Hành động đặt giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc (TQ) trên vùng biển Việt Nam đã thể hiện sự tính toán sai lầm nghiêm trọng của các nhà hoạch định chính sách TQ.
Ông Hà Anh Tuấn, nghiên cứu sinh tiến sĩ về chính trị và quan hệ quốc tế ở ĐH New South Wales (Úc), nhận định như trên trên tạp chí The National Interest của Mỹ ngày 16-5 (giờ địa phương).
Tác giả đưa ra bốn sai lầm chiến lược của TQ như sau:
- Tạo phản ứng mạnh và quyết đoán từ Việt Nam: Điều 56 Công ước LHQ về Luật Biển năm 1992 (UNCLOS) ghi rõ một nước ven biển có quyền chủ quyền thăm dò, khai thác, bảo tồn và quản lý tài nguyên thiên nhiên trong vùng đặc quyền kinh tế của mình. Do đó TQ không có cách lý giải nào cho hành động đặt giàn khoan trên vùng biển Việt Nam.
Hành động của TQ đã vượt qua lằn ranh do Việt Nam vạch ra. TQ đã tự đẩy mình xa Việt Nam hơn và vô tình đưa Việt Nam gần hơn với các siêu cường khác như Mỹ. Nếu Việt Nam xem xét mở vịnh Cam Ranh để tăng cường sự hiện diện của hải quân Mỹ, Washington khó bỏ qua cơ hội này.
Biểu tình ở Paris (Pháp) ngày 16-5 (giờ địa phương) phản đối TQ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển Việt Nam. Ảnh: lescahiersdunem.fr
- Vi phạm Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông: Hành động của TQ khiến các nước trong khu vực ngày càng nghi ngờ về ý định thực sự của TQ. Không chỉ Việt Nam và Philippines, Malaysia và Singapore đã bày tỏ lo ngại.
Ngay cả Indonesia cũng thay đổi lập trường trung lập bởi TQ đã thách thức chủ quyền quần đảo Natuna của Indonesia. Càng quyết đoán ở biển Đông, TQ càng mất uy tín trên trường quốc tế.
- Đánh mất lý do hiện đại hóa quân sự: TQ từng tuyên bố hiện đại hóa quân sự để phòng thủ và không gây hại an ninh khu vực. Dù vậy, hành động hạ đặt giàn khoan tại vùng biển Việt Nam cùng với bảy tàu hải quân, 33 tàu hải giám, hàng chục tàu cảnh sát biển, tàu vận tải, tàu cá bảo vệ giàn khoan đã khiến các nước khác lo ngại ý đồ sau chương trình hiện đại hóa quân sự của TQ.
- Gây bất ổn an ninh khu vực: TQ đang đối mặt với nhiều thách thức trong nước như môi trường giảm sút, dân số già cỗi, phong trào ly khai tại Tây Tạng và Tân Cương. Nhiều vụ tấn công khủng bố do các nhóm ly khai thực hiện trong các thành phố lớn đã đe dọa ổn định xã hội của TQ. Ngoài ra tăng trưởng kinh tế của TQ đã có dấu hiệu chậm lại.
Đúng ra giới lãnh đạo TQ cần môi trường quốc tế ổn định để tập trung nguồn lực đối phó với các thách thức trong nước. Tuy nhiên, động thái của TQ trên biển Đông đã làm bất ổn an ninh khu vực và làm xói mòn nỗ lực duy trì tăng trưởng của Bắc Kinh.
Quyết đoán và gây bất ổn sẽ không giúp TQ nhận ra các mục tiêu tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội. Cách tốt nhất để vươn lên vị trí cường quốc đối với TQ là vạch ra lối đi mới, lấy quan hệ đối ngoại làm nguyên tắc chủ chốt để tiến tới hợp tác vì lợi ích chung, tôn trọng quyền chính đáng của các nước khác, giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán hòa bình. Chạy nhanh chưa chắc đã đến trước!
DUY KHANG
Thứ Hai, ngày 19/5/2014 - 04:00
Philippines ba lần vượt mặt TQ
Báo Inquirer (Philippines) đưa tin ngày 18-5, nhà phân tích an ninh Jose Antonio Custodio ở Philippines đã kêu gọi chính phủ cần chuẩn bị đối phó phản ứng từ TQ khi căng thẳng giữa hai nước gia tăng trên biển Đông.
Ông ghi nhận Philippines đã thực hiện ba cú đấm đối với TQ: 1) Quân đội Philippines vượt mặt cảnh sát biển TQ đến tiếp tế tại bãi cạn Ayungin vào ngày 29-3; 2) Philippines nộp luận chứng kiện TQ lên tòa án trọng tài quốc tế ngày 30-3; 3) Philippines bắt giữ 11 ngư dân TQ xâm phạm bãi Trăng Khuyết (biển Đông) bắt rùa biển trái phép hôm 6-5.
Ông Jose Antonio Custodio nhớ lại khi tàu của chính phủ Philippines tiếp tế cho đơn vị đồn trú tại bãi cạn Ayungin, tàu tuần duyên của TQ đã từng cảnh báo Philippines sẽ đối mặt hậu quả. Ông cho rằng hành động của Philippines đã được các đồng minh ủng hộ nhưng Bắc Kinh tức giận và đang chuẩn bị hành động.
Ông nhận định các động thái của TQ đặt giàn khoan trên vùng biển Việt Nam và xây dựng ở bãi đá ngầm Gạc Ma (quần đảo Trường Sa của Việt Nam) cho thấy Bắc Kinh đang chuyển thông điệp cho Việt Nam và Philippines rằng TQ đang kinh doanh tại khu vực này. Ông nhấn mạnh khi Manila gây sóng thì Bắc Kinh sẽ kiếm cớ tạo bão.
Ông kêu gọi chính phủ Philippines tăng cường bảo vệ ngư dân trên biển Đông và cần quyết đoán hơn trong công cuộc bảo vệ lãnh thổ, đặc biệt tại các đảo TQ đang ngắm nghía khai thác tài nguyên. Ông nhận xét thỏa thuận hợp tác quốc phòng mở rộng với Mỹ có thể giúp quản lý biển Đông, cho phép quân đội Mỹ tăng cường vào các căn cứ quân sự của Philippines.
|
No comments:
Post a Comment