Sunday, April 13, 2014

Bạo lực học đường: Phê phán ai?



Chủ nhật, 13/04/2014, 10:17 (GMT+7)
Thi thoảng mạng lại sôi lên theo sự kiện một clip đánh nhau của cô cậu học trò nào đó tung lên mạng. Cư dân mạng tới tấp ném đá, tới tấp xỉ vả “đám choai choai” kia lẫn nhà trường, tệ hơn là cả nền giáo dục.
Thời buổi công nghệ thông tin phủ sóng đến từng thôn bản, điện thoại thông minh đầy trong cặp các cô cậu nhỏ có khác.
Chuyện đánh nhau trong đám học trò không phải bây giờ mới có, chỉ khác là trước đây chưa có mạng mẽo gì nên không lây lan như bây giờ. Thay vì đao to búa lớn hãy nhìn nhận hiện tượng này một cách đa chiều để có thái độ và cách hành xử phù hợp, mang tính giáo dục thì vẫn hơn.
Đứng ở khía cạnh tâm lý, tuổi mới lớn có nhiều biến động mà bản thân học trò không tự lý giải và điều chỉnh được hành vi của mình. Nhìn lại các vụ đánh nhau, lột áo, thậm chí gây trọng án trong học đường mà xem, chủ yếu chỉ xảy ra ở lứa tuổi dậy thì của cấp PTTH. Ở lứa tuổi này, các cô cậu đã bắt đầu ý thức về cái tôi cá nhân, thích làm người lớn, thích kết bạn và đôi khi coi bạn bè còn quan trọng hơn cả người thân. Chúng thừa máu phiêu lưu nhưng lại thiếu kinh nghiệm sống. Ấy vậy nhưng, các cô cậu lại luôn tự cho mình là đúng ít khi nghe lời ai, kể cả bố mẹ, cứ lẵng lặng hành động theo ý mình, gây nên nhiều bất ngờ cho cả thầy cô, bố mẹ, bạn bè.
 - 1
Trường THCS Trần Lãm, TP Thái Bình (Thái Bình), nơi xảy ra vụ việc đau lòng một học sinh lớp 8 đã đánh chết bạn học cùng trường.
Giải quyết vấn đề bạo lực học đường phải đứng trên hai bình diện chủ thể và khách thể giáo dục mà tìm nguyên nhân và đề ra giải pháp thì mới triệt để được.
Từ góc độ học sinh, thiếu kỹ năng sống là nguyên nhân cốt lõi. Đứng trước những mâu thuẫn, xung đột các em chưa đủ bản lĩnh để ứng xử và thường hành động theo bản năng. Biểu hiện cụ thể là sau khi sự việc đã qua thường tỏ ra hối hận và đấy là một trải nghiệm. Những trải nghiệm kiểu như vậy thường xuyên xảy ra trong môi trường học đường. Lý do thường rất lãng xẹt, ghen ghét, tinh tướng, hỗn láo... Đã có nhiều đề tài nghiên cứu về trẻ em hư và đều coi đó là nguyên nhân chính.  Vì vậy, đừng quá nghiêm trọng khi có xung đột dẫn đến bạo lực học đường. Với học sinh cần phân biệt những xung đột bột phát vì thiếu kỹ năng sống với những học sinh cá biệt thường xuyên gây gỗ. Mà cá biệt thì không phải là số nhiều, nếu được giám sát tốt thì sẽ ít phức tạp.
 - 2
Bạo lực học đường đang là một trong những nỗi lo của giáo dục hiện nay.
Tổng hợp xếp loại hạnh kiểm học sinh từ 25 tỉnh, thành phố của Văn phòng Chủ tịch nước cho thấy có sự “suy giảm” về đạo đức trong học sinh phổ thông theo thời gian, cấp học, hạnh kiểm tốt giảm, hạnh kiểm trung bình và yếu tăng.
Cụ thể: Ở bậc THCS tỉ lệ HS xếp loại tốt đạt 70,77% nhưng lên THPT giảm xuống 65,67%; Tỷ lệ học sinh xếp loại khá bậc THCS 23,54%, THPT: 24,9%; Trung bình: THCS là 5,00%, THPT: 5,58%; Yếu: THCS là 0,69%, THPT: 3,84%.
Giải pháp hạn chế bạo lực học đường với học viên là phải tổ chức nhiều và thường xuyên các hình thức giáo dục kĩ năng sống. Cán bộ quản lý, thầy cô giáo, đội ngũ công tác xã hội học đường, đoàn thanh niên, đội thiếu niên, gia đình phải thường xuyên cung cấp cho các em hiểu biết về hành vi đạo đức và cách ứng xử khi gặp tình huống tương tự.
Từ góc độ các chủ thể giáo dục có thể thấy những nguyên nhân phổ biến như:
1. Sự mất cân đối giữa giáo dục khoa học với giáo dục văn hóa lối sống, kỹ năng sống ngay từ trong xây dựng chương trình.
Kết quả khảo sát tại 7 tỉnh, thành phố gồm: TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Bắc Giang, Hà Tĩnh, Ninh Bình với 22 trường, 43 lớp đồng thời trực tiếp lấy ý kiến khảo sát 295 giáo viên, 1.494 học sinh từ lớp 3 đến lớp 12 cho hay: 39% giáo viên coi Giáo dục công dân (GDCD) là môn phụ, 52% cho rằng môn này chưa được quan tâm đúng mức, 73% cho rằng mức lương giáo viên không đủ sống, không có chế độ đãi ngộ dành riêng cho họ. 47% cho rằng trình độ, chất lượng đội ngũ giáo viên dạy môn học này hiện chưa đảm bảo. Cá biệt, có trường ở Hà Tĩnh không có giáo viên đúng chuyên môn nên bố trí cả giáo viên Toán, Lí, Hóa, Ngoại ngữ,…dạy môn GDCD, coi đây như một nghĩa vụ “quay vòng” đối với tất cả giáo viên trong trường.
2. Chưa tổ chức tốt công tác giáo dục để nâng cao hiểu biết, rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh.
Đa số ý kiến cho rằng việc lồng ghép là cần thiết nhưng trên thực tế để lồng ghép giáo dục đạo đức vào bài giảng môn khác càng lên lớp cao càng khó khăn do khối lượng kiến thức từng môn học gia tăng và tính chuyên sâu cao hơn. 39% giáo viên cho rằng số tiết học dành cho môn học này như hiện nay là không phù hợp. Từ năm 2002 đến nay, nội dung chương trình không có gì thay đổi, không cập nhật thực tiễn. Do thời lượng giáo dục, do đội ngũ kiêm nhiệm và yếu kém nên hình thức giáo dục đạo đức, kỹ năng sống trong nhà trường còn nghèo nàn, cái đang có thì nặng về hình thức, phong trào, kém hiệu quả. Có những hình thức tốt như trao đổi nhóm thì ít nơi tổ chức.
3. Chưa huy động được sức mạnh xã hội vào công tác quản lý giáo dục học sinh (thậm chí còn tạo gương xấu khiến các em mất niềm tin, nhận thức lệch lạc).
Chúng ta thường nói phải kết hợp tay ba nhà trường, gia đình, xã hội trong giáo dục học sinh nhưng đó gần như là một khẩu hiệu đẹp là chính. Phân công trách nhiệm, cơ chế phối hợp như thế nào thì chưa rành mạch. Các tổ chức đoàn thể trong nhà trường, Hội cha mẹ học sinh, đội ngũ nhân viên công tác xã hội, tư vấn học đường chưa khẳng định được vai trò của mình trong giáo dục và quản lý.
Trong lúc đó, vấn đề nêu gương đạo đức của mỗi người cha người mẹ, người thầy đang bất nhất. Ta cứ rao giảng đạo đức, phải thế này thế kia mà chính chúng ta không làm gương thì dạy người trẻ, con cái làm sao?
4. Chưa tạo dựng được hành lang pháp lý phù hợp cho lứa tuổi học đường, chế tài chưa đủ mạnh để răn đe.
Những quy định mang tính pháp quy về hành vi ứng xử của học sinh không phải là thiếu nhưng trong khảo sát thực tế cho thấy việc hệ thống, cung cấp văn bản, tổ chức tập huấn cho thầy cô giáo để họ lồng ghép trong quá trình dạy học nhắm giáo dục học sinh là rất yếu. Nhiều thầy cô giáo không nắm được những quy định cơ bản về đạo đức và ứng xử của học sinh, chế tài xử lý khi vi phạm.
Cùng với đó, các nhà trường cần có quy chế ứng xử trong các mối quan hệ giáo viên - học sinh, học sinh - học sinh và xây dựng tổ chức chuyên trách ứng phó với bạo lực học đường để can thiệp một cách có bài bản thì mới làm cho học sinh "tâm phục, khẩu phục", tránh gây cho các em tổn thương tâm lý.
Mõ Làng

No comments:

Post a Comment