Saturday, June 7, 2014

Mỹ: Trung Quốc đang chuẩn bị cho xung đột ngắn nhưng khốc liệt

(Dân trí) - Trong báo cáo hàng năm về quân sự Trung Quốc, Lầu Năm Góc nhận định chương trình hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc về lâu dài có mục đích “tăng khả năng chiến đấu có vũ trang và giành chiến thắng trong các tình huống bất ngờ trong khu vực, với khoảng thời gian ngắn, nhưng lực lượng mạnh mẽ”.
Tàu Trung Quốc điên cuồng tấn công tàu Cảnh sát biển 2016 vào 17h chiều 1/6.
Mỹ cho rằng Trung Quốc đang chuẩn bị cho xung đột ngắn nhưng khốc liệt trên các khu vực như Biển Đông, Hoa Đông

Mỹ cho rằng Trung Quốc đang chuẩn bị cho xung đột ngắn nhưng khốc liệt trên các khu vực như Biển Đông, Hoa Đông

Báo cáo hàng năm của Lầu Năm Góc về phát triển quân sự của Trung Quốc diễn ra vào thời điểm quan hệ song phương giữa cường quốc số 1 và số 2 thế giới không mấy tốt đẹp. Báo cáo được đưa ra 5 ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cáo buộc Bắc Kinh “hăm dọa” trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ và tuyên bố Mỹ sẽ “không ngồi im” chứng kiến điều đó; hai tuần sau khi Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc 5 người Trung Quốc làm gián điệp mạng quân sự.

Vì vậy những kết luận và phân tích tài liệu, với dữ liệu lấy từ năm 2013, của Lầu Năm Góc càng có sức nặng hơn thường lệ, dù cáo buộc gián điệp mạng không khác là bao so với năm trước.

Báo cáo của Lầu Năm Góc đã được gửi cho Quốc hội Mỹ vào thứ năm vừa qua. Báo cáo nhận định chương trình hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc về lâu dài có mục đích “tăng cường khả năng chiến đấu vũ trang của Trung Quốc và giành chiến thắng trong các tình huống bất ngờ, với thời gian ngắn nhưng lực lượng lượng mạnh mẽ”.

Đặc biệt, theo báo cáo, chi tiết về loại xung đột có khả năng xảy ra có vẻ như tập trung ở các cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa Bắc Kinh với các nước láng giềng ở Biển Đông, Hoa Đông. Các cuộc tranh chấp này đã gây căng thẳng giữa Trung Quốc với Nhật, Hàn Quốc, Việt Nam và Philippines trong suốt nhiều tháng qua.

Leo thang căng thẳng trong các tranh chấp lãnh thổ trên đã khiến Tổng thống Mỹ Obama, trong chuyến công du châu Á hồi tháng 4, đã phải tái khẳng định cam kết bảo vệ các đồng minh, trong đó nổi bật là Nhật, trong trường hợp xảy ra chiến tranh. Hồi cuối tháng 11 năm ngoái, Mỹ và Nhật đã có động thái đáng chú ý, khi vài ngày sau khi Bắc Kinh tuyên bố vùng nhận dạng phòng không bao trùm lên cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp với Nhật, hai máy bay ném bom B52 đã được điều vào khu vực này trong một cuộc huấn luyện thường lệ.

Trong báo cáo hàng năm của mình, Lầu Năm Góc khẳng định mục đích chính trong chiến lược quân sự của “người khổng lồ” châu Á vẫn là nhằm chuẩn bị cho một cuộc xung đột với Đài Loan. Tuy nhiên, báo cáo cũng nhấn mạnh, Trung Quốc cũng đang chuẩn bị cho “những tình huống bất ngờ có thể xảy ra” ở phía nam và phía đông bờ biển nước này và không quên nhắc lại rằng năm ngoái Bắc Kinh đã đơn phương mở rộng vùng phòng không ở Hoa Đông, mở rộng quyền hàng hải của mình trên gần như toàn bộ Biển Đông.

 “Trong những tài liệu gần đây, luôn luôn có quan tâm chiến lược (ở Trung Quốc), nhằm củng cố các tuyên bố chủ quyền của họ, nhưng năm ngoái, thái độ hiếu chiến của họ gia tăng”, một quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc cho biết trong cuộc gặp với báo giới. Người phát ngôn Lầu Năm Góc cũng nhắc lại Mỹ phản đối việc sử dụng “hăm dọa” trong các tranh chấp chủ quyền, và kêu gọi giải pháp ngoại giao hòa bình.
Theo phân tích của các chiến lược gia Bộ Quốc phòng Mỹ, thì với sự hiếu chiến của Trung Quốc trong các tranh chấp biển, Trung Quốc đang tìm kiếm “bá quyền ở khu vực” và chiến lược quân sự của nước này dựa trên tầm nhìn “dài lâu”, đi trước và độc lập với chính sách xoay trục sang châu Á của chính quyền Tổng thống Mỹ Obama.

Trên thực tế, Lầu Năm Góc thừa nhận lợi ích của “người khổng lồ” mới nổi có thể vượt xa khu vực ảnh hưởng của Trung Quốc. “Với lợi ích, khả năng và ảnh hưởng quốc tế của Trung Quốc ngày một gia tăng, chương trình hiện đại hóa quân sự đã tập trung hơn vào việc đầu tư cho các sứ mệnh bên ngoài bờ cõi nước này”, báo cáo của Lầu Năm Góc có đoạn.

Báo cáo cho rằng chân trời phát triển quân sự của Trung Quốc rộng mở vào năm 2020 khi nước này đang đầu tư mạnh nhằm tân trang lại đội ngũ chiến đấu cơ, tên lửa, tàu sân bay và tàu ngầm. Lầu Năm Góc ước tính ngân sách quốc phòng Trung Quốc là 145 tỷ USD vào năm 2013, cao hơn con số Trung Quốc công bố trước đó là 119,5 tỷ USD.

Mặc dù gia tăng, nhưng con số này vẫn chỉ bằng 1/4 ngân sách quốc phòng của Mỹ (năm 2013 là 495 tỷ USD). Tuy nhiên, chi tiêu quân sự của Trung Quốc đã vượt xa một số nước láng giềng, trong đó có Nga (69,5 tỷ USD), Nhật (56,9 tỷ USD) và Hàn Quốc (31 tỷ USD).

Vũ Quý

Tổng hợp

No comments:

Post a Comment