Wednesday, June 11, 2014

Lính Trung Quốc tham chiến ở biên giới Việt-Trung bị coi thường

YIYANG, Trung Quốc (AFP) - Bị liệt vào hạng thứ yếu và bị coi thường, các bộ đội phục viên thời chống Việt Nam của Trung Quốc, trong trận chiến biên giới hồi Tháng Hai, 1979, đang chiến đấu với một trận chiến mới chống lại cán bộ nhà nước, mà họ có nhiều nguy cơ bị đánh đập và cầm tù.

Ông Teng Xingqiu, một trong hàng ngàn cựu bộ đội Trung Quốc, phát động những cuộc chống đối vốn đang ngày càng nhiều thêm, trước việc không được trả phúc lợi.


Cựu binh Trung Quốc từng tham chiến tại biên giới Việt-Trung biểu tình đòi quyền lợi. (Hình: STR/AFP/Getty Images)

Ông Teng, người bị tuyên án ba năm tù giam hồi năm 2009 vì các hoạt động đấu tranh, kể lại: “Công an nói với tôi rằng họ mong sao cho tôi chết phứt ở trong tù.”

Người đàn ông 56 tuổi này, với thân hình gầy còm, mang đầy sẹo do bị công án đánh đập, dè dặt quan sát các máy ghi hình an ninh gắn trên các đường phố trước khi chọn một quán ăn làm nơi họp mặt an toàn.

Ông Teng đóng quân ở khu vực biên giới lúc xảy ra trận chiến ngắn ngủi nhưng đẫm máu vào Tháng Hai, 1979, mà Bắc Kinh tung ra để trừng phạt Hà Nội vì đưa quân vào Cambodia, lật đổ chế độ diệt chủng Polpot, một đồng minh của Trung Quốc.

Ông Teng nói: “Là công dân Trung Quốc, dĩ nhiên chúng tôi muốn đi chiến đấu. Nhiều bạn đồng ngũ của tôi bị giết, trong đó có nhiều người thuộc trung đội tôi.”

Trung Quốc báo cáo mất 6,954 bộ đội. Các nguồn thông tin khác ước lượng con số vào khoảng hơn 20,000, còn phía Việt Nam thì số thương vong cao hơn nhiều.

Không đài tưởng niệm nào về cuộc xung đột này được xây dựng ở Trung Quốc, thậm chí Bắc Kinh cũng hiếm khi nhắc đến cuộc chiến tranh đó.

Theo sử gia Hoa Kỳ Xiaoming Zhang, cuộc chiến tranh “trên bộ đó thật đẫm máu và dã man.”

Ông Teng nói: “Người dân thường ở Việt Nam bí mật hoạt động với quân đội, cả ông già lẫn phụ nữ cũng bắn vào chúng tôi, thật kinh hoàng.”

Bắc Kinh tuyên bố chiến thắng và rút quân sau không đầy một tháng khi tiến đến được gần Hà Nội.

Việt Nam cũng xem đây là một thắng lợi và nói rằng họ đẩy lui được quân Trung Quốc.

Trong khi người Mỹ sản xuất hàng trăm phim ảnh và sách vở nói về cuộc chiến của họ ở Việt Nam, Trung Quốc lại hiếm khi đề cập đến, mọi bài vở nói về trận đánh năm 1979 đều bị kiểm duyệt gắt gao.

Ông Teng Xingqiu, cựu binh Trung Quốc từng tham chiến tại biên giới Việt-Trung và cũng từng bị bắt vì đòi hỏi quyền lợi. (Hình: STR/AFP/Getty Images)

Ðược giải ngũ, ông Teng được chỉ định vào làm việc ở một công ty quốc doanh nhưng sau đó thì bị cho nghỉ, và ngày ngày chỉ biết đi săn lượm đồ phế thải.

Ông Neil Diamant, giáo sư đại học cộng đồng Dickinson ở Hoa Kỳ, chuyên nghiên cứu về hoạt động của cựu chiến binh, nhận định rằng những bộ đội của trận chiến đó “bị bỏ rơi vào quên lãng,” mà nay nhiều người phải “tự nuôi lấy miếng ăn trong khi tiền thuốc men chồng chất.”

Trung Quốc thường cam kết giúp đỡ cựu bộ đội của mình, con số khoảng hàng triệu, nhưng luật lệ mâu thuẫn và việc thi hành lại lỏng lẻo.

Ông Teng nói ông tự bươn chải để kiếm được tương đương $160 mỗi tháng nhưng nghĩ rằng nhà nước đúng ra phải giúp ông có được đồng lương khoảng $450, bằng lợi tức trung bình ở quê nhà Yiyang thuộc tỉnh Hồ Nam của ông.

Sau lần tập hợp các cựu đồng ngũ, mặc đồ bộ đội đi biểu tình phản đối bên ngoài các văn phòng nhà nước, ông bị lãnh án ba năm tù về tội “tập họp gây rối trật tự công cộng.”

Theo các tổ chức nhân quyền, ở Trung Quốc có đến hàng trăm cuộc xuống đường liên quan đến hàng ngàn cựu bộ đội mỗi năm.

Trong tháng qua, báo cáo cho thấy có khoảng 10,000 cựu bộ đội biểu tình ở tại 11 tỉnh khác nhau.

Theo ông Xue Gangling, khoa trưởng khoa chính trị và luật pháp thuộc China University, những vụ biểu tình như vậy là một trong những đe dọa nghiêm trọng đối với sự ổn định xã hội của Trung Quốc.

Chủ Tịch Tập Cận Bình năm ngoái tuyên bố cắt giảm lực lượng lục quân, để tạo một lực lượng chiến đấu mạnh hơn ở trên không và trên biển. Ðiều nay tăng nguy cơ bất ổn thêm trong giới cựu bộ đội.

Nhà nước xem những sự chống đối có tổ chức đều là mối nguy hiểm nên thẳng tay đàn áp.

Ông Wang Guolong, một người chống đối từng ở trong quân ngũ 14 năm, nói: “Họ bắt ông Teng như một cảnh cáo để chúng tôi đừng liên kết lại với nhau, nhưng chúng tôi đều cùng một hoàn cảnh. Trên khắp nước có đến hàng triệu cựu bộ đội như chúng tôi.”

Ông Teng, người có tên mạng “Chiến Binh Nam Hải,” nói: “Bảo vệ cho quyền lợi của mình là điều còn nguy hiểm hơn khi ra trận, vì quý vị có thể bị bắt bất kỳ lúc nào.” (TP)

06-10-2014 7:04:48 PM

No comments:

Post a Comment