(Dân trí) - Trước thực trạng nhiều loại hàng hoá tiêu dùng của Trung Quốc nhập “lậu” ồ ạt, Cục Hải quan TP.HCM đang phối hợp với Cục Điều tra chống buôn lậu thuộc Tổng cục Hải quan tiến hành truy quét các loại hàng này đang tồn tại ở các cảng biển tại TP.HCM.
Lực lượng chức năng tăng cường kiểm soát hàng nhập về thông qua các cảng tại TP.HCM
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
|
Gần đây nhất là vụ nhập lậu một số lượng hàng bách hoá cực lớn chứa trong 10 container loại 40 feet gồm thiết bị loa, đèn Led, văn phòng phẩm, máy móc ngành dệt may, dụng cụ trang trí phục vụ tết…có xuất xứ từ Trung Quốc. Toàn bộ số hàng “mập mờ” về nguồn gốc đã bị Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an TP.HCM phối hợp với Đội Quản lý thị trường (QLTT) 2A (Chi cục QLTT TP.HCM) bắt giữ khi đang đậu trước khu vực cảng VICT (cảng Sài Gòn KV3).
Ngoài những dấu hiệu về gian lận thương mại, lực lượng chức năng còn phát hiện nhiều sản phẩm ghi xuất xứ từ Singapore, Thái Lan và thậm chí in sẵn chữ tiếng Việt. Số lượng hàng hóa thực tế chênh lệch lớn so với tờ khai Hải quan và nhiều mặt hàng khai báo không đúng. Trong 10 container có 721 danh mục với trên 6 triệu đơn vị sản phẩm. Ngoài hàng những mặt hàng bị phát hiện như trên, lực lượng chức năng tìm thấy 20 thùng hóa chất không nhãn mác, xuất xứ. Hóa chất này gây choáng và ngứa với những người tiếp xúc hoặc đứng gần dù thùng chưa được mở nắp. Số hàng này nằm xem kẽ với nhiều bao bánh kẹo mang nhãn mác Trung Quốc.
Theo điều tra ban đầu, cả 10 container này được nhập khẩu từ cảng Shekou và Nahsha New Port (Trung Quốc) sau đó được thông quan qua cảng VICT (TP.HCM). Công ty thực hiện nhập khẩu số hàng hóa trên gồm: Công ty TNHH Tân Nhật Huy Vĩnh Đạt (cư xá Bình Thới, P.8, Q.11) và Công ty TNHH TM-XNK Nhất Minh (Q.6). Tuy nhiên, từ khi số hàng bị tạm giữ đến nay không có bất cứ ai đứng ra nhận là chủ số hàng. Ước tính giá trị lô hàng tạm giữ hàng chục tỉ đồng.
Nhiều mặt hàng tiêu dùng của Trung Quốc nhập "lậu" về TP.HCM bị lực lượng chức năng phát hiện bắt giữ
Điều đáng nói, khi công an kinh tế đang truy tìm hai giám đốc của hai công ty nhập khẩu 10 container hàng lậu thì tiếp tục 14 continer hàng nghi lậu khác của họ lại ồ ạt được chuyển về cảng. Số hàng này do chính Công ty TNHH Tân Nhật Huy Vĩnh Đạt và Công ty TNHH TM-XNK Nhất Minh nhập về từ Trung Quốc, Thái Lan... Hai công ty trên lần lượt do Hồ Sấm Dũng (27 tuổi, ngụ quân Bình Tân) và Trần Thị Thu Sang (tức Sang “lùn”, 25 tuổi, ngụ quận 6), những người đang bị công an truy bắt vì liên quan đến 10 container hàng lậu bị phát hiện trước đó.
Kết quả kiểm tra ban đầu cho thấy, bên trong nhiều container có hàng nghìn chủng loại như: thiết bị loa, đèn led, văn phòng phẩm, máy móc ngành dệt may, dụng cụ trang trí phục vụ tết, vải vóc, hóa chất, đồ điện tử...Đa số các mặt hàng không đúng như trong tờ khai hải quan, số lượng thực tế lớn hơn rất nhiều so với khai báo. Trong đó, hàng hóa được xác định có xuất xứ từ Trung Quốc, Thái Lan, một container hàng mỹ phẩm và thực phẩm có xuất xứ từ Mỹ.
Máy trò chơi điện tử - Một mặt hàng được nhập lậu thường xuyên
Trong một số container hàng lậu, lực lượng chức năng còn phát hiện nhiều loại hoá chất
Trước thực trạng hàng Trung Quốc “lậu” được tuồn ồ ạt qua các cửa khẩu đường biển tại TP.HCM với phương thức thủ đoạn tinh vi, táo tợn, Cục Hải quan TP.HCM đã triển khai nhiều giải pháp và đã phát hiện nhiều vụ vi phạm lớn, kịp thời phát hiện xử lý đúng các sai phạm đối với số container hàng nhập khẩu từ Trung Quốc hiện đang tồn tại các cảng TP.HCM, truy thu thuế cho ngân sách Nhà nước, đồng thời những kẽ hở trong quy trình thủ tục hải quan, để có biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn.
Hiện Hải quan TP.HCM sẽ tiếp tục thực hiện kiểm tra đối với gần 50 container hàng tồn còn lại. Ngoài 4 container hàng vô chủ tại cảng VICT, hiện nay, chủ hàng của các container tồn này đã đến làm việc với cơ quan Hải quan. Lực lượng chức năng đã theo dõi, kiểm tra, đôn đốc thường xuyên các tổ công tác, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc phát sinh. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp vẫn cố tình đưa ra nhiều lý do khác nhau, không hợp tác đầy đủ với cơ quan Hải quan để xuất trình hàng hoá kiểm tra.
Trong đợt truy quét hàng “lậu” năm 2013, Cục Hải quan TP.HCM đã kiểm tra, kiểm soát với hàng tiêu dùng các tuyến trọng điểm, phát hiện và lập biên bản 967 trường hợp vi phạm (5 vụ buôn lậu, 158 vụ gian lận thương mại và 3 vụ vận chuyển tiền chất), trị giá tang vật vi phạm 90 tỉ đồng.
Trung Kiên
No comments:
Post a Comment