(baodatviet.vn) - Sự hợp tác giữa Mỹ và các đồng minh với Ấn Độ đang hình thành một trục mới, mà tại đó, chắc chắn Trung Quốc sẽ bị thập diện mai phục.
Sợi xích sắt nóng phá vỡ đường lười bò 9 đoạn
Song song với sự bành trướng và ngày càng bá quyền của Trung Quốc, những cường quốc tại châu Á - Thái Bình Dương bắt đầu có những chuyển biến về việc thay đổi chiến lược liên minh quân sự của mình.
Đáng chú ý nhất trong đó là Nhật Bản. Thay vì chỉ lựa chọn những quốc gia có tiềm lực quân sự mạnh để kết làm đồng minh, Nhật Bản bắt đầu quyết tâm tham gia vào cuộc chơi một cách quyết liệt hơn, bằng cách tự nâng cao sức mạnh và khả năng can thiệp của mình.
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe thúc đẩy thay đổi Hiến pháp, cho phép nới rộng quyền hạn của lực lượng phòng vệ nước này, đồng thời hối thúc sự thông qua quy định về quyền phòng ngự tập thể - cho phép Nhật Bản tham gia vào những cuộc chiến mà không liên quan đến họ... Những điều này đã cho thấy Nhật quyết tâm giành lấy một vị thế lớn hơn trong khu vực.
Quyết tâm này của nước Nhật đã khẳng định với những nước xung quanh thấy một điều: nếu lựa chọn sự đối đầu trực tiếp với Trung Quốc và nếu cần một người đồng minh, một người bạn, Nhật hoàn toàn sẵn sàng trở thành người đồng đội trong cuộc đấu tranh với gã khổng lồ xấu tính. Hành động ấy của Nhật khiến nhiều quốc gia trong khu vực cảm thấy yên tâm và sẵn sàng tìm đến, đi tiên phong là Philippines.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết sẽ hợp tác chặt chẽ về quân sự với Australia |
Còn Việt Nam, dù vẫn duy trì đường lối không liên minh quân sự với một nước để chống lại nước thứ ba, nhưng sự bá quyền của Trung Quốc đã khiến Nhật Bản tự đứng lên khẳng định mình và đương nhiên Việt Nam có sự nhìn nhận mới về việc này.
Tiếp sau Nhật Bản, một loạt các quốc gia tại châu Á có hoạt động ngoại giao con thoi. Hàn Quốc - Nhật Bản tuyên bố tăng cường hợp tác toàn diện, đảm bảo an ninh chung cho khu vực. Australia - Nhật Bản, Australia - Hàn Quốc ra hàng loạt các thỏa thuận hợp tác quân sự, mới nhất là hợp tác chế tạo tàu chiến, tàu ngầm với Nhật Bản.
Như vậy, tại châu Á - Thái Bình Dương, sự liên minh tay đôi đang chồng chéo lên nhau, và theo tính chất bắc cầu, thì những quốc gia này đã tạo thành một liên minh quân sự trên biển rất mạnh và hoàn toàn có thể xuất quân hỗ trợ nhau như cách làm của các nước thành viên NATO, chỉ có điều họ chưa thấy cần thiết để thành lập liên minh quân sự châu Á - Thái Bình Dương một cách chính danh.
Tuy nhiên, đằng sau tất cả sự kết hợp của các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Philippines thì lại là một sự ràng buộc chặt chẽ về quân sự với Mỹ. Qua đó có thể thấy, những mối quan hệ này khởi nguồn từ Mỹ, và đây là cách họ chuyển trục.
Phải nói rằng châu Á - Thái Bình Dương vẫn còn một số quốc gia nghi kỵ với nước Mỹ, nhưng họ không nghi kỵ với đồng minh của Mỹ. Những sự liên minh vắt chéo ấy đảm bảo một điều rằng không sớm thì muộn, Mỹ sẽ có hệ thống đồng minh trên toàn bộ khu vực họ cảm thấy cần thiết để cô lập Trung Quốc.
Thêm một trục Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương
Kiềm chế Trung Quốc chỉ ở mặt Thái Bình Dương thôi là chưa đủ, bởi từ Biển Đông, Trung Quốc hoàn toàn có thể vươn qua eo Malacca để bành trướng tới Ấn Độ Dương.
Việc chính quyền quân sự đang làm chủ Thái Lan có quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc, Campuchia có quan hệ tốt với Trung Quốc, và việc Trung Quốc lên kế hoạch xây kênh đào nhân tạo ở Thái Lan nhằm thay thế vai trò của eo Malacca cho thấy dã tâm hướng Ấn Độ Dương của cường quốc này.
Ngoại trưởng Trung Quốc đến Ấn Độ làm thân sau khi Tân Thủ tướng Narendra Modi lên nắm quyền |
Ấn Độ Dương cũng là đại dương Mỹ ít có ảnh hưởng nhất. Bài toán đặt ra là phải có một sự quan hệ tốt đẹp giữa chính quyền Mỹ và Ấn Độ, bởi chỉ cần thân thiết với quốc gia này, Mỹ đã có thể tạo ảnh hưởng từ xa với đại dương quan trọng trên huyết mạch hàng hải Đông - Tây này.
Có thể coi rằng Mỹ đã gặp đủ thiên thời, địa lợi, nhân hòa ở Ấn Độ Dương, khi Tân Thủ tướng Narendra Modi lên nắm quyền. Nỗ lực tạo thiện cảm của Mỹ với Ấn Độ từ thời Thủ tướng tiền nhiệm đã được ông Modi ghi nhận, và ngay lập tức, vị Thủ tướng mới này muốn đi Mỹ để "làm mới quan hệ."
Đồng thời, Nhật Bản là quốc gia đầu tiên mà ông Modi sẽ đến thăm sau khi nhận chức lãnh đạo Ấn Độ. Nhật Bản, Ấn Độ, và những mối quan hệ đồng minh mà Nhật Bản đang có, những sự liên kết này gợi nên một liên tưởng về một trục mới: châu Á - Ấn Độ Dương đang dần hình thành.
Chỉ trong một thời gian ngắn, Mỹ sẽ không khó khăn gì để kết nạp thêm Ấn Độ vào câu lạc bộ những người bạn tốt của mình. Vì sao lại là thời gian ngắn? Bởi lẽ, Ấn Độ cũng như Nhật Bản, đang khao khát một vị trí xứng tầm hơn trong khu vực, và họ cũng có những mối nguy với tham vọng bành trướng của Trung Quốc.
Thêm Ấn Độ, có thể nói rằng đường ra đại dương của Trung Quốc khép lại từ đây.
Hạm đội 7 của Mỹ thường trú tại khu vực gần biển Nhật Bản |
Tuy nhiên, việc Mỹ đẩy mạnh vòng kim cô vào Trung Quốc sẽ càng khiến quốc gia này khẩn trương hơn trong việc chiếm biển, họ sẽ phải làm càng nhanh càng tốt, chiếm được càng nhiều, xây được càng nhiều căn cứ quân sự càng tốt, bởi họ lo ngại rằng để dây dưa, Mỹ sẽ nhanh chóng biến cả Đông Nam Á thành đồng minh của mình.
Nhưng đó chỉ là suy nghĩ thiển cận của giới lãnh đạo Bắc Kinh, bởi càng sốt ruột, Trung Quốc càng ngang ngược, và càng ngang ngược thì những hành động của họ càng thiếu suy nghĩ, thiếu chiến thuật.
Các quốc gia Đông Nam Á - người bị bắt nạt nhiều nhất sẽ nhanh chóng tỉnh khỏi cơn mê và thôi hi vọng vào việc giải quyết mọi vấn đề với Trung Quốc bằng đối thoại.
Và một khi đã tỉnh cơn mê, bản thân sự đoàn kết của Đông Nam Á đã là một thử thách mà Trung Quốc khó có thể vượt qua, chưa kể đến sự liên minh của khu vực này với các thế lực bên ngoài.
Ở cục diện Biển Đông có thể thấy, Mỹ đang được hưởng lợi từ chính sự hung hăng của Trung Quốc, còn về phía người khổng lồ này, họ đang cô độc đến mức đáng sợ. Mà trong thế kỷ 21 này, có hai trường hợp để dẫn tới sụp đổ một quốc gia: một là bị cô lập, hai là tự cô lập.
Thứ Hai, 16/06/2014 06:25
Đỗ Minh Tú
No comments:
Post a Comment