TP - Chục năm nuôi cá tra với năng suất mỗi héc-ta một vụ tới 500 tấn, con cá tra đã đưa Giám đốc Hợp tác xã Nguyễn Ngọc Hải đi mười mấy nước vậy mà nay ông nói: “Khó quá”.
Hợp tác xã hồi nào có 30 ha, nay còn 10 ha nhưng cũng “không biết cầm cự được bao lâu nữa”.
Những người đòi nợ cá tra ở Sohafood ngày 26/10/2013. ẢNH: SÁU NGHỆ. |
Do mấy năm qua, giá bán thấp, người nuôi còn bị doanh nghiệp chế biến chiếm dụng vốn. “Nhiều người nuôi cá đã mất vốn mà làm nông nghiệp mất vốn thì nông nghiệp kiểu gì?”, ông Hải thảng thốt. Chính vì câu hỏi của ông, Thống đốc Bình về đây để xem xét vốn tín dụng cho cá tra nhằm tháo gỡ khó khăn giúp nông dân, nhưng câu trả lời đến nay vẫn còn đâu đó.
Ông Nguyễn Ngọc Hải chỉ tay theo bờ sông Hậu mênh mông nói rằng, chừng 8 cây số đoạn này có những điều kiện nuôi cá tra tốt nhất ĐBSCL, lại hiểu thêm nỗi day dứt của ông. Giọng ông như thầm thì: “Có người chê nông dân chúng tôi nhỏ lẻ mà không biết tập trung lại, nhưng đã ai quy hoạch vùng nuôi cá tra chưa, hay cứ lo quy hoạch khu công nghiệp để bỏ hoang; bán rẻ sức sáng tạo của nông dân và còn gây nợ cho nông dân?”.
|
Anh Sang khá mềm mỏng, trò chuyện còn mỉm cười chứ chị vợ xinh đẹp thì không giấu được tức giận, thỉnh thoảng nặng lời. Cả ĐBSCL có 43 người bán cá cho Sohafood, bị nợ kéo dài 55 tỷ đồng. Nợ nhiều như ông Lê Hạ Huy ở tỉnh Đồng Tháp 7 tỷ, Huỳnh Quang Khấp ở tỉnh An Giang 6 tỷ. Cá bán đã không có lời, còn bị nợ kéo dài phải trả lãi ngân hàng là mất vốn, không khéo mất cả ao như ông Hồ Văn Nghĩa ở phường Thuận An (Thốt Nốt, Cần Thơ).
Ông Nghĩa bán cá cho Cty Cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Ngư ở tỉnh An Giang từ ba năm trước, bị nợ 3,1 tỷ đồng đến nay, tòa tuyên án cũng không lấy được, ao nuôi đã phải cấn nợ cho đại lý thức ăn thủy sản.
Ngày càng lộ rõ cái chuỗi giá trị cá tra quá dài. Con cá tra mau lớn, thịt ngon, đặc biệt hai miếng phi-lê không có xương, được cả thế giới ưa chuộng là trời cho nước ta. Còn tổ chức chuỗi giá trị sản phẩm là ở con người, công tác quản lý.
Tổng cục Thủy sản nhận xét “hỗn loạn giá xuất khẩu”, xuất vào thị trường Mỹ chỉ vài chục doanh nghiệp mà giá của doanh nghiệp này 6,82 USD/kg, doanh nghiệp nọ 1,21 USD/kg. Hơn 160 doanh nghiệp xuất đi 136 thị trường, nếu thống kê sẽ còn thấy “giá hỗn loạn” cỡ nào.
Doanh nghiệp nước ta không am hiểu thị trường, kinh doanh buôn chuyến phải qua nhiều trung gian. Khi nông dân ráo riết đòi nợ Sohafood, còn lộ ra ở đầu vào chế biến cũng “mua bán lòng vòng” qua nhiều trung gian.
ĐỘC QUYỀN CHƯA THÀNH LỢI THẾ
Năm 2011, kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt đỉnh 1,8 tỷ USD. Nhiều doanh nghiệp chế biến đặt chỉ tiêu nâng cao tỷ lệ sản phẩm giá trị gia tăng. Nhưng chuyên môn hóa cao, phân công lao động cao thì trao đổi hàng hóa cũng phức tạp, dịch vụ giao dịch thị trường phải phát triển tương xứng mới có hiệu quả.
Các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu chỉ tập trung đầu tư nhà máy, thiếu chú trọng đầu tư cho dịch vụ thị trường, kết quả năm 2013, tỷ lệ sản phẩm giá trị gia tăng tuột xuống rất thấp. Nhiều doanh nghiệp còn xuất nguyên con cá tra, chỉ rửa sạch rồi đông lạnh cả đầu đuôi, nội tạng.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, ông Hồ Văn Vàng, nêu câu hỏi, sản phẩm cá tra chiếm đến 97% thị trường thế giới, độc quyền mà không bảo vệ được, để rơi vào vòng xoáy suy thoái kéo dài thì nước ta còn biết hy vọng vào nông sản nào? Trong lúc, cá tra vẫn xếp thứ 6 trong danh sách 10 loài thủy sản tiêu thụ nhiều nhất ở Mỹ (công bố của Hiệp hội Thủy sản Mỹ cuối năm 2013).
Câu hỏi của ông Vàng gợi lên suy nghĩ, đã qua rồi cái thời kỳ để nông dân được tự do làm ăn là có tăng trưởng, rồi quản lý vỗ tay theo và báo cáo thành tích. Nay muốn tăng trưởng thì quản lý cũng phải tạo ra giá trị gia tăng. Giá trị con cá tra được nâng lên nhờ công nghệ chế biến. Nhưng giá trị thương hiệu cá tra Việt Nam để nâng lên thành lợi thế của đất nước thì còn cần đến việc khai thác có hiệu quả một loại tài nguyên đặc biệt, đó là chính sách quản lý thông minh.
Duy Tương
No comments:
Post a Comment