Sunday, April 27, 2014

Obama kiềm chế Trung Quốc một bước

[USChinaHuSummit3[5].jpg]
Quan hệ Mỹ - Trung sẽ rất phức tạp trong thời gian tới
TN-Ông Obama đã đi được ba chặng trong chuyến thăm 4 nước Châu Á 8 ngày kể từ ngày 23/4/2014. Nghị trình chủ yếu là củng cố và thắt chặt hơn nữa quan hệ đồng minh chiến lược với Nhật và kiềm chế Trung Quốc một bước đã cơ bản thực hiện được.
Mỹ có lợi ích chiến lược rất lớn ở Châu Á nói chung và nhất là ở Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, nơi đây  vừa có các đồng minh quan trọng vừa có đối thủ lớn của Mỹ là Trung Quốc. Bởi vậy, các thời Tổng thống Mỹ trước đây như Clinton từng thăm Châu Á và Trung Quốc năm 1996, tiếp đó là năm 1998. Khi lên nắm quyền, Tổng thống Bush đã thăm bốn nước Châu Á năm 2005 là Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mông Cổ.
Kể từ khi Mỹ thực hiện chiến lược “Trở lại Châu Á -Thái Bình Dương” và “Tái cân bằng Châu Á”, thì Khu vực này, nhất là vùng Đông Bắc Á càng trở nên quan trọng với Mỹ. Bởi vậy, Tổng thống Obama ngay sau khi lên nắm quyền năm 2009, đã có chuyến công du 4 nước Châu Á từ 13 tới 19/11/2009 là Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Mông Cổ. Tiếp đó, ngay khi đắc cử Nhiệm kỳ thứ hai, Tổng thống Obama đã sang thăm Thái Lan, Mianma và Campuchia từ 17/11 – 20/11/2012 để chứng tỏ Mỹ thực sự là đối tác tin cậy của các nước trong khu vực.
Hầu hết các chuyến thăm Châu Á của các đời Tổng thống Mỹ thì Trung Quốc là một điểm đến quan trọng. Nhưng từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Obama hai lần thăm Châu Á mà không có Trung Quốc. Điều này cho thấy, quan hệ Mỹ - Trung thời kỳ Obama – Tập Cận Bình hiện trong bối cảnh phức tạp và chứa đựng nhiều yếu tố không thuận lợi như trước đây. Tổng thống Mỹ Barack Obama đã quyết định thăm 4 nước Châu Á 8 ngày kể từ 23/4/2014 là Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippin và Malayxia, không có Trung Quốc. Trong số 4 nước này, đối với Hàn Quốc là “chuyến thăm công tác”, còn lại là chuyến thăm chính thức nhà nước. Điều này cho thấy, chuyến thăm này diễn ra trong bối cảnh rất tế nhị.
Người phát ngôn Nhà Trắng ngày 4/4/2014 nói chuyến công du Châu Á của Tổng thống nhằm thể hiện cam kết của Mỹ với các nước trong Khu vực về các lĩnh vực ngoại giao, kinh tế và an ninh. Nhưng mục tiêu quan trọng nhất trong chuyến thăm này là lấy lại lòng tin của các nước và kiềm chế Trung Quốc đang mở rộng thế lực trong khu vực.
Mạng tin “Đa chiều” này 22/4/2014 bình luận quần đảo Senkaku (mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư” ở Đông Bắc Á và Khu vực biển Đông là “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc (core interest), bởi vì đây là hai điểm chiến lược để Trung Quốc bành trướng ra Thái Bình Dương. Bởi vậy, đụng chạm tới khu vực này là đụng chạm tới lợi ích cốt lõi của Trung Quốc.

Thời gian qua, những vấn đề nội bộ trong nước Mỹ làm Obama như “gà mắc tóc”, nên đã bị thua điểm Trung Quốc, nhất là vắng bóng trong Hội nghị thượng đỉnh APEC tháng 10/2013 ở Bali (Indonexia) và để Trung Quốc lấn lướt trong khu vực. Chính trong thời kỳ này, Trung Quốc luôn gây căng thẳng với Nhật Bản và Philippin cùng một số nước khác, nhất là tự ý lập “Khu vực nhận dạng máy bay trên không Biển Hoa Đông” (ADIZ) vào tháng 11/2013. Tiếp đó xúi bẩy Hàn Quôc gây căng thẳng với Nhật để chia rẽ đồng minh của Mỹ.
Thời gian qua, Mỹ lại bị mất điểm ở Xyri và Ucraina với Nga. Điều này làm Mỹ bị mất uy tín với đồng minh. Trong sự kiện này, Mỹ cho rằng Trung Quốc đã đứng về phía Nga như Người phát ngôn Nhà trắng Ewan Medeirois đã bày tỏ bất bình đối với Trung Quốc. Như vậy ở phía Đông thì Trung Quốc ra sức mở rộng thế lực, đẩy Nhật Bản, đồng minh của Mỹ vào thế bị động, ở phía tây ủng hộ Nga để chống Mỹ. Chính vì vậy, thời gian qua, dư luận trong nước Mỹ đã mạnh mẽ lên án Obama là “yếu đuối và thất sách” về đối ngoại. Bởi vậy, đây là cơ hội để Mỹ bày tỏ thái độ của mình. Báo chí Mỹ cho biết trước chuyến thăm Châu Á, những chuyên gia hoạch định “Chiến lược trở lại và tái cân bằng Châu Á – Thái Bình Dương” như Kurt Cambell, Thomas Donilon, James B.Steinberg, Joseph Nye... đều kiến nghị với Obama phải cứng rắn và bày tỏ lập trường rõ ràng chứ không thể mập mờ đối với Senkaku như trước đây để răn đe Trung Quốc.
Để chuẩn bị cho mục tiêu chủ yếu này, ngay đầu tháng 4/2014 Mỹ lần đầu tiên đã tổ chức Hội nghị phi chính thức Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ với Bộ trưởng quốc phòng các nước ASEAN tại Honolulu do Mỹ chủ trì. Tiếp đó, cử Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel  thăm ba nước Nhật Bản, Trung Quốc và Mông Cổ từ từ 5/4 tới 8/4/2014.
Ngày 6/4, phát biểu tại căn cứ Yokota, Hagel cam kết tăng thêm 2 tàu Khu trục đánh chặn lớp Aegis và tới năm 2017, nâng tổng số lên 7 chiếc ở Nhật Bản. Trong khi đó, tại Washington, Mỹ tổ chức cuộc gặp gỡ các đặc phái viên chuyên trách vấn đề Triều Tiên giữa ba nước Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc ngày 7/4/2014 để thảo luận vấn đề Triều Tiên và chuẩn bị cho Hội nghị lần thứ 6 Bộ trưởng quốc phòng ba nước từ 17/4 – 18/4/2014.
Đáng lưu ý là trong chuyến công du lần này, ngoài hai nước đồng minh là Nhật Bản và Hàn Quốc, thì Malayxia và Philippin là chặng tiếp theo của ông Obama, trong đó Philippin thời gian qua đã đối đầu gay gắt với Trung Quốc ở Biển Đông và cho phép Mỹ trở lại căn cứ quân sự Subic và Clark. Tại Malayxia, eo biển Malacca do Mỹ kiểm soát là con đường độc đạo thông ra Ấn Độ Dương để kiềm chế Trung Quốc.
Chuyến thăm Nhật Bản của ông Obama được dư luận chú ý nhất. Công tác chuẩn bị cho chuyến thăm được chuẩn bị chu đáo nhất và kết quả làm cho Nhật Bản rất hài lòng. Phía Nhật Bản đón tiếp Obama thịnh tình nhất, điều đáng lưu ý là trước khi Obama đặt chân tới Nhật Bản, ngày 21/4 khi trả lời báo chí Nhật Bản, ông Obama khẳng định quần đảo Senkaku (tức Điếu Ngư) nằm trong phạm vi bảo vệ của Mỹ, tiếp đó ngày 24/4, trong hội đàm với Thủ tướng Abe, Obama tiếp tục khẳng định điều trên và trong “Tuyên bố chung Mỹ - Nhật” công bố ngày 25/4/22014  hai bên lại tiếp tục tái khẳng định như trên. Đây là món quà lớn nhất mà Mỹ tặng cho Nhật Bản và là thái độ cứng rắn nhất của Mỹ đối với Trung Quốc về tranh chấp quần đảo này.
Ngày 23/4/2014, Người phát ngôn BNG Trung Quốc đã phản ứng rất mạnh mẽ về lập trường chính sách này của Mỹ. Đối với vấn đề Biển Đông, Mỹ bày tỏ ủng hộ lập trường của ASEAN là phải dựa vào luật pháp quốc tế và nhanh chóng xây dựng được  quy tắc ứng xử.
Đối với Hàn Quốc, đây chỉ là chuyến thăm “công tác”, hơn nữa Mỹ và Hàn Quốc đã có Hiệp định mậu dịch tự do chính thức có hiệu lực kể từ ngày 15/3/2012. Nên vấn đề kinh tế không nổi cộm. Ngoài ra, do vấn đề hạt nhân bán đảo Triều Tiên phức tạp mà Trung Quốc có vai trò quan trọng đối với Bắc Triều Tiên trong vấn đề an ninh, nên quan hệ Hàn – Mỹ, Hàn – Trung rất tế nhị. Vì vậy bà Park Geun Hye chỉ có thể bày tỏ thái độ thận trọng với Mỹ để tranh thủ Trung Quốc.
Về kinh tế, kim ngạch buôn bán Trung – Hàn đạt 245,6 tỉ USD năm 2012, đứng thứ 6 trong Top-10 đối tác lớn nhất, trong khi kim ngạch buôn bán Hàn – Mỹ năm qua chỉ đạt 83 tỉ USD, vì vậy Hàn Quốc không thể có thái độ cứng rắn như Nhật Bản.
Dư luận chung đều cho rằng qua chuyến thăm này Mỹ đã ghi điểm đối với Trung Quốc và thời gian tới quan hệ Mỹ - Trung sẽ rất phức tạp./.
Chủ nhật, 27/4/2014 6:45 GMT+7
Kiều Tỉnh

No comments:

Post a Comment