Sunday, May 25, 2014

Giàn khoan Hải Dương 981: 'Đĩa bay' TQ đâm tàu Việt Nam

(BDV) - Tàu lai dắt đẩy ủi Hữu Liên 9 của Trung Quốc hung hãn đâm húc vào tàu Kiểm ngư của Việt Nam khiến tàu kiểm ngư này bị hư hại nặng...
Việt Nam chuẩn bị sẵn sàng hồ sơ khởi kiện Trung Quốc
Sáng 24/5, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc khi trao đổi với báo chí đã khẳng định: “Việt Nam yêu hòa bình, chúng ta đã trải qua quá nhiều cuộc chiến tranh, quá nhiều sự mất mát vì chiến tranh nên càng yêu hòa bình.
Chúng ta muốn nhân dân hai nước Việt Nam - Trung Quốc có môi trường sống, kinh doanh hòa bình, đoàn kết để cùng nhau xây dựng đất nước phồn vinh”.
Sau khi nghe báo cáo của Chính phủ, qua thảo luận ở đoàn Quốc hội rất đồng tình, ủng hộ với các giải pháp mà Chính phủ đưa ra.
Chính phủ đang chuẩn bị hồ sơ, chứng lý để sẵn sàng làm cơ sở để khởi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế nếu họ không rút giàn khoan ra khỏi vùng biển Việt Nam.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc
Cũng theo ông Phúc, chúng ta phát huy truyển thống của cha ông phải hết sức khéo léo để vừa giải quyết được vấn đề về Biển Đông vừa giữ được mối quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai nước.
Được biết, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã 26 lần có đề nghị trao đổi nhưng Trung Quốc chỉ bố trí một lần gặp Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam.
"Tôi nghĩ Trung Quốc phải có sự thay đổi, tôi nói với anh mãi mà anh không gặp thì thế giới nghĩ sao. Một đất nước mà luôn luôn nói đứng thứ hai thế giới mà sao lại hành xử như vậy.
Cái đó bản thân chính quyền Trung Quốc cũng phải suy nghĩ, nếu không Trung Quốc tự mình đánh mất uy tín, bị thế giới cô lập", ông Phúc nói.

Tàu lai dắt Trung Quốc hung hãn đâm tàu Việt Nam
Được biết, sáng 23/5, tàu lai dắt đẩy ủi Hữu Liên 9 (được biệt danh là đĩa bay) của Trung Quốc đã hung hãn đâm húc vào tàu Kiểm ngư HP 926 của Việt Nam khiến tàu kiểm ngư này bị hư hại nặng. Hành vi của tàu Hữu Liên 9 đã bất chấp luật pháp quốc tế gây nguy hiểm cho tính mạng các kiểm ngư viên Việt Nam.
Theo đó, 9h ngày 23/5, các tàu CSB, kiểm ngư của Việt Nam tiếp tục thực hiện quyền chấp pháp trên vùng biển Việt Nam tiếp cận giàn khoan Hải Dương 981 mà Trung Quốc hạ đặt trái phép.
10h Biên đội tàu Kiểm ngư 4 gồm các tàu HP926, 768, 769, 770 và CSB 4032 tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tiếp cận giàn khoan Hải Dương 981 và chi viện các mũi tiến sâu vào khu vực này.
10h30 tàu CSB 4032 tiến sâu vào khu vực Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép khoảng 4 hải lý. Tàu CSB 4032 liên tục tuyên truyền yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan cùng các tàu bảo vệ ra khỏi vùng biển Việt Nam. Ngay lập tức các tàu bảo vệ của Trung Quốc áp sát, rượt đuổi tàu CSB 4032.
Tàu Trung Quốc chủ động đâm húc tàu Việt Nam.
Tàu Trung Quốc chủ động đâm húc tàu Việt Nam.
Khi tàu HP 926 tiến vào chi viện cho tàu CSB 4032 thì tàu hải cảnh 3701 cùng tàu lai dắt đẩy ủi Hữu Liên 9 của Trung Quốc tăng tốc chặn đầu rượt đuổi tàu HP 926.
Đặc biệt tàu lai dắt đẩy ủi Hữu Liên 9 của Trung Quốc hung hăng đuổi theo tàu HP 926 của ta, quyết tâm đâm bằng được tàu HP 926. Khi cách tàu HP 926 khoảng 30m, tàu Hữu Liên 9 hú còi mở vòi rồng áp lực cao phun vào tàu HP 926.
Với ưu thế hơn về tốc độ, tàu Hữu Liên 9 của Trung Quốc đã tiếp cận húc đẩy nhiều lần nhưng tàu HP 926 đã chủ động né tránh. Mặc dù vậy phía tàu của Trung Quốc vẫn hung hăng quyết tâm đeo bám đến cùng, nhiều lần trườn lên tì đè tìm cách đâm va đẩy ủi vào mạn trái, mạn phải của tàu HP 926 của Việt Nam.
Lúc này trên tàu HP 926 liên tục phát thanh tuyên truyền về hành vi sai trái của tàu Hữu Liên 9 nhưng tàu này vẫn không ngừng bám theo.
Các tàu kiểm ngư và CSB của Việt Nam gia tăng tốc độ di chuyển hình zích zắc nhằm tránh va chạm với các tàu Trung Quốc theo đúng đối sách không đẩy căng thẳng lên cao nhưng các tàu Trung Quốc vẫn không ngừng từ bỏ quyết tâm đâm vào các tàu Việt Nam.
Đằng sau tàu HP 926, ngoài tàu lai dắt đẩy ủi Hữu Liên 9 còn có tàu hải cảnh 3701 của Trung Quốc kèm sát liên tục tìm cách cắt ngang mũi tàu HP 926. Trên bầu trời, máy bay tuần thám, hải giám B 3808 quần đảo nhiều vòng.
Lúc 11h tàu lai dắt đẩy ủi Hữu Liên 9 của Trung Quốc đã đâm mạnh vào mạn trái của tàu HP 926. Cú đâm với tốc độ cao khiến toàn bộ nhân viên kiểm ngư, phóng viên trên tàu cảm nhận được dư chấn rất mạnh.
Trước đó tàu Hữu Liên 9 cũng nhiều lần đâm mớm vào khoang lái tàu của HP 926. Chỉ sau cú đâm va chí mạng này, tàu của Trung Quốc mới từ bỏ sự đeo bám tàu HP 926.

Theo thuyền trưởng tàu HP 926 Nguyễn Cao Duy, hành vi đâm húc vào mạn trái tàu HP 926 của tàu Hữu Liên 9 là rất nguy hiểm với tốc độ cao, khoảng 13 hải lí/h quay trở 90 độ với hướng đâm chính ngang cho thấy quyết tâm phá hoại tàu của ta.
Tàu này đã hung hãn kê mũi lên mạn trái của HP 926 kéo xuống sau lái và làm chấn động kết cấu của tàu HP 926. Có thể nói đây là hành động cực kỳ nguy hiểm và hung hãn, có thể dẫn tới hậu quả thủng và chìm tàu gây mất an toàn, đe dọa tính mạng của toàn bộ các thành viên trên tàu kiểm ngư của Việt Nam.
Mỹ tố cáo chiến lược "độc chiếm" của Trung Quốc
Phát biểu tại diễn đàn an ninh châu Á ngày 23/5 tại thủ đô Manila của Philippines, Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Samuel Locklear đã lên tiếng cảnh báo chống lại chiến lược được ông gọi là "độc chiếm" (winner-take-all) mà nhiều nước cho rằng Bắc Kinh đang sử dụng tại các vùng biển tranh chấp.
“Tôi rất quan ngại, tôi tin là chúng ta đầu tiên phải khuyến khích hai bên kiềm chế”, Đô đốc Samuel Locklear cho biết khi được hỏi về căng thẳng giữa Trung Quốc và Việt Nam trên Biển Đông hiện nay.
“Họ nên giải quyết những vấn đề như thế này qua những cơ chế bình thường, cho phép họ có dùng luật quốc tế hoặc diễn đàn quốc tế để quyết định những tranh chấp cụ thể như thế này”, ông cho hay.
Đô đốc Mỹ Samuel Locklear phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế thế giới khu vực Đông Á
Đô đốc Mỹ Samuel Locklear phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế thế giới khu vực Đông Á
Ông Locklear nhận định rằng châu Á đang biến thành một khu vực bị "quân sự hóa mạnh nhất" trên thế giới hiện nay, đồng thời là vùng có tăng trưởng kinh tế rất nhanh.
Tình hình đó nêu bật tầm quan trọng của đối thoại để đảm bảo sao cho tranh chấp không dẫn đến xung đột vũ trang.
Ông Locklear nói: “Điều quan trọng nhất là ý chí tôn trọng các quy định của luật pháp, tham gia các diễn đàn quốc tế để giải quyết các vấn đề và giải quyết tranh chấp.”
“Ta không thể có một thái độ người thắng ăn cả mà (giải pháp cho tranh chấp) sẽ đòi hỏi sự thỏa hiệp, sẽ đòi hỏi đối thoại", theo ông Locklear.
Ông Locklear đồng thời hối thúc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc đẩy nhanh tiến trình đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) nhằm ngăn chặn những tính toán sai lầm có nguy cơ dẫn tới xung đột vũ trang, đe dọa sự phát triển kinh tế của toàn khu vực.
Các cơn bão sẽ cho Trung Quốc cơ hội xuống thang
Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia nổi tiếng về Biển Đông, từng công tác tại Học viện Quốc phòng Australia, bình luận rằng việc Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng biển thuộc thềm lục địa của Việt Nam ở Hoàng Sa là việc chưa từng có tiền lệ.
Tuy nhiên việc duy trì giàn khoan cùng hàng trăm tàu hộ tống là việc vô cùng tốn kém. Ông Thayer dự đoán có vẻ như Trung Quốc sẽ rút giàn khoan dầu về nước trong hoặc trước ngày 15/8 tới để tránh mùa bão lớn trên biển.
"Các cơn bão sẽ đem lại cơ hội cho Trung Quốc xuống thang", ông nhận định.
Thayer cho rằng nếu Trung Quốc thực sự muốn khoan dầu, họ sẽ đánh dấu vị trí giếng dầu sau khi giàn khoan khổng lồ này được đưa đi. Đồng thời Trung Quốc sẽ vẫn duy trì các tàu hải cảnh ở khu vực được cho là có dầu.
Về kịch bản tiếp theo, ông Thayer dự đoán Trung Quốc có thể sẽ cân nhắc lập một vùng nhận dạng phòng không giới hạn phía trên đảo Hải Nam và quần đảo Trường Sa nhằm thiết lập thẩm quyền của cái gọi là thành phố Tam Sa.
T.M (Tổng hợp)

No comments:

Post a Comment