Sunday, June 15, 2014

‘Bằng chứng của TQ vô giá trị’

BBC-14:07 GMT - chủ nhật, 15 tháng 6, 2014
Bản đồ này được cho là do phía Việt Nam in
Một nhà nghiên cứu về Biển Đông của Việt Nam nói rằng các bằng chứng mà Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra để chứng minh cho ‘chủ quyền không thể chối cãi’ của họ đối với quần đảo Hoàng Sa là ‘không có giá trị pháp lý’.
Hôm Chủ nhật ngày 8/6, trang chủ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã có bài viết lên án Việt Nam ‘quấy nhiễu’ hoạt đông của giàn khoan Hải Dương 981 đính kèm với một loạt bằng chứng mà họ cho rằng cho thấy ‘Chính phủ Việt Nam đã công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa’.
Bắc Kinh lâu nay vẫn một mực cho rằng không tồn tại tranh chấp ở quần đả mà họ gọi là Tây Sa này và vẫn luôn cự tuyệt đàm phán với Việt Nam.
Vùng biển đặt giàn khoan theo Bắc Kinh lập luận thì gần với quần đảo ‘Tây Sa thuộc chủ quyền của họ’ hơn rất nhiều so với bờ biển Việt Nam.

‘Việt Nam công nhận’

Các bằng chứng mà Bắc Kinh mới đưa ra bao gồm công hàm của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng công nhận Tuyên bố về Lãnh hải của Trung Quốc vào năm 1958 trong đó khẳng định ‘Tây Sa’ và ‘Nam Sa’ là ‘lãnh thổ của Trung Quốc’.
Ngoài ra còn có bản chụp Tập bản đồ Thế giới do Cục Đo đạc Bản đồ, cơ quan in bản đồ chính thức của Chính phủ Việt Nam trực thuộc Phủ thủ tướng, xuất bản năm 1972, trong đó hai quần đảo Hoàng Sa và Trường theo cách gọi của Trung Quốc là 'Tây Sa' và 'Nam Sa'.
Một bằng chứng khác là một đoạn được cho là trích trong sách Địa lý lớp 9 do Nhà Xuất bản Giáo dục của miền Bắc phát hành năm 1974 có ghi: "Vòng cung từ các đảo Nam Sa, Tây Sa đến các đảo Hải Nam... làm thành một bức trường thành bảo vệ lục địa Trung Quốc'.
"Nhà nước thống nhất khác hoàn toàn với nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đó không phải là nhà nước của một miền. Trách nhiệm của nó khác hẳn với trách nhiệm của nhà nước một miền."Tiến sỹ Nguyễn Nhã
ộ Ngoại giao Trung Quốc còn dẫn phát ngôn của Thứ trưởng Ngoại giao Ung Văn Khiêm của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với Đại biện lâm thời Trung Quốc Lý Chí Dân vào năm 1956 rằng ‘căn cứ vào những tư liệu của Việt Nam và xét về mặt lịch sử, quần đảo Tây Sa và quần đảo Nam Sa là thuộc về lãnh thổ Trung Quốc’.
Trung Quốc còn lập luận rằng từ trước năm 1974, các đời Chính phủ Việt Nam (Bắc Việt) ‘không hề có bất cứ dị nghị gì đối với chủ quyền quần đảo Tây Sa của Trung Quốc’ và rằng họ là bên ‘phát hiện, khai thác, kinh doanh và quản lý sớm nhất’ đối với quần đảo này từ thời Bắc Tống (960 - 1126)
“Hiện nay, Chính phủ Việt Nam đã nuốt lời cam kết của mình, đưa ra yêu sách lãnh thổ đối với quần đảo Tây Sa của Trung Quốc, vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc luật pháp quốc tế về 'cấm nuốt lời cam kết' và nguyên tắc cơ bản trong quan hệ quốc tế,” Bộ Ngoại giao Trung Quốc viết.

‘Suy diễn’

Tuy nhiên, trao đổi với BBC hôm thứ Năm 12/6/2014, Tiến sỹ Nguyễn Nhã, một nhà nghiên cứu của Việt Nam, nói rằng những ‘chứng cứ’ này của Trung Quốc ‘không có giá trị pháp lý quốc tế’ mà chỉ có tác dụng về ‘tâm lý’ và ‘chính trị’.
“Học giả Trung Quốc khi thì nói thời Minh, khi thì nói thời Tống, có khi nói đời Đường, có khi nói đời Hán,” ông nói, phản bác lập luận của Trung Quốc nói rằng họ quản lý Hoàng Sa tờ thời Bắc Tống.
Trung Quốc hiện đang kiểm soát và phát triển quần đảo Hoàng Sa
“Tất cả chứng cứ họ đưa ra hoàn toàn mang tính suy diễn thôi,” ông nói thêm.
Khi Đề đốc Lý Chuẩn của tỉnh Quảng Đông đời nhà Thanh ra đảo cắm cờ tuyên bố chủ quyền hồi năm 1909 thì họ cho rằng quần đảo này là ‘đất vô chủ’, theo Tiến sỹ Nguyễn Nhã.
“Tuy nhiên, nó đâu có vô chủ,” ông phản bác.
“Họ viện cớ là tại sao năm 1909 họ hành động như thế thì không ai phản đối,” ông nói.
“Đến năm 1921 khi chính quyền phía nam của Trung Quốc quyết định sáp nhập Hoàng Sa vào Hải Nam thì chính quyền Pháp lúc đó mới quan tâm và dư luận báo chí Đông Dương và Pháp quốc mới lên tiếng phản đối.”
“Không phải phản ứng trễ là mất chủ quyền,” ông nói, “Sau khi chính quyền Quảng Đông khảo sát và cắm cờ chủ quyền thì Cách mạng Tân Hợi nổ ra năm 1911 họ cũng đâu có quan tâm?”
Về các bằng chứng của Trung Quốc nói rằng Chính phủ Bắc Việt thừa nhận chủ quyền Hoàng Sa của họ, Tiến sỹ Nhã nói: “Dù Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có nói gì, làm gì đi chăng nữa, đó chỉ là đối sách về ngoại giao và chính trị lúc đó thôi.”

‘Tính chất pháp lý khác’

Trung Quốc cáo buộc Việt Nam quấy nhiễu hoạt động 'thăm dò bình thường' của họ
“Hiệp định Geneva (năm 1954 về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Đông Dương) đã quy định rất rõ rằng Hoàng Sa và Trường thuộc chính quyền phía nam quản lý,”
Ông Nhã cho rằng Trung Quốc là một bên ký Hiệp định Geneva nên chỉ cần ‘sử dụng Hiệp định Geneva’ để phản bác lập luận của Trung Quốc ‘là đủ’.
“Họ (Chính phủ Bắc Việt) có tuyên bố bất cứ cái gì thì không liên quan đến từ bỏ chủ quyền. Họ có trách nhiệm pháp lý đâu mà từ bỏ?” ông nói.
"Theo luật pháp quốc tế, một khi điều gì đã được ghi ra văn bản chính thức của Nhà nước thì không thể nói lại. Tuy nhiên, cũng chính cái Chính phủ đã thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc vào năm 1958 nay lại trắng trợn phủ nhận và thách thức chủ quyền của Trung Quốc."-Trương Quốc Thổ, trưởng khoa Đông nam Á tại Đại học Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến

 Ông cũng phân tích chính quyền nước Việt Nam thống nhất hiện nay có ‘tính chất pháp lý khác hẳn’ chính quyền ở Bắc Việt trước đây vốn đã có những hành động thừa nhận ‘chủ quyền’ của Trung Quốc.
“Nhà nước thống nhất khác hoàn toàn với nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đó không phải là nhà nước của một miền. Trách nhiệm của nó khác hẳn với trách nhiệm của nhà nước một miền,” ông nói.
“Chính quyền thống nhất này khẳng định chủ quyền (đối với Hoàng Sa và Trường Sa) tức là tiếp tục kế thừa những gì của chính quyền miền Nam Việt Nam quản lý,” ông nói thêm.
Tờ Hoàn cầu Thời báo hôm 10/6 dẫn lời ông Trương Quốc Thổ, trưởng khoa Đông nam Á tại Đại học Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến, nói:
"Theo luật pháp quốc tế, một khi điều gì đã được ghi ra văn bản chính thức của Nhà nước thì không thể nói lại.
"Tuy nhiên, cũng chính cái Chính phủ đã thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc vào năm 1958 nay lại trắng trợn phủ nhận và thách thức chủ quyền của Trung Quốc.”


No comments:

Post a Comment