(BáoĐấtViệt) - Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN&PTNT) vẫn ăn hoa quả nhiễm độc vì chúng vẫn an toàn.
PV: Cục Bảo vệ thực vật vừa phát hiện 17 lô hàng với gần 300 tấn hoa quả có dư lượng hóa chất vượt ngưỡng cho phép. Quy trình xử lý số hoa quả nhiễm độc này thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Xuân Hồng: 300 tấn hoa quả này tính trong cả năm 2013. Đây là mẫu của hơn 1 triệu tấn Trung Quốc xuất khẩu sang Việt Nam, lấy của các lô hàng khác nhau, cộng dồn lại. Việc xử lý tuân theo Thông tư 13 của Bộ NN&PTNT về vấn đề kiểm tra an toàn thực phẩm nguồn gốc thực vật nhập khẩu và theo thông lệ quốc tế. Khi hàng hóa đến cửa khẩu, đầu tiên họ chưa thuộc diện kiểm tra chặt thì chúng tôi chỉ lấy mẫu, lưu mẫu và vẫn cho nhập vào, các doanh nghiệp vẫn buôn bán bình thường.
Đối với những lô vi phạm lần đầu, lần sau sẽ tăng tần suất kiểm tra, nếu vẫn tiếp tục vi phạm thì sẽ không cho họ xuất khẩu sang Việt Nam các nguồn hàng không an toàn.
Ngoài ra, theo thông lệ quốc tế, khi phát hiện các mối nguy cơ đó thì phải thông báo cho phía nước xuất khẩu biết, Việt Nam cũng thường xuyên nhận được thông báo của các nước cảnh báo để có biện pháp ngăn ngừa các vi phạm có thể xảy ra sau này.
PV: Dư lượng thuốc bảo vệ thực vật được phát hiện trong 300 tấn hoa quả gấp bao nhiêu lần mức cho phép? Số hoa quả độc này hiện đang ở đâu?
Ông Nguyễn Xuân Hồng: So với quy định, loại nhiều nhất cũng chỉ cao hơn 2-3 lần. Mức này là cực kỳ an toàn và người tiêu dùng đã sử dụng số hoa quả mà chúng tôi phát hiện nhiễm độc vẫn đang còn rất an toàn.
Hiện 300 tấn hoa quả đã ra hết thị trường rồi vì theo thông lệ quốc tế, như nói ở trên, chúng tôi lấy mẫu kiểm tra sau. Chỉ trong trường hợp đặc biệt là ngay sau khi kiểm tra mức độc hại quá cao và nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng rất lớn thì mới ngay lập tức công bố để người tiêu dùng không sử dụng thực phẩm đó trong một thời gian, đồng thời truy xuất lại và tiêu hủy.
PV: Vậy là nhiều người tiêu dùng đã ăn phải cam, quýt, nho, hồng... nhiễm độc. Bản thân ông có dám ăn hoa quả nhiễm độc không?
Ông Nguyễn Xuân Hồng: Với mức vi phạm như vậy, tôi vẫn ăn vì chưa ảnh hưởng đến sức khỏe. Mức độ nhiễm độc này chỉ để công bố bên kia họ vi phạm và có nguy cơ dẫn đến mất an toàn. Để kiểm tra xem có an toàn cho người tiêu dùng hay không người ta sử dụng chỉ số Daily Intex, một ngày có thể ăn bao nhiêu.
Ví dụ, khi một quả táo có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép, một người ngày nào cũng phải ăn 70 quả táo thì mới mất an toàn. Chúng ta không thể ăn mỗi ngày bằng ấy táo được nên không thể ảnh hưởng đến sức khỏe được.
Hay 1 thanh niên 17 tuổi ăn 50kg cà rốt có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép thì mới mất an toàn.
Nói thế để thấy mức người ta đưa ra để cảnh báo đang còn rất an toàn cho người sử dụng.
PV: 300 tấn hoa quả nhiễm độc có phải là lớn không thưa ông?
Ông Nguyễn Xuân Hồng: So với mấy triệu tấn nông sản nhập từ nước ngoài vào thì là thấp.
PV: Trong khi nhiều mặt hàng nông sản như thanh long, dưa hấu... của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc bị dồn ứ ở cửa khẩu thì rau, củ, quả của Trung Quốc dù nhiễm độc vẫn thông quan dễ dàng. Phải nhìn nhận nghịch lý này như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Xuân Hồng: Các mặt hàng như thanh long, dưa hấu... bị ứ đọng ở cửa khẩu là vì lý do thương mại. Chúng tôi chưa nhận được thông báo của Trung Quốc về việc các nông sản Việt Nam chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt quá ngưỡng cho phép bao giờ, và cũng chưa xảy ra trường hợp Trung Quốc trả lại hàng vì lý do đó.
Thành Luân
No comments:
Post a Comment