Monday, January 13, 2014

Tiêm kích tàng hình Nhật cất cánh năm 2015

Nhật Bản đã lùi chuyến bay đầu tiên của tiêm kích thế hệ 5 tối tân Mitsubishi ATD-X Shinshin sang cuối năm 2015.
Ban đầu, chuyến bay của mẫu bay thử đầu tiên của ATD-X Shinshin được ấn định vào năm 2014, nhưng do những khó khăn phát sinh đã bị hủy bỏ.

Theo thông tin không chính thức hiện có, dự án bị chậm trễ do những khó khăn với động cơ Ishikawajima XF5-1. Việc cung cấp 2 động cơ turbine phản lực lưỡng mạch XF5-1 với lực đẩy 15.000 kgf mỗi động cơ do công ty Ishikawajima-Harima Heavy Industries đảm nhiệm.

IHI Corporation, trước đây là Ishikawajima-Harima Heavy Industries Co., Ltd. Hiện là một trong những công ty Nhật hàng đầu sản xuất tàu thủy, động cơ máy bay, các bộ tăng áp cho ô tô, máy công nghiệp, nồi hơi dành cho nhà máy điện và các thiết bị khác. Nhưng các chuyên gia của công ty này đã không thể chuẩn bị được một động cơ có khả năng hoạt động đầy đủ cho thử nghiệm.

Tiêm kích tàng hình thế hệ 5 ATD-X Shinshin

Vì nguyên nhân này, Nhật đã quyết định mua các động cơ nhập khẩu để lắp cho mẫu bay thử đầu tiên, trong khi các tiêm kích sản xuất loạt sẽ sử dụng động cơ XF5-1.

Công ty Nhật tỏ ra quan tâm nhất đến các động cơ General Electric F404, Snecma M88-2 và Volvo Aero RM12. Các động cơ này đang được sử dụng tương ứng trên các tiêm kích F/A-18 Super Hornet của Boeing (Mỹ), Rafale của Dassault (Pháp) và JAS 39 Gripen của Saab (Thụy Điển). Nhưng các máy bay này không hề được trang bị động cơ điều khiển vector lực đẩy.

Bản thân máy bay được chế tạo theo công nghệ tàng hình và sử dụng nhiều vật liệu composite. Theo đại diện Bộ Quốc phòng Nhật, bề mặt tán xạ hiệu dụng của ATD-X sẽ không lớn hơn của một con chim cỡ vừa.

Nhật phát triển ATD-X từ năm 2004, đến nay đã chế tạo được 2 mẫu chế thử tĩnh để kiểm nghiệm cấu tạo và lắp đặt thiết bị và 3 mẫu bay thử cỡ nhỏ để thử nghiệm các đặc tính khí động. Mẫu bay thử ATD-X đầu tiên bắt đầu được lắp ráp vào tháng 3/2012.

Tiêm kích tàng hình thế hệ 5 ATD-X Shinshin

Ngoài MHI, tham gia dự án còn có các công ty Fuji Heavy Industries và Kawasaki Heavy Industries. Họ phụ trách vỏ, cánh máy bay, buồng lái và trang bị buồng lái.

Chính quyền Nhật còn chưa đưa ra quyết định cuối cùng về số phận dự án. Khi hoàn thành phát triển ATD-X, tiêm kích này có thể được phê chuẩn để sản xuất loạt và sẽ thay thế các tiêm kích lạc hậu Mitsubishi F-2 (biến thể F-16 Fighting Falcon của Mỹ do Nhật sản xuất) trong biên chế.
Một phương án khác đang được xem xét là khả năng sử dụng các công nghệ thu được khi phát triển ATD-X cho các máy bay chiến đấu khác.

Nguồn: mhi.co.jp, gz.people.com.cn, MI, 8.1.2014.

No comments:

Post a Comment