Sunday, July 27, 2014

Trung Quốc muốn thành "ông Kẹ" dọa thế giới



(Lực lượng vũ trang) - Trung Quốc vừa thử nghiệm loại tên lửa có khả năng tiêu diệt các vệ tinh trong quỹ đạo Trái Đất, một tín hiệu mà Mỹ cho rằng đáng lo ngại

Trung Quốc không thôi ý định chiến tranh không gian
Đài Tiếng nói nước Nga đưa thông tin, đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ bà Marie Harf nói rõ rằng việc phóng tên lửa đã được thực hiện vào ngày thứ Tư 23/7/2014. Trong khuôn khổ cuộc thử nghiệm này, phía Mỹ đã chỉ rõ Trung Quốc đã bắn tên lửa có mục tiêu cụ thể nhưng không xảy ra việc đánh chặn vệ tinh trực tiếp.
Ngay sau đó Mỹ kêu gọi Trung Quốc kiềm chế các hành động gây bất ổn định. Theo hãng thông tấn ITAR-TASS, bà Marie Harf bày tỏ quan điểm rằng trong triển vọng dài hạn, việc Trung Quốc chế tạo và thử nghiệm tiếp theo các vũ khí chống vệ tinh đang đe dọa việc đảm bảo an ninh trong không gian vũ trụ.
Được biết trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã tiến hành một loạt thử nghiệm liên quan đến việc chế tạo vũ khí chống vệ tinh. Thử nghiệm nghiêm trọng nhất trong số này từng được tiến hành vào tháng 1/2007.
Khi đó Trung Quốc đã sử dụng tên lửa đạn đạo hủy diệt một vệ tinh khí tượng cũ ở độ cao 865 km trên bề mặt trái đất. Một loạt các quốc gia, trong đó có Mỹ, liên minh châu Âu (EU) khi đó đã bày tỏ sự quan ngại trước hành động của Trung Quốc.
Tên lửa được cho là vũ khí diệt vệ tinh của Trung Quốc phóng hôm 23/7/2014
Tên lửa được cho là vũ khí diệt vệ tinh của Trung Quốc phóng hôm 23/7/2014
Hậu quả của việc Trung Quốc tiến hành thử nghiệm này là hình thành đám mây mảnh vỡ với số lượng khoảng 3 ngàn đơn vị. Đám mây này đã ảnh hưởng đến rất nhiều vệ tinh của các quốc gia xung quanh, chính vệ tinh của chính Trung Quốc cũng gặp vấn đề.
Thậm chí, trong lần thử nghiệm đó, Trung Quốc dù bắn thử tên lửa vào ngày 11/1/2007 nhưng đến tận ngày 23/1/2014, khi có quá nhiều cáo buộc của các tổ chức thế giới, Trung Quốc mới đứng ra nhận trách nhiệm về cuộc thử vũ khí của mình.
Còn trong lần thử nghiệm vừa qua, hôm 23/7/2014, phía Mỹ đã phản ứng khá gay gắt, kêu gọi Trung Quốc kiềm chế các hành động gây bất ổn định, trong đó có việc tiếp tục nghiên cứu và thử nghiệm các hệ thống chống vệ tinh.”
Theo lời bà Harf, những hành động này “trong tương lai có thể đe dọa an toàn trong khoảng không vũ trụ. Mỹ đã nhiều lần gửi đến các quan chức Trung Quốc những thông báo bày tỏ quan ngại về sự phát triển các hệ thống chống vệ tinh mà Bắc Kinh đang tiến hành.”
Còn về phía EU, cơ quan phát ngôn của liên minh này đã tuyên bố: "Một cuộc thử nghiệm vũ khí chống vệ tinh là trái với nỗ lực của quốc tế ngăn chặn một cuộc chạy đua ngoài không gian vũ trụ, châm ngòi cho nền an ninh vũ trụ. Và Trung Quốc sẽ phải nhìn nhận một cách nghiêm túc về vấn đề trách nhiệm của mình trong hành động vừa qua.”
Trung Quốc muốn chiến tranh không gian với ai?
Tên lửa chống vệ tinh là loại vũ khí không gian được thiết kế để tiêu diệt các vệ tinh cho các mục đích quân sự chiến lược.
Hiện tại chỉ có Hoa Kỳ, Liên Xô trước đây và Trung Quốc được coi là đã phát triển loại vũ khí này. Còn không rõ nước Nga hiện tại có tiếp tục duy trì các chương trình của Liên Xô hay không. Ấn Độ tuyên bố hoàn toàn có khả năng kỹ thuật để phát triển loại vũ khí như vậy nhưng họ từ chối tham gia vào việc sản xuất. Những cuộc thử nghiệm đầu tiên loại vũ khí này được người Mỹ bắt đầu từ những năm 1980.
Trung Quốc đang nỗ lực phát triển sức mạnh không gian của mình để cạnh tranh vị thế cường quốc vũ trụ
Trung Quốc đang nỗ lực phát triển sức mạnh không gian của mình để cạnh tranh vị thế cường quốc vũ trụ
Phải thấy rằng, trong một cuộc chiến tranh quy mô lớn, thậm chí là giữa các lục địa với nhau, vũ khí lợi hại nhất là các tên lửa liên lục địa mang đầu đạn hạt nhân. Khi phải sử dụng đến loại vũ khí ấy, đồng nghĩa với việc hai quốc gia tham chiến đã lựa chọn cho trường hợp một mất một còn. Tuy nhiên, tên lửa đạn đạo liên lục địa sẽ trở thành đống sắt vụn khi thiếu đi sự định vị, dẫn đường của các thiết bị vệ tinh.
Vì thế, việc phát triển vũ khí tiêu diệt vệ tinh là một bước đi tắt đón đầu, thay vì phát triển lá chắn phòng thủ tên lửa ở mặt đất mà hiệu quả và tỉ lệ đánh chặn không cao.
Thực tế, cho đến thời điểm này, chỉ có Trung Quốc và Mỹ công khai còn nghiên cứu sản xuất loại vũ khí này. Và nhìn vào mối quan hệ trên thế giới, có thể thấy Mỹ đang được Trung Quốc coi như kẻ đáng đề phòng và đối phó nhất. Việc phát triển vũ khí chống vệ tinh chỉ là một trong những chiến lược dễ hiểu mà quân đội Trung Quốc thực thi để ngăn chặn những mối lo từ tên lửa liên lục địa của Mỹ.
Song song với việc đầu tư khả năng tác chiến biển xa của hải quân, uy lực, số lượng và sự linh hoạt của không quân, hiện đại hóa và chuyên nghiệp hóa lục quân, thì vũ khí không gian sẽ khiến Trung Quốc đẩy sự chuẩn bị cho cuộc chiến của họ với Mỹ tới ngưỡng toàn diện.
Vẫn là một Trung Quốc bất chấp
Trong những gì mà đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Marie Harf tuyên bố về việc Trung Quốc thử nghiệm vũ khí hạt nhân có đề cập đến việc Bắc Kinh đang vi phạm nghiêm trọng Hiệp ước không gian của Liên Hợp Quốc, và yêu cầu họ phải có trách nhiệm.
Nhưng thực tế, việc chỉ trích những sai trái của Trung Quốc dựa trên diễn giải pháp luật quốc tế và các công ước được Trung Quốc công nhận là một điều thừa thãi. Bởi họ từ trước đến nay luôn bất chấp tất cả và không coi luật pháp ra gì.
Đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Marie Harf
Đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Marie Harf
Còn nhớ, cách mà Bắc Kinh thử nghiệm vũ khí tiêu diệt vệ tinh hồi năm 2007. Vũ khí ấy đã đủ sức tiêu hủy vệ tinh mục tiêu và làm nhiều vệ tinh khác xung quanh bị tê liệt.
Có thể hiểu điều này theo hai hướng, hoặc Bắc Kinh chưa đủ sức chế tạo vũ khí tiêu diệt vệ tinh triệt để, hoặc Bắc Kinh đang dồn sức vào chế tạo một loại vũ khí phá hủy với diện càng rộng càng tốt.
Nếu hiểu theo cách này, có thể thấy Bắc Kinh đang liều lĩnh chơi trò hi sinh, tất cả các vệ tinh cùng chết, diện mạo cuộc chiến, công nghệ chiến tranh sẽ bị đẩy lùi lại hàng chục năm, thậm chí tương đương với thời chiến tranh thế giới thứ hai, khi các bên tham gia chỉ có súng đạn, xe tăng...
Và một khi cục diện chuyển thành tình huống đọ sức mạnh bằng số lượng người lính, có lẽ Bắc Kinh sẽ rất tự tin.
Đỗ Minh Tú

No comments:

Post a Comment