làm xã hội văn minh hơn và thúc đẩy sáng tạo của người lao động...
"Tôi rất ủng hộ chuyện cần có quy chế rõ ràng, luật pháp, giá cả, lộ trình để tất cả mọi người cùng đi trên con đường đấy, giống như luật giao thông thôi, đi mà không đúng luật thì tất cả có sẽ lộn xộn, xảy ra tai nạn và chẳng có ai chịu trách nhiệm."


No comments:

Post a Comment