Monday, August 25, 2014

Học giả Nga bình luận: Mua vũ khí Mỹ, Việt Nam sẽ trả giá đắt?!



Published on August 25, 2014   ·  
sungtruong
Các hoạt động quốc phòng, quân sự của Việt Nam trở thành mục tiêu xoi mói, bình luận trên tờ Thời báo Hoàn Cầu, Trung Quốc. Tờ báo này cho rằng trong những năm qua nhờ kinh tế phát triển, Việt Nam ngày càng đa dạng hóa nguồn cung cấp vũ khí trang bị cho mình. Ngoài Nga, Việt Nam đang hướng đến các nhà cung cấp khác như Mỹ, Isarel, châu Âu. Trong hình ảnh là 1 khẩu TAR21 của Isarel được tờ báo Trung Quốc đăng tải.

Không biết Vladimir Kolotov có được “tình báo Hoa Nam” mớm lời hay không để lên lớp người Việt bằng những lời phân tích ngô nghê không ăn nhập gì với thực tế.
Đài Tiếng nói nước Nga bản tiếng Trung Quốc ngày 23/8 đăng bình luận của ông Vladimir Kolotov, Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu lịch sử quốc gia Viễn Đông thuộc đại học Saint Petersburg nhận định, không lâu nữa Mỹ có thể dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Tướng Martin Dempsey, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ đã liên tục nhắc tới điều này khi đến Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh trong chuyến thăm vừa qua.
Ông Vladimir Kolotov cho rằng, rất nhiều người Việt Nam nghĩ trong bối cảnh Trung Quốc không ngừng gia tăng ức mạnh quân sự và liên tục leo thang gây hấn ở Biển Đông, vũ khí Mỹ sẽ giúp Việt Nam nâng cao năng lực phòng thủ cho mình. Tuy nhiên theo ông Vladimir Kolotov, nếu mua những vũ khí công nghệ cao của Mỹ, Việt Nam sẽ phải “trả giá đắt”?!
Lý do đầu tiên Vladimir Kolotov đưa ra cho nhận định này là, nếu Mỹ bán vũ khí công nghệ cao cho Việt Nam thì bên trong rất có khả năng Washington sẽ lắp các con chíp điện tử chỉ huy từ xa. Khi sử dụng những vũ khí này có thể gây nguy hiểm, xung đột nghiêm trọng. Vladimir Kolotov cho rằng từ bên kia bờ Thái BÌnh Dương, Mỹ có thể điều khiển vũ khí đã bán cho Việt Nam bắn về phía Washington mong muốn?!
Không biết vị học giả Nga này căn cứ vào đâu để nói Mỹ gắn chíp điện tử điều khiển từ xa vào vũ khí bán cho nước ngoài? Cả Mỹ và Nga đều là 2 nhà cung cấp vũ khí hàng đầu thế giới, và cũng là đối thủ của nhau trong thị trường này. Rất nhiều quốc gia mua vũ khí tối tân của Mỹ, không ít nước trở thành khách hàng vũ khí hiện đại của Nga, Việt Nam là một trong số đó. Suy luận như Vladimir Kolotov, các nước này đều trở thành “con rối” trong tay 1 trong 2 cường quốc? Một suy luận không tưởng – PV.
Nguyên nhân thứ 2, Vladimir Kolotov tin rằng với việc bán vũ khí công nghệ cao cho Việt Nam có thể nâng cao đáng kể mức độ ảnh hưởng của Hoa Kỳ. Thông qua các hoạt động này, Washington có thể phát động các cuộc “cách mạng màu” lật đổ chế độ. Georgia, Libya, Syria và bây giờ là Ukraine đều là ví dụ.
Việc Mỹ hay bất cứ cường quốc nào khác can thiệp, thậm chí dẫn tới thay đổi 1 chế độ ở 1 quốc gia nào đó như ông Vladimir Kolotov bình luận đâu có thể dễ dàng chỉ bằng một vài mớ vũ khí mua bán như ông nói? Thực tế cho thấy, tất cả các cuộc khủng hoảng xảy ra tại những quốc gia Kolotov lấy làm ví dụ đều bắt nguồn từ những vấn đề nội tại, chia rẽ gay gắt trong nước chứ không phải do nhân tố bên ngoài. Sẽ chẳng cường quốc nào làm gì được khi một quốc gia cường thịnh và đoàn kết, được lòng dân – PV.

dempsey
Chuyến thăm Việt Nam của tướng Martin Dempsey, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ là một hoạt động đối ngoại quân sự hết sức bình thường, nhưng lại trở thành “nỗi lo ngại” của một số phương tiện truyền thông thân Bắc Kinh.

Vladimir Kolodov liên hệ tới quan hệ Việt – Trung trong động thái này một cách máy móc, lắp ghép khiên cưỡng: Đối với Mỹ, Việt Nam trở thành lãnh địa để “bẫy” Trung Quốc xa lầy. Người Việt Nam gọi đường đứt đoạn Trung Quốc yêu sách ở Biển Đông là đường lưỡi bò nên có thể nói rằng, Mỹ bán vũ khí cho Việt Nam là nhằm ý đồ khiến cho “chiếc sừng bò Trung Quốc mắc kẹt tại Việt Nam”?! Một sự liên hệ, ví von hoàn toàn không ăn nhập, logic gì với nhau.
Đi xa hơn, Vladimir Kolotov đe dọa, hậu quả Việt Nam sẽ phải đối mặt sẽ giống như Saddam Husein “vì Mỹ mà chiến tranh với Iran suốt 10 năm, kết quả tính mạng không giữ nổi, đất nước cũng chẳng cứu nổi”?! Kolotov không đưa ra một lời giải thích tại sao cho ví dụ ông đề cập, Chiến tranh Iran – Iraq và cuộc chiến Mỹ – Iraq, vơ vào thành một để kết luận xanh rờn rằng Saddam Husein mất mạng vong quốc vì đã nghe Mỹ đánh Iran suốt 10 năm?
Lấy ví dụ về Saddam Husein có lẽ chưa đủ độ, Vladimir Kolodov tiếp tục dùng “lịch sử Việt Nam” theo nhận định phiến diện, chủ quan của cá nhân mình để tiếp tục chứng minh cho nhận định trên.
Ông nói rằng, Nguyễn Ánh, tức vua Gia Long khai triều nhà Nguyễn sau này, khi còn giao chiến với triều Tây Sơn đã từng giao dịch, mua vũ khí của Pháp và chấp nhận nhượng bộ về tự do tín ngưỡng, kết quả là đã giúp người Pháp “vùi quả bom vào đất Việt Nam”, cuối cùng vì người Pháp mà mất nước?!
Kết luận bài viết, Vladimir Kolotov khẳng định rằng, từ đó trở về sau đã hình thành “phương pháp lật đổ một chính phủ mà mình không muốn”, nên trước việc dỡ bỏ lệnh cấm (bán vũ khí sát thương của Mỹ cho Việt Nam) đi kèm với nó là nhượng bộ về nhân quyền, tự do tôn giáo, dân chủ hóa, Việt Nam cần phải “xem lại bài học lịch sử của chính mình trước khi quyết định”?!
Không biết Vladimir Kolotov có được “tình báo Hoa Nam” mớm lời hay không để lên lớp người Việt bằng những lời phân tích ngô nghê không ăn nhập gì với thực tế. Với lịch sử dài dằng dặc của những cuộc chiến tranh giành độc lập và bảo vệ Tổ quốc, hơn ai hết người Việt Nam hiểu kẻ thù của mình là ai và cần phải đối phó như thế nào. Chỉ vì một vài “lô vũ khí hiện đại có gắn chíp điện tử điều khiển từ xa” mà mất nước thì có lẽ cả thế giới này đã thành chư hầu, nô lệ cho các nhà sản xuất, xuất khẩu vũ khí của các cường quốc lớn, trong đó có Mỹ và Nga.
Hơn nữa, là một học giả về lịch sử, nhưng những nhận định của học giả Vladimir Kolodov đối với các sự kiện lịch sử lại khiến người ta giật mình trước sự lắp ghép tùy tiện, trật logic, không ăn nhập gì với nhau để cố chứng minh cho một nhận định chủ quan và phiến diện của mình. Những lập luận như Vladimir Kolotov đưa ra thường chỉ xuất hiện trên những tờ báo lá cải như Thời báo Hoàn Cầu hay những bài luận cố đấm ăn xôi của truyền thông, học giả Trung Quốc khi cố chứng minh cho cái gọi là “chủ quyền” của họ đối với Biển Đông. Hiếm thấy một học giả nào từ một nước thứ 3 lại đưa ra những nhận xét ngô nghê và nực cười đến như vậy.
Theo Giáo Dục

No comments:

Post a Comment