Thứ Tư, 09/04/2014 22:00
Đã định cư gần 20 năm nhưng hàng ngàn hộ dân tại quận 2 và huyện Nhà Bè, TP HCM vẫn sống trong cảnh tạm bợ, không thể sửa chữa, mua bán nhà, đất vì bị quy hoạch treo
Hàng trăm hecta đất tại quận 2 và huyện Nhà Bè đã được chính quyền giao nhiều năm nhưng chủ đầu tư vẫn không triển khai dự án. Người dân nơi đây phải sống tạm bợ, khốn khổ trên mảnh đất của mình hàng chục năm qua.
Mặc cho dân kêu
UBND TP HCM có Quyết định số 7446 ngày 12-11-2001 giao hơn 1,2 triệu m2 đất tại phường Bình Trưng Đông và Cát Lái, quận 2 cho Công ty TNHH MTV Xây dựng và Kinh doanh nhà Phú Nhuận để xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư. Thế nhưng, từ đó đến nay, đơn vị này vẫn không thực hiện và cũng không trả lời cho người dân biết lý do.
Bà Trần Thị Dân, có nhà và đất tại phường Bình Trưng Đông, cho biết: “Năm 1991, tôi mua một phần đất tại đây xây nhà và ở từ đó đến nay. Hiện căn nhà đã xập xệ, hư nát nhưng tôi không được xây mới hay sửa chữa vì bị vướng quy hoạch. Gia đình tôi đổ cát, xi măng để sửa chữa thì UBND phường cấm. Năm 2012, tôi đề nghị chính quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở nhưng UBND quận 2 trả lời đất nằm trong diện quy hoạch”. Nhiều người dân khác định cư ở nơi đây từ năm 1978, nhà cửa hư nát nhưng cũng lâm vào tình cảnh tương tự.
Người dân phường Bình Trưng Đông, quận 2, TP HCM bức xúc về việc khu đất họ đang ở bị quy hoạch treo đã lâu
Theo ông Trần Văn Thu (ngụ số 760 Nguyễn Duy Trinh, phường Bình Trưng Đông), vào đầu năm 2013, Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM đã họp với UBND quận 2 về việc quy hoạch treo đang làm khổ người dân nơi đây. Tại buổi làm việc, đại diện Công ty TNHH MTV Xây dựng và Kinh doanh nhà Phú Nhuận nêu lý do quy hoạch 1/2.000 chưa được điều chỉnh, vướng san lấp rạch, chủ đầu tư các dự án thành phần không chịu đóng tiền làm hạ tầng… nên chưa triển khai được dự án. Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết nếu chủ đầu tư không thực hiện được dự án thì sẽ báo cáo UBND TP thu hồi diện tích đất trên. Thế nhưng, từ đó đến nay, tình hình vẫn không có gì thay đổi.
Trước bức xúc của người dân, phóng viên Báo Người Lao Động đã nhiều lần liên lạc với Công ty TNHH MTV Xây dựng và Kinh doanh nhà Phú Nhuận, UBND quận 2 nhưng các đơn vị này vẫn không có câu trả lời.
Treo 20 năm
Tại huyện Nhà Bè, người dân ở xã Phước Kiển đã nhiều lần kiến nghị UBND huyện và UBND TP HCM về việc xóa quy hoạch treo để họ an tâm sống trên mảnh đất của chính mình.
Ông Hoàng Văn Công (ngụ số 25A Đào Sư Tích, xã Phước Kiển) cho biết năm 1994, người dân ở đường Đào Sư Tích được chính quyền thông báo là khu đất đang ở đã được quy hoạch nhưng không nói rõ để làm gì. Suốt từ năm 1994 đến 2004, người dân không được sang nhượng, chuyển mục đích sử dụng, làm hồ sơ để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Giữa năm 2004, UBND TP HCM ban hành quyết định thu hồi và tạm giao đất cho Công ty CP Phát triển Nam Sài Gòn để bồi thường giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng khu định cư Phước Kiển giai đoạn 2. “Sau khi có quyết định thu hồi đất, người dân được chính quyền mời lên mời xuống nhiều lần để triển khai dự án nhưng không công bố phương án bồi thường, thời gian cụ thể thu hồi đất và di dời các hộ dân” - ông Công cho biết.
Trước kiến nghị của người dân, ngày 4-11-2013, UBND TP HCM có ý kiến chỉ đạo như sau: Chấp thuận chủ trương cho Công ty CP Phát triển Nam Sài Gòn được điều chỉnh đưa ra khỏi dự án phần diện tích mặt tiền đường Đào Sư Tích. Giao các bên liên quan rà soát quy hoạch, xác định ranh giới, diện tích đất cần đưa ra khỏi dự án…, sau đó trình UBND TP xem xét điều chỉnh.
Theo ông Nguyễn Văn Trường, Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, UBND huyện đang tiếp tục làm việc với chủ đầu tư và các đơn vị có liên quan yêu cầu đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Thế nhưng đến nay, các đơn vị liên quan vẫn chưa triển khai thực hiện, làm quyền lợi của người dân bị “treo” theo.
Không công bằng
Ông Huỳnh Văn Mười (ngụ số 27E Đào Sư Tích, xã Phước Kiển) bức xúc: Quy hoạch, xóa quy hoạch là chuyện của chính quyền; còn đất đai, nhà cửa của người dân đã được pháp luật quy định mà không được mua bán, sang nhượng, không được làm giấy tờ hợp thức hóa, xây dựng, sửa chữa… là không công bằng. “Người dân sống trên đất của chính mình mà như ăn nhờ ở đậu trên đất của doanh nghiệp, chẳng có quyền lợi gì” - ông Mười nói.
Bài và ảnh: Trường Hoàng
No comments:
Post a Comment