SÀI GÒN (NV) - Lần đầu tiên tại Việt Nam, các hiệp hội về nghề báo tại Sài Gòn mở cuộc hội thảo bàn về vấn đề “Người làm báo trong kỷ nguyên kỹ thuật số.”
Cuộc hội thảo này diễn ra hôm 25 tháng 4, 2014, cũng lần đầu tiên có sự tham dự của đại diện Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Sài Gòn, là ông Alex Titolo, tùy viên phụ trách văn hóa-báo chí-giáo dục của tổng lãnh sự.
Cuộc hội thảo về báo chí tại Sài Gòn. (Hình: báo Thanh Niên)
Cũng lần đầu tiên, báo Thanh Niên dẫn lời của bà giám đốc Trung Tâm Bồi Dưỡng Nghiệp Vụ Báo Chí, Ðinh Thị Thúy Hằng, dẫn ví dụ tình hình báo chí tại Hoa Kỳ, cho rằng 60% nguồn nhân lực tập trung cho báo điện tử. Bà này nói rằng, các thông tin đều được đưa lên ấn phẩm điện tử trước tiên, rồi mới đưa lên báo in sau.
Các đại diện một số cơ quan truyền thông tại Việt Nam cũng đã thảo luận về nhiều vấn đề liên quan đến hoạt động của tờ báo trong thời đại “kỷ nguyên số,” việc xây dựng tòa soạn “đa phương tiện,” sự phát triển của báo điện tử; ảnh hưởng của mạng xã hội và đạo đức của nhà báo trong thời đại Internet v.v..
Cũng lần đầu tiên, người phụ trách báo Người Lao Ðộng cho rằng bộ máy cồng kềnh của một tòa soạn hiện nay không còn thích hợp. Trái lại, theo ông tổng biên tập báo Người Lao Ðộng, Ðỗ Danh Phương, người dân ở khắp nơi có thể là nhà báo tác nghiệp tức thì, cung cấp hình ảnh, sự kiện cho các tòa soạn rất kịp thời.
Sạp báo bày bán hàng trăm tạp chí ở Sài Gòn. (Hình: Radioaustralia)
Ông này cho rằng việc tận dụng thông tin của bạn đọc, phối hợp với việc khai thác, mở rộng đề tài của một tòa soạn là phương pháp cần thiết của báo chí hoạt động trong “thời đại số.”
Cũng trong cuộc họp nói trên, theo báo Thanh Niên, một số đại diện truyền thông Việt Nam cho rằng, việc “xào nấu,” tổng hợp, sao chép lại tin tức trên báo mạng gây bất lợi cho doanh thu quảng cáo của các tờ báo. Ông Ðỗ Khắc Văn của báo Sài Gòn Giải Phóng cho rằng, hành vi trên là “đạo báo,” là vi phạm bản quyền báo chí.
Khách mời tham dự cuộc họp nói trên, ông Alex Titolo, tùy viên tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Sài Gòn cho rằng, tính chất cạnh tranh buộc các tòa soạn phải có nhiều tin bài liên quan đến địa phương của tờ báo. Trong khi đó, theo bà Ðinh thị Thúy Hằng, việc duy trì tờ báo in truyền thống là cần thiết tại Việt Nam hiện nay, và cả trong tương lai.
Tuy nhiên, theo dư luận, vấn đề chính đã không được bàn cãi và thảo luận là tính chất độc lập của nhà báo. Các ký giả, tòa soạn tờ báo ở Việt Nam vẫn bị kiểm soát gắt gao, buộc phải tự kiểm duyệt khi đưa tin bài, để tổng biên tập không bị mất chức. Dư luận cho rằng, nghề báo ở Việt Nam không phải là một nghề tự do.
Theo một số phúc trình mới nhất của tổ chức Freedom House và Reporters Without Borders, tức Ký giả không biên giới, Việt Nam được xếp gần cuối bảng về tự do báo chí trên thế giới. (PL)
No comments:
Post a Comment