Saturday, June 7, 2014

Lựa chọn ngoại giao

Bài trước trong mục này đã bàn về mấy mặc cảm cùng ảo tưởng người Việt mình nên xóa bỏ. Còn một thứ vừa do mặc cảm, vừa là ảo tưởng nên dứt khoát đem chôn, là nỗi ám ảnh nghĩ rằng nước Việt Nam mình phải chọn lấy một cường quốc nào đó làm chỗ dựa. Một cách cụ thể: Nên chọn Nga, Mỹ, hay là Trung Quốc làm “đồng minh chiến lược?” Câu hỏi này đã được nêu ra trong một bài lấy từ Facebook của một cá nhân, bài được đăng lại trên trang mạng của Nguyễn Phú Trọng. Bài viết mang tựa đề “Lựa chọn nào cho chúng ta?” dưới tên Facebook Bình Lê Thọ; chắc phải phản ảnh mối quan tâm của ông tổng bí thư Ðảng Cộng Sản Việt Nam, vì đăng trên trang nhà mang tên Nguyễn Phú Trọng, mà ông ta không phủ nhận.

Tác giả giả thiết rằng Trung Cộng sẽ rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển nước ta trước khi mùa bão tới; rồi đặt câu hỏi, “Sau khi Trung Quốc rút giàn khoan ra rồi thì Việt Nam sẽ lựa chọn chiến lược đối ngoại như thế nào?” Cách đặt câu hỏi này thấy buồn cười, vì chiến lược đối ngoại của một quốc gia là chuyện lâu dài, tại sao lại chỉ đặt ra sau một biến cố thời sự, do người nước khác quyết định? Ðúng ra, phải hỏi rằng Việt Nam cần một chiến lược đối ngoại nhất quán và trường kỳ như thế nào trong thời gian tới, ít nhất trong nửa đầu thế kỷ 21 này. Có lẽ tầm hiểu biết của ông Nguyễn Phú Trọng lại thích hợp với cách đặt một câu hỏi ngắn hạn như vậy, cho một vấn đề vượt trên các tin tức thời sự.

Sau khi đặt câu hỏi như trên, tác giả đã hết lời khen ngợi ông Lê Duẩn , người đã từng ngồi cái ghế tổng bí thư trước ông Nguyễn Phú Trọng. Ðiều được đề cao duy nhất là ông Lê Duẩn chống Trung Quốc kịch liệt; vì “dã tâm xâm chiếm Việt Nam của nhà cầm quyền Trung Quốc chưa bao giờ thay đổi.” Bài viết trích dẫn một đoạn đối thoại dài, nói rằng do Lê Duẩn thuật lại ông ta đã đối đáp với Mao Trạch Ðông, với lối kể, “Mao hỏi tôi,” và “Tôi trả lời,” vân vân. Nhưng đọc những lời đối thoại này thì người tinh ý sẽ nhận ra ngay là bịa đặt.

Gán cho Mao Trạch Ðông ý kiến như sẽ đưa nông dân Trung Hoa xuống các nước Lào, Miên, Thái Lan, là trái với bản tính nham hiểm của Mao, lúc nào cũng che giấu âm mưu của mình. Nghe một câu này thì biết là bịa đặt, “Mao nói: Lạy Chúa!” Một con người “vô pháp, vô thiên” như Mao Trạch Ðông không bao giờ dùng thứ ngôn ngữ đó, mà chắc Lê Duẩn cũng vậy. Mao sẽ không bao giờ nói, “Tôi cũng sẽ đưa một số người dân của tôi tới Thái Lan.” Ngay khi hiệu lệnh các cố vấn gửi sang Bắc Việt năm 1950, 51, Mao luôn luôn nhắc họ rằng phải khéo léo, vì người Việt Nam chưa quên mối hận Mã Viện cướp nước.

Người viết còn trích dẫn lời Lê Duẩn , viết một năm trước khi Trung Cộng đem quân sang đánh nước ta năm 1979. Ông Lê Duẩn thóa mạ dân tộc Trung Hoa bằng lời lẽ thế này, “Chúng ta ở bên cạnh một nước mà lịch sử của nước đó chưa ra khỏi cuộc sống người ăn thịt người.” Chưa đủ, trong bài còn trích dẫn Lời Nói Ðầu trong bản hiến pháp Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam năm 1980, hạch tội chính quyền Trung Quốc, nhắc tới nhưng chuyện thời sự, như “...thắng lợi oanh liệt trong hai cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc chống bọn phản động Campuchia ở biên giới Tây Nam và chống bọn bá quyền Trung Quốc ở biên giới phía Bắc ...”
Trên thế giới chưa một quốc gia nào lại viết vào bản hiến pháp nước mình những lời lẽ xúc phạm các nước láng giềng như vậy. Xác định một nước khác là kẻ thù truyền kiếp của nước mình, như trong Bản Hiến Pháp 1980 kể tên Pháp, Mỹ, Tàu, là một hành động thiếu suy nghĩ, chỉ những người vô học mới làm.

Nhưng sau khi đọc những lời lẽ trên thì người ta tưởng tác giả bài viết, và ông Nguyễn Phú Trọng, chắc sẽ đi theo con đường Lê Duẩn đã chọn, là chống Trung Cộng đến cùng. Nhưng không phải. Ðến đoạn cuối bài, để trả lời câu hỏi “Lựa chọn nào cho chúng ta?” mới thấy rằng tác giả, và ông Nguyễn Phú Trọng, lại chọn con đường phải, chép theo nguyên văn, “quay trở lại với Trung Quốc (cực xấu, nhưng an toàn).” Người đọc có cảm tưởng rằng lựa chọn con đường an toàn này là an toàn cho ông Nguyễn Phú Trọng, chứ không phải cho dân tộc Việt Nam!

Nhưng tại sao bài viết này lại đi tới kết luận chọn con đường “cực xấu” như vậy? Bởi vì ngay khi đặt câu hỏi tác giả đã sai thì câu trả lời nào cũng vô giá trị.

Facebook Bình Lê Thọ viết rằng trong thời gian cuối thập niên 1970, 1980, “các nhà lãnh đạo Việt Nam ... có 3 đối tác chiến lược cần lựa chọn: Liên Xô (dễ nhất), Mỹ (cực khó), và Trung Quốc (cực xấu, nhưng an toàn).” Lúc đầu họ đã chọn phương án “dễ nhất” tức là theo Liên Xô. Sau khi khối Liên Xô sụp đổ, đảng cộng sản “loay hoay” mãi rồi cuối cùng, năm 1992 lại quay về với Trung Quốc, “tiếc thay, với phương án cực xấu.” Liệt kê ba “phương án” lựa chọn đó ra, chỉ để tác giả bàn tiếp về việc chọn “đối tác chiến lược” cho ngày nay, năm 2014, giữa ba nước Nga, Mỹ và Tàu. Nga bị gạt ra ngoài, vì “Chúng ta không còn buộc phải lựa chọn đồng minh chiến lược ‘dễ nhất’ nữa.” Nói như vậy là công nhận thời 1978 Lê Duẩn “buộc phải lựa chọn đồng minh chiến lược là Liên Xô, không nói ai bắt buộc, vì sao lại bị buộc! Gạt Nga rồi, chỉ còn có hai nước để chọn, là Mỹ và Tàu.

Giữa hai nước này, tác giả nhận xét, “Trở thành đồng minh chiến lược với Mỹ là không hề đơn giản. Ðiều kiện đưa ra chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ.” Không hề nói các “Ðiều kiện đưa ra” gồm những điều nào mà gây ảnh hưởng không nhỏ? Lo là lo ảnh hưởng trên vận mệnh dân Việt Nam hay chỉ lo ảnh hưởng xấu trên địa vị cùng quyền lợi của những người cầm đầu đảng cộng sản? Tác giả chỉ giải thích, “đây chưa phải là lúc đảng ta sẵn sàng làm việc này!” Viết vậy nhưng cũng không giải thích tại sao đảng ta chưa sẵn sàng. Cho đến nay chính quyền Mỹ chưa bao giờ đặt điều kiện nào với Ðảng Cộng Sản Việt Nam, trừ những yêu cầu phải tôn trọng quyền tự do của người dân Việt được sống như những con người, gọi là nhân quyền!

Sau khi gạt bỏ “đồng minh chiến lược” Nga, vì không bị bắt buộc, gạt bỏ nốt nước Mỹ, vì sợ “ảnh hưởng không nhỏ” và Ðảng chưa sẵn sàng, tác giả trở lại với câu hỏi, “Sau khi Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 đi rồi, Việt Nam sẽ lựa chọn như thế nào?” Tự nhiên, kết luận là: Chỉ còn lựa chọn duy nhất là vẫn phải bám lấy một “đồng minh chiến lược” là Cộng Sản Trung Quốc!

Tóm lại, cả bài này là những lời giáo đầu sửa soạn cho một hội nghị “Thành Ðô” mới. Vì bài này lên mạng trên trang đứng tên Nguyễn Phú Trọng, cho nên có thể suy ra rằng đây là một bước thăm dò và chuẩn bị dư luận trước khi tập đoàn lãnh đạo Ðảng Cộng Sản Việt Nam lên đường sang Tàu tái diễn một “Thành Ðô 2,” như đám Nguyễn Văn Linh, Ðỗ Mười, Phạm Văn Ðồng đã diễn màn thứ nhất năm 1992. Ðể chuẩn bị dư luận cho một cuộc đầu hàng nhục nhã khác, trang mạng của Nguyễn Phú Trọng tìm cách hướng dẫn cách suy nghĩ của người, để dân Việt Nam thấy rằng họ không có lựa chọn nào khác là phải bám lấy Trung Cộng! Năm trước, Trương Tấn Sang đã bay qua Tàu với một phái đoàn hùng hậu, cúi đầu ký hàng trăm bản thỏa hiệp lớn nhỏ, biểu dương việc cộng tác chiến lược và toàn diện. Nhưng Trung Cộng chưa thỏa mãn, năm nay vẫn trâng tráo biểu diễn một màn xâm lấn Hải Dương 981. Trong màn kịch Thành Ðô 2 sắp tới, thiên triều còn đòi hỏi thêm những gì nữa?

Nhưng người suy nghĩ tỉnh táo phải thấy ngay rằng tất cả lý luận trong bài viết này là sai, sai ngay từ đầu, khi đặt ra câu hỏi về những lựa chọn của dân tộc Việt Nam. Khi đặt câu hỏi căn bản về chính sách đối ngoại dưới hình thức phải chọn giữa ba “đồng minh chiến lược” tức là đã tự trói mình không được ra ngoài khuôn khổ đó. Tại sao chỉ đặt vấn đề chọn “đồng minh chiến lược” mà không nêu ra những lựa chọn nào khác, vượt lên trên khuôn khổ đó? Ðây là hậu quả của 70 năm cầm quyền của đảng cộng sản ở nước ta. Chính sách đối ngoại sai lầm của đảng cộng sản đã uốn nắn cái đầu của các đảng viên, khiến họ chỉ biết một cách suy nghĩ, nói đến chính sách đối ngoại là phải chọn một nước nào để dựa dẫm.

Vì bản chất đảng cộng sản, ngay từ đầu họ đã tự đặt mình, và lôi kéo cả dân tộc Việt Nam vào một phe trong trận chiến tư bản, cộng sản, thời Chiến Tranh Lạnh. Cộng Sản Việt Nam được cả Nga và Tàu giúp để “đánh Mỹ đến người Việt cuối cùng.” Lê Duẩn từng nói “chúng ta đánh Mỹ là đánh cho Trung Quốc, đánh cho Liên Xô.” Khi thù ghét Trung Cộng, họ bám lấy Liên Xô nên bị Tàu đánh, chỉ làm dân và lính chết oan. Theo Tiến Sĩ Ðinh Hoàng Thắng, “năm 1979, Trung Quốc đánh ta không phải vì vấn đề Khơ Me Ðỏ mà là vì Hiệp Ước Hữu Nghị Việt-Xô,” đảo Damanski trên sông Ussuri . Ðã đến lúc phải chấm dứt nếp suy nghĩ chật hẹp, dốt nát và những chính sách ngoại giao thiển cận nguy hại như vậy.

Trong chính sách đối ngoại, đảng cộng sản từ đầu vẫn tin vào tình đồng chí vô sản. Họ nhìn vấn đề bang giao bằng con mắt tình cảm; phân chia ra, nhận một số nước là bạn, còn lại là kẻ thù. Không những giới lãnh đạo suy nghĩ như thế, các cán bộ, đảng viên và toàn thể dân chúng cũng bị bắt buộc phải suy nghĩ cùng một lối.

Bộ máy tuyên truyền của họ nhét vào đầu dân chúng những tình cảm yêu, ghét đối với các nước khác, theo chính sách từng giai đoạn một.

Nhưng đối với một dân tộc, một quốc gia, thì không thể coi một quốc gia hay dân tộc nào khác hoàn toàn là bạn hay là kẻ thù. Trong thực tế việc bang giao trên thế giới này xưa nay vẫn hoàn toàn dựa trên những tính toán quyền lợi tương ứng, mà tương quan quyền lợi có thể thay đổi. Một quốc gia không thể nào coi một nước khác là kẻ thù, cũng không thể coi một nước nào là đồng minh lớn đến nỗi phải uốn nắn chính sách ngoại giao của mình theo họ. Giữa thế kỷ 19, vua quan nhà Nguyễn chỉ biết có một “đồng minh chiến lược” là nhà Thanh bên Tàu, cho nên chúng ta mất nước. Những nước Thái Lan, Nhật Bản không chọn “đồng minh chiến lược” nào cả, nên giữ được nền tự chủ.

Lựa chọn ngoại giao của nước Việt Nam sẽ phải dựa trên những tính toán quyền lợi của mình, và quyền lợi của các nước khác. Không thể tin tưởng mù quáng vào lòng tốt của bất cứ chính quyền ngoại quốc nào.

Không thể dựa trên những tình cảm đồng chí, anh em, những “chữ vàng” hay mấy cái “tốt” nào cả. Dân tộc mình giao thiệp bình đẳng với các nước khác, và biết rằng họ cũng cần giao hảo với mình nếu có lợi cho họ.

Quy tắc ngoại giao quan trọng nhất là trao đổi với các nước một cách bình đẳng theo quyền lợi mỗi bên, và đặt tất cả mọi quan hệ trên nền tảng luật pháp quốc tế và các quy tắc ứng xử đã được loài người văn minh sử dụng từ mấy trăm năm nay.
06-06-2014 6:44:20 PM
Ngô Nhân Dụng
www.nguoi-viet.com

No comments:

Post a Comment