Tuesday, May 20, 2014

Gây hấn biển Đông, Trung Quốc trả giá

Tàu Trung Quốc hung hăng phun vòi rồng sang tàu Việt Nam.
TP - Trung Quốc đang và sẽ phải trả giá đắt cho hành động ngang ngược hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. “Mũi khoan chính trị” của Trung Quốc tưởng như được tính toán rất kỹ, nhưng lại mắc hàng loạt sai lầm lớn về chiến lược.
Trước hết, xâm phạm trên vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế rõ ràng thuộc chủ quyền Việt Nam, Trung Quốc đã ngang nhiên vi phạm luật pháp quốc tế. Cách diễn giải kỳ quặc của Trung Quốc về Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 không được bất kỳ ai thừa nhận. Điều đó cho thấy Trung Quốc sẵn sàng cậy mình nước lớn, vi phạm công pháp để tranh đoạt lợi ích. Hành động này chứng minh Trung Quốc không phải một cường quốc có trách nhiệm, hủy hoại nghiêm trọng uy tín nước này.
Thứ hai, Trung Quốc thể hiện là một quốc gia không đáng tin cậy, thường nói một đằng làm một nẻo. Ngoài miệng Trung Quốc cam kết thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông, nhưng trên thực tế lại làm ngược lại. Cắm giàn khoan khổng lồ xuống biển Đông, Trung Quốc phớt lờ các cam kết đa phương với ASEAN và song phương với Việt Nam. Điều này chỉ càng thúc đẩy các nước ASEAN rời xa, thậm chí muốn thoát hẳn khỏi quỹ đạo Trung Quốc, ngay cả một số nước trung lập như Indonesia và Malaysia trước đây còn lưỡng lự nay cũng thay đổi quan điểm.
Thứ ba, không ai còn tin vào cái gọi là sự “trỗi dậy hòa bình” Trung Quốc vẫn tuyên truyền. Hành động gây hấn đưa giàn khoan khổng lồ xuống biển Đông, được hộ tống bởi một lực lượng hùng hổ có thời điểm lên tới 130 chiếc bao gồm nhiều tàu chiến, máy bay chiến đấu, liên tục phun vòi rồng, đâm húc hỏng nhiều tàu chấp pháp dân sự của Việt Nam đã bộc lộ rõ bản chất hung hăng. Dù Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói Trung Quốc “không có gene xâm lược”, nhưng Tổng tham mưu trưởng quân đội và báo chí nước này lại lớn tiếng hăm dọa Việt Nam. Tổng giá trị giao thương thế giới qua biển Đông lên tới 5.000 tỷ USD mỗi năm, đây cũng là “yết hầu” kinh tế Trung Quốc. Nếu manh động gây chiến, chắc chắn “giấc mộng Trung Hoa” sẽ vĩnh viễn tan thành mây khói.
Thứ tư, Trung Quốc càng hung hăng bao nhiêu lại càng tạo thuận lợi cho chiến lược “xoay trục” sang châu Á của Mỹ bấy nhiêu. Không thể biện bạch cho việc liên tục tăng chi tiêu quân sự, động thái gây hấn của Trung Quốc sẽ kích hoạt sự hình thành các liên minh tự nhiên trong khu vực nhằm đối phó các nguy cơ từ Trung Quốc. Trung Quốc vừa trao cho Nhật Bản một cơ hội tuyệt vời để hợp thức hóa quyền phòng vệ tập thể, đưa quân đội tham chiến ở nước ngoài ngay trong năm nay. Theo đó, Nhật Bản sẽ nhập trận trong 3 trường hợp sau: Khi an ninh của Nhật Bản bị đe dọa; Khi một đồng minh thân thiết của Nhật Bản bị tấn công; Khi một quốc gia bị tấn công đề nghị Nhật Bản điều binh trợ giúp.
Thứ năm, thử thách lớn đã thổi bùng sức mạnh đoàn kết vô địch, khơi dậy ý chí và lòng yêu nước của dân tộc Việt Nam. Trải qua bề dày lịch sử đầy giông bão và quá hiểu cái giá tàn khốc của chiến tranh, Việt Nam càng trân quý giá trị của hòa bình. Thế nhưng, dân tộc Việt Nam nắm trong tay chính nghĩa không bao giờ hèn yếu hay khiếp nhược trước kẻ thù, đặc biệt khi đứng trước vấn đề tồn vong hay chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng.
Cuối cùng, đến thời điểm này, không một quốc gia nào trên thế giới ủng hộ hay bênh vực hành vi khiêu khích, nguy hiểm của Trung Quốc. Sự cố chấp nước lớn chỉ khiến hình ảnh Trung Quốc bị hoen ố, thêm nguy cơ bị cô lập và sa lầy trong “chiếc bẫy” do chính họ giăng ra.
 07:35 ngày 20 tháng 05 năm 2014 
Đặng Vương Hạnh

No comments:

Post a Comment