15/01/2014 08:34 (GMT + 7)
TT - Trên báo Tuổi Trẻ Cuối Tuần phát hành
đầu tháng 11-2003 có bài viết “Khi quan được dân thờ”, kể về ông Phan Thế Phương
(nguyên giám đốc Sở Thủy sản Thừa Thiên - Huế).
Khi ông mất, người dân vùng đầm phá Tam Giang lập miếu thờ, xem
ông là ông tổ của nghề nuôi tôm, giúp dân nghèo đổi đời.
Ngày 16-9-2003, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã ký quyết định
truy tặng danh hiệu “Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới” cho ông Phương.
Giờ đây, quay trở lại vùng đất này (xã Quảng Công, huyện Quảng
Điền, Thừa Thiên - Huế), hỏi chuyện “miếu thờ ông Phương”, một cụ cao niên giọng
phấn khởi: “Dân tui được như chừ là nhờ ông Phương. Ông dạy cho dân nuôi con
tôm, con cá. Nhà ngói, nhà lầu, con cái học hành, xóm làng no ấm cũng từ đó mà
ra. Dân tui coi ông Phương là thành hoàng nên lập đền thờ ông ngay ngoài hồ tôm.
Nay dân lại lấy tên ông đặt tên trường học, tới đây sẽ dựng bia ghi công ơn.
Thấy mát lòng mát dạ lắm...”.
Ngôi trường mang tên giám đốc sở
"Thể theo nguyện vọng của người dân, tên ông Phan Thế Phương đã
được lấy đặt tên trường. Tới đây chúng tôi sẽ dựng bia ghi công, quy hoạch xây
dựng lại miếu thờ khang trang rộng rãi, không chỉ làm chỗ hương khói tri ân mà
còn như một nơi để du khách và người dân tới lui thăm viếng"
Ông Nguyễn Đính(chủ tịch UBND xã Quảng
Công)
|
Trường THCS Phan Thế Phương có cơ ngơi khá khang trang, nằm bên quốc lộ 49B, hướng ra bờ phá Tam Giang lộng gió, là nơi học tập của 400 học sinh của xã Quảng Công.
Ngày 27-10-2013, người dân khắp vùng phá Tam Giang phấn khởi kéo
về xã Quảng Công để chứng kiến “sự kiện trọng đại” - lễ tuyên bố đặt tên và
khánh thành cổng trường, đúng dịp 22 năm ngày mất ông Phương.
Từ sáng sớm người dân và học sinh đã đứng ken kín cổng trường,
trầm trồ khen nó to đẹp; quan khách tỉnh huyện cũng tề tựu khá đông để chung vui
với dân.
Thầy Thái Duy Linh - hiệu trưởng Trường THCS Phan Thế Phương -
cho biết cổng trường vừa được xây mới to đẹp là nhờ số tiền 150 triệu đồng của
người dân tự nguyện đóng góp.
“Dân vùng này may mắn gặp ông Phan Thế Phương mà đổi đời, còn
trường chúng tôi tự hào khi được mang tên người anh hùng mà lòng dân luôn tôn
kính” - thầy Linh hồ hởi nói.
Chủ tịch UBND xã Quảng Công Nguyễn Đính nói cái tên Phan Thế
Phương đã quá gần gũi, máu thịt ân tình với người dân vùng đầm phá. Họ đã tôn
ông là thành hoàng, lập miếu thờ ông. Nay có thêm ngôi trường mang tên ông là
một lần nữa tỏ lòng tri ân, đồng thời muốn giáo dục thế hệ trẻ về sự đức độ,
tình thương, noi gương ông để góp sức xây dựng đất nước.
Ở trường này, tiểu sử và những câu chuyện cảm động về ông giám
đốc đã được giáo viên thuộc làu, rồi kể lại cho học sinh qua những buổi chào cờ,
lồng ghép vào những buổi sinh hoạt tập thể. Những học sinh xuất sắc, học sinh
nghèo vượt khó được vinh dự nhận quỹ học bổng mang tên Phan Thế Phương.
Ông Linh nói bài học vỡ lòng qua tấm gương ông Phương để giáo dục
học sinh là tình thương, trách nhiệm và ân nghĩa.
Dẫn chúng tôi đến thăm thư viện trường, thầy Linh giới thiệu:
“Chúng tôi đang xây dựng thư viện đạt chuẩn, trong đó có “bảo tàng thu nhỏ” của
ông Phương để học sinh, du khách có điều kiện hiểu rõ hơn về một ông quan hết
lòng tận tụy với dân”.
Tại phòng thư viện, ảnh của ông Phương kèm tiểu sử được treo
trang trọng ngay cửa ra vào. Tấm bằng danh hiệu Anh hùng lao động của ông Phương
mà gia đình ông trao tặng trường cũng được treo trong phòng thư viện.
Thầy Linh kể rằng ở đây người già kể cho người trẻ, cô giáo kể
cho học sinh hình ảnh một ông giám đốc sở đã trở thành vị cứu tinh của người dân
đầm phá.
Chuyện một ông quan không quản ngại khó khăn lặn lội về vùng quê
nghèo khó, mang theo khát vọng giúp người dân nghèo đổi đời đã trở thành giáo án
sinh động, là gương sáng mà thầy trò noi theo.
Dân lập miếu thờ
Nhìn cảnh quan thôn 14, xã Quảng Công bây giờ khó có thể tin đây
vốn là khu tái định cư của người dân chài, đời sống bấp bênh theo từng con nước,
chạy ăn từng bữa.
Giờ đây, thôn này mọc lên những ngôi nhà khang trang, san sát,
sầm uất như phố thị. Sự đổi đời như một giấc mơ! Ông Phạm Hóa ở thôn 14, “vua
tôm” một thời của phá Tam Giang, dẫn tôi men theo con đường đổ bêtông chạy ra
cánh đồng nuôi thủy sản của thôn để thăm ngôi miếu thờ ông Phương.
Ông Hóa nhớ lại một chiều tháng 10-1991, dân vùng đầm phá thảng
thốt khi nghe tin dữ ông Phương bị tai nạn giao thông qua đời trên đường đi công
tác. Nghe tin ông Phương mất mà dân đau đớn như mất người thân.
Hôm tiễn đưa, hàng vạn người dân chài vùng đầm phá Tam Giang đã
lặn lội từ sớm lên TP Huế để tiễn biệt ông. Chưa có đám tang của một vị lãnh đạo
cấp tỉnh nào đông người dân đến viếng như thế.
“Sau lễ tang, tụi tui đã rước hương hồn ông Phương về lập miếu
thờ, tôn ông là thành hoàng của làng, ghi nhớ công lao khai khẩn của ông” - ông
Hóa kể về sự tích miếu thờ.
Và rồi hằng năm cứ đến ngày giỗ của ông, người dân khắp vùng đầm
phá lại kéo về miếu thờ ông để thắp hương, nguyện cầu. Tấm ảnh ông Phương tại
miếu cũng được người dân vùng đầm phá in thành nhiều bản để lập bàn thờ tại các
hồ tôm, trại giống của mình.
Hướng mắt ra cánh đồng nuôi trồng thủy sản, ông Hóa kể rằng 27
năm trước ông Phương về đây giúp người dân be bờ, đắp ao lấn đầm phá, dạy cách
nuôi tôm. Ông ăn ở tại làng như “cán bộ nằm vùng”, bày cho dân cách cho tôm ăn,
theo dõi con tôm bị bệnh...
Đó là những năm tôm xuất khẩu rất được giá, và những người dân
vạn chài cứ ngỡ như đang mơ khi kiếm được mỗi năm vài trăm triệu đồng. Nhờ có
ông mà hôm nay người dân có hàng trăm hecta hồ nuôi thủy sản, vùng quê nghèo trở
nên trù phú.
“Trước đây dân chúng tôi sống bọt bèo theo sông nước, với nghề
chài lưới kiếm miếng ăn qua ngày. Trận bão năm 1985, dân đầm phá chết cả ngàn
người, hơn 300 người bị cuốn trôi ra biển không tìm thấy xác, tài sản trôi sạch,
dân đói rách. Lúc này, ông Phương về tận xã Quảng Công vận động dân lên bờ định
cư để tránh lặp lại thảm họa. Và thôn 14 ra đời với 36 hộ dân, từ đó người dân
nơi đây đổi thay như huyền thoại”- ông Hóa trầm ngâm.
Ông Phạm Việt, một “đại gia” của thôn 14, góp chuyện: “Suốt ngày
ông Phương lặn lội đến từng hồ tôm bày cho dân cách lợi dụng nước triều lên để
lấy nước, cách nuôi tôm sinh trưởng. Rồi ông vào Nam ra Bắc, mời các thầy ở Đại
học Thủy sản Nha Trang về giúp người dân Tam Giang. Ông đi khắp nơi xin tôm
giống đưa về cho bà con, còn nhờ cả kỹ sư thủy sản về “cắm” ở đồng tôm để chuyển
giao kỹ thuật. Vụ đầu chưa thành công, ông thức trắng đêm để tìm hiểu nguyên
nhân, động viên người dân, rồi làm lại. Năm 1988, 2ha tôm nuôi ở thôn 14 đã
thành công, lãi chục triệu đồng, ông Phương đến vỗ vai, ôm từng người vui mừng
muốn khóc”.
Sau thành công bước đầu, năm 1989 ông Phương tổ chức hội nghị đầu
bờ tại thôn 14, rồi triển khai việc nuôi trồng thủy sản trên quy mô lớn toàn
tỉnh.
Đến cuối năm 2013, diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh Thừa
Thiên - Huế đã lên tới 6.200ha, sản lượng đạt 9.973 tấn, hàng vạn hộ dân đầm phá
đổi đời.
Ngồi trong căn nhà hai tầng khang trang, ông Việt vẫn nhớ như in
cái cảm giác vui sướng lâng lâng của những đêm đầu tiên, không thể nào chợp mắt
được. Thôn 14 nay đã to gấp đôi, đời sống sung túc nhất xã.
NGUYÊN LINH
Ông Phan Thế Phương sinh năm 1934, quê xã Phú Dương, huyện Phú
Vang, Thừa Thiên - Huế, nguyên giám đốc Sở Thủy sản tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Ông Phương tham gia cách mạng từ sau năm 1945, là đội viên đội tự
vệ vũ trang bí mật nội thành Huế. Năm 1950 vào Đảng Cộng sản VN khi mới tròn 16
tuổi.
Ông từng giảng dạy tại khoa thủy sản Trường đại học Nông nghiệp
Hà Nội. Năm 1974, ông làm hiệu trưởng Trường trung cấp Thủy sản trung ương I
(Hải Phòng).
Năm 1977, ông chuyển về quê làm phó giám đốc Sở Thủy sản tỉnh
Bình Trị Thiên (cũ) và giám đốc sở từ năm 1979.
Sau khi tách tỉnh, từ năm 1983-1991 ông là giám đốc Sở Thủy sản
tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Tháng 10-1991, ông mất trong một tai nạn giao thông trên đường đi
công tác miền Nam tìm hướng đi cho xuất khẩu thủy sản.
Ngày 16-9-2003, Chủ tịch nước Trần Đức Lương ký quyết định truy
tặng danh hiệu Anh hùng lao động cho ông Phan Thế
Phương.
|
No comments:
Post a Comment