Với sức mạnh quân sự gia tăng, Trung Quốc ngày càng hung hăng hơn ở Biển Đông
Theo trang mạng The Strategic, Trung Quốc tiếp tục theo đuổi mục tiêu dài hạn trong việc khẳng định chủ quyền lãnh thổ và tham vọng bá quyền ở Biển Đông.
Sau khi đối đầu với Việt Nam liên quan đến vụ hạ đặt giàn khoan dầu Hải Dương 981 hồi tháng 5 năm nay, Bắc Kinh gần đây đã thông báo ý định xây dựng hải đăng trên 5 hòn đảo ở Biển Đông, ở các vùng biển mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền. Trên thực tế, ban lãnh đạo Trung Quốc đã từ bỏ sự “mơ hồ chiến lược”, loại trừ khả năng thỏa hiệp về chủ quyền lãnh thổ trong cái gọi là bản đồ “đường chín đoạn” (đường lưỡi bò) tham lam phi lý.
Theo The Strategic, lập trường ngày càng hung hăng quyết đoán trước tình hình Biển Đông của Bắc Kinh cần phải được xem như là một phần chính sách đối ngoại mới của Trung Quốc dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình.
Các nhà quan sát Trung Quốc chỉ ra rằng ban lãnh đạo mới ở Bắc Kinh dường như đã tiến hành đánh giá lại môi trường an ninh, lập trường và đối sách của Trung Quốc. Chủ thuyết “thế giới hài hòa” của người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào xem ra đã biến mất. Có số phận tương tự là lời dạy “giấu mình chờ thời” của cố “trưởng lão” Đặng Tiểu Bình. Thay vào đó, môi trường an ninh được đánh giá lại trong “tình hình mới”. Chủ tịch Tập Cận Bình cho rằng ”cần phải sử dụng tốt nhất của thời cơ chiến lược để bảo vệ chủ quyền, an ninh và phát triển lợi ích quốc gia của Trung Quốc”.
Xét theo quan điểm của Trung Quốc, “tình hình mới” xuất hiện do sự thay đổi chiến lược “xoay trục” sang Châu Á của Mỹ và tranh chấp biển đảo ngày càng tăng. “Tình hình mới” này đòi hỏi “sự quyết đoán chủ động” của Trung Quốc ở Biển Đông. Và ban lãnh đạo Trung Quốc tỏ ra lạc quan về chiến thắng cuối cùng trong “cuộc chơi” giành quyền bá chủ Biển Đông dự kiến sẽ kéo dài hàng thập kỷ.
Nhà phân tích Bonnie Glaser của Trung tâm Nghiên cứu và Chiến lược (CSIS) ở Mỹ mô tả ngắn gọn chính sách mới của Trung Quốc như sau: “Ngoại giao kinh tế chủ động của Bắc Kinh (ở Đông Nam Á) là một phần của một chiến lược lớn hơn nhằm ràng buộc các nước láng giềng (…) ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc. Các nước láng giềng sẽ phải trả giá đắt, nếu áp dụng một chính sách đối đầu với Bắc Kinh về tranh chấp lãnh thổ. Đồng thời, Trung Quốc tiếp tục (…) dần dần thay đổi hiện trạng (ở Biển Đông) theo hướng có lợi cho nước này. Trong tương lai gần, các nhà lãnh đạo Trung Quốc dự kiến sẽ vấp phải một số phản kháng. Tuy nhiên, họ tính toán rằng đòn bẩy phát triển của Bắc Kinh sẽ là đủ để thuyết phục các nước láng giềng – yếu hơn và dễ bị tổn thương hơn – nhượng bộ trước những đòi hỏi về lãnh thổ của Trung Quốc”.
Liệu chiến lược trường kỳ này có thành công? Nếu các nước trong và ngoài khu vực thiếu ý chí chính trị và phối hợp với nhau để đối phó với Trung Quốc, chiến lược này cũng có thể thành công. Các nước ven Biển Đông có lẽ sẽ gặp khó khăn trong việc chống lại chiến thuật của Trung Quốc sử dụng đám tàu đánh cá – được các tàu cảnh sát biển hỗ trợ – để đe dọa các nước láng giềng yếu hơn.
Cho đến nay, Bắc Kinh nhận thức được rằng Trung Quốc sẽ bị “thiệt hại đáng kể” về uy tín, nếu sử dụng vũ lực đánh chiếm biển đảo có tranh chấp. Ngoài ra, hành động này còn có nguy cơ khiến cho tình hình Biển Đông leo thang theo cách mà Bắc Kinh không mong muốn.
Sự kết thúc thời kỳ “mơ hồ chiến lược” của Trung Quốc ở Biển Đông đang cung cấp cho nước láng một cái nhìn rõ ràng hơn về ý đồ của Bắc Kinh và sự cần thiết phải có đối sách chiến lược. Đối sách chiến lược đó sẽ bao gồm các khoản đầu tư tăng cường sức mạnh quân sự cũng như các công cụ bán quân sự, dân sự và chính trị để khiến cho Trung Quốc bị tổn thất nhiều hơn, trong trường hợp xảy ra một cuộc khủng hoảng lớn.
Chiến lược hung hăng quyết đoán của Trung Quốc cũng khuyến khích các quốc gia Đông Nam Á phát triển (hoặc khôi phục lại) quan hệ quốc phòng chặt chẽ hơn với các tác nhân bên ngoài. Một số nước trong khu vực trông đợi sự hỗ trợ chiến lược của Mỹ. Cảm nhận được những thách thức lớn hơn đối với vai trò lãnh đạo trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, Mỹ đã tăng cường phản đối cái gọi là bản đồ “đường 9 đoạn” (đường lưỡi bò) của Trung Quốc và coi việc tăng cường tham gia phòng thủ Đông Nam Á là một phần của chiến lược “tái cân bằng” ở Châu Á-Thái Bình Dương. Trung Quốc không thể loại trừ khả năng Mỹ lôi kéo Mỹ nhập cuộc, khi nước này cố tìm cách giải quyết các tranh chấp lãnh thổ bằng vũ lực quân sự.
Hơn nữa, cường quốc Châu Á bên ngoài khu vực Biển Đông như Nhật Bản và Hàn Quốc hiện đang tích cực giúp đỡ xây dựng năng lực quốc phòng trong khu vực. Hai nước này nhận thức được rằng những gì xảy ra ở Biển Đông sẽ là quan trọng đối với vùng biển Đông Bắc Á.
Vì vậy, thành công chiến lược của Trung Quốc ở Biển Đông xem ra vẫn còn khá xa vời. Nghe qua có vẻ nghịch lý, nhưng việc kết thúc “sự mơ hồ chiến lược” của Trung Quốc lại có thể làm gia tăng sự ổn định trong khu vực bằng cách buộc tất cả các “bên chơi” báo hiệu ý định của họ rõ ràng hơn. Cạnh tranh chiến lược lớn hơn không nhất thiết phải là một điều xấu, nếu nó giúp xác định được các thông số kiềm chế lẫn nhau trong các tình huống xung đột.
Theo Tri Thức
No comments:
Post a Comment