Wednesday, June 11, 2014

Mưu hiểm của Trung Quốc khi vu khống Việt Nam “gây hấn” lên Liên Hiệp Quốc

Chuyên gia Zachary Keck nhận định, Trung Quốc ngày 9.6 vu khống Việt Nam “gây hấn” lên Liên Hiệp Quốc là có mưu đồ thâm hiểm riêng. Song động thái này cũng dễ khiến Trung Quốc hứng đòn “gậy ông đập lưng ông”.
Trong bài bình luận đăng trên tạp chí The Diplomat ngày 10.6, chuyên gia phân tích Zachary Keck ở Washington D.C, cựu Phó Tổng biên tập trang Quan hệ quốc tế điện tử (e-International Relations) và từng làm việc trong Quốc hội cũng như Trung tâm An ninh mới của Mỹ nhấn mạnh, bằng việc đưa mâu thuẫn với Việt Nam về các vấn đề liên quan đến giàn khoan Hải Dương 981 mà Trung Quốc hạ đặt trái phép trong vùng biển Việt Namtới Liên Hiệp Quốc, Bắc Kinh đang tự tạo ra tiền lệ nguy hiểm cho chính nước này.

Giàn khoan Hải Dương 981 trái phép của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Cụ thể, ngày 9.6, Bộ Ngoại giao Trung Quốc gửi tuyên bố “Hoạt động của giàn khoan Hải Dương 981: Sự khiêu khích của Việt Nam và lập trường của Trung Quốc” lên Liên Hiệp Quốc, trong đó, lên án Việt Nam “xâm phạm chủ quyền và phá hoại hoạt động của giàn khoan Hải Dương 981 mà Trung Quốc triển khai trái phép trong vùng biển Việt Nam”. Phía Trung Quốc cũng nhấn mạnh, văn bản trên là “đề cương toàn diện nhất cho tới nay” về các tuyên bố chủ quyền của nước này đối với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Phó Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc, Wang Min đã đề nghị Tổng thư ký Ban Ki-moon công bố văn bản trên tới 193 thành viên Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc. 
  Phó Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc, Wang Min phát biểu tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York năm 2010.
Theo chuyên gia Zachary Keck, nhìn bề ngoài, quyết định của Bắc Kinh để đưa vấn đề giàn khoan Hải Dương 981 mà Trung Quốc hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam lên Liên Hiệp Quốc là khá khó hiểu. 

Trung Quốc vốn ngang ngược tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông và từ trước đến nay, không ngừng phủ nhận các tuyên bố chủ quyền của nhiều nước láng giềng khác trong khu vực. Bắc Kinh cũng liên tục lên án, chỉ trích các nỗ lực “quốc tế hóa” tranh chấp bao gồm việc Philippines đệ đơn kiện nước này lên Tòa án trọng tài quốc tế của Liên Hiệp Quốc về yêu sách “Đường lưỡi bò” tranh cãi trên Biển Đông mà Trung Quốc công bố. Bắc Kinh khăng khăng chủ trương giải quyết tranh chấp Biển Đông thông qua đàm phán song phương, trực tiếp với từng bên liên quan hòng giành được lợi thế nhiều nhất cho họ.

Do đó, theo chuyên gia Zachary Keck, lý do căn bản khiến Trung Quốc “quốc tế hóa” tranh cãi liên quan đến giàn khoan Hải Dương 981 gần quần đảo Hoàng Sa với Việt Nam có thể là bước đi nham hiểm của nước này, nhằm mục đích khẳng định và củng cố các tuyên bố chủ quyền của nước này đối với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, phủ nhận quyền chủ quyền hợp pháp của Việt Nam đối với quần đảo này. Sau khi hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, Trung Quốc tiếp tục ngang ngược, vô lý vu cáo các hoạt động bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam trong khu vực là là hành vi “xâm phạm chủ quyền” tại Liên Hiệp Quốc.
Theo chuyên gia Zachary Keck, quyết định đưa vấn đề giàn khoan Hải Dương 981 lên Liên Hiệp Quốc của Bắc Kinh phản ánh mối lo ngại ngày càng tăng của nước này trước việc nhiều nước láng giềng đang nỗ lực sử dụng luật pháp quốc tế để chống lại Trung Quốc, “vô hiệu hóa” ưu thế quân sự của nước này. 

Không chỉ Philippines kiện Trung Quốc về yêu sách “Đường lưỡi bò” tranh cãi trên Biển Đông, Việt Nam cũng nhiều lần lên tiếng sẽ khởi kiện Bắc Kinh lên trọng tài quốc tế sau khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, xâm phạm chủ quyền lãnh thổ, quyền tài phán của Việt Nam; vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (năm 1982) và Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc đã tham gia ký kết.

Rất nhiều quốc gia và chính phủ bao gồm Nhật, Mỹ, Australia… đã lên tiếng ủng hộ Việt Nam kiện Trung Quốc lên tòa án quốc tế.

Trong bối cảnh đó, chuyên gia Zachary Keck cho rằng, bằng việc chủ động đưa vấn đề tranh chấp ra một cơ chế quốc tế (Liên Hiệp Quốc) đồng thời, nhấn mạnh các tuyên bố chủ quyền của mình, Trung Quốc muốn chặn trước ý định sử dụng luật pháp quốc tế để giải quyết tranh chấp của Việt Nam.

Mặt khác, thông qua chiến lược như vậy, Trung Quốc âm mưu gây cảm giác, quyền chủ quyền trái phép của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam rất vững chắc. Theo ông Zachary Keck, Bắc Kinh có thể cho rằng, chiến lược của họ có khả năng làm Việt Nam nhụt chí “kiện tụng” và từ đó, ngăn chặn các nước khác, cũng có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc hành động tương tự sau khi chứng kiến “những nỗ lực vô ích” để sử dụng luật quốc tế, giải quyết tranh chấp.

Tuy nhiên, chuyên gia Zachary Keck cũng nhận định, chiến lược trên là một canh bạc vô cùng nguy hiểm đối với Bắc Kinh bởi các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nói riêng cũng như yêu sách “Đường lưỡi bò” vô lý của nước này trên Biển Đông về cơ bản mâu thuẫn, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế. 

Do đó, sử dụng chiến lược trên, Trung Quốc cũng tự đẩy mình vào nguy hiểm, dễ hứng đòn “gậy ông đập lưng ông”. 
 10:37 - 11 tháng 6, 2014

No comments:

Post a Comment