Wednesday, June 11, 2014

Trợ lý ngoại trưởng Mỹ: Trung Quốc nên rút giàn khoan

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách châu Á-Thái Bình Dương Đa-ni-en Rút-xen (Daniel Russel) tiếp tục bày tỏ quan ngại về tình hình căng thẳng trên Biển Đông và tái khẳng định bất kỳ hành vi cưỡng bức hay đe dọa nào đều “không thể chấp nhận”.
Ông Rút-xen chủ trì buổi họp báo qua điện thoại từ Răng-gun (Mi-an-ma), nơi ông tham dự hàng loạt các cuộc gặp với các quan chức  ASEAN từ ngày 5-6. Cuộc họp báo bắt đầu lúc 16 giờ 30 phút ngày 10-6 (giờ Việt Nam) và kéo dài trong khoảng 45 phút. Đa số các câu hỏi tập trung vào chủ đề căng thẳng trên Biển Đông.
“Với tư cách quan chức cao cấp từ Mỹ tôi đã gặp gỡ với các đối tác quan trọng của ASEAN, cũng như các đối tác trong khuôn khổ hợp tác Đông Á... Và hôm nay, tôi có cuộc đối thoại rất hiệu quả về quan hệ Mỹ và ASEAN. Chúng tôi nhất trí cuộc gặp cấp bộ trưởng sẽ được diễn ra ở Mi-an-ma vào tháng 8 và hội nghị cấp cao vào tháng 11, bao gồm cả Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á cũng như Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-ASEAN”, ông Rút-xen mở đầu cuộc họp báo.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Đ.Rút-xen.Ảnh: Trường Sơn
Theo Trợ lý Ngoại trưởng Rút-xen, các cuộc hội đàm trong những ngày qua ở Mi-an-ma đã chú trọng vào chủ đề về an ninh hàng hải, đặc biệt là về tình hình hiện nay trên Biển Đông. Ông Rút-xen cho biết, Mỹ đã đưa ra một số đề xuất mang tính xây dựng. “Mặc dù không đứng về phía nước nào trong tranh chấp Biển Đông nhưng chúng tôi vẫn thường xuyên theo dõi, đưa ra ý kiến lẫn cảnh báo nghiêm khắc đối với các hành vi cưỡng bức hay đe dọa trên Biển Đông”, ông Rút-xen nói. “Chúng tôi đã, đang và sẽ tiếp tục thẳng thắn lên án những hành vi như vậy vốn đang đẩy tình hình trên Biển Đông đi quá xa”, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh.
Ông Rút-xen cũng nhắc đến việc Tòa Trọng tài Thường trực (trụ sở tại La Hay, Hà Lan) vừa yêu cầu Trung Quốc trong vòng 6 tháng phải trả lời đơn kiện của Phi-líp-pin liên quan đến yêu sách “đường lưỡi bò” của Bắc Kinh trên Biển Đông. “Đây là cơ hội quan trọng, mở cánh cửa cho Trung Quốc gỡ bỏ những mập mờ liên quan đến yêu sách (đường 9 đoạn) của nước này”, ông Rút-xen nói.
Chính phủ Phi-líp-pin đã chính thức đệ trình hồ sơ luận cứ dài khoảng 4000 trang, trong đó có các luận chứng cáo buộc tuyên bố chủ quyền “đường lưỡi bò” phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông, lên Tòa án Liên hợp quốc về Luật Biển (ITLOS) vào ngày 30-3-2014. Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) là cơ quan cuối cùng thụ lý vụ kiện này. Trong thông cáo ngày 3-6, PCA cho biết, vào ngày 21-5, Trung Quốc một lần nữa “không công nhận phiên tòa do Phi-líp-pin theo đuổi và sẽ không tham dự bất kỳ phiên xử nào”. Tuy vậy, PCA vẫn ra thời hạn cho Bắc Kinh đến ngày 15-12-2014 phải phúc đáp bằng văn bản về vấn đề trên để đảm bảo công bằng cho hai bên. “Chính những tuyên bố chủ quyền dựa trên "đường chín đoạn" này đang không ngừng làm gia tăng căng thẳng và bất ổn trong khu vực”, ông Rút-xen cảnh báo.
Ông Rút-xen cũng cho biết, trong các cuộc họp tại Răng-gun, ông cũng đề cập đến sự cần thiết của việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). “Năm 2002, Trung Quốc và ASEAN đã ký Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). DOC đã đưa ra những yếu tố cơ bản  nhằm có thể xúc tiến xây dựng COC”, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh. Trước đó, trong phiên điều trần tại Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ hôm 21-5, ông Rút-xen cho biết, Mỹ đã hối thúc Trung Quốc hợp tác với các nước láng giềng cũng như các nước ASEAN đang đòi hỏi chủ quyền trên Biển Đông, tìm kiếm một thỏa thuận về cơ chế ngăn ngừa xung đột hoặc kiểm soát các vụ việc xảy ra trên biển để thúc đẩy quá trình đàm phán COC.
Nói về sự quan ngại của Mỹ đối với những diễn biến căng thẳng trên Biển Đông hiện nay, ông Rút-xen nhấn mạnh: Biển Đông là tuyến hàng hải trọng yếu và giàu tài nguyên. Thế giới cần tự do hàng hải. Thế giới cần hàng hải phải được đảm bảo an toàn và thế giới cần các nguồn tài nguyên phải được quản lý một cách có trách nhiệm và ổn định. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh, nền kinh tế khu vực rất quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu, nên các nước trong khu vực cần kiềm chế, tránh những hành động đơn phương có thể khiến căng thẳng leo thang dẫn đến xung đột. 
Nói về các biện pháp hạ nhiệt căng thẳng, ông Rút-xen đưa ra đề xuất: “Các bên cần thể hiện tinh thần hợp tác, tự kiềm chế và bảo đảm an toàn cho ngư dân cũng như tàu bè”. 
Đề cập cụ thể trường hợp căng thẳng hiện nay giữa Việt Nam và Trung Quốc, ông Rút-xen nói: “Trung Quốc nên rút giàn khoan (Hải Dương 981)”.
Thứ Tư, ngày 11/6/2014 - 18:54
Theo NGỌC HÀ (QĐND)

No comments:

Post a Comment