Chủ nhật, 2012-12-02 00:26:12 - Nguồn: DanTri.com.vn
(Dân trí) - Chiều ngày 30/11, tại Trung tâm GDLĐXH TP Vinh (Nghệ An) tổ chức mít tinh hưởng ứng Tháng hành động phòng chống HIV/AIDS và ngày thế giới phòng chống HIV/AIDS (1/12). Theo đó, Nghệ An trong vòng 5 năm qua có gần 2.000 người tử vong vì căn bệnh thế kỷ.
Tại lễ mít tinh, cơ quan chức năng cho biết hiện trên địa bàn Nghệ An tính đến đầu tháng 8/2012 có gần 6.330 người nhiễm HIV, trong đó có hơn một nửa đã chuyển sang giai đoạn AIDS. Trong 5 năm trở lại đây,toàn tỉnh Nghệ An có gần 2.000 trường hợp đã tử vong do căn bệnh thế kỷ này. Các trường hợp nhiễm HIV được phát hiện nhiều nhất thuộc nhóm tiêm chích ma tuý (chiếm 85,67%), nhóm tuổi nhiễm HIV nhiều nhất từ 20 - 39 tuổi.
Một số địa phương có người nhiễm HIV/AIDS cao như: TP Vinh, các huyện miền núi như Quế Phong, Tương Dương, Quỳ Châu, Quỳ Hợp.... Theo báo cáo từ cơ quan chức năng, với số lượng người nhiễm HIV cao, số người chết khá lớn và Nghệ An được biết đến là tỉnh đứng thứ 6 trong tốp 10 tỉnh thành trong cả nước có người nhiễm HIV.
Riêng tại Trung tâm Giáo dục lao động xã hội thành phố Vinh, trong những năm qua đã tập trung chữa trị và phục hồi sức khỏe cho gần 800 lượt người nghiện ma túy. Trong số này, tỷ lệ người nhiễm HIV chiếm từ 15-20%.
Trong khi đó, tại Phòng khám ngoại trú Bệnh viện đa khoa Nghệ An đang điều trị thuốc kháng vi rút ARV cho 830 bệnh nhân; Phòng khám ngoại trú Bệnh viện Sản Nhi đang điều trị ARV cho 90 cháu.
Để làm tốt công tác cai nghiện, Trung tâm đã áp dụng đúng quy trình và đặc biệt chú trọng công tác chăm sóc sức khỏe cho học viên. Song song với công tác chăm sóc sức khỏe, giáo dục pháp luật, các hoạt động tuyên truyền cũng được đơn vị thực hiện tốt và xem đó là hoạt động thường xuyên. Thông qua các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, câu lạc bộ đội nhóm để lồng ghép tuyên truyền nâng nhận thức cho các học viên về tác hại của ma túy, HIV/AIDS.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng liên quan tỉnh Nghệ An cũng đã có nhiều buổi tập huấn để phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước trong công tác phòng, chống HIV/AIDS; Các kiến thức cơ bản về phòng chống HIV/AIDS; Truyền thông trực tiếp, các kỹ năng truyền thông trực tiếp; Truyền thông thay đổi hành vi phòng lây nhiễm HIV/AIDS với việc can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV, chống phân biệt đối xử với người nhiễm.
Các lớp tập huấn nhằm nâng cao năng lực truyền thông cho đội ngũ tuyên truyền viên tại cộng đồng, chuyển biến thái độ, củng cố niềm tin để thực hiện hành vi mới có lợi cho sức khỏe của người nhiễm HIV.
Nguyễn Duy
No comments:
Post a Comment