Sunday, June 15, 2014

Bỏ phế trường học khắp nơi


Trong khi học sinh nhiều nơi phải học nhờ, học tạm trong những ngôi trường xuống cấp thì tại các tỉnh Thanh Hóa, Quảng Nam, Gia Lai..., nhiều trường học khang trang bị bỏ hoang, sử dụng sai mục đích
Huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa là 1 trong 62 huyện nghèo nhất nước. Đời sống của người dân nơi đây còn vô vàn khó khăn. Thế nhưng, chúng tôi không khỏi chua xót khi được chứng kiến hàng loạt ngôi trường mới, được đầu tư hàng tỉ đồng song sử dụng chưa được bao lâu thì đóng cửa.

Xem tiền như… rác

Tại điểm trường cấp 1 thuộc khu lẻ thôn Tân Thanh, xã Thanh Phong, huyện Như Xuân, đập vào mắt chúng tôi là 3 phòng học được xây dựng khang trang bị bỏ không đã 4-5 năm. Trong trường, nhiều phòng vẫn còn bàn ghế, trên bảng đen vẫn in rõ nét phấn trắng của bài học cuối từ năm 2009. Cách khu trường này không xa, một điểm trường lẻ mầm non khác cũng để không, cỏ mọc um tùm, lớp học bị mối làm ổ.

Khảo sát tại 6 xã của huyện Như Xuân, chúng tôi nhận thấy có hơn 10 điểm trường mầm non với kinh phí xây dựng khoảng 50 triệu đồng mỗi trường đều không còn sử dụng cho mục đích giáo dục.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở xã Tam Phú, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Năm 2000, xã Tam Phú được chọn triển khai một dự án giáo dục cộng đồng. Là vốn dự án nên địa phương đã tranh thủ lập dự toán thiết kế xây dựng cho mỗi thôn một trường mẫu giáo, thậm chí có thôn chỉ mấy chục hộ dân cũng được bố trí đến 2 trường. Tất cả 12 ngôi trường được xây dựng với kinh phí gần 50 triệu đồng/trường đã nhanh chóng bị lãng quên, đến nay hầu hết đều bị bỏ không.

Trường học còn mới nhưng bỏ hoang ở thôn Tân Thành, xã Thanh Phong, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa Ảnh: TUẤN MINH
 Trường học còn mới nhưng bỏ hoang ở thôn Tân Thành, xã Thanh Phong, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa Ảnh: TUẤN MINH

Cô giáo Ngô Thị Thường, từng dạy học ở trường mẫu giáo thôn Phú Quý, cho biết trường xây dựng vào năm 2000 để phục vụ cho con em trong thôn học tập. Thời điểm đó, trường đang hoạt động tốt nhưng sau khi xã Tam Phú xây 1 ngôi trường mới, các em được gom vào học ở đó nên ngôi trường này bỏ phế, đến nay cơ sở vật chất xuống cấp trầm trọng.

Tại thôn Phú Bình có 2 trường mẫu giáo bị bỏ hoang. Các ô cửa bị mất, tôn hoen gỉ nằm vất vưởng trên mái, hết sức nguy hiểm trong mùa mưa bão.

Tại tỉnh Gia Lai, nhiều điểm trường xây xong nhưng không được đưa vào giảng dạy. Điển hình là các điểm trường nằm trong dự án giáo dục tiểu học cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn quy mô lớn nhất của ngành giáo dục tỉnh Gia Lai. Dự án có 430 điểm trường gồm 1.005 phòng học kiên cố, nhà giáo viên, công trình vệ sinh… tại 10 huyện với tổng kinh phí hơn 90 tỉ đồng. Được triển khai từ năm 2005, đến nay, ở nhiều điểm trường, phòng học không sử dụng được, nhanh chóng xuống cấp. Bên cạnh đó, các trường tiểu học khác cũng còn nhiều điểm trường xuống cấp, không đưa vào sử dụng như Trường Tiểu học Nay Der nằm ở làng O Xơr, xã Ia Kênh, TP Pleiku.

Làm kho, nhà giữ xe tang

Trước tình trạng trường học phơi mưa nắng, mau chóng xuống cấp, các địa phương đã tận dụng trường học làm nhà văn hóa, nơi họp thôn. Ở các xã ven thị trấn huyện Như Xuân có cả chục điểm trường còn khang trang nhưng chỉ sử dụng vài năm rồi bỏ hoang, được chuyển sang sử dụng cho mục đích khác. Đơn cử như Trường THCS xã Yên Lễ có tổng vốn đầu tư trên 500 triệu đồng, sử dụng chưa bao lâu thì bỏ không, được UBND xã này làm hội trường để họp hành.

Nằm cách trung tâm huyện không xa, xã Bình Lương và xã Tân Bình còn hơn 5 trường học rơi vào tình trạng tương tự. Cụ thể, tại làng Lườn có 1 trường mầm non và 1 trường tiểu học, tại làng Gió có 1 trường tiểu học bị bỏ hoang. Tổng kinh phí đầu tư cho cả 3 trường khoảng gần 500 triệu đồng.  Ở nhiều trường, bàn ghế còn mới tinh, không chút bụi bẩn nhưng đã ngừng sử dụng từ năm 2009, 2010.  Nay, các trường này ở xã Tân Bình đã chuyển sang làm nhà kho, nhà để xe tang...

Nhiều năm nay, chính quyền thôn Phú Bình, xã Tam Phú, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam liên tục kiến nghị xã cho tận dụng trường học bỏ hoang làm nhà văn hóa nhưng do các trường thuộc TP Tam Kỳ quản lý nên xã không cho phép. Ông Thái Ngọc Miên, trưởng thôn, than thở rằng 2 trường mẫu giáo ở thôn cơ sở vật chất rất tốt nhưng bị bỏ hoang thì hết sức lãng phí. Mới đây, chính quyền xã mới đã “bật đèn xanh” cho thôn được phép sửa lại ngôi trường tại tổ 4 (nằm trước mặt trụ sở UBND xã) để làm nhà văn hóa thôn.

Ngôi trường còn lại tại tổ 5 cũng hoang hóa không kém, thôn nhiều lần xin làm nhà văn hóa cho tổ đoàn kết nhưng không được chấp thuận. Mới đây, khi chuẩn bị sửa lại nhà văn hóa từ trường mẫu giáo ở tổ 4 bị thiếu gỗ, thôn làm tờ trình xin phép xã cho lấy những cây gỗ ở trường mẫu giáo tổ 5 nhưng xã không chấp thuận. “Trường học bỏ hoang lãng phí trong khi thôn thiếu tiền để xây dựng, thế mà chính quyền không cho người dân tận dụng sửa lại thật là vô lý. Chúng tôi nhiều lần hỏi nhưng xã trả lời là do TP Tam Kỳ không cho phép nên đành chịu” - ông Miên bức xúc.

Trường hàng trăm tỉ đồng vắng hoe

Tại tỉnh Nghệ An, nhiều trường trung cấp, cao đẳng, đại học được đầu tư xây dựng hoành tráng trị giá hàng trăm tỉ đồng. Do không tuyển được học viên, hoạt động của một số trường nhiều năm liền bị tê liệt, để hoang, cỏ dại mọc um tùm. Khuôn viên Trường Trung cấp Du lịch miền Trung (ở xã Nghi Hương, thị xã Cửa Lò) rộng hàng chục ha với nhiều khu nhà cao tầng không có bóng dáng sinh viên. Nhiều hạng mục công trình như khu vực giảng đường, ký túc xá... được đầu tư hàng chục tỉ đồng do lâu ngày không được sử dụng, tu sửa nên xuống cấp. Trường đã chuyển hướng cho một số đơn vị, cơ sở thuê đất, thuê cơ sở vật chất.

Trước tình trạng này, ông Nguyễn Mạnh Hà - Trưởng Phòng Giáo dục chuyên nghiệp, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An - khẳng định sẽ tiến hành kiểm tra và có biện pháp xử lý. “Các trường trung cấp chuyên nghiệp trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý mấy năm liền không tuyển sinh được. Sắp tới, sở sẽ yêu cầu các trường báo cáo cụ thể để có hướng xử lý, tránh trường hợp các đơn vị này sử dụng đất sai mục đích” - ông Hà nói.Đ.Ngọc

Kỳ tới: Trùm mền vì không người học

Chủ Nhật, 15/06/2014 23:30
TUẤN MINH - TRẦN THƯỜNG - HOÀNG THANH

No comments:

Post a Comment