Tuesday, January 14, 2014

"Tố tụng kỳ cục, cáo trạng kỳ khôi, xử xong là kỳ tích"

14/01/2014 17:20 (GMT + 7)
TTO - Luật sư Nguyễn Toàn Thiện đã nói như vậy về "kỳ án trộm dê" trong buổi xét xử sáng 14-1.

Luật sư Nguyễn Anh Dũng: “Hình sự hóa vụ án dân sự. Tôi thấy rất thương tâm với tình trạng của bị cáo” - Ảnh: Nguyễn Nam
Trong phần tranh luận với đại diện Viện kiểm sát huyện Bắc Bình (Bình Thuận), các luật sư Phan Minh, Nguyễn Toàn Thiện, Lê Quang Y, Nguyễn Anh Dũng bào chữa cho bị cáo Nguyệt đã đưa ra các luận cứ bào chữa để chứng minh đàn dê 52 con và trại dê là sở hữu chung giữa bà Nguyệt, ông Trần Văn Lý (cha dượng bà Nguyệt) và Văn Thị Ỏn (mẹ ruột bà Nguyệt).
Sau đó ông Lý và bà Ỏn bán đàn dê, trại dê trên cho vợ chồng Lê Thị Kim Y-Lê Văn Thái mà không hỏi ý kiến bà Nguyệt nên bà Nguyệt đã tổ chức lùa dê đi để đảm bảo tài sản của mình. Đến khi bà Nguyệt lùa đàn dê đi thì bà Y đã báo công an bắt bà Nguyệt, giao đàn dê lại cho bà Y quản lý.
Luật sư Phan Minh dẫn chứng ông Trần Văn Lý đã khai trong biên bản lời khai của cơ quan điều tra xác định số dê của ông Lý là 24 con, được nuôi chung với đàn dê của bà Nguyệt.
Còn khi mua đất xây trại dê, ông Lý tuổi cao sức yếu nên giao việc làm trại dê cho bà Nguyệt, bà Nguyệt bỏ tiền ra làm, có phần đóng góp của ông Lý. Tại biên bản lời khai ngày 8-6-2006 (bút lục số 89), ông Lý khai: “Tôi có ý định khi bán xong tài sản thì sẽ chia cho Nguyệt theo thỏa thuận”.
“Khi chưa có thỏa thuận nào giữa ông Lý với bà Nguyệt thì toàn bộ đàn dê, nhà ở và trang trại đã được ông Lý chuyển cho vợ chồng bà Lê Thị Kim Y-ông Lê Văn Thái quản lý, sử dụng. Và từ khi xảy ra vụ án đến nay cũng chưa hề thấy ông Lý để cập gì đến việc phân chia này”, luật sư Phan Minh lập luận.
Luật sư Phan Minh nêu quan điểm việc ông Lý giao toàn bộ đàn dê và nhà ở, trang trại có phần sở hữu chung của bà Nguyệt cho vợ chồng bà Y-ông Thái mà không có sự đồng ý hoặc thỏa thuận gì của bà Nguyệt là đã trực tiếp xâm hại đến tài sản của bà Nguyệt, cần được xử lý theo pháp luật.
Luật sư Nguyễn Anh Dũng cho rằng vụ án này, các cơ quan tiến hành tố tụng đã hình sự hóa quan hệ dân sự. Khi tòa chưa tuyên án thì bị cáo chưa có tội, cần phải đảm bảo quyền được chăm sóc sức khỏe vì tại phiên tòa bị cáo liên tục kêu đau, HĐXX đã cử công an đến trạm xá khiêng bị cáo về tòa xử, rồi cho rằng bị cáo sức khỏe bình thường. “Tôi thấy rất thương tâm với tình trạng của bị cáo”, ông Dũng nói.
Phía luật sư Lê Quang Y đề nghị Viện kiểm sát huyện Bắc Bình rút lại lời buộc tội khi cho rằng bà Nguyệt chiếm đoạt tài sản lấy tiền tiêu xài, trong khi đó đây chỉ là tranh chấp dân sự.
Luật sư Nguyễn Toàn Thiện phát biểu về những bất cập trong quá trình xét xử: “Những vi phạm trong tố tụng có thể là nguyên nhân dẫn đến bức xúc cho bị cáo. HĐXX có biểu hiện không khách quan, thể hiện qua việc những lời khai có lợi cho bị cáo thì chủ tọa lờ đi, đến khi luật sư nhắc lại thì chủ tọa nói khai lúc nào. Trong khi đó những lời khai bất lợi cho bị cáo thì chủ tọa yêu cầu thư ký tòa ghi cho kỹ. Chúng tôi đến trạm xá thấy bị cáo nhập viên nhưng HĐXX cho rằng bị cáo trốn tránh rồi bắt giam bị cáo. HĐXX dựng lên chi tiết này thể hiện sự thiên vị rất rõ. Tôi cảm nhận là do vụ án diễn ra quá lâu, đến gần 10 năm, nên HĐXX muốn làm cho xong. Bị cáo có biểu hiện về thần kinh thì HĐXX cho bác sĩ đa khoa đến khám, rồi chủ tọa kiêm luôn nhiệm vụ của bác sĩ chuyên môn cho rằng bị cáo đủ sức khỏe để xét xử”.
“Luật tố tụng có hiệu lực tại Bắc Bình hay không? Nếu làm đúng thì vụ án xảy ra từ năm 2005 đã xử xong, nếu có tội bị cáo cũng đã ra tù về với gia đình rồi chứ không nằm tại tòa như bây giờ. Vụ án này tố tụng kỳ cục, cáo trạng thì kỳ khôi và nếu được xử xong thì đúng là kỳ tích”, luật sư Nguyễn Toàn Thiện gay gắt.
NGUYỄN NAM

No comments:

Post a Comment