(GDVN) - “Ai thấy tiền cũng ham, nhưng nếu anh từ chối được một lần thì sẽ từ chối được những lần sau. Nếu anh đã lỡ nhận lần đầu thì những lần sau anh sẽ vi phạm”
Gặp ông Nguyễn Sự, Bí thư Hội An (Quảng Nam) ngoài đường chắc ít người có thể nghĩ ông là một quan chức cấp cao của tỉnh. Ông có vẻ ngoài gầy gò, khắc khổ, thường đi xe đạp và trong túi lúc nào nhiều cũng chỉ có vài trăm nghìn đồng. Trong một buổi gặp tại quán cà phê cóc ven phố Hội An, ông “tự hào” khoe với PV Tuần Vietnamnet về ngôi nhà cấp 4 mà gia đình ông mới xây. Ông nhẹ nhõm khi nói về chuyện nghèo của mình giữa sự giàu có của nhiều quan chức khác.
Ông Nguyễn Sự - Bí thư thành ủy Hội An và chiếc xe đạp quen thuộc |
Tôi luôn tâm niệm hai chữ "tri túc" - biết thế nào là đủ. Ông chia sẻ, cái này không học từ đâu cả, mà học từ chính gia đình mình. Nhà tôi nghèo, mẹ tôi mù chữ. Nhưng bà làm lụng vất vả, cố gắng cho tôi đi học, chỉ mong tôi nuôi được thân mình, chứ không phải mơ tôi làm quan chức này nọ. Cha tôi cũng có chữ nghĩa, học hành, cũng chỉ là người lao động.
Tôi thường ngẫm nghĩ khi tôi nghèo khổ, tôi ở nhà tranh, tôi không thấy mình hèn. Đến hôm nay, đồng lương cải thiện, biết tiết kiệm, tôi đã xây được cái nhà cấp 4, tôi cũng không thấy mình sang hơn. Bản thân ông Sự cũng không vì cái nhà mà trở nên to hơn. Ngay cả lúc dù cuộc sống đụng đâu thiếu đó, tôi cũng vẫn thấy mình đủ. Đó là tri túc.
Ông kể, cha mẹ ông lúc còn sống không dễ để có một bộ đồ mới, một miếng ăn ngon, nhưng đến lúc ông có điều kiện làm được điều đó, thì cha mẹ đã nằm xuống. Điều đó khiến ông Sự cứ nghĩ mãi vậy thì chuyện nhiều tiền hay không có quan trọng nữa không?
“Mẹ tôi không biết chữ, nhưng không có nghĩa bà để cho con cái hư hỏng. Cũng không phải vì chúng tôi nghèo mà hèn. Không ai tự hào mình nghèo. Nhưng chúng tôi biết thế nào là đủ. Và tôi luôn đặt chữ Tri Túc trước mặt để răn mình” – ông Tâm sự
Quan điểm của ông thì ai thấy tiền cũng ham thôi, nhưng nếu anh từ chối được một lần thì sẽ từ chối được những lần sau. Nếu anh đã lỡ nhận lần đầu tiên, thì những lần sau anh sẽ vi phạm. Mọi thứ đều do mình cả.
Với cách sống quá đỗi giản dị, mọi người đều khen ông là "quan thanh liêm" nhưng ông thì không hề thích cái từ "quan thanh liêm". Bởi ông nghĩ, Đảng đặt mình vào vị trí đó, dân đặt mình vào vị trí đó đâu phải để mình không thanh liêm, đâu phải để mình không đàng hoàng, ngay thẳng?
Theo ông, "quan không thanh liêm" mới là sự bất thường, vậy mà giờ đây chúng ta dùng từ "quan thanh liêm" để nói về một sự bất thường.
Ông cho rằng, khi nói bản thân một quan chức không giàu có, nhiều người sẽ không tin, coi đó là chuyện bất thường. Nhưng thực tế chuyện không giàu có là bình thường vì với đồng lương như thế, thu nhập như thế giàu sao được. Vậy mà chúng ta lại nhìn một quan chức không giàu có như một thằng cha trên trời rơi xuống?
Sự ngay ngắn đáng lẽ là điều bình thường giờ lại trở thành cái không bình thường trong con mắt chúng ta. Đó chính là sự "bất thường" trong tư duy của chúng ta hôm nay, kể cả báo chí cũng mắc lỗi đó.
Nếu có ai hỏi tại sao tôi làm quan mà lại ở cái nhà như thế này? Tôi chắc sẽ hỏi lại tại sao ông làm quan chức mà lại ở cái nhà to như thế kia?
Tôi chống lại sự cám dỗ một cách đơn giản: tôi nhớ một điều rằng cái gì không phải của tôi thì tôi không xài. Người ta đưa cho tôi cái phong bì dày hay mỏng không quan trọng, nhưng tôi biết số tiền trong cái phong bì đó không phải của tôi.
Quan niệm giàu nghèo của ông Sự thật đơn giản: “Tôi giàu bạn bè, giàu ân nghĩa. Tôi giàu vì khi ra đường gặp dân, họ mỉm cười với tôi, đó là giàu có. Ai đó có thể ghét mình, có thể chưa trọng mình về kiến thức, trình độ, năng lực, nhưng không khinh mình - đó là giàu”.
Đi khắp các ngõ phố, làng quê vùng ven ở Hội An, đi đến đâu hỏi người dân về ông Nguyễn Sự, ai cũng gật gù, tỏ lòng quý trọng. Người dân phố Hội vẫn thường kể cho nhau chuyện có nhà kia, thấy đông khách du lịch, định đổi hướng kinh doanh sang nghề “buôn phấn bán hương”, chẳng ngờ ông Sự biết được. Ba đêm liền, ông dẫn theo mấy anh công an văn hóa tới nhà ngồi chơi, trà nước trắng đêm, thế là khách chạy mất dép mà chủ thì cũng tiệt đường. Ông bảo: “Trị thì dễ, tha mới khó, quyền lực trong tay mình, phải chọn cách nào nhân văn nhất”.
Trong nhiều cách làm giàu, Hội An chọn cách làm giàu từ văn hóa, bởi ông Bí thư chủ trương: “Tôi nghe ở một nước nào đó, thật hay, người ta tính chỉ số hạnh phúc. Giờ Hội An đang phải chọn lựa: Tăng trưởng đồng tiền hay tăng trưởng hạnh phúc, tôi xin hứa sẽ cùng Hội An hóa giải được bài toán này”.
Nói về vị Bí thư chân quê này, Nhà văn Nguyên Ngọc ghi nhận: “Nếu không có Nguyễn Sự sẽ chẳng giữ được Hội An. Nguyễn Sự là tập trung tinh túy của người Hội An: trí tuệ, năng nổ nhưng thật bình dị, chân thật. Sở dĩ ông làm được nhiều điều cho phố cổ vì được dân thương. Quan chức ít ai giống anh, liêm khiết, thương dân, biết văn hóa bao giờ cũng mong manh, luôn lo lắng, suy nghĩ, gìn giữ, không chủ quan”.
No comments:
Post a Comment