Wednesday, June 11, 2014

Gạo Việt Nam xuất cảng giá ‘bèo,’ lỗ chục triệu đô

SÀI GÒN (NV) - Việc thực hiện hợp đồng ký kết cung cấp cho Philippines 800,000 tấn gạo của Tổng Công Ty Lương Thực Việt Nam trong năm 2014 đang gặp trở ngại. Một số công ty Việt Nam xuất cảng gạo từ chối dự phần thực hiện hợp đồng này vì lý do giá gạo bán quá “bèo,” chưa giao hàng đã thấy lỗ hàng chục triệu đô la.


 Gạo thu mua của nông dân Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. (Hình: báo Pháp Luật Sài Gòn)

Theo báo Pháp Luật Sài Gòn, đây là hiện tượng chưa từng có tại Việt Nam, từ năm 2007 trở lại đây. Báo này nói rằng, từ nhiều năm nay, khách hàng mua gạo của Việt Nam, không kể Trung Quốc là Philippines, Indonesia và Malaysia đứng đầu về số lượng. Nhờ Philippines, Việt Nam trở thành quốc gia xuất cảng gạo nhất-nhì thế giới trong vài năm trở lại đây.

Tuy nhiên, giá mua bán gạo theo hợp đồng ký kết giữa phía đại diện Việt Nam là Tổng Công Ty Lương Thực Việt Nam, viết tắt là VINAFOOD, với phía Philippines năm nay chỉ vào khoảng 370 đô la một tấn, đã làm thất vọng nhiều bạn hàng Việt Nam. Chỉ trừ giá thấp kỷ lục trong năm 2007 là 320 đô la/tấn, giá bán gạo của Việt Nam từ năm 2008 đều ở mức cao.

Giá gạo xuất cảng cao kỷ lục vào năm 2008 là 661 đô la/tấn, hoặc ít ra cũng là 574 đô la/tấn hồi năm 2010. Ngay trong năm 2013, giá gạo Việt Nam xuất cảng cũng đã là 486 đô la/tấn. Năm nay, đúng vào lúc Vinafood ký kết hợp đồng với Philippines thì giá gạo thế giới đã tăng vọt, có thể khiến Việt Nam thiệt mất hàng chục triệu đô la.

Ðó là chưa kể nhiều qui định phạt vạ nghiêm ngặt ghi trong phụ lục hợp đồng của phía Philippines, buộc nhà xuất cảng gạo Việt Nam phải tuân thủ. Chẳng hạn như qui định gạo không được chứa nhiều hơn 1% tấm có thể khiến nhà kinh doanh Việt Nam bị phạt 3 đô la mỗi tấn. Hoặc hạt gạo xay không kỹ, còn sọc thì bị phạt từ 7.7 đến 15.4 đô la/tấn; hạt gạo còn nguyên quá ít và độ ẩm trong gạo quá cao cũng bị phạt. Tính riêng khoản bị phạt 3 đô la/tấn thì với số lượng 800,000 tấn, cũng đủ làm phía Việt Nam mất đến 2.4 triệu đô la tiền phạt vì gạo tấm vượt hơn 1%.

Theo Pháp Luật Sài Gòn, chính vì quá nhiều yếu tố rủi ro kèm với giá bán gạo rẻ mạt, một số công ty Việt Nam đã quyết liệt từ chối dự phần thực hiện hợp đồng. Báo này cũng tiên đoán rằng có thể hai công ty Vinafood I và Vinafood II của Tổng Công Ty Lương Thực Việt Nam sẽ phải “đơn thương độc mã” tự gánh hợp đồng mà họ đã đại diện quốc gia để đặt bút ký kết và “nuốt hận” vì lỗ nặng. Người ta còn e rằng, danh sách công ty từ chối tham gia hợp đồng sẽ tiếp tục dài thêm.

Báo Pháp Luật dẫn lời ông Võ Tòng Xuân, chuyên viên nông nghiệp cho rằng ngành xuất cảng gạo Việt Nam không khá lên được, vì trình độ thấp kém về kiến thức thị trường cũng như khả năng điều hành của cán bộ lãnh đạo Vinafood. Ông Võ Tòng Xuân quả quyết rằng, với việc ký bán gạo với giá “bèo” cho Philippines khiến Vinafood lỗ ít nhất 23 triệu đô la, ngay cả khi chưa đưa gạo xuống tàu.

Theo ông, Việt Nam có nhiều ưu thế so với nhiều đối thủ cạnh tranh, như Ấn Ðộ và Pakistan ở quá xa; hoặc như Thái Lan chỉ có gạo tồn kho từ năm 2012-2013, không đáp ứng được yêu cầu phải giao gạo mới thu hoạch của Philippines. Ông Võ Tòng Xuân nói rằng, Việt Nam hoàn toàn có thể đòi một giá cao hơn nhiều với khách hàng Philippines, thay vì chấp nhận giá “bèo” 370 đô la một tấn.

Báo Pháp Luật Sài Gòn cũng cho hay, Vinafood đã tung ra lời đe dọa sẽ áp dụng nhiều biện pháp trừng phạt các công ty từ chối chỉ tiêu cung cấp gạo đã được phân chia. (PL)
06-11-2014 3:03:59 PM

No comments:

Post a Comment