Friday, April 25, 2014

“Cây gậy” chống tham nhũng

NLD-Bản án phúc thẩm trong vụ án Vinalines chưa được tuyên theo như dự kiến do HĐXX quyết định quay trở lại phần xét hỏi để làm sáng tỏ một số vấn đề còn chưa ngã ngũ sau các cuộc tranh luận gay gắt giữa đại diện bên công tố và các luật sư.

Vụ án này thu hút sự chú ý của dư luận vì nhiều lý do: Các bị cáo chính đã từng giữ chức vụ cao, tổn thất về tài sản nhà nước được cho là nghiêm trọng, có những tình tiết phức tạp, làm nảy sinh nghi vấn về sự bao che hoặc liên can của người này, người kia có vai vế trong bộ máy… Người ta tò mò muốn biết trước một vụ án có nhiều dây mơ rễ má tế nhị, những người được nhà nước, xã hội trao quyền xử lý sẽ quyết định như thế nào, nhất là trong điều kiện án sơ thẩm đã tuyên các hình phạt được cho là nghiêm khắc đối với các bị cáo.

Án tham nhũng luôn là bài toán khó, một phần vì đứng trước vành móng ngựa là những người mà mới hôm trước còn là quan chức, nắm quyền lực. Ra tòa với tư cách bị cáo nhưng quan chức vẫn có thể khiến người ta cứ phải nhớ đến hình ảnh oai phong của họ lúc đương quyền. Đặc biệt, cần phải dè chừng về thế lực của họ, về khả năng của họ trong việc sử dụng những mối quan hệ ngầm để gây sức ép đối với những người tiến hành tố tụng nhằm nhận được bản án không bất lợi cho mình.

Đã có không ít trường hợp vụ tham nhũng được phát hiện và công bố một cách rùm beng, kèm theo những tuyên bố dứt khoát cùng với những cam kết mạnh mẽ về việc làm cho ra lẽ, đến nơi đến chốn. Nhưng rồi việc xử lý chỉ được tiến hành một cách dè dặt, thận trọng và kết thúc bằng một bản án chiếu lệ. Chỉ sợ là đến một lúc nào đó, xã hội có xu hướng coi tình trạng đầu voi đuôi chuột trong việc xử lý là đặc trưng cố hữu của các vụ án tham nhũng. Người ta quen, không còn ngạc nhiên trước việc giơ cao đánh khẽ đối với các quan tham và từ đó lòng tin của người dân đối với nhà chức trách, với luật pháp cũng theo đó bị bào mòn.

Kinh nghiệm của các nước cho thấy để chống tham nhũng có hiệu quả, một trong những “cây gậy” cần thiết là có một nền tư pháp mạnh. Được gọi là “mạnh” một khi hệ thống tư pháp có khả năng hoạt động chỉ dựa vào luật pháp, cũng như dựa vào lương tâm của người được giao chức năng phán xét nhân danh công lý. Đó phải là một lương tâm trong sáng, vô tư, không bị lay chuyển bởi tác động nào khác.

Quan tòa cũng là người bình thường. Người ta chỉ yêu cầu quan tòa phải lắng nghe với thái độ không thiên vị các ý kiến tranh luận trái ngược, phải xem xét, đánh giá mọi chứng cứ để ra phán quyết một cách khách quan nhất. Tất nhiên, theo đúng nguyên tắc suy đoán vô tội đã được minh định trong Hiến pháp, các bị cáo phải được coi là không có tội cho đến khi bản án có hiệu lực pháp luật. Bởi vậy, cần coi là bình thường việc các luật sư của các bị cáo tìm mọi cách để gỡ tội hoặc ít nhất là để giảm nhẹ tội cho thân chủ tại các phiên tòa. Điều cần thiết là các luật sư, cũng như đại diện cơ quan công tố, phải thực hiện phận sự của mình một cách chuyên nghiệp: Tận tụy, tích cực, có trách nhiệm trong công việc của mình nhưng không phủ định, bài xích vai trò, công việc của người khác. Đó là những yếu tố cơ bản để xây dựng nền tư pháp mạnh.
Thứ Sáu, 25/04/2014 22:41
PGS-TS NGUYỄN NGỌC ĐIỆN

No comments:

Post a Comment