Tôi có cảm tưởng lăng đình miếu mộ đã bị phá nát vì sự hung hãn của những người thắng trận, vốn xuất thân từ giai cấp tiểu nông, khi giành được chính quyền đã nhân danh cách mạng để đập phá, đổi xóa những di tích văn hoá trở thành những nơi chốn gọi là phục vụ nhân dân. Ở miền Bắc cho đến gần thập niên 1990, đình chùa được phục vụ cho chỗ phơi lúa, văn phòng hay kho đụn của hợp tác xã, thậm chí phá bỏ để khuân gạch về xây trại heo cho làng xã.
Festival Huế năm 2008. (Hình: Frank Zeller/AFP/Getty Images)
Học giả Trần Văn Giáp kể lại (theo tài liệu của Ba Sàm) thì vào khoảng năm 1972, đã có một quyết định cho phá bỏ Văn Miếu Quốc Tử Giám, để lấy địa điểm xây dựng nhà máy xe đạp Thống Nhất. Học giả Trần Văn Giáp đã phải vội vã khẩn thiết can gián với Thủ Tướng Phạm Văn Ðồng, cương quyết cho rằng nếu chính phủ vẫn giữ ý định đó thì ông sẽ xin tự sát ngay tại chỗ, do đó quyết định này phải huỷ bỏ.
Sau khi chiếm Huế, chính quyền cộng sản đã dựng một đài liệt sĩ của bộ đội tại Phú Văn Lâu bằng tôn và gỗ, nhưng sau đó đã bị bọn “phản cách mạng” cho mìn nổ tan. Ðài này được xây dựng lại ngay chỗ cũ, nhưng cộng sản địa phương cho rằng địa điểm này không an toàn nếu có giới chức lớn đến dặt vòng hoa tưởng niệm nên cần xây dựng tại một nơi khác. Hai “đỉnh cao trí tuệ” của Bình Trị Thiên lúc bấy giờ là Bùi San, uỷ viên Trung Ương Ðảng CSVN, bí thư Tỉnh Ủy Bình Trị Thiên, và Trần Hoàn, tỉnh ủy viên, trưởng ty Văn Hóa Tỉnh, đã họp bàn với nhau để tìm địa điểm, cuối cùng “nhất trí’ chọn đàn Nam Giao của triều Nguyễn để xây đựng đài liệt sĩ. Những người hiểu biết tỏ ra bất bình với hành động “vô văn hoá” này nên ca dao XHCN mới có câu:
“Trần Hoàn cùng với Bùi San,
Hai thằng hợp tác phá đàn Nam Giao!”
Như chúng ta đã biết Tế Nam Giao hay tế Giao là lễ tế Trời trên đàn Nam Giao, thuộc hạng đại tế, quan trọng hàng đầu của triều Nhà Nguyễn (1802-1945) do vua đứng chủ tế, trong trường hợp vì một lý do nào đó vua không chủ tế được thì cử một quan đại thần có uy tín và đức độ thay mặt, gọi là quan Khâm Mạng Ðại Thần. Trải các triều Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Ðức và Ðồng Khánh (từ 1802 đến 1889,) việc tế Nam Giao diễn ra hàng năm vào mùa Xuân, từ năm Thành Thái thứ 2 (1890) đổi lại, ba năm mới tế một lần.
Qua các triều vua, tế Nam Giao thay đổi thời gian, vì phải chọn ngày lành, tháng tốt và nghi thức diễn ra rất long trọng. Vua và các quan tham dự đều phải chay tịnh ba ngày trước lễ tế, khi tế có lễ phục riêng. Lễ tế diễn ra lúc nửa đêm về sáng. Ðạo ngự vua đi tế Giao thì huy hoàng, đông đảo nhưng tuyệt đối giữ im lặng để bày tỏ lòng cung kính. Chỉ đến khi tế xong, vua trở về cung thì mới chiêng trống âm nhạc nổi lên, tỏ sự vui mừng đã hoành thành tốt đẹp một ngày lễ lớn của quốc gia.
Lễ Tế Nam Giao cuối cùng của triều Nguyễn do Vua Bảo Ðại chủ lễ, diễn ra lúc nửa đêm về sáng của ngày 23 Tháng Ba, 1945. Sau năm 1945, mặc dù không còn chế độ quân chủ nữa, nhưng khi làm quốc trưởng Quốc Gia Việt Nam, cựu Hoàng Ðế Bảo Ðại, vâng theo lời khuyên của mẹ là bà Từ Cung, đã tổ chức một lễ tế vào năm 1953, tại đất Hoàng Triều Cương Thổ (cao nguyên Trung phần Việt Nam,) làng Boun Trap, cách thị xã Ban Mê Thuộc 10 cây số, với lễ đàn đặc biệt bằng hàng chục con voi dàn hầu.
Sau năm 1945, đàn Nam Giao thành nơi hoang phế, hai triều đại cộng hoà miền Nam xem như đó là chuyện của một thời phong kiến đã qua. Sở dĩ từ năm 1945 đến 1975, trong thời gian chiến tranh khốc liệt, miền Nam phải lo cơm no áo ấm cho dân, những nghi thức tế lễ cổ truyền nếu làm cũng phải tốn kém, mỗi năm chỉ có nghi lễ cầu cho “quốc thái dân an,” vả lại chuyện trời đất thiêng liêng không phải trò đùa, vá víu, đem kịch sĩ đóng vai vua, nhếch nhác như ngày nay.
Từ thời “mở cửa” đến nay, cộng sản vì lợi nhuận, đã cho phục hồi tất cả đền chùa miếu mạo, lăng tẩm của chế độ phong kiến, thống trị, sơn đỏ quét vàng quê hương, áo quần loè loẹt như phường chèo, moi tìm những lễ hội xa xưa tưởng chừng đã quên lãng để làm cảnh mua vui, một là để cho dân quên nạn mất nước, hai là để chiêu dụ những ông Tây, bà đầm không hiểu gì về văn hoá Việt Nam, đến bỏ tiền mua vui.
Cộng Sản Bắc Việt, một đảng vô thần, thì không tin trời mà chẳng kiêng đất, lại miệt thị nhà Nguyễn, không bao giờ phục hồi những gì thuộc về triều đại này. Nhưng năm 2006, khi bắt đầu tổ chức Festival Huế để kiếm khách du lịch, cộng sản cho sửa sang lại đàn Nam Giao, tổ chức tế trời đất, nhưng không có vua chủ tế mà chỉ có người đóng vai vua. Tương truyền ở Huế lâu nay cho rằng, nếu không phải vua mà đứng chủ lễ tế trời, dù là quan Khâm Mệnh Ðại Thần, thì thế nào cũng gặp chuyện không may mà chết. Vì vậy quan chức cộng sản không ai dám đứng ra tế Nam Giao để câu khách, cuối cùng phải nhờ kịch sĩ đóng vai vua, do đó “Nghệ Sĩ Ưu Tú” Ngọc Bình được đề cử. Ông này cũng đã nghe chuyện “bất đắc kỳ tử,” nhưng lệnh đã ban thì phải vâng dạ, nhưng trước khi lên đàn, Ngọc Bình đưa điều kiện: “Tôi không phải vua, nếu tế Nam Giao xong mà bị chết, thì chính quyền phải nuôi vợ con tôi!”
Cuối cùng người “thế mạng” không chết, năm 2012, vào ngày 8 Tháng Tư, trong Festival Huế. Ông Trần Phùng, ủy viên Ban Thường Vụ Tỉnh Ủy , chủ tịch Ủy Ban Mặt Trận Tổ Quốc, đứng ra làm chủ tế. Và cuối cùng, năm nay, ngày 17 Tháng Tư, ông Nguyễn Ngọc Thiện, bí thư Tỉnh Uỷ Thừa Thiên-Huế, làm chủ tế Ðàn Nam Giao, cầu cho quốc thái dân an.
Theo tài liệu của nhà Nguyễn từ khi xuất cung và trong khi tế lễ, phải tuyệt đối giữ im lặng, chỉ khi tế xong, chiêng trống âm nhạc nổi lên, thì bây giờ tế Nam Giao phải có chuông lớn, khánh lớn, đánh lên, hợp với kèn trống inh ỏi. Ðây là một loại “phục hồi văn hoá cổ truyền” một cách vá víu, vô văn hoá.
Thay vì người đứng đầu nước là nhà vua chủ tế Nam Giao, Cộng Sản Việt Nam lại dùng hề thay vua, cuối cùng dùng cấp nhỏ thay vua. Mặt khác, những người chủ tế là cấp cao, mà dưới chế độ này đảng cao hơn dân, nên thay vì dùng chủ tịch UBND là người thay cho dân, lại dùng tỉnh uỷ là người đại diện cho đảng. Huế đưa ra một nhân vật “cố vấn” là ông Vĩnh Cao, nói là con cháu hoàng tộc triều Nguyễn, nhiều năm là cán bộ nghiên cứu của Trung Tâm Bảo Tồn Di Tích Cố Ðô Huế, có kiến thức trong lĩnh vực nghi lễ triều Nguyễn hiện nay ở Huế. Nếu vậy thì ông này chẳng biết gì phép tắc của cha ông ngày trước cả.
Xưa nay cộng sản đả kích triều Nguyễn không tiếc lời, xem những chế độ trước là tay sai của thực dân, lại chẳng coi trời đất ra gì, đảng thay cả trời, như Tố Hữu đã viết:
“Nghiêng đồng đổ nước ra sông,
Vắt đất ra nước, thay trời làm mưa!”
Từ khi chiếm được miền Nam, cộng sản vô thần không những biến thành hữu thần, mà còn trở thành những bộ lạc đầy mê tín dị đoan. Ở con đường Minh Mạng, quận 10, Sài Gòn, những gian hàng mộc, nơi làm trang thờ làm ăn rất phát đạt, anh cộng sản có chức có quyền nào cũng đem về nhà một bàn thờ ông Công, bàn thờ ông Ðịa hay Thần Tài để sì sụp cúng vái. Khi đeo theo bên mình chỉ có cái chén, đôi đũa, đôi dép râu... thì có gì để mất, nhưng khi có chức, có quyền, có nhà, có xe, có hầu non, bồ nhí...thì phải có Thần Tài, Thổ Ðịa hộ mạng giữ gìn.
Theo lời trối trăn của ông Hồ Chí Minh, khi chết sẽ đi tìm ông Mác, bác Lê, chứ không hề nói tìm về với tổ tiên, cội nguồn, nay con cháu bác lại kiêng trời sợ đất, nghề làm nhang đèn trở thành một nghề thịnh đạt, hôm nay rõ ràng mười mươi là đảng đang đứng ra tế trời!
Giờ đây đảng đã biết sợ trời!
Ðiềm lành của đất nước đang đến chăng?
Tạp ghi Huy Phương
No comments:
Post a Comment