Thứ Hai, 14/04/2014 06:24
(BDV.VN) - Có thể thuê chuyên gia Trung Quốc song Trung Quốc khác với các nước láng giềng khác, thuê dân bản địa phải xem xét họ làm thực chất, khách quan hay không.
Có thể là biện pháp tức thời?
Trước biện pháp Bộ Công thương đang tính đến để giải quyết vấn đề tiêu thụ nông sản gặp khó là sẽ dành kinh phí xúc tiến thương mại quốc gia để thuê các nhà tư vấn nằm tại Trung Quốc hoặc của Trung Quốc nghiên cứu để đưa ra cho Việt Nam những tư vấn phương hướng thâm nhập thị trường này, TS Lê Đăng Doanh – Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương cho biết, việc có những khâu tiếp thị ở nước ngoài như Trung Quốc là một trong những biện pháp tức thời có thể có tác dụng.
Tuy nhiên, TS Lê Đăng Doanh cũng chỉ ra, đây chỉ là biện pháp trước mắt, về lâu dài tác dụng sẽ không có nhiều. “Trung Quốc chỉ là một thị trường trong khi các thị trường khác cũng chưa ký được hợp đồng. Thêm nữa, cũng chưa biết rõ nhu cầu của Trung Quốc và quan hệ thương mại Trung Quốc đối với chúng ta trong tương lai sẽ như thế nào”, TS Lê Đăng Doanh nói.
TS Lê Đăng Doanh đề xuất, Bộ Công thương nên triển khai các biện pháp đồng bộ hơn, đặc biệt nên tạo ra mối liên kết giữa sản xuất nông nghiệp với các cơ quan tiêu thụ, các doanh nghiệp để có thể tiêu thụ hàng hóa một cách dễ dàng.
TS Lê Đăng Doanh đề xuất, Bộ Công thương nên triển khai các biện pháp đồng bộ hơn, đặc biệt nên tạo ra mối liên kết giữa sản xuất nông nghiệp với các cơ quan tiêu thụ, các doanh nghiệp để có thể tiêu thụ hàng hóa một cách dễ dàng.
Trước lo ngại về việc từ trước đến nay, thương lái Trung Quốc vào Việt Nam thu mua nhiều loại nông sản lạ, với mục đích không rõ ràng, nếu việc thuê chuyên gia Trung Quốc được thực hiện thì việc lo lắng Trung Quốc sẽ nắm đằng chuôi việc sản xuất, tiêu thụ nông sản của Việt Nam có cơ sở hay không, TS Lê Đăng Doanh nói: “Việc thương lái Trung Quốc sang Việt Nam mua nông sản như lá khoai lang, rễ cây, móng bò đã được cảnh giác, tôi không nghĩ Bộ Công thương sẽ ký kết với các loại thương lái như thế.
Xe chở dưa hấu xuất sang Trung Quốc xếp hàng tại bãi xe trước cửa khẩu Tân Thanh Lạng Sơn (Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam) |
Tôi nghĩ Bộ Công thương sẽ tìm được những doanh nghiệp tiêu thụ thực sự và đạt được những tiến bộ để tạo điều kiện cho nông dân có thể ký kết các hợp đồng giao sau để việc tiêu thụ nông sản được dễ dàng hơn”.
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Văn Nam - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại cũng cho biết, Bộ Công thương đặt vấn đề như vậy là đúng nhưng quá chậm, nếu làm được điều này sẽ không phải xuất tiểu ngạch mà xuất chính ngạch.
"Từ trước đến nay, nhà nước và doanh nghiệp Việt Nam vẫn loay hoay bán ở biên giới, đắt rẻ gì đều bán tống bán tháo đi. Các cơ quan chức năng đáng ra phải đi thâm nhập, nắm hết luật lệ quy định, hệ thống bán lẻ các loại nông sản của Trung Quốc nên Bộ Công thương đặt vấn đề như vậy là đúng nhưng quá chậm, đáng lý phải làm từ lâu rồi", PGS.TS Nguyễn Văn Nam nói.
Khó tin tưởng Trung Quốc?
Mặc dù tỏ ra đồng tình với quan điểm phải thuê chuyên gia tư vấn Trung Quốc trước yêu cầu bức thiết giải quyết bài toán đầu ra cho các sản phẩm nông sản thời gian qua song PGS.TS Nguyễn Văn Nam lưu ý rằng, để bảo đảm độ tin cậy Việt Nam cũng phải nghiên cứu chứ không dựa vào Trung Quốc hoàn toàn tức là phải có cán bộ Việt Nam am hiểu về vấn đề này, kết hợp với Trung Quốc.
"Với các nước khác dân bản địa làm sẽ tin cậy nhưng đối với Trung Quốc không tin cậy lắm, chuyên gia của Trung Quốc phải xem chuyên gia họ làm có thực chất, khách quan hay không", PGS.TS Nguyễn Văn Nam nói.
PGS.TS Nguyễn Văn Nam cho biết thêm, trình độ, thủ đoạn thương mại của thương nhân Trung Quốc cao hơn hẳn thương nhân Việt Nam một cái đầu. Việc kết hợp với chuyên gia Trung Quốc sẽ giúp Việt Nam hiểu được thông thổ, cung cách quản lý của Trung Quốc, và những việc thuộc về cơ chế, chính sách trong nội bộ Trung Quốc, Việt Nam không mày mò được sẽ nhờ chuyên gia Trung Quốc.
PGS.TS Nguyễn Văn Nam đặt câu hỏi: Thái Lan làm được tại sao Việt Nam không làm được mà cứ mon men bán ở biên giới?
PGS.TS Nguyễn Văn Nam cũng thông tin thêm, việc nghiên cứu thị trường Trung Quốc đã từng được đề cập đến khi ông làm Viện trưởng Viện nghiên cứu thương mại (Bộ Công thương), lúc ấy ông Vũ Khoan còn làm Bộ trưởng Bộ Thương mại nay là Bộ Công thương.
"Bộ trưởng Vũ Khoan đã giao Viện tìm hiểu thị trường Trung Quốc và chúng tôi bắt đầu liên lạc với 2 tỉnh Vân Nam, Quảng Tây để làm những nét chung chung, song đi sâu vào chưa ai làm và đến giờ cũng chưa có ai làm", nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu thương mại nói.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Nam, Viện nghiên cứu thương mại từ mươi năm nay đã hoạt động èo uột, thiếu kinh phí, nghiên cứu phương hướng mục tiêu chung, những vấn đề vĩ mô không đi sâu vào vấn đề cụ thể nên nếu việc nghiên cứu thị trường Trung Quốc được giao, yêu cầu Viện sẽ làm nhưng có thể sẽ chậm.
PGS.TS Nguyễn Văn Nam cũng đề xuất các Vụ Châu Á Thái Bình Dương, Cục Xúc tiến thương mại, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) có thể phối hợp cùng làm còn nếu giao cho họ nghiên cứu theo ông là không được.
Liên quan đến hoạt động của tham tán thương mại tại Trung Quốc, PGS.TS Nguyễn Văn Nam cho biết, mặc dù đơn vị này được yêu cầu tư vấn, giúp đỡ các doanh nghiệp nhưng họ chẳng làm được bao nhiêu do xa cách giữa doanh nghiệp và họ dẫn tới ít hiểu nhau. "Trong quản lý của mình còn nhiều điểm bất cập, cơ quan có nhiệm vụ phải làm nhưng họ không làm cũng không có chế tài gì", ông Nam nói.
Ngoài ra, cũng theo PGS.TS Nguyễn Văn Nam nên mời một vài doanh nghiệp, công ty xuất nhập khẩu lớn để làm rõ những việc họ cần.
"Khi nghiên cứu một thị trường từ kinh nghiệm của Nhật, Hàn khi đến thị trường Việt Nam họ làm rất tỉ mỉ, nghiên cứu sức mua, thị yếu thói quen tiêu dùng và rồi mới định hướng nhập vào Việt Nam", PGS.TS Nguyễn Văn Nam lấy dẫn chứng.
Tâm An
No comments:
Post a Comment