ĐÔNG BÌNH 28/06/14 10:15
(GDVN) - Cuộc tập trận lần này giữa Mỹ-Philippines tuy là thường lệ, nhưng địa điểm tập trận lại cho thấy Mỹ đang chống lưng cho Philippines, làm Trung Quốc khiếp sợ.
Ngày 27 tháng 6 đưa tin, Mỹ và Philippines vào ngày 26 tháng 6 đã bắt đầu tiến hành diễn tập quân sự liên hợp ở Biển Đông, cuộc diễn tập sẽ kéo dài đến ngày 1 tháng 7; trong cuộc diễn tập này, Philippines sẽ thử nghiệm tàu tuần tra về hưu mới mua của Mỹ.
Quan chức Philippines cho biết, Mỹ tổng cộng có 3 tàu chiến (tàu khu trục tên lửa USS Halsey DDG 97 lớp Aegis, tàu cứu hộ USNS Safeguard và tàu đổ bộ USS Ashland) và trên 1.000 binh sĩ tham gia cuộc tập trận chung kéo dài một tuần này; trong khi đó Philippines đã điều 2 tàu tuần tra cũ mua của Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ (Ramon Alcaraz, Emilio Jacinto), máy bay trực thăng và khoảng 400 nhân viên quân sự Philippines tham gia diễn tập. Qua đây, Philippines muốn ứng phó với vấn đề “thiếu khả năng phòng vệ” của họ, đồng thời tiến hành kiểm tra tính năng của tàu mới.
Quan chức Hải quân Philippines cho biết: “Chúng tôi rất muốn sử dụng thành thạo hơn 2 tàu khá mới này, gồm có khai hỏa và các chức năng khác”. “Chúng tôi sẽ bảo đảm phát hiện tốt hơn (tàu nước ngoài), chúng tôi sẽ đánh chặn chúng, khi cần thiết tiêu diệt chúng”. Nhưng quan chức này đồng thời nhấn mạnh, cuộc diễn tập này được tiến hành theo kế hoạch thường lệ, không nhằm vào quốc gia cụ thể nào.
Theo hãng tin Reuters Anh, cuộc diễn tập được tiến hành ở khu vực cách bãi cạn Scarborough khoảng 80 hải lý, chắc chắn sẽ chọc giận Trung Quốc. Hai bên sẽ tiến hành tập bắn đạn thật.
Mục đích diễn lập là tăng cường liên kết giữa hải quân, thủy quân lục chiến Philippines và hải quân, thủy quân lục chiến Mỹ. Người phát ngôn Hải quân Philippines Rommel Rodriguez cho biết, cuộc diễn tập này nhằm tăng cường khả năng của hai bên trên phương diện hành động đổ bộ, hành động đặc biệt và tác chiến mặt nước.
Tàu tuần tra Ramon Alcaraz lớp Hamilton của Philippines, mua của Mỹ |
Tờ “Philippine Daily Inquirer” ngày 20 tháng 6 cho rằng, cuộc diễn tập lần này sẽ gồm có thảo luận có chủ đề là an ninh, ý thức phòng thủ biển, tác chiến thực tế, đồng thời tiến hành diễn tập chiến đấu thực tế ở vùng biển gần bãi cạn Scarborough. Đội quân nhạc của Hạm đội 7 và hạm đội của Philippines có buổi biểu diễn chung.
Theo bài báo, cuộc diễn tập tổ chức đúng vào thời điểm “tranh chấp lãnh thổ” giữa Trung Quốc và Philippines ngày càng căng thẳng, nhưng người phát ngôn Hải quân Philippines Rommel Rodriguez cho biết, cuộc diễn tập lần này là hoạt động huấn luyện đơn thuần, không có bất cứ liên quan gì đến tranh chấp lãnh thổ; là diễn tập thường lệ mỗi năm một lần.
Góc nhìn của giới học giả Trung Quốc
Chuyên gia quân sự Trung Quốc Đỗ Văn Long cho rằng, địa điểm diễn tập áp sát bãi cạn Scarborough và tàu cảnh sát biển Trung Quốc, “muốn dùng hình thức phát sóng trực tiếp để công khai với thế giới về tình hình diễn tập”, ít nhất có ý đồ trên 3 phương diện:
Một là, nhấn mạnh quan hệ Mỹ-Philippines với bên ngoài. Sau khi Mỹ-Philippines ký kết thỏa thuận hợp tác quốc phòng tăng cường, quan hệ quân sự Mỹ-Philippines đã bước vào giai đoạn mới, mức độ chặt chẽ của quan hệ song phương giai đoạn này muốn để cho bên ngoài thấy thông qua tập trận chung.
Sĩ quan chỉ huy Mỹ, Philippines trong lễ khởi động diễn tập ngày 26 tháng 6 năm 2014 |
Hai là, Mỹ-Philippines đang ám thị về phương hướng trọng điểm của hợp tác quốc phòng song phương. Địa điểm tập trận chung lần này cách rất gần bãi cạn Scarborough, cho thấy ở đây có thể trở thành một phương hướng trọng điểm của hành động tác chiến liên hợp Mỹ-Philippines trong tương lai.
Bất kể là đảo Palawan ở phía nam hay tỉnh Zambales ở phía bắc, chúng đều gần với các đảo, đá ngầm ở phía tây (báo Trung Quốc cho là đảo đá này có tranh chấp với họ).
Ba là, Mỹ-Philippines có thể đang thể hiện khả năng. Mỹ-Philippines hiện nay có thể trong thời gian ngắn tập kết một biên đội có quy mô tiến hành diễn tập, hơn nữa có thể tiến hành với tần suất cao, cho thấy khả năng tác chiến liên hợp đang tăng lên, bất kể là hoạch định chiến dịch hay hiệp đồng chiến dịch, chiến thuật đều đang tăng cường nhanh chóng.
Chuyên gia vấn đề biên giới biển Vương Hiểu Bằng, Viện khoa học xã hội Trung Quốc cho rằng, Mỹ và Philippines chắc chắn đã trao đổi chặt chẽ về cuộc diễn tập lần này, cố tình lựa chọn địa điểm như vậy, điều này có liên quan đến tình hình Biển Đông hiện nay.
Theo tuyên truyền của Vương Hiểu Bằng, trước hết, nhìn từ góc độ của Mỹ, Mỹ đang tiến hành nâng cấp chiến lược biển, chiến lược biển trước đây của Mỹ nhấn mạnh uy hiếp mang tính toàn cầu, thực hiện chiến lược “nước xanh da trời”, chủ yếu dựa vào các căn cứ quân sự và cụm chiến đấu tàu sân bay trên toàn cầu;
chiến lược biển của Mỹ hiện nay nâng cấp thành chiến lược “nước màu cọ”, đối tượng dựa vào là lực lượng đồng minh khu vực và tranh chấp khu vực, tranh chấp ở đâu, lực lượng quân sự của Mỹ liền chạy đến đó. Mỹ và đồng minh hợp tác “tạo ra tranh chấp khu vực”, “tạo ra lý do” để quân đội Mỹ quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương.
Nhân viên quân sự Mỹ-Philippines trao đổi, giao lưu |
Ngoài ra, nhìn ở góc độ chiến thuật, Mỹ có ý định muốn khuyến khích Philippines. Do Philippines có vị trí đặc biệt, nằm ở phía bắc Biển Đông, nơi nằm giáp giới giữa Biển Đông và biển Hoa Đông, Mỹ vui mừng hợp tác với các nước có sức mạnh quân sự nhỏ yếu như Philippines, lôi kéo nước có tranh chấp lãnh thổ khu vực Biển Đông như Việt Nam, từ đó tiến hành gây khiếp sợ cho “một số nước”.
Nhìn từ góc độ của Philippines, Philippines muốn tạo ra một sự thực là có Mỹ ủng hộ, muốn “Nhật Bản hóa” vấn đề của Philippines. Tuy sự hợp tác như vậy căn bản không phải là một sự thực, nhưng Mỹ cũng sẵn sàng thông qua một loạt cuộc diễn tập, bày tỏ thái độ đối với vấn đề Biển Đông, đây là điều mà Philippines hy vọng thấy được.
Chuyên gia Kim Xán Vinh, Phó viện trưởng Học viện quan hệ quốc tế, Đại học nhân dân Trung Quốc cho rằng, Mỹ vừa mời Trung Quốc tham gia diễn tập “Vành đai Thái Bình Dương 2014” vừa tập trận chung với Philippines đã cho thấy tính hai mặt trong chính sách Trung Quốc của họ. Mặc dù gần đây quan hệ Trung-Mỹ tương đối căng thẳng, nhưng hai nước luôn thúc đẩy phát triển quan hệ quân sự song phương, xây dựng lòng tin quân sự.
Theo Kim Xán Vinh, Mỹ hy vọng thông qua tiếp xúc để “chuẩn hóa” hành vi của Trung Quốc, đặc biệt là thông qua trao đổi quân sự được cơ chế hóa để “chuẩn hóa” hành vi của quân đội Trung Quốc, tránh hiểu nhầm và đoán nhầm. Đây chính là lý do Mỹ mời Trung Quốc tham gia tập trận “Vành đai Thái Bình Dương”, qua đó Mỹ có thể tìm hiểu tiến triển quân sự của Trung Quốc, “chuẩn hóa” hành vi của Trung Quốc.
Mỹ-Philippines tập trận đột kích đổ bộ trên Biển Đông vào ngày 9 tháng 5 năm 2014 |
Mặt khác, Kim Xán Vinh cho rằng, Mỹ lại muốn đề phòng Trung Quốc, điều này đòi hỏi họ điều lực lượng đến khu vực châu Á-Thái Bình Dương và tăng cường đồng minh để ngăn chặn Trung Quốc. Cuộc tập trận lần này giữa Mỹ-Philippines tuy là thường lệ, nhưng địa điểm tập trận lại cho thấy Mỹ đang chống lưng cho Philippines, làm Trung Quốc khiếp sợ.
Còn chuyên gia Trung Quốc Doãn Trác, ngưởi "nổi tiếng" với tư tưởng diều hâu nước lớn cũng cho rằng, Mỹ và Philippines có tính toán về thời cơ diễn tập, các tàu chiến cỡ lớn của Mỹ, tàu chiến chủ lực của Philippines đều tham gia, đương nhiên là có “phương hướng”.
No comments:
Post a Comment