Wednesday, June 11, 2014

Công cụ mới để Trung Quốc thôn tính Biển Đông

 ĐấtViệt-Theo hãng tin Bloomberg, đá, xi măng, sắt thép… là những công cụ mới nhất để Trung Quốc “thay đổi nguyên trạng”, thôn tính  Biển Đông.

Gần đây, tàu Trung Quốc chở vật liệu xây dựng thường xuyên xuất hiện tại vùng biển Trường Sa, tiến hành công việc lấn biển để tạo ra những hòn đảo nhân tạo mô phỏng siêu dự án “Đảo cọ” ở Dubai của Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE).

Công cụ mới để Trung Quốc thôn tính Biển Đông - Ảnh 1
Hoạt động “khơi luồng, đắp đảo nhân tạo” của Trung Quốc ở bãi đá ngầm Gạc Ma  đã bắt đầu từ tháng 2/2014
Ông Eugenio Bito-onon (58 tuổi, thị trưởng cụm đảo Kalayaan trên quần đảo Trường Sa) nói với Bloomberg: “Họ đang cố tạo ra những hòn đảo nhân tạo như  ở Dubai”. Một ngư dân Philippines cũng cho biết công việc đắp đảo lấn biển của Trung Quốc diễn ra liên tục, trên quy mô lớn.

“Mục đích cuối cùng của Trung Quốc là kiểm soát trên thực tế các vùng biển xung quanh, cụ thể là Tây Thái Bình Dương… Vấn đề được đặt ra là mục đích này sẽ được thực hiện theo cách nào. Trung Quốc có thể tính đến các hành động cứng rắn hơn, trước việc các nước có tranh chấp phản ứng cứng rắn như vừa qua”, nhà nghiên cứu khoa học chính trị Richard Javad Heydarian thuộc Đại học Ateneo de Manila (Philippines) nhận định.

Xâm lấn Trường Sa theo kiểu “tằm ăn lá dâu”

Quần đảo Trường Sa bao gồm hơn 100 đảo nhỏ và các mỏm đá, với tổng diện tích khoảng chỉ khoảng 5 km2 đất nổi. Vùng biển Trường Sa có nguồn lợi thủy sản rất phong phú, giàu tiềm năng dầu mỏ, khí đốt. Dựa theo “đường 9 đoạn” mơ hồ và vô cùng phi lý, Trung Quốc trắng trợn tuyên bố Trường Sa là một phần lãnh thổ của nước này và Bắc Kinh có quyền làm “bất kỳ điều gì ở các đảo, rạn san hô ở đây”, chẳng liên quan gì đến Philippines cả. Đó là tuyên bố ngang ngược ngày 6/6 của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi.

Hồi tháng 5 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin cho biết các hoạt động “khơi luồng, đắp đảo nhân tạo” của Trung Quốc ở bãi đá ngầm Gạc Ma – cách bãi cạn Scarborough khoảng 385 hải lý – đã bắt đầu từ tháng 2/2014 và “gần như chắc chắn đó sẽ là một căn cứ” quân sự. Tiếp đó, đầu tháng 6 này, chính phủ Philippines thông báo đã phát hiện các hành động xâm lấn, cải tạo đất đá ở hai ghềnh đá khác là Gaven và Cuarteron – với sự xuất hiện của nhiều tàu bè như ở đá Gạc Ma.

Thông tin này được các ngư dân Philippines đánh bắt thủy sản gần đó xác nhận. Pasi Abdulpata, chủ một tàu đánh bắt hải sản cho biết, các thuyền viên của ông điện báo về nói rằng Trung Quốc đã tiến hành bốc dỡ xi măng, cột gỗ, sắt thép gần bãi Gạc Ma giữa tháng 5. Có dấu hiệu cho thấy phía Trung Quốc xây dựng nhà cửa, với việc huy động khoảng 3 tàu chở vật liệu.

Chủ tàu Pasi Abdulpata nói:  “Cái điều mà Trung Quốc đang làm là sai trái, làm biến dạng đại dương”. Tháng 10/2013, khi đánh cá ở mạn bắc quần đảo Trường Sa gần đảo Parola, ông Abdulpata đã nhìn thấy nhiều tàu lớn của Trung Quốc “sử dụng đường ống hút cát đá” đổ từ bên này sang bên kia để đắp đảo nhân tạo.

Việc Trung Quốc hút cát đá đắp đảo nhân tạo ở bãi đá ngầm Gạc Ma (tên quốc tế là Johnson South Reef) là vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc đã ký kết với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong năm 2002. Tuyên bố không có tính chất ràng buộc này kêu gọi các bên tránh “cư ngụ ở những hòn đảo, ghềnh đá, rạn san hô và các thực thể khác vốn không có người ở”. Trong khi đó, phát ngôn viên Hồng Lỗi trơ tráo nói rằng Trung Quốc đang tuân thủ nghiêm chỉnh DOC.

Công cụ mới để Trung Quốc thôn tính Biển Đông  - Ảnh 2
Trung Quốc có kế hoạch mở rộng tiền đồn nổi Đá Chữ Thập (trong ảnh) thành một căn cứ quân sự rộng tới 5 km2, có quân cảng và đường băng sân bay.

Trong khi đó, Philippines đang giám sát các hoạt động của Trung Quốc ở đá Chữ Thập (tên quốc tế là Fiery Cross Reef), nơi mạng Qianzhan.com của Trung Quốc hồi tháng 2/2014 đưa tin Bắc Kinh đã lên kế hoạch đắp đảo nhân tạo để xây dựng một căn cứ quân sự khổng lồ (có tin nói rộng tới 5 km2, bằng tổng diện tích tất cả các đảo nổi trong quần đảo Trường Sa) .

Phát biểu qua điện thoại, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines, Charles Jose, nói bất kỳ hành động nào nhằm biến các ran san hô thành đường băng sân bay hoặc cảng biển đều “làm gia tăng căng thẳng và vi phạm DOC”.

Mỹ kêu gọi duy trì nguyên trạng, phản đối “hành động cưỡng ép”

Trước hành động xâm lấn nói trên của phía Trung Quốc, ngày 10/6, Trợ lý ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Russel trả lời báo giới qua điện thoại: “Có rất nhiều báo cáo, thông tin về hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông, ví như việc hút đất đá lấn biển cũng như hoạt động xây dựng quy mô lớn các tiền đồn. Điều này đã vượt rất xa cái điều mà một người bình thường coi là tuân thủ duy trì nguyên trạng. Hành động cưỡng ép và đe dọa sử dụng vũ lực như  một cách thức để thúc đẩy các tuyên bố chủ quyền là điều không thể chấp nhận được”.

“Mặc dù không đứng về phía nước nào trong tranh chấp biển Đông, nhưng chúng tôi vẫn thường xuyên theo dõi, đưa ra ý kiến lẫn cảnh báo nghiêm khắc đối với các hành vi cưỡng bức hay đe dọa trên biển Đông”, ông Russel nói.

Trợ lý ngoại trưởng Russel cũng nhắc đến việc Tòa Trọng tài Thường trực (trụ sở tại La Haye, Hà Lan) vừa yêu cầu Trung Quốc trong vòng 6 tháng phải trả lời đơn kiện của Philippines liên quan đến yêu sách “đường lưỡi bò” của Bắc Kinh trên biển Đông. Ông nói: “Đây là cơ hội quan trọng cho Trung Quốc để gỡ bỏ những mập mờ liên quan đến ‘đường chín đoạn’ của nước này”.

Về phần mình, Philippines đã đưa vấn đề tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc ra một tòa án của Liên hợp quốc, một vụ kiện mà Bắc Kinh đã từ chối tham gia.

Thị trưởng Eugenio Bito-onon của cụm đảo Kalayaan trên quần đảo Trường Sa cũng ủng hộ việc đưa vấn đề tranh chấp biển đảo ra tòa án trọng tài quốc tế, do sức mạnh quân sự quá vượt trội của Trung Quốc.
06-11- 2014

No comments:

Post a Comment