Gói mì chính cánh, búp hương trầm ... là những gì các thầy, cô được thưởng để làm quà Tết.
Đến hẹn lại… thưởng tết. Năm nay, hàng ngàn giáo viên trên khắp mọi miền đất nước không khác gì năm cũ, quà tết vẫn chỉ là “hương hoa” với gói kẹo, mì chính, chai nước mắm hay sang trọng hơn là vài trăm ngàn… Loạt bài của Lao Động còn cho thấy sự buồn tủi của giáo viên, không chỉ đơn thuần là nhìn sang các ngành nghề khác, với những con số thưởng tết từ vài chục đến vài trăm triệu đồng được công bố trên báo chí…
Không thưởng, quen rồi nên chẳng ai mong
Điểm "đừng chân" đầu tiên của Lao Động là những ngôi trường của tỉnh Nghệ An. Giáo viên ở đây không mong chờ được thưởng tết. Ước ao vô cùng đơn giản - lớn hơn cả quà tết - đó là được về ăn tết với gia đình, là học sinh không bỏ học và có được chỗ ở ổn định.
Bốn thầy, một “ngôi” lán, ai cũng nói, không mong gì thưởng tết, chỉ mong có được chỗ trú thân cho ra hồn để yên tâm giảng dạy.
Năm trước, cô em vợ tôi là giáo viên ở huyện Anh Sơn (Nghệ An) kể rằng, được trường thưởng tết một gói mì chính cánh nhỏ, có giá 30.000 đồng. Cô ấy còn nói, mấy cô bạn ở trường khác chỉ được tặng đúng một búp hương trầm giá... 5.000 đồng. Tôi nghe nhưng không tin đó là sự thật.
Nhưng hôm qua, tôi đành phải tin khi trong câu chuyện tết, cô Nguyễn Thị Tú - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Châu Đình (huyện Quỳ Hợp) - buồn bã kể: Năm ngoái, trường trích thưởng tết cho mỗi giáo viên 50.000 đồng, đủ mua một gói mì chính cánh to. Năm nay, dù quy chế chi tiêu nội bộ có quy định mức thưởng tết là 50.000 đồng, nhưng đến giờ, tết đã cận kề mà vẫn chưa có nguồn nào để thưởng cả. Chỉ là một gói mì chính để động viên các thầy - cô giáo mà chắc cũng không hy vọng có. Cô Tú ngậm ngùi: “Bao nhiêu năm như thế rồi, nhà trường thì không có nguồn, giáo viên làm gì được thưởng tết, quen rồi nên cũng chẳng ai mong”.
Gạt qua câu chuyện buồn thưởng tết, cô Tú tâm sự: Học sinh ở đây nghèo lắm, được cái đứa nào cũng ngoan, thương quá. Dù các cô không có tiền thưởng tết, nhưng ai cũng sẵn lòng đóng góp để mua áo ấm tặng các cháu có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài sân trường, một số cháu nhà ở xa, phải mang theo cơm trưa để ở lại học chiều. Đứa vội vã xúc cơm để giải quyết cơn đói, đứa đang chia cho bạn thêm tí thức ăn...
Cô Lang Thị Thủy - GV Trường Tiểu học Yên Tĩnh 1 (Tương Dương - Nghệ An): “Sau tết, học sinh không bỏ học là hạnh phúc lắm rồi”.
Tôi lặng lẽ quan sát những phần cơm mà cha mẹ các cháu dành cho con để đổi lấy chữ. Cũng may, không đứa nào phải ăn cơm độn, nhưng thức ăn thì chẳng có gì, đứa sang nhất cũng chỉ là một miếng trứng rán bé xíu, còn lại thì dưa xào, vừng lạc...
Không cầm lòng, tôi rút máy gọi anh bạn là Chủ nhiệm Quỹ từ thiện “Áo ấm Đại tướng” ở thành phố Vinh, để xin 20 chiếc áo ấm cho các cháu. Nghe tôi nói qua, anh đồng ý ngay. Các cô biết có áo ấm cho các cháu, ai nấy đều rưng rưng...
Hạnh phúc khi học sinh không bỏ học
Cũng như các đồng nghiệp nơi khác, các thầy - cô giáo ở huyện Tương Dương (Nghệ An) cũng chưa bao giờ mơ đến việc thưởng tết. "Ngày tết, lo được đủ lương cho anh em là tốt lắm rồi. Lo hơn là sau tết làm sao để học sinh có mặt đầy đủ" - thầy Trần Hưng Thái - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Nhôn Mai - nói như vậy, mà không hề nhắc gì đến chuyện thưởng tết với chúng tôi. Còn thầy Bùi Danh Vinh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Xiêng My - thì khẳng định: “Tiết kiệm lắm nhà trường mới đủ chi cho các hoạt động, còn thưởng tết ư, mơ cả đời”.
Chúng tôi từng nói với nhau, khoe chuyện thưởng tết với giáo viên, chắc có người khóc mất. Đúng như thế thật. Cô Phạm Thị Thu Hương - giáo viên ngữ văn Trường THCS bán trú Nhôn Mai - cười mà mắt rơm rớm nước, khi nói về thưởng tết: “Một gói mì chính, 5 bó lá dong và một tờ lịch treo tường (không phải lịch quyển) là quà thưởng tết của bọn em đó. Với giáo viên ở nơi khỉ ho cò gáy này, có bao giờ chúng em mơ đến thưởng tết đâu. Được về sum vầy với gia đình là hạnh phúc lắm rồi".
Lời cô Hương đã được chính Phó Hiệu trưởng nhà trường - thầy Nguyễn Mạnh Hùng - xác nhận: "Nhà trường, ngoài các khoản chi tiêu theo quy định, thì không còn khoản tiền nào hết, nên chuyện thưởng tết cho giáo viên là chuyện không bao giờ có, vì lấy tiền mô mà thưởng. Chính bản thân tôi, hơn ba mươi năm gắn bó với đất Tương Dương này, nhưng chưa bao giờ có tiền thưởng tết, có chăng là bao thuốc lá, tờ lịch treo tường, gói mì chính do công đoàn nhà trường biếu thầy cô cho vui thôi". Thầy Nguyễn Đình Mậu - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mai Sơn - thì thở dài: "Nhà giáo miền núi chỉ mong sao, sau tết học sinh đi học đông đủ và chuyên cần là hạnh phúc lắm rồi".
Điều kiện có khá hơn các trường vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, nhưng ở tất cả các trường dọc tuyến quốc lộ 7A cũng chẳng khá hơn. Cô Nguyễn Thị Nam - Hiệu trưởng Trường THCS Xá Lượng (huyện Tương Dương) - cho biết: “Nhà trường còn đang trong lộ trình xây dựng trường chuẩn quốc gia, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học còn thiếu, tiết kiệm được đồng nào là lo mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy và học, nên quà tết của giáo viên phải suy trước tính sau, chắc cũng chỉ 50.000 đồng gọi là vậy thôi. Những thầy cô đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua, giáo viên dạy giỏi các cấp thì nhỉnh hơn một chút”. Cô Nam cho biết thêm, dù các thầy cô không có quà tết, nhưng học sinh nghèo, học sinh giỏi thì nhà trường vẫn có quà tặng các em, mỗi suất từ 100.000 đến 150.000 đồng. Đó là tấm lòng của các thầy - cô giáo, mỗi tháng trích tiền lương đóng vào quỹ khuyến học của nhà trường.
Chỉ cần chỗ ở
Về Trường THCS Hương Tiến (Ngọc Lâm, Thanh Chương, Nghệ An), các thầy - cô giáo lại mang nặng tâm tư về một chỗ trú thân. Ai cũng bảo, không nghĩ và cũng không mong gì chuyện thưởng tết, chỉ mong sao có một chỗ trú thân cho ra hồn, để yên tâm dạy dỗ là tốt lắm rồi. Trường THCS Hương Tiến thuộc địa bàn mấy xã tái định cư thủy điện Bản Vẽ. Các thầy - cô giáo ở đây phần lớn là người từ các huyện khác đến công tác. Không có nhà ở nội trú, nhà dân cũng không có để thuê, một số thầy đã phải dựng lán trại ngay trong khuôn viên của trường để ở tạm. Bốn thầy với một “ngôi” lán, vừa là nơi sinh hoạt, vừa là nơi nghiên cứu, soạn giáo án cho mỗi giờ lên lớp.
Cảnh sống cực khổ của giáo viên vùng cao không có mấy đổi thay những ngày cận Tết.
Các thầy đã nhất trí cao, bầu thầy Bùi Thái Kỳ làm “trại trưởng”. Trại trưởng có nhiệm vụ phân công trực nhật, nấu ăn cũng như quán xuyến mọi hoạt động khác của trại. Hôm chúng tôi có mặt, các thầy cũng vừa xong bữa dạy, đang chuẩn bị cho bữa cơm trưa. Vừa “gương mẫu” nhặt rau làm cơm, thầy Kỳ “trại trưởng” vừa tâm sự: “Lo nhất là khi mưa gió, khổ không hết chỗ nói, trong nhà cũng như ngoài trời. Anh em chúng tôi chỉ mong sao có được chỗ trú thân cho nó tử tế chút thôi, không mong chi thưởng tết đâu”.
Không thuộc diện được ở nội trú, vợ chồng cô Mai Thị Hường là 1 trong 5 thầy cô của trường buộc phải thuê trọ nhà dân để ở. Gia đình cô chuyển về công tác tại Trường THCS Hương Tiến đã 3 năm và cũng chừng ấy thời gian phải thuê trọ. Cô Hường tâm sự: 2 năm trước nhà tôi ở nơi khác, năm học này mới chuyển đến thuê ở gần trường vì con còn nhỏ. Giá mà nhà trường có đủ phòng nội trú thì tốt biết mấy...
7 giáo viên ở Trường THCS Hiến Sơn (huyện Đô Lương) cũng có những tâm sự rất buồn về chỗ ở. Họ là những giáo viên thuộc diện luân chuyển, nhà cách trường từ 15 - 20km, ở lại trường thì không có nhà nội trú, về thì không thể mỗi ngày vượt mấy chục kilômét. Cô Nguyễn Thị Loan cho biết, chồng cô là bộ đội ở xa, con còn nhỏ, sáng chưa rõ mặt người đã phải chở con đến trường, chiều dạy xong, vượt 15km, không còn nhìn rõ bàn tay mới đón được con. “Thật không ổn cho sức khỏe của mẹ, lại càng không ổn cho sức khỏe và việc học hành của con. Ở lại thì trường không có phòng nội trú, ngay cả nhà dân cũng không có mà thuê, thế là mỗi ngày lại phải vượt những 30km đi, về” - cô Loan nói trong tiếng thở dài.
Thầy Đinh Văn Mão - Hiệu trưởng Trường THCS Hương Tiến - cười buồn: “Nhà trường chúng tôi có nguồn thu gì đâu, các thầy đã nghèo, nhưng trường vẫn động viên các thầy - cô giáo ủng hộ chương trình “Tết vì học trò nghèo” để giúp các em có được cái tết vui vẻ. Năm ngoái mỗi cán bộ giáo viên được thưởng một cuốn lịch và một gói kẹo để động viên nhau ngày tết vậy thôi. Còn năm nay thì chưa nhìn ra nguồn nào cả...”.
No comments:
Post a Comment