Ban đầu, các tên lửa phòng không được thiết kế nhằm bắn hạ máy bay đối phương nhưng hiện nay, nó đã được cải tiến để tiêu diệt cả trực thăng, máy bay ném bom tầm xa và máy bay không người lái.
Lần đầu tiên được Đức phát triển trong Thế chiến thứ Hai, hệ thống tên lửa phòng không nhanh chóng được các nước trên thế giới chạy đua sản xuất bởi nó cho phép các quốc gia vừa tấn công máy bay đối phương vừa bảo vệ không phận của mình.
Theo The National Interest, việc phát triển hệ thống phòng không vác vai (MANPADS) để tiêu diệt các máy bay tầm thấp đã được sử dụng rộng rãi trong chiến tranh du kích và lực lượng khủng bố. Tuy nhiên, sự xuất hiện ngày càng nhiều của MANPADS đang trở thành vấn đề đáng quan tâm đặc biệt tại Syria và Libya bởi chính phủ hai này đang mất quyền kiểm soát kho tên lửa quốc gia.
Tính hủy diệt của các hệ thống phòng không được đánh giá theo 2 tiêu chí: số lượng máy bay bị bắn rơi và độ chính xác hoạt động.
Dưới đây là danh sách 5 hệ thống tên lửa phòng không đáng sợ nhất trên thế giới được tác giả Kyle Mizokami liệt kê trên The National Interest:
SA-75 "Dvina" (NATO: SA-2)
SA-75 "Dvina" đứng đầu danh sách 5 hệ thống tên lửa phòng không nguy hiểm nhất thế giới không phải vì nó là loại hiện đại nhất hiện nay mà bởi sự trường tồn của nó.
Được thiết kế vào năm 1953, tên lửa đất đối không SA-75 "Dvina" vẫn được quân đội nhiều nước trên khắp thế giới sử dụng sau hơn 50 năm.
Về cơ bản, với chức năng là một hệ thống phòng không cố định được dùng để ngăn chặn các máy bay ném bom tầm cao, di chuyển nhanh của Mỹ, SA-2 được xem là trụ cột của Voyska PVO, lực lượng phòng không Liên Xô cũ.
Tên lửa hai tầng SA-2 sử dụng radar cảnh báo sớm P-12 (NATO gọi là Spoon Rest) và radar kiểm soát tên lửa RSN-75 "Fan Song".
Năm 1959, phiên bản di động S-75 "Desna" đã được đưa vào sử dụng và phiên bản kế tiếp là S-75M "Volkov" cũng được triển khai vào năm 1961. Theo đó, S-75M "Volkov" có thể nhắm bắn các mục tiêu ở khoảng cách từ 7 – 43 km và ở độ cao 30 km.
Được xuất khẩu từ thời Liên Xô cũ, hệ thống SA-2 đã được các nước xã hội chủ nghĩa như Cuba và Mông Cổ tiên phong sử dụng và triển khai trong nhiều cuộc chiến như chiến tranh Việt Nam, chiến tranh Iran – Iraq, chiến tranh vùng Vịnh 1991,...
SA-2 trở thành hệ thống tên lửa phòng không đầu tiên trên thế giới tiêu diệt máy bay khi bắn hạ máy bay trinh sát RB-57D của Đài Loan trên không phận Trung Quốc vào năm 1959.
SA-2 cũng từng là xương sống trong hệ thống tên lửa phòng không tầm trung và cao của Quân đội Nhân dân Việt Nam khiến các phi công Mỹ khiếp sợ.
Theo báo cáo, quân đội Việt Nam đã bắn 5.800 lần SA-2 và tiêu diệt tổng cộng 205 máy bay Mỹ. Vào năm 1965, độ chính xác hạ mục tiêu của SA-2 là 1/15 lần phóng. Tới năm 1972, do Mỹ triển khai hệ thống phản công và chiến tranh điện tử, chiến thuật hiện đại, khả năng hạ mục tiêu của SA-2 giảm xuống còn 1/50 lần phóng.
Cho tới nay, SA-2 hiện vẫn nằm trong biên chế của 20 quốc gia và thường xuyên được hiện đại hóa để nâng cấp tuổi thọ Nạn nhân cuối cùng của SA-2 được cho là một chiếc chiến đấu cở Su-27 Flanker của Nga bị tiêu diệt trong chiến tranh Abkhazia hồi năm 1993.
9K32 Strela (NATO: SA-7 Grail)
SA-7 Grail là hệ thống tên lửa phòng không vác vai đầu tiên của Liên Xô cũ, vận tốc di chuyển tối đa là hơn 2.000 km/h và phạm vi hoạt động 4.500 km.
SA-7 được xem là sát thủ đối với các máy bay tấn công hoạt động tầm thấp của NATO. Trước đây, nhiều đơn vị trong quân đội Liên Xô đã sử dụng hệ thống SA-7. Do đó, một máy bay của NATO muốn bay qua không phận của một tiểu đoàn Liên Xô sẽ phải vượt qua vòng tấn công của 3 SA-7.
Hiện nay, SA-7 đang được các nhóm nổi dậy và khủng bố trên khắp thế giới sử dụng từ Syria tới Bắc Ireland và Tây Ban Nha. Trong đó, phiến quân Syria có được SA-7 là do cướp bóc của quân đội chính phủ và từng được sử dụng nhắm vào một trực thăng của Israeli tại dải Gaza năm 2012.
Trong cuộc nội chiến Rhodesian Bush, 2 máy bay chở khách của hãng hàng không Air Rhodesia đã bị quân nổi dậy sử dụng SA-7 bắn rơi.
2K12 Kub (NATO: SA-6 Gainful)
Sau khi tham chiến tại châu Âu, châu Phi và Trung Đông, hệ thống tên lửa phòng không SA-6 Gainful trở thành loại vũ khí đáng được quan tâm trong chiến tranh Yom Kippur năm 1973.
Thực tế, SA-6 là một tên lửa dùng radar dẫn hướng được đặt trên bệ phóng có bánh xích. SA-6 có khả năng đánh chặn các máy bay từ khoảng cách 4 – 24 km và ở độ cao từ 50 – 13.700 m.
SA-6 trở nên nổi danh trong chiến tranh Yom Kippur năm 1973 – thời điểm Ai Cập xâm chiến bán đảo Sinai. Vào lúc này, quân đội Ai Cập sở hữu tới 32 khẩu đội SA-6 để bảo vệ toàn bộ Các lực lượng số 2 và 3 của nước này. Radar của SA-6 còn có khả năng ngăn chặn các thiết bị thu nhận cảnh báo sớm radar của Không quân Israel (IAF).
Trong 3 ngày giao tranh đầu tiên, IAF đã thiệt hại mất 50 máy bay mà phần lớn bị tên lửa SA-6 tiêu diệt. Sự nguy hiểm của SA-6 đã buộc Tướng IAF đưa ra mệnh lệnh cấm các máy bay tiến gần kênh đào Suez nếu không cần thiết.
Thậm chí, không ít lần, tên lửa SA-6 đã ngăn chặn lục quân Israel tiếp nhận không vận. SA-6 tiếp tục trở thành nỗi khiếp sợ cho tới khi hệ thống phòng không của Ai Cập bị phá hủy do trúng không kích và Israel tổ chức phản công.
Kết thúc cuộc chiến Yom Kippur, IAF đã thiệt hại mất 40 máy bay F-4 Phantoms và A-4 Skyhawks dưới tay SA-6 tương đương 14% kho máy bay của IAF.
Hiện nay, SA-6 vẫn đang có mặt tại gần 30 quốc gia và được 22 nước sử dụng. Tên lửa SA-6 từng bắn hạ 2 chiến đấu cơ F-16 Vipers của Mỹ tại Iraq trong Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 và tại Bosnia năm 1995.
Năm 2003, một khẩu SA-6 của Ba Lan đã không may bắn rơi một máy bay chiến đấu Su-22 Fitter của Không quân nước này trong một cuộc tập trận.
FIM-92 Stinger
Tên lửa Stinger là thế hệ thứ hai của MANPADS và được đặt tên theo một ngọn núi của Afghanistan. Stinger từng là sát thủ đối với các thế hệ trực thăng và máy bay của Liên Xô cũ.
Giống như SA-7, tên lửa Stinger được thiết kế cho các lực lượng lục quân Mỹ tự bảo vệ mình khỏi các máy bay tấn công mặt đất của đối phương. Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn với SA-7 là Stinger có năng lực "toàn diện": vừa phát hiện vừa tấn công máy bay đối phương ở mọi góc độ.
So với các thế hệ tên lửa trước đây, Stinger hiện được trang bị đầu đạn cỡ lớn có khả năng bắn hạ các máy bay chiến thuật thay vì chỉ làm hư hại chúng.
Mỹ đã ngầm cung cấp cho quân nổi dậy Afghanistan các tên lửa Stinger vào năm 1986. Theo đó, 500 bệ phóng cầm tay và 1.000 quả tên lửa đã được phân phát như "kẹo que" cho nhóm vũ trang Hồi giáo, Nạn nhân đầu tiên của Stinger là chiếc trực thăng Mi-8MT Hip bị bắn rơi tại Jalalabad ngày 25/9/1986. Liên Xô cũ cũng đã mất 270 chiếc máy bay dưới tay của Stinger từ năm 1986 – 1989.
MIM-104 Patriot
Là một trong số hệ thống tên lửa nổi tiếng nhất trên thế giới, tên lửa Patriot của quân đội Mỹ trở thành nỗi kinh hoàng trong chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 khi nó được sử dụng để bảo vệ các lực lượng Liên minh và các trung tâm đông dân cư tại Israel khỏi sự tấn công từ tên lửa Scud của Saddam Hussein.
Ban đầu, Patriot được thiết kế để phòng thủ trước sự tấn công từ máy bay nhưng hiện nay, nó đã có khả năng ngăn chặn trực thăng, tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo và máy bay không người lái của đối phương.
Tổ hợp Patriot được chia thành hai loại tên lửa là PAC-2/GEM và PAC-3 MSE. Trong đó, PAC-2/GEM có khả năng bắn hạ các loại máy bay và tên lửa hành trình. Mỗi bệ phóng chứa 4 tên lửa PAC-2/GEM với phạm vi hoạt động 7 km và độ cao tối đa là 25.600 km.
PAC-3 MSE lại được thiết kế riêng để bắn rơi các tên lửa đạn đạo. Với cấu trúc nhỏ gọn hơn so với PAC-2/GEM, mỗ bệ phóng có thể chứa tới 12 tên lửa PAC-3 MSE. PAC-3 MSE có phạm vi hoạt động là 35 km và độ cao tối đa 34.000 km.
Patriot là sản phẩm tên lửa được sản xuất vào thập niên 70 và 80 nhưng đến nay, nó đã liên tục được nâng cấp. Dù thất bại trong cuộc chiến vùng Vịnh năm 1991, trong lần tham chiến tại Iraq năm 2003, hiệu quả hoạt động của Patriot được ghi nhận là bắn 9 trúng 9 nhằm vào các tên lửa đạn đạo của Iraq.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo tạp chí National Interest. National Interest được thành lập vào năm 1985. Tạp chí thường tập trung vào vấn đề chính sách đối ngoại và những lợi ích quốc gia của Mỹ.
Thứ Tư, ngày 30/7/2014 - 13:37
Theo MINH THU /Infonet
No comments:
Post a Comment