Wednesday, July 30, 2014

VIDEO : Hít keo độc hại, thú vui chết người của teen


Thổi phồng chiếc túi ni lông chứa đầy keo lỏng rồi úp vào mũi hít lấy hít để, khuôn mặt cậu bé trạc 11 tuổi giãn ra đờ đẫn vì "phê" keo. Và cứ thế cậu bé lại thổi, rồi hít cho đến khi keo không còn mùi mới thôi.
>
"Ban đầu hơi cay cay mũi nhưng sau đó phê lắm, lâng lâng như trên mây vậy, không hại gì đâu, cứ thử đi", Minh, một tay chơi keo nổi tiếng ở công viên Phú Lâm (quận 6, TP HCM) quả quyết. Trong nhóm hít keo này còn có Phú và Đào đều là trẻ bụi đời, mồ côi cha mẹ từ nhỏ, cùng hành nghề xin ăn và "định cư" ở công viên từ mấy năm nay.
hitkeo4901-1351674403_500x0.jpg
Một cậu bé đang hít keo dán giày tại công viên Phú Lâm, quận 6, TP HCM. Ảnh: Đ.N.
Đào, cô gái duy nhất trong nhóm sinh năm 1988, quê Bến Tre, cho biết hai năm trước ba mẹ ly dị nhau nên em bỏ nhà lên thành phố lang thang ở công viên, cứ ai cho gì thì ăn nấy. Trong một lần "buồn đời" và được hai bạn Minh, Phú chỉ cho hít keo nên em cũng thử rồi nghiện.
"Bọn nó rủ hít keo cho quên đi nỗi buồn, với lại giá mấy loại này rẻ nên em cũng hít cho vui, riết rồi ghiền. Ban đầu một ngày hít một hũ, đến giờ phải 2, 3 hũ mới đã", Đào kể.
Các nhóm thiếu niên nghiện keo này thường tập trung ở những nơi vắng vẻ, nhất là một số công viên như Lê Thị Riêng (quận 3), Phú Lâm (quận 6)... Các loại keo mà bọn trẻ sử dụng đều có mùi rất nồng đủ mọi nhãn hiệu: con voi, con chó, 502... dùng để dán giày, ống nước hay dán sắt, được bày bán rộng rãi ở các tiệm tạp hóa.
"Ngày nào tụi nó cũng mua vài hộp để hít, chả hiểu cảm giác thế nào, tác hại ra sao mà bọn trẻ nghiện như vậy", chủ một tiệm tạp hóa gần công viên Phú Lâm kể. Ông cho biết, mỗi tuýp hoặc lon keo như thế có giá trung bình từ 5.000 đến 15.000 đồng.
Ông Võ Văn Lựu, nhân viên bảo vệ công viên Lê Thị Riêng kể, trào lưu hít keo ở một nhóm trẻ bụi đời rộ lên từ trước Tết Nguyên đán. Tuy nhiên kể từ khi có chỉ đạo của công an phối hợp với bảo vệ công viên truy quét thì tình trạng này đã giảm đi đáng kể. 
"Lâu lâu thấy một em ngồi cầm bọc ni lông hít là bảo vệ đến nhắc nhở, nhưng hễ thấy chúng tôi lại gần là bọn nó chạy mất", ông Lựu nói. Nhân viên bảo vệ này bày tỏ, khó khăn ở đây là bọn trẻ nghiện keo chứ không phải thuốc phiện, nên khi phát hiện chỉ lập biên bản rồi thả về, không có lý do gì để xử phạt nặng.
df
Các loại keo dán hiệu con chó, con voi này được bày bán rộng rãi trên thị trường. Ảnh: Thi Ngoan.
Trò chuyện với VnExpress.net, bác sĩ Trịnh Tất Thắng, Giám đốc bệnh viện tâm thần TP HCM cho biết, trào lưu hít keo này đã có ở nước ngoài từ lâu. Một số người nghiện thuốc phiện nhưng không có nhiều tiền mua heroin, nên hít keo thay thế. Loại này giá thành rẻ hơn mà vẫn mang lại được cảm giác "đê mê" tương tự ma túy.
Theo bác sĩ Thắng, sau một thời gian hít, các hóa chất này đi vào cơ thể người sử dụng sẽ làm chết tế bào thần kinh trung ương, sau đó gây ra các bệnh nghiêm trọng ở phổi, bao tử, tim, gan thận...
Thi Ngoan

No comments:

Post a Comment