Monday, August 25, 2014

Chặn máy bay Mỹ trên Biển Đông, Trung Quốc đã dính đòn gậy ông đập lưng ông?



Published on August 25, 2014   ·   
p8

Mỹ cũng buộc phải sử dụng hình thức luật pháp sơ khai có từ thời cổ đại là “án lệ” với Trung Quốc… theo kiểu “anh sao thì tôi vậy”.
Đến ngay cả nước đề cao tính thượng tôn của luật pháp quốc tế hiện đại như nước Mỹ, cũng buộc phải chấp nhận hình thức sơ khai của luật pháp có từ thời cổ đại là “án lệ” (hay còn gọi là “tiền lệ pháp”) khi quan hệ với Trung Quốc… theo kiểu “anh sao thì tôi vậy”.
Sau vụ máy bay J-11 của Trung Quốc áp sát và “khoe hàng” vũ khí mang theo, đe dọa máy bay trinh sát P-8 của Mỹ ngày 22/8/2014, phát ngôn viên quân sự Trung Quốc vẫn ra tuyên bố “chối bay chối biến” tính chất nghiêm trọng của sự việc này. Rằng Trung Quốc vẫn thường xuyên giám sát hoạt động do thám bình thường của Mỹ tại khu vực này và lời cáo buộc của Lầu năm góc là “vô căn cứ’ vì máy bay Trung Quốc áp sát với khoảng cách đảm bảo an toàn.
Lời tuyên bố sau lần chạm trán này khác xa những lời tuyên bố trong các lần chạm trán máy bay hay tàu chiến Mỹ – Trung trước đây.
Trong các lần chạm trán trước, Trung Quốc tuyên bố phản đối và “hy vọng” Mỹ sẽ không lặp lại các vụ việc đưa máy bay, tàu chiến thăm dò, trinh sát vùng đặc quyền kinh tế EEZ của Trung Quốc. Nhưng lần này thì không. Tại sao lại có sự thay đổi ấy?
Có lẽ nguyên nhân là người Mỹ đã khéo léo tận dụng cơ hội triển khai “án lệ” đối với Trung Quốc. Đó chính là lần Trung Quốc cử tàu chiến do thám cuộc tập trận RIMPAC 2014 do Mỹ tổ chức trên vùng EEZ của quần đảo Hawaii thuộc Mỹ.
Khi ấy, lúc mới phát hiện tàu do thám Trung Quốc tại EEZ Hawaii, chính phủ Mỹ tỏ ra bực tức và phản đối. Có quan chức chính phủ Mỹ dấu tên còn cho rằng đây là hành động do thám “vô lễ” của Trung Quốc. Khẳng định hành động kiểu này là kém lịch sự và không phù hợp vì Trung Quốc đã được mời tham dự tập trận RIMPAC 2014 mà còn cử tàu đến do thám vòng ngoài.
Tuy nhiên, vài ngày sau, nhận thấy đây là một “cơ hội vàng” để triển khai “án lệ” với Trung Quốc, buộc Trung Quốc há miệng mắc quai về sau này, khi Mỹ tiến hành do thám vùng EEZ của Trung Quốc. Các quan chức của Mỹ nhanh chóng thay đổi thái độ – ra tuyên bố chào đón Trung Quốc do thám cuộc tập trận này.
Tư lệnh lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương, Đô đốc Samuel Locklear tuyên bố với các phóng viên trong cuộc họp báo tại Lầu Năm Góc ngày 29/7, rằng: “Điều tốt lành trong việc này, theo tôi, đó là việc Trung Quốc đã chấp thuận điều mà chúng tôi vẫn nói với họ rằng các chiến dịch quân sự và do thám là nằm trong khuôn khổ của luật pháp quốc tế và hoàn toàn có thể chấp nhận được. Đây là một quyền cơ bản mà mọi quốc gia”.
Ông Locklear nhấn mạnh quyết định đưa tàu đến theo dõi cuộc tập trận mà bản thân Trung Quốc lần đầu tiên tham gia là rất đáng ngạc nhiên (một sự mỉa mai khéo léo cách hành xử của Trung Quốc). “Điều này hoàn toàn nằm trong khuôn khổ luật pháp cho phép và họ có quyền làm như vậy”, tuy nhiên cuộc tập trận này “là cơ hội để xây dựng lòng tin” ông Locklear nói và cho biết “Việc Trung Quốc đưa tàu do thám đến đây là khá đáng kinh ngạc”.
Đồng thời, nhân cơ hội này, ông Locklear cũng khẳng định quyền giám sát quân sự của quân đội Mỹ trên vùng EEZ của Trung Quốc theo kiểu “có đi có lại” như một “án lệ”. Ông tuyên bố Mỹ sẽ giám sát một cuộc tập trận trên Biển Đông mà Trung Quốc đang tiến hành: “Chúng tôi có lo ngại về cuộc tập trận của Trung Quốc hay không? Theo tôi mức độ lo ngại của chúng tôi cũng chỉ ngang với họ. Tất cả chúng tôi đều phải để mắt đến nhau”, ông Locklear nói.
Sự thay đổi trong sự phản ứng và những tuyên bố của Trung Quốc sau vụ chạm chán máy bay với Mỹ ngày 22-8-2014 đã chứng tỏ Trung Quốc đã dính đòn “gậy ông đập lưng ông”. Buộc phải chấp nhận luật chơi chung là “án lệ” rằng các phương tiện quân sự các nước có quyền do thám, trinh sát quân sự trong vùng EEZ của nước khác, tất nhiên là phải ở bên ngoài lãnh hải.
Như vậy, người Mỹ đã khéo léo chớp lấy cơ hội ngoại giao và truyền thông quý giá để buộc Trung Quốc ngậm bồ hòn làm ngọt, chấp nhận “chơi” theo “luật chơi” chung của quốc tế trong vấn đề quyền tự do hàng hải theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982.
Mặc dù Trung Quốc luôn tìm cách giải thích theo cách riêng có lợi cho Trung Quốc, thậm chí có quan chức và học giả Trung Quốc còn tuyên bố Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 không áp dụng được với Biển Đông vì Công ước này mãi tới năm 1982 mới ra đời, trong khi Trung Quốc “có chủ quyền không thể tranh cãi” với Biển Đông từ hơn 2000 năm trước.
Một luận điệu đánh tráo khái niệm của kẻ đang mê sảng, hoa mắt vì lòng tham chiếm đoạt toàn bộ Biển Đông mà quên mất rằng, nếu giải thích theo kiểu đó thì nước Mỹ thành lập từ năm 1776 sẽ không phải thực hiện các quy định trong Hiến chương Liên Hợp Quốc, vì Hiến chương này ra đời sau nó.
Cách xử lý của quan chức Mỹ trong mối quan hệ với Trung Quốc theo cách làm trên là một trong những nỗ
lực nhằm từng bước khẳng định các quốc gia trong giải quyết các mối quan hệ quốc tế phải tuân thủ luật pháp chung của quốc tế. Đồng thời cũng là một kinh nghiệm cho các nước trong việc giải quyết mối quan hệ với Trung Quốc.
Theo Giáo Dục

No comments:

Post a Comment