Tuesday, January 14, 2014

Vẻ đẹp nhạt nhoà của Việt Nam

THỨ HAI, NGÀY 13 THÁNG 1 NĂM 2014

Việt Nam phải thực hiện một số cải cách thì mới khả dĩ hiện thực hoá được tiềm năng dài hạn của mình

Anthony Fensom | The Diplomat | 10.1.2014Người dịch: Lê Anh Hùng
Slogan “Vẻ Đẹp Bất Tận” của Việt Nam có thể thu hút du khách, nhưng sau 7 năm liền tăng trưởng dưới mức trung bình thì những hy vọng về một sự phát triển bùng nổ và bền vững đã trở nên nhạt nhoà. Liệu nền kinh tế XHCN đang tự do hoá này có lấy lại được sức quyến rũ của mình hay không?
Hôm thứ Ba vừa qua, vụ tai tiếng tham nhũng liên quan đến Tổng Cty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đã khơi thêm nhiều hàng tít tai hại cho hệ thống chính trị ở đây. Dương Chí Dũng, cựu chủ tịch Vinalines, khai trước một phiên toà ở Hà Nội rằng ông ta từng hối lộ một quan chức hàng đầu của Đảng Cộng sản hòng tránh bị bắt.
Dương Chí Dũng bị kết án tử hình vì tham nhũng hàng triệu dollar từ Vinalines, vụ tai tiếng gần như khiến doanh nghiệp này phá sản, trong khi em trai ông (cựu đại tá cảnh sát Dương Tự Trọng) thì bị kết án 18 năm tù giam vì giúp anh trai trốn khỏi Việt Nam.
Theo tuần báo TIME, việc báo chí tường thuật rộng rãi vụ scandal này có thể nhằm mục đích xoa dịu sự giận dữ của dân chúng trước tình trạng tham nhũng trong khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và hệ thống chính trị. “Nhiều người coi tham nhũng là thủ phạm khiến nền kinh tế tăng trưởng chậm chạp thời gian gần đây”, bài báo viết.
Năm 2013, GDP của Việt Nam tăng 5,4%, cao hơn so với mức 5,2% năm 2012 song vẫn thấp hơn mức bình quân 7% trong nhiều năm cũng như mục tiêu 5,5% của chính phủ.
Một quan chức chính phủ nói với báo điện tử VietNamNet rằng nền kinh tế “chưa bao giờ phát triển bền vững”, quy tình trạng suy thoái cho “những bất cân đối trên nhiều mặt của nền kinh tế, vốn đã kéo dài từ một số năm trước, cũng như tác động của cuộc khủng hoảng toàn cầu”.
Tháng 10.2013, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình phát biểu với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) rằng “hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn gặp khó khăn”, kinh tế vĩ mô vẫn “chưa ổn định một cách chắc chắn”, đồng thời kêu gọi tăng cường cải cách cơ cấu và cải thiện lưới an toàn xã hội.
Ảnh: Vietnam via Piter HaSon / Shutterstock.com
Tăng trưởng của Việt Nam chủ yếu dựa vào đầu tư nước ngoài và xuất khẩu, với tỷ lệ xuất khẩu trên GDP tăng lên đến 75% từ mức 56% năm 2009 (dữ liệu của IMF). Năm ngoái, Việt Nam thu hút gần 22 tỷ USD đầu tư nước ngoài chính thức, tăng 55% so với năm 2012, trong đó Hàn Quốc chiếm vị trí dẫn đầu năm 2012 của Nhật Bản.
Xét trên phương diện này, những bài tường thuật về vụ bạo lực của công nhân tại một nhà máy mới trị giá 2 tỷ USD của Samsung mới đây có thể gây rắc rối, với việc chính phủ đang nỗ lực thu hút các nhà đầu tư nước ngoài bằng cách giảm thuế và chi phí nhân công thấp.
Hệ thống ngân hàng gặp khó khăn
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đang có kế hoạch hoàn thành nhiệm vụ tái cấu trúc DNNN trước năm 2016, trong đó có việc sử dụng một công ty quản lý tài sản để mua nợ xấu. Chính phủ vừa mới loan báo trong tuần này là các nhà đầu tư nước ngoài sẽ được phép nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần trong các ngân hàng thương mại nhằm củng cố hệ thống ngân hàng vốn đang lao đao, với tỷ lệ nợ xấu cao nhất Đông Nam Á.
Chính phủ hy vọng nền kinh tế sẽ tăng trưởng ở mức 5,8% trong năm nay, cao hơn chút ít so với năm ngoái, nhờ lãi suất thấp và tỷ giá yếu.
Trong một bài nghiên cứu, chuyên gia kinh tế Eugenia Fabon Victorino của ngân hàng ANZ dự đoán Việt Nam sẽ tăng trưởng 5,6% trong năm 2014, “chúng tôi hy vọng đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn tiếp tục đóng góp tích cực vào tăng trưởng, đặc biệt là hoạt động chế tạo liên quan đến xuất khẩu”. FDI và chi tiêu công trong xây dựng sẽ giúp bù đắp cho nhu cầu yếu ở trong nước, cùng với việc ngân hàng trung ương rất có thể vẫn tiếp tục duy trì tỷ giá ổn định, Victorino nói.
Tiềm năng tăng trưởng mới?
Dù vậy, bất chấp tốc độ tăng trưởng kém những năm qua, theo một khảo sát mới đây của Boston Consulting Group (BCG) thì triển vọng dài hạn của Việt Nam vẫn cho thấy nhiều hứa hẹn hơn.
Theo BCG, hơn 90% người tiêu dùng Việt Nam “kỳ vọng sẽ sống tốt hơn cha mẹ mình và kỳ vọng con cái họ sẽ sống tốt hơn họ” – một mức độ lạc quan thuộc vào loại cao nhất trong số 25 nước được khảo sát.
Để so sánh, tỷ lệ này ở Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia là khoảng 70%, trong khi chỉ 9% người tiêu dùng Nhật Bản nói rằng con cái của họ sẽ có cuộc sống tốt hơn.
Với tổng dân số 150 triệu người, Việt Nam và Myanmar được BCG xác định là “tiềm năng tăng trưởng mới của Đông Nam Á”.
“Việt Nam có tầng lớp trung lưu và giàu có phát triển nhanh nhất trong khu vực. Từ năm 2012 đến 2020, lớp người tiêu dùng này sẽ tăng từ 12 triệu lên 33 triệu người”, BCG nhận định.
Trong một báo cáo vào tháng Giêng 2013, công ty PwC Economics dự báo Việt Nam sẽ gia nhập tốp 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới trước năm 2050, đưa GDP (dựa trên chỉ tiêu bình giá sức mua) lên mức 2,7 nghìn tỷ USD để chiếm vị trí thứ 19 như là một trong những chú “ngựa ô” tăng trưởng nhanh nhất ngoài nhóm G20.
Tuy nhiên, để đạt tới định mệnh hứa hẹn đó, Việt Nam cần phải dọn dẹp khu vực kinh tế nội địa của mình; theo IMF, khu vực này đang phải chịu ảnh hưởng của tình trạng năng suất thấp, các nguồn lực phân bổ sai, hệ thống ngân hàng ngập trong nợ xấu và các DNNN kém hiệu quả.
“Vấn đề lớn ở đây là nền kinh tế sẽ ra sao một khi các doanh nghiệp FDI rút lui và khi các nguồn lực trong nước cạn kiệt”, một quan chức chính phủ nói.
Trong khi đó, chính phủ Việt Nam thì vẫn hy vọng rằng chiến dịch tấn công thiện cảm (charm offensive) nhằm vào các nhà đầu tư nước ngoài của họ thực sự mang lại hiệu quả bất tận.

No comments:

Post a Comment