Wednesday, June 11, 2014

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có thực tâm chống Trung Quốc?

000_Del6318770-600.jpg
Thủ tướng CS Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đến sân bay quốc tế thủ đô Naypyidaw, Myanmar để tham dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN 24 hôm 10/5/2014-AFP photo
Kami 2014-06-11
Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc đã cho người ta thấy nó diễn ra có tính chu kỳ, giống như chuyện con kiến bò quanh miệng chén, nhưng chỉ khác cái vòng tròn bạn thù ấy là một hình xoáy trôn ốc. Điều đáng ngại là diễn biến đó hiện nay xảy ra trong sự thiếu nhất quán và mất đoàn kết của các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ trong việc lãnh đạo quốc gia.
Cách đây hơn 35 năm, không khí chống Trung Quốc khi ấy có lẽ còn căng thẳng hơn những ngày này. Còn nhớ lúc ấy trên trang nhất những tờ báo Nhân dân, Quân đội Nhân dân... tràn ngập các tin tức và hình ảnh tố cáo Trung Quốc, một quốc gia trước đấy không lâu đã từng được Việt Nam coi là anh em đồng chí và được ví như môi với răng, như câu "Môi hở, răng lạnh". Khi ấy Tổng Bí thư Đảng CSVN ông Lê Duẩn nắm quyền lực một cách tuyệt đối, có vai trò quyết định trong việc lèo lái quốc gia. Với các hành động quyết đoán mang hơi hướng độc tài của ông Lê Duẩn, cộng với sự thống nhất trong ban lãnh đạo lúc ấy là nguyên nhân khiến cho Việt Nam giành thắng lợi trước Trung Quốc trong cuộc chiến Biên giới phía Bắc (1979).
Điều đó là điểm khác cơ bản nhất đối với hệ thống chính trị Việt Nam hiện nay, khi quyền lãnh đạo thuộc về tập thể Bộ Chính trị với vai trò hết sức mờ nhạt của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng người giữ trọng trách lớn nhất. Đây chính là điều hết sức đáng lo ngại.
Nội bộ lãnh đạo bất nhất và bạc nhược
Từ đầu tháng 5.2014, khi chính quyền Trung quốc đưa giàn khoan HD-981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đấy cũng là thời điểm diễn ra Hội nghị Ban chấp hành TW9 khóa XI. Trong báo cáo khai mạc và kết thúc Hội nghị TW9 của ông TBT Nguyễn Phú Trọng hầu như vấn đề này không được đề cập.
Không có bất cứ một chữ ‘Trung Quốc’ nào, và chỉ có duy nhất một lần chữ ‘Biển Đông’ được nhắc đến trong báo cáo đó. Không những thế, phải rất lâu người ta mới thấy các lãnh đạo của đảng CSVN và chính quyền, như các ông TBT Nguyễn Phú Trọng, CTN Trương Tấn Sang và CTQH Nguyễn Sinh Hùng mới lên tiếng phản đối một cách rời rạc, yếu ớt chưa đủ tầm cần phải có. Có ý kiến cho rằng các phát biểu của các lãnh đạo quốc gia phải hết sức thận trọng, cẩn thận nếu không thì sẽ hớ bởi lỡ lời, và khi đó không rút lại được. Điều này có thể chấp nhận được, song một yêu cầu dứt khoát là các phát biểu của những
người lãnh đạo hàng đầu phải hướng về một phía và chung một mục tiêu. Nhưng trên thực tế thì sao?
Trước hết là Tổng BT Nguyễn Phú Trọng một con người giáo điều và bảo thủ đã im lặng tuyệt đối trong vấn đề này, và có người không kìm được sự tức giận đã phải hỏi  <http://www.procontra.asia/?p=4419> "Tổng Bí thư đang làm gì?" trong lúc nước sôi lửa bỏng? Trong lúc đó có tin từ The New York Times, một
nhật báo có uy tín của cho biết rằng: một nhà ngoại giao cấp cao ở Bắc Kinh tiết lộ người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam (Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng) muốn qua Bắc Kinh gặp Tập Cận Bình để nói chuyện về Biển Đông, nhưng Tập Cận Bình đã từ chối không chịu gặp. Đau đớn hơn thì vào cùng thời điểm đó, ông Tập Cận Bình đã tiếp trọng thị Thủ tướng Hunxen của Campuchia. Vậy mà ông Tổng BT Nguyễn Phú Trọng không biết để mà thay đổi, không những thế ông ta vẫn giữ nguyên đường lối ngả hẳn về phía Trung Quốc như từ trước đến nay.
Song cũng may cho ông Trọng, bây giờ người ta đều hiểu rằng vào lúc này thực chất là ông không có thực quyền trong Đảng, nói không có người nghe và hai chữ “Trung Quốc” là điều phạm húy ông ta không được phép nói ra. Tuy vậy còn có không ít người "ác ý" thì mỉa mai rằng: có lẽ phía Trung Quốc nên cho sửa chữa căn biệt thự trước kia ông Hoàng Văn Hoan đã sống khi trốn chạy khỏi Việt Nam năm 1979 để dành cho ông Trọng sang trú ngụ trong thời gian sắp tới.
Còn ông Chủ Tịch Nước Trương Tấn Sang thì các phát biểu có vẻ chung chung nhằm không mất lòng ai, từ người dân, hay chính phủ Hoa kỳ, Trung Quốc.
Trước đây ông Trương Tấn Sang đã từng có các phát biểu về chủ quyền biển đảo đã thu hút sự quan tâm và tin tưởng của người dân. Nhưng mới nhất ngày 19.5.2014, trong dịp tiếp Tân Đại sứ Trung Quốc, Chủ Tịch Nước Trương Tấn Sang vẫn còn chúc mừng và hy vọng Đại sứ Hồng Tiểu Dũng sẽ " phát huy tốt
vai trò cầu nối quan trọng, đóng góp thiết thực cho quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước ".
Đối với Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng cũng chẳng hơn gì, cũng ba phải, nước đôi và không có một chính kiến cụ thể. Việc thông qua Luật Biểu tình thuộc thẩm quyền của Quốc hội, tuy nhiên công việc này cũng đã và đang gặp rất nhiều trở ngại, vì số ĐBQH ủng hộ việc đưa Dự Luật này ra Quốc hội xem xét chỉ là thiểu số. Đặc biệt việc Ủy ban Pháp luật của Quốc hội sẽ tổng hợp ý kiến của các đại biểu Quốc hội để báo cáo Đảng đoàn Quốc hội. Sau đó Đảng đoàn Quốc hội sẽ có trách nhiệm báo cáo Bộ Chính trị về vấn đề này. Việc chiều 30-5, với tỷ lệ 85,14% trên tổng số đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc
hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2014 của Quốc hội. Theo nghị quyết này, 2 dự án Luật Biểu tình và Luật Trưng cầu ý dân được bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của
Quốc hội năm 2015. Đây là một chỉ dấu cho thấy trong lúc này, Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng không ủng hộ Thủ tướng Dũng. Điều đó cho thấy sự dửng dưng vô trách nhiệm của một số người đứng đầu nhà nước và lãnh đạo các ngành ở mọi cấp từ trung ương tới địa phương, trước vận mệnh của dân tộc đang bị đe dọa bởi họa xâm lăng của kẻ thù phương Bắc. Đến giờ phút này họ chưa hết mê muội để từ bỏ mối quan hệ anh em với kẻ thù ngàn đời của dân tộc Việt nam, đó là một số đông những kẻ có quan điểm và thái độ "hèn với giặc - ác với dân", luôn lo mất chức quyền hơn mất nước và đến nay đang dần dần lộ mặt là tay sai của Bắc kinh.
Có phải Thủ tướng Dũng đã nổi bật và đang khuynh loát?
Trong bối cảnh quan điểm của các lãnh đạo Việt Nam vẫn đang bùng nhùng thiếu nhất quán như vậy, đây cũng chính là lý do Việt Nam vẫn đang chần chừ chưa thể quốc tế hóa việc kiện Trung Quốc về vụ giàn khoan HD-981 cũng như vụ quần đảo Hoàng Sa.
Nguyên nhân chính là do một bộ phận lãnh đạo còn e ngại động chạm tới quan hệ hữu nghị với Trung Quốc và thiếu một sự thống nhất quyết tâm trong nội bộ lãnh đạo từ Đảng tới Quốc hội. Trong bối cảnh này, thái độ quyết đoán và các phát biểu kiên quyết của các lãnh đạo là một điều hết sức cần thiết, bởi vì nó có giá trị tinh thần nhất định cho toàn dân vào thời điểm nước sôi lửa bỏng này.
Phát biểu của ông Nguyễn Tấn Dũng khi trả lời báo chí ở Philippines vừa qua khi cho rằng "Nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó”, cũng như một tin quan trọng gần đây không thể không nhắc đến, đó là việc Thủ tướng
Nguyễn Tấn Dũng một lần nữa đã khẳng định phải làm Luật biểu tình trước Quốc hội ngày 27.5.2014, điều đó đã nhận được sự đồng tình của đa số dân chúng Việt Nam. Và nhiều người hồ hởi cho rằng điều này chỉ có thể xảy ra khi Việt Nam dưới sự lãnh đạo của ông Nguyễn Tấn Dũng tiến hành cải cách toàn diện và sâu rộng thể chế chính trị hiện tại để đưa Việt Nam thành một quốc gia dân chủ.
Họ cho rằng đây cũng chính là một đòn hiểm nhất rất đáng sợ mà Việt Nam giành cho người láng giềng tham lam phương Bắc. Việc Quốc hội có sớm thông qua Luật Biểu tình vào năm 2015 theo kế hoạch hay không phần nào cũng đánh giá được sức mạnh thực có của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các cộng sự của ông đang chiếm đa số lớn trong Ban Chấp hành TW Đảng CSVN.
Những ngày này dư luận xã hội cho rằng, các hoạt động và các lời tuyên bố của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thể hiện vai trò nổi bật của một nhà lãnh đạo khôn ngoan và kiên quyết trong việc chống Trung Quốc cũng như trong việc thúc đẩy dân chủ hóa với mục đích nhằm lôi kéo sự ủng hộ của dư luận thế
giới đặc biệt là Hoa kỳ. Điều đó đã cho thấy có lẽ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã giành được cho mình một vị thế quan trọng cần phải có của một người đang làm chủ cuộc chơi, để tạo ra một sự đồng thuận từ trong Bộ Chính trị trong cách đối phó với vụ khủng hoảng giàn khoan trên Biển Đông. Trong lúc phe bảo thủ trong Đảng của TBT Nguyễn Phú Trọng vẫn còn không dám thay đổi, vẫn rất dè dặt, thận trọng để giữ nguyên đường lối ngả hẳn về phía Trung Quốc như từ trước đến nay. Nên nhớ, theo quy định, mọi phát biểu của lãnh đạo cấp cao về một vấn đề quan trọng, đặc biệt là vấn đề đối ngoại đều phải có sự đồng ý và thống nhất chủ trương của đa số hoặc hầu hết các thành viên Bộ Chính trị.
Nếu như thế thì Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhận được sự ủng hộ của đa số trong Bộ Chính trị, song chưa hẳn là đa số tuyệt đối. Phải chăng đó là lý do vì sao cho đến lúc này việc chống Trung Quốc bằng lời nói của ông Thủ tướng Dũng không đi đôi với hành động. Hơn nữa nếu thực sự Thủ tướng Dũng mạnh và khuynh loát thì sao ông không gây sức ép buộc Hội nghị TW9 ra nghị quyết về vấn đề Biển đông?
Hay là chính sách tung hỏa mù?
Tình thế hiểm nghèo của đất nước hiện nay vừa là thách thức song cũng vừa là cơ hội lớn cho dân tộc Việt Nam thoát Trung và chấn hưng đất nước, mở ra một kỷ nguyên mới cho đất nước và dân tộc Việt nam theo con đường mà các quốc gia văn minh khác đã lựa chọn. Muốn như vậy thì buộc phải thúc đẩy cải cách thể chế chính trị, chuyển đổi thể chế từ toàn trị sang thể chế dân chủ tự do một cách ôn hòa, cùng với việc cải cách kinh tế, văn hóa, giáo dục... để đưa đất nước thoát ra khỏi tình trạng khủng hoảng toàn diện và sâu sắc hiện nay.
Và chỉ có như thế mới có thể tập hợp được sức mạnh của toàn dân tộc và sự đồng tình, ủng hộ mạnh mẽ của thế giới tiến bộ để tạo nên sức mạnh trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước.
Trong bối cảnh chính trị hiện nay, dư luận cho rằng đây là thời điểm hết sức thuận lợi cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, một nhà lãnh đạo có tư tưởng cấp tiến, có các phát biểu cứng rắn chống Trung quốc ra tay tiến hành cải cách theo tinh thần thông điệp đầu năm 2014. Tuy nhiên các động thái từ trong
nước, đặc biệt các phản ứng thiếu dứt khoát từ nhiều phía, đặc biệt là phát biểu gần đây của Đại tướng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh cho thấy ở thời điểm này đảng CSVN khó có đủ can đảm để tuyệt giao mọi quan hệ chính trị với Trung Quốc như mong mỏi đa số người dân. Điều đó một số người cho rằng việc này là một sự tính toán có hệ thống của ban lãnh đạo Đảng CSVN, họ đang trình bày một vở diễn theo phương châm "Kẻ đấm, người xoa" để nhằm đánh lạc hướng dư luận, khiến người dân không biết đường nào mà lần.
Để hiểu rõ hơn về quan điểm của các lãnh đạo Việt nam, xin bạn đọc theo dõi một đoạn ngắn đăng trên trang facebook của Nhà báo Huy Đức gần đây, khi cho rằng : "Cựu thứ trưởng Bộ Nội vụ đặc trách An ninh, Trung tướng Võ Viết Thanh (1987-1991), kể: "Gặp các vị đương chức tôi hay hỏi: Nếu bây giờ tranh
cử với một người chủ trương dân chủ, chủ trương kinh tế thị trường mà quý vị vẫn chủ trương 'định hướng xã hội chủ nghĩa', chủ trương chuyên chính vô sản, chủ trương 'quốc doanh chủ đạo', dân có bầu cho quý vị không? Các vị ấy trả lời: Không. Tôi bảo, sao quý vị biết lòng dân như vậy mà vẫn cứ cố tình
nói khác, làm khác!". Đấy chính là cả một vấn đề của chính trị Việt Nam nói chung và quan hệ Việt - Trung nói riêng. Đó là mọi hành động và lời nói của các quan chức lãnh đạo VN chẳng bao giờ nhằm mục đích vì nước vì dân hay vì chống kẻ thù, mà tất cả chỉ phục vụ lợi ích cá nhân của họ trong việc lấy
điểm để thăng tiến và bảo vệ quyền lực của cá nhân họ cho kỳ Đại hội Đảng sắp tới. Còn tất cả thì sống chết mặc bay và họ không quan tâm. Đối với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng vậy, sự kiện giàn khoan HD-981 cũng chính là lúc ông ta tranh thủ lấy điểm với Ban Chấp hành TW, Bộ Chính trị cho kỳ Đại hội Đảng lần thứ 12 sắp tới vào năm 2016, chứ hoàn toàn không xuất phát từ mục đích chống Trung Quốc xâm lược hay vì việc lấy lòng quần chúng nhân dân. Bởi vì niềm tin của quần chúng nhân dân chỉ được coi là một thứ trò chơi trong bàn cờ chính trị, chứ nó hoàn toàn không có giá trị gì trong việc thăng tiến của các lãnh đạo Cộng sản.
Việc lãnh đạo Việt Nam không dứt khoát trong việc đưa Trung Quốc ra kiện trước Tòa án quốc tế từ trước đến nay và ngay cả trong hiện tại cũng thể hiện điều đó. Vì đã kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trong tinh thần hòa hòa bình thì tại sao không sử dụng biện pháp pháp lý đối với Trung Quốc ngay vào lúc này?
Lửa thử vàng, gian nan thử sức. Giữa lúc vận mệnh quốc đang bị đe dọa và cũng chính là lúc này là lúc chúng ta phân biệt được thật giả, đồng thau từ những người lãnh đạo quốc gia nói riêng và các chính trị gia nói chung. Phải thông qua cả lời nói cũng như hành động cụ thể của họ để đánh giá họ, chứ không chỉ tin vào những lời nói suông.
Ngày 09 tháng 6 năm 2014
© Kami
*Nội dung bài viết không nhất thiết thể hiện quan điểm của RFA.

No comments:

Post a Comment