Sunday, June 15, 2014

Lương viên chức nhà nước Việt Nam ngốn 9.5% GDP

HÀ NỘI 15-6 (NV) .- Trong khi lương của viên chức ở những quốc gia đang phát triển chỉ chiếm chừng 7% GDP thì con số này tại Việt Nam lên tới 9.5% GDP. Cũng vì vậy, Việt Nam nên cắt giảm khoản này.


Mỗi năm, bộ máy công quyền ở Việt Nam ngốn hết 9.5% GDP, vượt xa mức chi tiêu cho bộ máy công quyền ở các quốc gia đang phát triển. (Hình: Tiền Phong)

Đó là một trong những khuyến cáo chính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế khi các chuyên gia của tổ chức này đến Việt Nam làm việc trong hai tuần, với nhiều cơ quan của Việt Nam, kể cả Ban Kinh tế của Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN, về tình hình và  triển vọng kinh tế Việt Nam.

Trước nay, ngân sách của chế độ Hà Nội vừa phải nuôi các viên chức trong hệ thống công quyền, vừa phải trả lương cho các viên chức trong hệ thống Đảng, đoàn thể.

Hồi tháng 2 năm nay, trả lời phỏng vấn của báo giới, ông Đặng Như Lợi, cựu Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Việt Nam, nhận định, khoảng 1/3 công chức không đủ khả năng thực hiện các yêu cầu của công việc đang làm, 1/3 công chức thuộc loại “chỉ đâu đánh đấy”, chỉ có 1/3 phải làm việc hết mình, gồng gánh công việc của cả bộ máy.

Kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục suy thoái nghiêm trọng, tỷ lệ thu thuế/GDP giảm liên tục, bội chi liên tục và nợ nần tăng rất nhanh. Hồi tháng 4 vừa qua, tại Diễn đàn Kinh tế mùa Xuân, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cảnh báo, nguy cơ lớn nhất không nằm ở con số mà ở quan niệm sai về nợ công.

Do gạt bỏ những khoản nợ mà chính quyền Việt Nam đứng ra bảo lãnh, nợ chưa thanh toán cho các công trình xây dựng cơ bản, để trấn an rằng nợ công chưa đến ngưỡng ngu hiễm (60% GDP) nên chế độ Hà Nội không nhận định về nguy cơ. Theo ông Thiên, nếu tính đủ, nợ công đã xấp xỉ 100% GDP. Bảo rằng nợ công chỉ mới 55.7% là “ảo tưởng về mức độ an toàn của sự rủi ro”.

Theo tính toán của Viện Kinh tế Việt Nam, trong năm 2014, Việt Nam phải trả nợ 208 ngàn tỷ, tương đương 26.7% tổng thu ngân sách của năm 2014. Mức này đã vượt qua “vạch đỏ” (25%) và sẽ tương đương 30% tổng thu ngân sách trong những năm tới.

Sau khi khảo sát, IMF khuyến cáo Việt Nam cần thực hiện một kế hoạch trung hạn nhằm giảm bội chi và nợ công tính theo GDP. IMF khuyến cáo thêm là nợ công của Việt Nam đã tăng đến mức phải quan tâm nhiều hơn.

IMF nhận định, kinh tế Việt Nam hiện đối diện với nhiều rủi ro như: thị trường toàn cầu biến động, lãi suất toàn cầu tăng, tình hình căng thẳng về địa chính trị tiếp tục kéo dài. Do đó, chính sách của Việt Nam phải linh hoạt hơn nhằm duy trì lòng tin và tiếp tục tích lũy dự trữ quốc tế.

Các yếu tố rủi ro nội tại có thể bùng phát mạnh mẽ từ những khó khăn trong lĩnh vực ngân hàng. Vì thế cần cải cách toàn diện, đặc biệt là cải cách về nguồn lực tài chính và cải cách pháp lý để đẩy nhanh tốc độ cải cách ngân hàng và xử lý nợ xấu. Đến nay, số liệu về nợ xấu của Việt Nam rất bất nhất. Hồi tháng 4, cơ quan Thanh tra - Giám sát của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, loan báo, tính đến tháng 2 năm nay, nợ xấu chiếm khoảng 9.7% tổng nợ nhưng ít người tin con số này là chính xác.

IMF còn cảnh báo, rủi ro cũng có thể gia tăng nếu cải cách khối doanh nghiệp nhà nước chậm. Theo định chế này, Việt Nam cần định hướng lại chi tiêu ngân sách theo hướng gia tăng chất lượng của các dự án đầu tư bằng ngân sách, “chi đúng mục tiêu” cho an sinh xã hội để hỗ trợ tăng trưởng toàn diện, xử lý nợ xấu (nợ không có khả năng thu hồi và gần như toàn bộ khối nợ này là những khoản đã cho các doanh nghiệp nhà nước vay).

Nhiều đại biểu Quốc hội và các chuyên gia kinh tế Việt Nam đã từng cảnh báo, tuy con số bội chi rất lớn nhưng chi tiêu của chính quyền cho giáo dục, y tế lại rất ít. Vào lúc này, trên khắp Việt Nam, nhiều dự án xây dựng, sửa chữa trường học, bệnh viện đang bị bỏ dở hoặc không thực hiện vì không có ngân sách. (G.Đ.)
06-15- 2014 2:35:19 PM

No comments:

Post a Comment