HÀ NỘI (NV).- Nhà cầm quyền CSVN qua Bộ công an ra lệnh cho cán bộ điều tra hình sự không được “bức cung, nhục hình” nhưng nhiều cái chết oan khuất vẫn phơi bày trên báo tại Việt Nam những năm gần đây.
Gia đình nạn nhân Ngô Thanh Kiều đến tòa án ngày 3/4/2014 đem theo các ảnh chụp thương tích nhục hình từ bàn tay hung ác của công an CSVN. (Hình:VTC)
Hôm 29/7/2014, bản tin diện tử VTC cho hay, Bộ Công an CSVN ra một bản thông tư (đề ngày 7/7/2014), đặc biệt là cho các điều tra viên hình sự các cấp, quy định về “công tác điều tra hình sự”. Trong đó, điểm đáng chú ý nhất là “nghiêm cấm điều tra viên bức cung, mớm cung hoặc dùng nhục hình dưới bất kỳ hình thức nào.'
Một ngày sau tức Thứ Tư 30/7/2014, nhiều tờ báo loan tin ông chủ tịch nước Trương Tấn Sang “có buổi làm việc với Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an.” Dịp này, sau khi nghe báo cáo, một trong những chỉ thị của ông là đòi hỏi ngành cảnh sát điều tra “đặc biệt chú trọng đến việc chống oan sai, bỏ lọt tội phạm, chống bức cung, nhục hình trong điều tra”, theo tờ Tuổi Trẻ tường thuật.
Cùng ngày, tờ điện tử VTC có bài viết “Ai giúp dân chứng minh đã bị công an đánh đập, hành hung?” Bài viết dẫn ra nhiều trường hợp người dân bị lôi về trụ sở Công an, vài giờ sau hay một hai ngày sau, người nhà của họ được thông báo cái chết rất bất thường mà trước đó khỏe mạnh bình thường.
Dù trên thân thể các nạn nhân đầy dấu vết nhục hình, công an đổ cái chết hầu hết các nạn nhân đó cho những lý do khác như “thiếu máu cơ tim cấp”, “đột tử” để chạy tội giết người, VTC kể. Thật ra, rất nhiều các vụ tra tấn dẫn đến chết người tại trụ sở Công an khắp cả nước đều vu cho nạn nhân “tự tử”, hay “sốc ma túy”.
Chỉ có một số rất ít các trường hợp không thể chống chế vào đâu được, hoặc không được cấp trên bao che tối đa, thì những tên công an giết người mới bị lôi ra tòa nhưng để nhận những bản án tượng trưng, nặng là một vài năm tù, nhẹ có thể là án treo. Nhưng nếu người dân lỡ tay làm chết ông công an nào thì bị kết án tử hình.
Trung tá công an Nguyễn Văn Ninh cùng 3 tên dân phòng đánh chết ông Trịnh Xuân Tùng giữa ban ngày trước sự chứng kiến của nhiều người tại bến xe Giáp Bát, Hà Nội, ngày 28/2/2011. Chỉ một mình ông Ninh bị kết án 4 năm tù vì “làm chết người khi thi hành công vụ” trong khi 3 viên dân phòng tham gia đấm đá thì không bị truy cứu hình sự.
Ngày 3/4/2014, khi lôi 5 sĩ quan Công an ra tòa án ở Phú Yên xử tội đã dùng nhục hình giết chết nghi can Ngô Thanh Kiều (tháng 5-2012), chỉ có 3 Công an bị kết án từ 1.5 năm tù đến 5 năm tù giam, hai công an chỉ bị tù treo từ 1 năm đến 1 năm rưỡi. Bản án bị thân nhân nạn nhân Ngô Thanh Kiều phản ứng dữ dội vì cho rằng án quá nhẹ, lại còn “bỏ lột tội phạm”.
Lê Đức Hoàn, Phó trưởng Công an thành phố Tuy Hòa là người ra lệnh trực tiếp bắt ông Ngô Thanh Kiều và ra lệnh tra tấn thì không bị truy cứu gì cả. Ông ta chối tất cả mọi tội trạng và các thuộc cấp ông ta khai ở tòa.
Tại nơi người dân bị giam giữ, điều tra, lấy cung, chỉ có công an là kẻ hỏi cung và người dân là kẻ bị bắt để điều tra và mấy bức tường. Không có ai là nhân chứng. Nạn nhân thì chết rồi. Dù chứng cứ là máu me, thân thể bầm dập bên ngoài nội tạng vỡ nát bên trong thì công an cũng vẫn chối vì biết chẳng ai làm gì được mình.
Không có pháp y độc lập như tại các nước tôn trọng pháp quyền. Pháp y tại Việt Nam là pháp y của công an, giải phẫu tử thi và giải thích theo hướng chạy tội cho công an. Khi thẩm vấn nghi can, không có luật sư ngồi bên cạnh người dân nên mọi hành vi hung ác của công an nhằm ép cung rất quen thuộc tại chế độ CSVN.
Người ta thấy một số luật sư than thở về tình trạng ép cung cũng như không cho luật sư tham gia vụ hỏi cung trong một vài phiên họp, rồi chẳng đi tới đâu. Cầm đầu tổ chức luật sư đoàn ở Việt Nam là Lê Thúc Anh, một ông đảng viên cấp cao. Cầm đầu các luật sư đoàn tại 64 tỉnh thị cả nước đều là các ông đảng viên. Bởi vậy, không hề ngạc nhiên khi thấy cái tổ chức luật sư đoàn tại Việt Nam chẳng đòi hỏi cải cách tư pháp để có công bằng, công lý gì cho thân chủ của họ.
Chỉ hơn 6 tháng đầu của năm 2014, đã có 12 nạn nhân chết trong bàn tay hung ác của công an, phần lớn vu cho người ta tự tử. Trước khi có cái thông tư thúc thuộc cấp không được ép cung, nhục hình, từ tháng 11 năm ngoái, chế độ Hà Nội đã ký vào Công ước Quốc tế về chống tra tấn. Sau khi ký thì nhiều nạn nhân của công an vẫn cứ chết vì tra tấn.
Với cái thông tư Bộ Công an mới ban hành, có mấy ai tin là công an sẽ chấm dứt ép cung, nhục hình? Liệu sẽ hết "án oan sai", hết các trường hợp vào khỏe mạnh, ra thì phải khiêng. Hay chỉ là tuyên truyền đầu lưỡi. Hãy chờ xem! (TN)
07-30- 2014 4:16:06 PM
Tư Ngộ/Người Việt
No comments:
Post a Comment