Sunday, August 3, 2014

Làm giấy giả để nhập khẩu thiết bị y tế



Ngày 30/7, thiếu tướng Nguyễn Đức Chung - giám đốc Công an TP Hà Nội - cho biết cơ quan điều tra đã tiến hành điều tra vụ việc thiết bị y tế “dỏm” được nhập khẩu và sử dụng tại một số bệnh viện ở Hà Nội.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung khẳng định một số đơn vị làm giả giấy tờ để nhập khẩu những trang thiết bị “cấm nhập khẩu” vào Việt Nam.

Bệnh viện Đa khoa Vân Đình là một trong sáu bệnh viện tuyến huyện
được cấp máy xét nghiệm sinh hóa Greiner GA240. Trong vòng hai năm qua,
chiếc máy này phải sửa tới 35 lần - Ảnh: Nguyễn Khánh

Nhập khẩu khi chưa có giấy phép

Gói thầu số 4 “Mua sắm trang thiết bị hồi sức và xét nghiệm” thuộc dự án đầu tư nâng cấp trang thiết bị cho Bệnh viện Sơn Tây, Bệnh viện Đa khoa Vân Đình và các bệnh viện huyện bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Gói thầu này có giá trị khoảng 30 tỉ đồng, trang bị cho 10 bệnh viện tuyến huyện của tỉnh Hà Tây cũ. Đơn vị trúng thầu là Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu khoáng sản (trụ sở tại Hà Nội), đơn vị tư vấn giám sát lắp đặt là Viện Trang thiết bị và công trình y tế.

Thông tin từ Sở Y tế Hà Nội cho hay cơ quan này đề nghị chuyển vụ việc qua công an để điều tra. Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, phó chủ tịch UBND TP Hà Nội, nói UBND TP đã giao Sở Y tế trực tiếp vào cuộc thanh tra. “Trước mắt chúng tôi giao cho thanh tra ngành thực hiện việc kiểm tra, thanh tra làm rõ vấn đề. Tùy theo mức độ, nếu Sở Y tế báo cáo có vi phạm lớn vượt ngoài thẩm quyền của sở xử lý, hoặc vượt ngoài thẩm quyền thanh tra của sở, khi đó UBND TP sẽ giao thanh tra TP vào cuộc” - bà Ngọc cho hay.

X.LONG
Theo tìm hiểu, trong số các trang thiết bị được Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu khoáng sản cung cấp có sáu máy phân tích sinh hóa tự động trả trên 180 kết quả/giờ (model GA240, hãng sản xuất Greiner Diagnostic GbmH của Đức) có giá trúng thầu 648 triệu đồng/máy. Lô hàng này do Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu khoáng sản mua lại từ công ty khác, đơn vị nhập khẩu là Công ty TNHH Bình Mai (trụ sở tại Hà Nội). Ngày 1/6/2010, Công ty Bình Mai mở tờ khai hải quan tại Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội, nhập khẩu lô hàng gồm sáu chiếc máy trên với giá nhập khẩu tổng cộng 2,147 tỉ đồng (tương đương gần 360 triệu đồng/chiếc).

Sau khi nhập khẩu máy Greiner GA240 vào VN, Công ty TNHH Bình Mai bán cho Công ty Tâm Long (trụ sở ở Hà Nội), Tâm Long lại bán cho Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu khoáng sản, đơn vị trúng thầu gói thầu số 4. Chính việc mua bán lòng vòng này khiến giá trúng thầu đội lên đến 648 triệu đồng/chiếc, gần gấp đôi giá nhập khẩu trên giấy tờ.

Theo quy định của Bộ Y tế, mặt hàng nhập khẩu thiết bị y tế này phải được bộ cấp giấy phép nhập khẩu. Tuy nhiên, đến ngày 2/8/2010, Bộ Y tế mới cấp giấy phép 5087 (do bà Nguyễn Thị Kim Tiến, khi đó là thứ trưởng, ký) cho phép nhập khẩu các thiết bị mới 100%. Như vậy, từ trước đó hai tháng, Công ty Bình Mai đã nhập khẩu lô hàng thiết bị y tế khi chưa được cấp giấy phép và lô máy này được trang bị cho tất cả bệnh viện được thụ hưởng dự án.

Đáng chú ý, trong hồ sơ hải quan của lô hàng nhập khẩu này xuất hiện một tờ giấy phép nhập khẩu cũng mang số 5087, vẫn do bà Nguyễn Thị Kim Tiến ký nhưng lại đề ngày cấp là 1/6/2010. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, việc xuất hiện hai tờ giấy phép mang cùng một số 5087 mà chỉ khác ngày cấp cho thấy có dấu hiệu làm giả tài liệu của cơ quan nhà nước.

“Mông má” thiết bị cũ?

Theo báo cáo của một số bệnh viện được thụ hưởng dự án của Sở Y tế Hà Nội, phần lớn máy xét nghiệm sinh hóa sau khi trang bị được khoảng hai năm đều xảy ra hỏng hóc. Công bố của Sở Y tế Hà Nội cho thấy qua kiểm tra sơ bộ tại Bệnh viện Đa khoa Thường Tín và Hoài Đức, các máy này đều có một phần ruột là thiết bị Trung Quốc, thậm chí cả của Việt Nam.

Theo tìm hiểu, Hãng Greiner của Đức không sản xuất thiết bị nào mang model GA240. Chiếc máy xét nghiệm sinh hóa Greiner GA240 có dấu hiệu được sản xuất từ Trung Quốc. Một số chuyên gia về thiết bị y tế cho rằng chiếc máy này được “phù phép” từ nước ngoài, đóng nhãn mác của nhà sản xuất Greiner và đưa về Việt Nam, nhập khẩu dưới dạng máy mới 100%.

Theo Tổng cục Hải quan, trong thời gian từ cuối năm 2013 đến nay, Cục Chống buôn lậu phát hiện nhiều vụ việc nhập khẩu thiết bị y tế cũ, thuộc diện cấm nhập khẩu. Những thiết bị y tế này đều được “mông má” thành hàng mới nhằm qua mặt cơ quan chức năng quản lý xuất nhập khẩu. Điển hình, ngày 12/12/2013, Công ty TNHH ANNA (trụ sở tại đường Trần Duy Hưng, Hà Nội) mở tờ khai hải quan với nội dung nhập khẩu một máy sinh hóa tự động Hitachi 917 mới 100% xuất xứ từ Nhật Bản, mua từ Công ty Fameco của Pháp. Qua kiểm tra, cơ quan hải quan phát hiện chiếc máy này đã qua sử dụng và ở Nhật Bản ngừng sản xuất model này từ năm 2006.

Ngay với lô máy GA240 kể trên, cấu hình máy theo hợp đồng là trả được trên 180 kết quả/giờ, nhưng thực tế thì chỉ trả được 38 kết quả trong 2 giờ 30 phút. Ông Bùi Việt Hùng, trưởng phòng vật tư trang thiết bị (Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội), cho hay hệ thống máy xét nghiệm của Xanh Pôn cũng được đưa vào sử dụng năm 2010, cùng năm với các thiết bị xét nghiệm trong gói thầu số 4, nhưng đến nay chỉ phải bảo trì vì thỉnh thoảng “hắt hơi sổ mũi”, trong khi các máy xét nghiệm sinh hóa trong gói thầu số 4 đều không ổn định hoặc hỏng từ lâu.

Ngày 30/7, PV Tuổi Trẻ có đến Công ty TNHH Bình Mai và Công ty Tâm Long để tìm hiểu vụ việc nhưng không nhận được bất cứ câu trả lời nào. Một nguồn tin cho biết Công ty Tâm Long có cử người tới Bệnh viện Đa khoa Thường Tín để sửa chữa máy xét nghiệm Greiner GA240 bị hỏng. Ông Nguyễn Quốc Hưng, đại diện Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu khoáng sản, cho biết đang yêu cầu Công ty Tâm Long giải trình việc vỏ máy ghi xuất xứ Đức, ruột Trung Quốc.
(Theo Minh Quang, Lan Anh/Tuổi Trẻ)

No comments:

Post a Comment