Báo điện tử Tầm nhìn- Các cuộc tấn công khủng bố của các phần tử li khai, cực đoan nhất là các phân tử Hồi giáo thuộc tổ chức “Nhà nước Đông Thổ” ở Tân Cương ngày càng tăng lên trong những năm qua. Đây là nhân tố đang làm xã hội Trung Quốc mất an ninh và mất ổn định.
Tân Hoa Xã ngày 23/8/2014 đưa tin Trung Quốc xử tử hình 8 phần tử khủng bố Tân Cương, những kẻ đã gây ra 5 vụ tấn công khủng bố ở Bắc Kinh và Tân Cương. Tin cho biết kể từ ngày 5/6/2014 tới nay, Chính quyền Khu tự trị Tân Cương đã tiến hành xét xử 81 phần tử gây ra 23 tấn công khủng bố trong năm 2014, trong đó có 9 người bị tử hình, 3 người bị tử hình hoãn thi hành án hai năm, còn lại lãnh án từ 5 tới 10 năm tù.
Vụ khủng bố Thiên An Môn
Báo chí Trung Quốc cho biết kể từ sau vụ tấn công khủng bố ngày 5/7/2009 ở Urumqi làm 192 người chết, 1721 người bị thương, gây tổn thai kinh tế tới hàng trăm tỉ đồng nhân dân tệ, Chính quyền Khu tự trị Tân Cương đã tiến hành nhiều biện pháp, như điều tra và bắt giam 1434 người về tội tham gia tấn công khủng bố, gây rối và cầm đầu nổi loạn, đồng thời tiến hành một loạt các biện pháp ngăn chặn các vụ tấn công khủng bố. Nhưng các vụ tấn công không những không suy giảm mà ngày càng tăng lên.
Kể từ đầu năm 2014 tới nay, tấn công khủng bố vẫn liên tiếp xảy ra, bình quân một tháng xảy ra một vụ tấn công khủng bố, trong đó có nhiều vụ tấn công trắng trợn, táo bạo, như Vụ ngày 16/2/2014 ở Tân Cương, vụ thảm sát ở ga xe lửa Côn Minh ngày 1/3/2014 làm 29 người chết và 143 người bị thương. Gân đây nhất là vụ ngày 26/6/2014 ở Tân Cương, Vụ ngày 28/7/2014 ở Kase Tân Cương làm 13 người chết, 94 người bị thương.Số liệu thống kê của Công an và cơ quan an ninh Trung Quốc cho biết kể từ năm 2012 có tới trên 190 vụ tấn công khủng bố lớn nhỏ. Năm 2013 vẫn tăng lên, trong có 7 vụ tấn công nghiêm trọng, như Vụ bạo loạn ở Y Ninh từ 26/6 tới 28/6/2013 làm 35 người thiệt mạng. Vụ tấn công khủng bố bằng ôtô ở Thiên An Môn, Bắc Kinh ngày 28/10/2013 làm 3 người chết và 39 người bị thương. Vụ đánh bom ở thành phố Thái Nguyên, thủ phủ tỉnh Sơn Tây ngày 6/11/2013, ngay trước thềm khai mạc Hội nghị toàn thể TW-3 khóa 18. Vụ bạo loạn ở Khu Ba Sở, Tân Cương ngày.17/11/2013 làm 11 người chết, vụ ngày 30/12/2013 làm 16 người thiệt mạng.
Tấn công khủng bố xảy ra ngày càng nghiêm trọng khiến lãnh đạo Trung Quốc lo ngại. Lãnh đạo Trung Quốc đã triệu tập nhiều Hội nghị để đưa ra quyết sách chống khủng bố. Sau vụ tấn công khủng bố ngày 22/5/2014 làm 43 người chết và bị thương, Ông Tập Cận Bình ngày 25/5/2014 nói “An ninh và ổn định xã hội của Trung Quốc đang đứng trước mối đe dọa và thách thức của khủng bố ngày càng tăng”. |
Ông kêu gọi chính quyền các cấp phải “Ra sức phòng chống nghiêm ngặt, tấn công quyết liệt” đối với các phần tử khủng bố. Kể từ khi đó tới nay, ông Tập Cận Bình đã 10 lần nhắc nhở về chống khủng bố. Bộ Công An, cơ quan cảnh sát, an ninh Trung Quốc đã phát động những chiến dịch “Toàn dân chống khủng bố” trong thời gian một năm kể từ tháng 5/2014. Thành phố Bắc Kinh tiến hành 7 cuộc diễn tập chống khủng bố, rầm rộ nhất là cuộc diễu hành chống khủng bố quy mô của hơn 500 cảnh sát Bắc Kinh với hơn 30 xe chống khủng bố các loại đi các phố tuyên truyền. Đặc biệt ngay 22/7/2014, 4 Thứ trưởng Bộ Công An xuống các phố thành phố Bắc Kinh tuyên truyền về chống khủng bố. Cảnh sát tiến hành tuần tra 24/24 giờ ở các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Thiên Tân…Nhưng thực trớ trêu thay, tấn công khủng bố vẫn liên tiếp xảy ra như vụ 26/6/2014, vụ ngày 28/7/2014 diễn ra ngay sau khi Trung Quốc lớn tiếng phát động chiến dịch chống khủng bố. Điều này cho thấy, Chiến dịch chống khủng bố do Chính phủ Trung Quốc phát động chỉ mới bề ngoài mà chưa đi vào thực chất.
Đánh giá về tình hình chống khủng bố của Trung Quốc, tờ “Đa chiều” ngày 2/8/2014 đăng bài đánh giá của tác giả Tô La cho rằng: “Trung Quốc nói nhiều nhưng làm ít và làm chưa hiệu quả.” Tác giả viết: Trung Quốc chưa có đối sách và vẫn rơi vào thế bị động, hơn nữa những phán đoán của lãnh đạo Trung Quốc về khủng bố chưa đúng đắn. Bởi vậy, vừa mở chiến dịch rầm rộ, nhưng tấn công khủng bố không bị đẩy lùi, trái lại vẫn diễn ra. Điều này thực sự làm Trung Quốc “bẽ mặt”.
Cảnh sát chống khủng bố ở Trung Quốc
Theo tác giả, hiện nay Trung Quốc có “3 sai lầm lớn” về chống khủng bố:
- Một là, Trung Quốc ra sức tuyên truyền về vũ khí trang bị hiện đại cho chống khủng bố, đây chỉ tuyên truyền trấn an tâm lý cho quần chúng nhân dân. Trên thực tế thời gian qua, những vũ khi này vẫn không chống nổi những vũ khí thô sơ, có khi chỉ là gậy gộc, dao kiếm của phần tử khủng bố. Vì vậy, lãnh đạo Trung Quốc rơii vào “thuyết vũ khí luận” trong chống khủng bố, quá tin vào vũ khí trong khi chưa chuẩn bị tốt tâm lý chống khủng bố cho toàn dân và đội ngũ cảnh sát, an ninh.
- Hai là, lãnh đạo Trung Quốc nhận thức chưa đầy đủ về tinh thần “Thánh chiến” dám hy sinh của các phần tử khủng bố, nhất là phần tử khủng bố Tân Cương. Từ thời xa xưa, Lão Tử từng nói rằng: “Dân không sợ chết, dùng cái chết để dọa nạt là vô ích”.. Những phần tử khủng bố Tân Cương dám hy sinh thân mình cho lý tưởng của họ thì không vũ khí nào chống được. Tất cả những vụ án tấn công khủng bố mà chính quyền bắt được, những phần tử này đều coi cái chết “nhẹ tựa lông hồng”. Bởi vậy, sự phô trương vũ khí, trang bị, cũng như những cuộc diễn hành không hề làm lung lay lý tưởng và ý chí của phần tử khủng bố.
- Ba là, các phần tử khủng bố có cơ sở trong dân chúng, nên rất khó phát hiện. Các nhà quân sự có câu: “Ta bộc lộ lực lượng, còn địch ẩn náu nơi kín đáo”, nên không thể mở chiến dịch đưa ra quy định về thời gian bao lâu để loại bỏ phần tử khủng bố. Điều quan trọng là phải nghiên cứu kỹ đối sách và có tư tưởng chỉ đạo thích hợp. Sau hơn 10 năm kể từ khi vụ tấn công khủng bố xảy ra ngày 11/9/2001, Mỹ đã mở nhiều chiến dịch quy mô lớn chống khủng bố, nhưng các phần tử cũng như các tổ chức tấn công khủng bố vẫn tăng lên. Trung Quốc hiện đang lặp lại vết xe đổ về chống khủng bố của Mỹ./.
18:22 | 25/08/2014
Kiều Tỉnh
No comments:
Post a Comment